Sự hình thành và phát triển của Đô thị thương cảng Hội An trong bối cảnh sự phát triển của hàng hải thế giới và thương nghiệp quốc tế ở Đông Nam Á trong các thế kỷ XVI - XVII

Thứ năm - 25/06/2015 21:52
Trước khi người Việt có mặt ở Hội An thì đã có Cù Lao Chàm và Cửa Đại Chiêm - sách xưa gọi là Đại Chiêm môn hay Đại Chiêm hải khấu, người Việt gọi vắn tắt là Cửa Đại - cửa ngỏ miền Amaravati của Vương quốc Champa, không xa đất thánh Mỹ Sơn và các kinh đô Sinhapura (Trà Kiệu) và Indrapura (Đồng Dương). Dấu vết của người Chàm để lại ở vùng Hội An là những ngôi miếu Bà Lồi, miếu Bà Dàng và nhiều pho tượng hiện bày tại Viện Bảo tàng nghệ thuật điêu khắc Chàm ở thành phố Đà Nẵng.
          Năm 1471, sau chiến công của Lê Thánh Tôn, dãi đất từ cửa Hàn đến đèo Cù Mông trở thành trấn Quảng Nam. Người Việt có mặt ở vùng Hội An từ đó và cái tên cổ nhất để chỉ vùng này là xứ Hổ Bi, theo lời các cụ già trong dân gian.

          Một cái tên cổ khác của vùng Hội An là Hải Phố. Địa danh này xuất hiện lần đầu tiên trên bản đồ Đại Việt do A. De Rhodes công bố năm 1653 trong cuốn “Những cuộc hành trình và truyền giáo tại Trung Quốc và những Vương quốc khác ở phương Đông” và từ địa danh Hải Phố người phương Tây đã dễ dàng đọc trại ra là Fay Fo hay Faifo, Faifoo.

          Về sau trong tiếng Việt, địa danh Hải Phố dần dần ít thông dụng, nhường chỗ cho địa danh Hội An, tên gọi của một trong sáu xã: Hội An, Minh Hương, Cẩm Phô, An Thọ, Phong Niên và Hoa Phố lập thành đô thị Hội An. Nhưng đối với người nước ngoài thì Hội An vẫn cứ được gọi là Faifo cho đến trước cách mạng thánh Tám. Gần đây giới nghiên cứu chú ý đến một giả thuyết của nhà sử học địa phương Nguyễn Bội Liên cho rằng Hải Phố xưa là một địa điểm nằm ở ven biển phía Nam Cửa Đại ngày nay(1).

          Nhiều đồng chí trong chúng ta quan tâm đến vấn đề sự hình thành và phát triển của Hội An trong lịch sử. Tìm hiểu vấn đề này rất có ích cho Hội An đang phục hưng và đang đi lên chủ nghĩa xã hội cùng với Quảng Nam - Đà Nẵng và cả nước.

          Nghiên cứu Hội An trên thực địa và qua sử liệu, nhà sử học Đỗ Bang có đưa ra một nhận định khái quát là Hội An đã “được hình thành và phát triển do xu thế phát triển khách quan của lịch sử, điều kiện giao thông, hàng hóa, thương nhân... thuận lợi ngay từ ban đầu”(2).

          Chúng tôi cho rằng bên cạnh những lý do hình thành và phát triển của Hội An liên quan đến thực tế lịch sử dân tộc như:

          - Sự giàu có nổi tiếng của vùng đất Quảng Nam.

          - Sự phát triển của kinh tế nông nghiệp và công thương nghiệp thời các Chúa Nguyễn ở Đàng Trong.

          - Chính sách ngoại kiều và ngoại thương cởi mở, khôn khéo của các Chúa Nguyễn.

          - Sự ra đời của di trấn Thanh Chiêm gần Hội An đầu thế kỷ XVII đưa đến sự kết hợp hỗ tương giữa thành và thị v.v... còn có những lý do sâu xa liên quan đến thực tế lịch sử thế giới và lịch sử khu vực Đông Nam Á đã góp phần quyết định vào sự hình thành và phát triển đô thị - thương cảng Hội An ở các thế kỷ XVI, XVII, XVIII, làm cho tầm quan trọng của Hội An vượt ra ngoài biên giới quốc gia.

          Chúng tôi cho rằng cần tìm hiểu sự ra đời và lớn lên của Hội An trong bối cảnh sự phát triển của hàng hải thế giới và của thương nghiệp quốc tế ở khu vực Đông Nam Á thời trung, cận đại.

          Sau đây xin nêu ra ba khía cạnh của vấn đề:

          1. Sự phát triển của hàng hải thế giới và sự có mặt khá sớm của người Bồ Đào Nha tại Hội An vào nửa đầu thế kỷ XVI.

          2. Từ sự xuất hiện của thương nhân Trung Quốc thời Minh giữa thế kỷ XVI đến sự xuất hiện của kiều dân Minh Hương giữa thế kỷ XVII tại Hội An.

          3. Sự có mặt của thương nhân Nhật Bản tại Hội An và sự phát triển của thương nghiệp quốc tế ở Đông Nam Á cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII.
 
          I/ Sự phát triển của hàng hải thế giới và sự xuất hiện khá sớm của người Bồ Đào Nha tại Hội An vào nửa đầu thể kỷ XVI:

        Thế kỷ XV là lúc bắt đầu thời kỳ Phục Hưng ở Châu Âu. Những tiến bộ khoa học và kỹ thuật lớn lao (thiên văn học, bản đồ học, khoa học/kỹ thuật đóng tàu buồm Caravelle), cọng với tinh thần phiêu lưu mạo hiểm, sự khao khát tìm vàng và những hóa vật quý hiếm ở Châu Phi, Châu Mỹ, Châu á đã thúc đẩy các nhà hàng hải phương Tây đi phát hiện những vùng đất mới, những lục địa mới và thiết lập những đế chế thuộc địa.

          Vào khoảng cuối thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI, nước Đại Việt đã ở trên con đường phát triển của hàng hải Châu Âu đang đi tìm phát hiện và chiếm lĩnh thị trường Châu Á. Dẫn đầu cuộc chạy đua này là người Bồ Đào Nha.

          Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản thương mại bắt buộc người phương Tây nắm lấy “con đường gia vị” ở phương Đông. Sau người Bồ, người Hà Lan, người Anh, người Pháp... đều tìm thấy ở Đại Việt một chặng dừng chân thuận lợi giữa con đường dẫn từ Ấn Độ sang Trung Quốc.

          Năm 1498, nhà hàng hải người Bồ Vasco De Gama vượt qua mũi Hảo Vọng, đến Aden (giữa bờ biển Arabie và xứ Somalie) rồi đổ bộ lên Calicut (thuộc bang Kerala của Ấn Độ ngày nay). Nhà hàng hải người Bồ, đô đốc Albuquerque, chiếm Goa của Ấn Độ năm 1510 và chiếm Malacca (thuộc Malaysia ngày nay) năm 1511, làm cho người Bồ có đất đứng vững vàng tại vùng Đông Nam Á. Cũng vào năm 1511, Albuquerque gửi một sứ bộ sang Siem và ba năm sau, những tàu đầu tiên của Bồ đã cập bến tại Quảng Đông của Trung Quốc. Từ đó trở đi, tàu phương Tây chở lái buôn và giáo sĩ tha hồ đến làm ăn ở miền Đông Á.

          Không bao lâu khi đặt chân lên Quảng Đông, các nhà hàng hải người Bồ đã đến Đại Việt trong nhiều đợt liên tiếp.

          Năm 1516, Fernand Perez, năm 1524 Duarte Coelho bắt đầu khảo sát một số vùng biển của Đại Việt. Năm 1535, Antonio De Faria cho tàu tiến vào vịnh Hàn rồi chú ý ngay đến vị trí ưu tú của vùng biển Cửa Đại. De Faria là người đầu tiên nói đến Fay Fo của xứ Cauchichina(3).

          Dựa trên những chỉ dẫn của De Faria, lái buôn người Bồ bắt đầu đến buôn bán ở Hội An từ 1540.

          Năm 1546, nhà thơ lớn người Bồ Luis Camoens cũng đã đi qua vùng biển Đại Việt, đã bị đắm tàu ở cửa sông Cửu Long và sau này trong tác phẩm Les Lusiades nổi tiếng, ông đã nhắc đến xứ Champa, xứ Chân Lạp cùng xứ Cauchichina.

          Từ năm 1557, người Bồ đã đặt thương điếm ở Macao (gần HongKong). Xuất phát từ Macao, tàu buôn Bồ theo gió mùa ra đi vào tháng Chạp, tháng Giêng dương lịch và trở về Macao vào tháng 9.

          Bắt đầu từ đầu thế kỷ XVII, người Bồ và người Hà Lan cạnh tranh với nhau mạnh mẽ. Bất chấp mọi thủ đoạn của người Bồ, Chúa Nguyễn vẫn chấp thuận cho tàu Hà Lan đến buôn bán ở Hội An trong những năm 1633 - 1654. Tàu của người Anh cũng xuất hiện tại Hội An, lần đầu tiên là vào năm 1613.

          Bám sát các lái buôn, các giáo sĩ phương Tây đến Đàng Trong sớm nhất là những giáo sĩ người Bồ và người ý. Giáo sĩ Carvalho và Busomi cập bến Đà Nẵng tháng Giêng 1615, sau đó họ đến Hội An thành lập giáo xứ đầu tiên của Đàng Trong. Năm 1618, giáo sĩ người Ý. Cristoforo Borri đến Hội An và là người đầu tiên viết một cuốn tường thuật tỉ mỉ về xứ Đàng Trong được xuất bản tại Roma năm 1631. Đây là một trong những sử liệu phong phú nhất về Đàng Trong và Hội An đầu thế kỷ XVII (4).

          Sau C. Borri đến lượt Alexandre de Rhodes, giáo sĩ người Pháp đến Hội An năm 1624 và sẽ bị trục xuất khỏi Hội An năm 1645. De Rhodes đã viết “lịch sử Vương quốc xứ Đàng Ngoài” và “những cuộc hành trình và truyền giáo”... xuất bản tại Pháp năm 1651 và 1653 cũng là những sử liệu rất phong phú và cụ thể về Hội An và Đàng Trong ở nửa đầu thế kỷ XVII(5). Sự có mặt của De Rhodes và của nhiều giáo sĩ khác tại Hội An là một trong những nhân tố quan trọng đã có ảnh hưởng quyết định đến sự ra đời của chữ quốc ngữ ở đầu thế kỷ XVII. Thương cảng Hội An, từ chỗ là một trung tâm kinh tế, cũng đã trở thành một trung tâm giao lưu văn hóa Đông - Tây.
 
          II/ Từ sự có mặt của thương nhân Trung Quốc thời Minh giữa thế kỷ XVI đến sự xuất hiện của kiều dân Minh Hương giữa thế kỷ XVII tại Hội An:

          Minh sử của Trung Quốc cho biết từ năm Hồng Vũ thứ tư (1371), Minh Thái Tổ đã ra chiếu chỉ nghiêm cấm nhân dân miền duyên hải Trung Quốc không được xuất ngoại. Từ đó đến giữa thế kỷ XVI, trải qua một thời gian hai trăm năm, triều đình nhà Minh thi hành chính sách bế môn tỏa cảng, gọi là “một tấc gỗ cũng không cho ra hải ngoại” (thốn bản bất hạ hải). Nhưng đến Long Khánh nguyên niên (1567), Minh Mục Tông ra lệnh mở “hải cấm” và cho phép thường dân xuất dương buôn bán. Điều đáng chú ý là lệnh này chỉ áp dụng cho hàng hải và buôn bán giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á mà thôi, còn sự vượt biển sang Nhật Bản và việc xuất khẩu những hóa vật có tính chất quân sự như quặng sắt, đồng, diêm sinh v.v... thì vẫn tiếp tục bị nghiêm cấm.

          Từ sau 1567, thương nhân Trung Quốc bắt đầu đến Hội An.

          Theo những nghiên cứu của GS. Chen Ching Ho thì thương nhân Trung Quốc ở Hội An chia làm hai loại khác nhau. Loại thứ nhất là những thương khách vì gió mùa không thuận hoặc do dịch vụ buôn bán kéo dài không kịp về nước theo gió mùa tháng 7, tháng 8 nên đành chịu ở lại cho hết năm để chờ kỳ gió sang năm mới về phương Bắc. Đó là những người vì “áp đông” hay “lưu đông” mà phải ở lại Hội An.

          Sự việc này đã được nhà sử học Trịnh Hoài Đức xác nhận trong cuốn “Gia Định thông chí”: “Đến mùa xuân, nhờ thuận gió Đông - Bắc, tất cả các thuyền Trung Quốc mới tới phương Nam (Hội An hay Gia Định) được, lại đến mùa hè nhờ gió nồm họ mới trở về phương Bắc. Nếu chờ có gió thu kéo dài từ mùa thu đến mùa đông mà không về thì ở lại, gọi là (lưu đông) hay (áp đông)”.

          Loại thương nhân thứ hai, khác với loại trên, tự nguyện xin cư trú lâu dài hay vĩnh viễn. Loại này phần đông là thủ quỹ hay mại biện của chủ thuyền, hoặc đại diện cho công ty buôn bán, một mặt ở lại Hội An để bán cho hết các thứ hàng hóa do thuyền mình để lại, một mặt mua sẵn các thứ thổ sản của Quảng Nam và của Đàng Trong như tơ lụa, hương kỳ nam, đường, tiêu, yến, vây cá, tô mộc v.v... để cho thuyền của công ty mình mùa xuân sau khi trở về đây sẽ có đủ hàng hóa để chở về phương Bắc(6).

          Đối với hai loại thương nhân ngoại kiều như thế, Chúa Nguyễn căn cứ vào chính sách khuyến khích ngoại thương để làm giàu cho Đàng Trong, không những không phản đối sự ở lại của họ mà còn cho phép các kiều dân Trung Quốc, Nhật Bản lựa chọn một địa điểm thích hợp để lập phố buôn bán và cư trú lâu dài.

          Như Cristoforo Borri vào đầu thế kỷ XVII đã ghi nhận: “Người Trung Quốc và người Nhật Bản là những thương khách chủ yếu trong một hội chợ năm nào cũng mở tại một hải cảng của xứ Đàng Trong và kéo dài chừng 4 tháng (...). Người Trung Quốc đi thuyền buồm đến chở theo rất nhiều hàng tơ lụa đẹp và các đặc sản khác của nước họ. Do hội chợ này Quốc Vương xứ Đàng Trong thu được một số tiền thuế rất quan trọng mà toàn xứ cũng được hưởng nhiều lợi ích”(7).

          Và “vì muốn cho tiện việc họp hội chợ, Vua xứ Đàng Trong cho phép người Trung Quốc và người Nhật Bản lựa chọn một nơi thích hợp để xây phố thị. Phố thị này gọi là Faifo. Vì nơi đó rất rộng rãi nên ta có thể nhận ra hai khu phố. Một là phố Khách, hai là phố Nhật. Các phố này đặt riêng thủ lĩnh và y theo phong tục tập quán riêng mà sinh sống”(8).

          Chúng ta chưa biết chính xác Vua xứ Đàng Trong mà Borri nhắc đến trong đoạn văn trên đây là Chúa Nguyễn Hoàng (1558 - 1613) hay Chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613 - 1636), nhưng có điều chắc chắn là phố Khách và phố Nhật đã tồn tại từ trước năm 1618 (năm mà Borri đến Hội An). Lẽ di nhiên, hai phố này đã trở thành trung tâm của đô thị thương cảng Hội An.

          Theo sử liệu Trung Quốc thời đó, kiều dân phố Khách xưng là “thuộc Đại Minh” và phố Khách ở cuối thế kỷ XVII cũng còn có tên là Đại Đường nhai, bên cạnh phố Nhật được gọi là Nhật Bản nhai. Tất cả những kiều dân này hồi cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII đều là thương khách người Minh chứ không phải là di thần nhà Minh hoặc nạn dân Minh Hương. Chúng ta, có thể suy luận rằng phố Khách tại Hội An đã được thành lập từ cuối thế kỷ XVI ở một niên đại gần với sự mở “hải cấm” của Minh Mục Tông vào năm 1567.

          Một đợt di dân lớn người Trung Quốc vào Hội An xảy ra vào giữa thế kỷ XVII. Vào năm 1644, kinh đô Bắc Kinh của nhà Minh thất thủ, đến năm 1658, nhà Minh hoàn toàn diệt vong. Năm 1662, Thanh Thánh Tổ lên ngôi, một số đông di thần và nạn dân nhà Minh từ Phúc Kiến, Triết Giang, Quảng Đông và một số tỉnh khác khước từ ách thống trị của nhà Mãn Thanh đã lục tục đến Hội An xin tị nạn vĩnh viễn, Chúa Nguyễn cho phép những di thần và nạn dân này thành lập Minh Hương xã tức là thôn xã do những người di cư nhà Minh tổ chức thành nơi cư trú tập trung của họ để sống hòa hợp với đại cộng đồng người Việt. Đó là ý nghĩa nhân đạo của việc thành lập Minh Hương xã. Còn niên đại thành lập là vào khoảng Minh mạt Thanh sơ, chung quanh những năm 1645 - 1653 như đã ghi trên một tấm biển sắc phong treo trong Quan Công Miếu Hội An.

          Khác với người Trung Quốc, do một sự tình cờ của lịch sử, sự có mặt của người Nhật Bản tại Hội An lúc đầu là rất quan trọng, càng về sau càng giảm dần đến vắng mặt hẳn.

          III/ Sự có mặt của thương nhân Nhật Bản tại Hội An và sự phát triển của thương nghiệp quốc tế ở Đông Nam Á cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII:

          Vào cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII trong lịch sử hàng hải và lịch sử ngoại thương Nhật Bản đã xảy ra một số hiện tượng đáng chú ý.

          Từ năm 1593, chính quyền Toyotomi Hideyoshi phát giấy thông hành kiêm giấy phép mậu dịch có đóng “Châu ấn” (Gosyuinjo) cho các Tiểu vương (daimyo) và các đại thương gia Nhật Bản, tích cực khuyến khích họ phái thuyền đến các cảng như Ayuthya (Xiêm), Manila (Phi - luật - tân), Hội An để giao dịch với các thương thuyền Trung Quốc từ đại lục đến và mua lấy những hàng hóa và nguyên vật liệu mà thị trường Nhật Bản cần đến.

          Một giáo sĩ người Bồ đầu thế kỷ XVII ghi rõ: “Gần đây, tại xứ Đàng Trong đã bắt đầu một thứ mậu dịch rất bất lợi cho người Bồ, ta thấy thương nhân Trung Quốc đem nhiều tơ lụa tới đó rồi người Nhật Bản mua hết để chở về nước họ”(9).

          Một người Tây Ban Nha có mặt tại Phi - luật - tân từ năm 1595 đến 1603 cũng nhận xét: “Những hàng hóa do Nhật Bản sản xuất sang Manila chủ yếu là bột mì, rồi đến quặng đồng và quặng sắt, còn những hàng hóa từ Manila xuất khẩu sang Nhật Bản là tơ lụa của Trung Quốc, vàng, da nai, tô mộc đều do thuyền Nhật Bản tới Manila chở về nước”(10).

          Một tác giả Trung Quốc là Hà Kiều Viễn cũng xác nhận: “Vì luật pháp cấm không ai dám thông thương với Nhật Bản nhưng vẫn có bọn thương gia gian tham đem những hàng hóa trốn sang các nơi như Giao chỉ (Quảng Nam), người Nhật lại từ đó chuyển vận sang Nhật Bản, như vậy thì chẳng khác gì người Nhật Bản trực tiếp mậu dịch với Trung Quốc vậy”(11).

          Những sử liệu trên đây cho thấy: Sự cấm thông thương và cấm vận hàng hóa trực tiếp giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã thúc giục thương thuyền Trung Quốc và thương thuyền Nhật Bản kéo nhau sang Hội An hay Manila giao dịch, biến những thương cảng này thành những địa điểm trung gian sầm uất cho công cuộc mậu dịch giữa hai nước lớn của Đông Á. Hội An mau chóng trở nên phồn thịnh một phần là nhờ tình hình trên đây.

          Ngay tại Nhật Bản, đầu thể kỷ XVII, chính quyền Tokugawa Iyeyasu cũng thi hành nhiều biện pháp đối ngoại cởi mở: Cho phép truyền bá đạo Thiên Chúa, cho phép công ty Đông Ấn của Hà Lan lập thương điếm tại Hirado năm 1609, cho phép người Anh lập thương điếm tại đó từ 1613 - 1623. Iyeyasu cũng khuyến khích đại thương gia Nhật Bản phát triển mậu dịch trên quy mô lớn với các nước khác ở Đông Nam Á.

          Theo những nghiên cứu của GS. Iwao Seilichi, từ năm 1604 - 1634, có 331 thương thuyền Nhật Bản đã đến buôn bán ở các nước Đông Nam Á, trong đó 41 thuyền đến Chân Lạp, 35 thuyền đến Đàng Ngoài của Đại Việt và 86 thuyền đến Hội An, tổng cộng 162 thuyền. Theo những con số trên đây, người ta thấy rằng trong ba mươi năm đầu thế kỷ XVII, chừng 50% tổng số thuyền Nhật Bản thông thương với các nước Đông Dương đã đến Hội An. Con số 86 thuyền Nhật Bản đến Hội An chiếm chừng 25% tổng số thuyền Nhật Bản (331 chiếc) đã đến các cảng Đông Nam Á trong 30 năm đó.

          Nhật Bản là một nước lớn ở Châu Á và những thống kê trên đây chứng minh một cách sáng tỏ vị trí đặc biệt của đô thị - thương cảng Hội An trong lịch sử hàng hải và lịch sử thương nghiệp miền Đông Nam Á thời Trung cận đại.

          Cũng từ những thống kê trên đây, chúng ta có thể đoán định là từ cuối thế kỷ XVI sang đầu thế kỷ XVII sự xuất hiện đông đảo của thương thuyền và thương nhân Nhật Bản ở Hội An đã đưa đến việc xây dựng nhiều thương điếm, nhà cửa tại đây. Phố Nhật đã hình thành sớm từ đó.

          Những di tích xưa nhất của kiều dân ở Hội An là Chùa Cầu (tức cầu Nhật Bản), là các ngôi mộ của các thương nhân Gusoku, Banjiro, Yajirobi tại Cẩm Phô, là chùa Tùng Bổn và giếng nước kiểu Nhật Bản xây cách đây chừng 400 năm về trước tại Cẩm Châu v.v...

          Sử liệu Nhật Bản còn cho biết đã có thương nhân Nhật Bản lấy vợ người Việt thuộc họ hàng nhà Chúa và mộ của người phụ nữ quý tộc họ Nguyễn Phúc này còn thấy trong khuôn viên ngôi đền Daionji tại Nhật Bản.

          Một sử liệu quý hiếm là bức tranh toàn cảnh về Hội An do một thương nhân Nhật Bản vẻ vào đầu thế kỷ XVII cho thấy sự bố phòng cẩn mật ở Hội An thời đó: trước cửa công đường (có lẽ là Ty tào vụ) là những hàng pháo nằm trên các ụ đất khuất bên rặng tre, được che đậy cẩn thận, nòng ghếch thẳng ra cửa biển, nơi đó ba chiếc thuyền con đang kéo một tàu buôn lớn vào cảng, trong khi đó một số lái buôn Tây, Tàu đang quỳ chờ ở cửa công đường(13).

          Công cuộc thông thương đang diễn ra tốt đẹp giữa Nhật Bản và Hội An thì đến năm 1637 tại Nhật Bản, đạo Thiên Chúa bị đàn áp, người Nhật Bản bị cấm không được xuất dương, quan hệ thông thương bị gián đoạn, nhiều thương nhân Nhật Bản vĩnh viễn ở lại Hội An và đến năm 1642, theo một báo cáo của công ty Đông Ấn của Hà Lan, chỉ còn khoảng hơn 50 thương nhân Nhật Bản ở Hội An mà thôi, số người này sẽ dần dần đồng hóa với người Việt và Hoa Kiều ở đây(14).

          Qua những tư liệu và nhận định vừa nêu trên, có thể tạm thời rút ra mấy kết luận như sau:

          1/ Do nằm trong quỹ đạo của sự phát triển hàng hải thế giới cho nên vào đầu thế kỷ XVI, nước Đại Việt nói chung, Đàng Trong và Hội An nói riêng đã gia nhập vào trào lưu hàng hải và thương nghiệp quốc tế ở Đông Nam Á.

          2/ Sự có mặt của đông đảo thương nhân và giáo sĩ của nhiều nước phương Tây, phương Đông trong thể kỷ XVII và sau đó, đã biến Hội An thành một đô thị - thương cảng quốc tế ở miền Đông Nam Á, kiêm một trung tâm giao lưu văn hóa Đông - Tây thời Trung cận đại.

          3/ Từ vị trí lịch sử ưu tú đó, giá trị văn hóa và du lịch của Hội An ngày nay đang được khẳng định và phát huy trong sự nghiệp xây dựng nền văn hóa mới xã hội chủ nghĩa của thời đại Hồ Chí Minh quang vinh.
 
            Chú thích và tham khảo:
            (1) Nguyễn Bội Liên: Hải Phố, tiền thân của Hội An ngày nay, tập san nghiên cứu lịch sử địa phương và chuyên ngành Quảng Nam - Đà Nẵng, số 2/1983, tr. 22 - 29.
            (2) Đỗ Bang: Thương cảng Hội An (từ nhận thức đến thực tiễn nghiên cứu), tập san Thông tin khoa học trường Đại học Tổng hợp Huế, số 5, tập II, 1983 (Huế), tr. 76.
            (3) Pierre Ho: Les Portugais et L’Indochine, Bulletin de L’Institut Indochinois Pour L’Etude de L’Homme, tập III, 1940, tr. 1.
            (4) Cristoforo Borri: Relation de la Cochinchine, Bulletin des Amis du Vieux Huế, 1931, tr. 279 - 406.
            (5) Alexandre de Rhodes: Histoire du Royaume du Tunquin, Lyon 1651 - nt, Divers Voyages et missions du P.A. de Rhodes en la Chine et autres royaumes de L’Orient, Paris 1653.
            (6) Chen Ching Ho: Mấy điều nhận xét về Minh Huơng xã và các cổ tích tại Hội An, Việt Nam khảo cổ tập san, số 1/1960, tr. 12.
            (7) C. Borri, sách đã dẫn.
            (8) Nt, nt.
            (9) Leson Pages: Histoire de la religion chrétienne au Japon T. II, Paris 1870, tr. 164 - 165.
            (10) Antonio Morga, dẫn theo Chen Ching Ho, bãi đã dẫn, tr. 10.
            (11) Hà Kiều Viễn, dẫn theo Chen Ching Ho, bài đã dẫn, tr. 10.
            (12) Iwao Seiichi, Nanyo Nihojin ma chi no kenkyo, dẫn theo Chen Ching Ho, tr. 11.
            (13) Noel Péri: Essai sur les relations du Japon et de L’Indochine aux XVI et XVII è sièclec, BEFEO, XXIII, 1923, tr. 136.
            (14) Dẫn theo Đỗ Bang: Thương cảng Hội An, bài đã dẫn, tr. 78.

 
(Trích kỷ yếu Hội nghị khoa học về khu phố cổ Hội An, từ ngày 23 - 24/7/1985)

Tác giả: GS. Lê Văn Hảo

Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây