Đồng chí Nguyễn Nhạc là một trong số những đảng viên hợp pháp được bố trí ở lại Hội An hoạt động từ sau Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết. Qua các lần đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, nhất là sau lần đấu tranh vào ngày 23/8/1955, địch ra sức khủng bố, đàn áp phong trào. Nhiều cơ sở cách mạng của ta bị lộ, không ít cán bộ, đảng viên, quần chúng nòng cốt bị địch bắt, giam cầm tra tấn dã man.
Đồng chí Nguyễn Nhạc cũng bị bắt vào tháng 9/1955. Giữa đêm khuya, bọn cảnh sát đến nhà đồng chí ở Ngọc Thành bắt đưa về ty cảnh sát. Đến nơi, chúng liền dở các thủ đoạn để khai thác thông tin từ đồng chí. Ban đầu là dụ dỗ nhưng không đạt được mục đích, chúng chuyển sang biện pháp mạnh hơn là đánh đập. Chúng buộc dây treo đồng chí lên xà nhà, dùng roi cá đuối, chân ghế gãy… đánh đập liên tục vào đầu, lưng, đầu gối. Ban đầu đồng chí có thể vùng vẫy được nhưng càng vùng vẫy làm cho các khớp bả vai căng ra, đau buốt, lại phải gánh chịu những trận đòn roi làm cho đồng chí dần đuối sức, chân tay duỗi thẳng, người quay tròn trên không. Máu trên cơ thể đồng chí nhỏ giọt loan cả một vũng. Và rồi đồng chí ngất lịm đi. Thấy vậy, chúng thả đồng chí xuống đẩy vào một góc phòng, tay vẫn trói chặt ra sau và ngừng tra tấn. Sáng ra, đến giờ làm việc, thấy đồng chí tỉnh lại, chúng tiếp tục dở trò dụ dỗ. Đáp lại đồng chí vẫn một lời không khai. Chúng chuyển sang đánh đập. Tàn bạo hơn, chúng dùng bóng đèn dí vào cơ thể. Cứ thế hơn 1 giờ sau chúng cũng không khai thác được gì. Lúc này, da đồng chí đã cháy nám, sức cũng dần cạn kiệt rồi bất tỉnh. Sau đó, chúng chuyển đồng chí về nơi giam giữ - nay là số 27 - 29 đường Phan Bội Châu. Chúng nhốt đồng chí vào xà lim số 3 - xà lim dành cho người bị tra tấn nặng có thể mất mạng nên xà lim thường không đóng cửa để chúng dễ dàng phi tang.
Về đến xà lim, được cơ sở bên trong giúp đỡ nhưng vì phải chịu đựng những đòn tra tấn quá nặng của kẻ thù suốt đêm qua, đồng chí cũng chỉ gắng gượng đến buổi chiều hôm đó rồi hy sinh.
Chưa dừng lại, ngay trong buổi tối, chúng bắt toàn bộ tù nhân giam cầm ở đây đi học cải huấn. Trong khi toàn bộ tù nhân đang học cải huấn thì cũng là lúc chúng mang thi hài đồng chí bỏ vào bao tời rồi đem thả xuống sông, sau đó cho bọn mật vụ cải trang la cà dọc bờ sông để theo dõi. Trò lừa bịp của chúng không qua mắt được cơ sở của ta. Cơ sở đã nắm bắt tình hình báo ra ngoài để gia đình tìm vớt thi hài đồng chí. Sau đó Thị ủy bố trí cán bộ đến động viên, hỗ trợ gia đình làm đơn tố giác ra Ủy hội quốc tế ở Đà Nẵng. Khi xét xử, Thị ủy bố trí đồng chí Đinh Gờm là đảng viên hợp pháp đang làm chủ tịch “Hội đồng hương chính” ở Tam Châu ra làm nhân chứng. Được cơ sở cung cấp cụ thể, đồng chí Đinh Gờm nắm chắc được tình hình, khẳng khái vạch trần tội ác của bọn cảnh sát trước phiên tòa buộc chúng phải nhận tội. Khi về đến Hội An, chúng lại tiếp tục gây thêm nỗi căm phẫn trong nhân dân khi bí mật giết hại đồng chí Đinh Gờm rồi bỏ bao tời thả sông.
Trong giai đoạn đầy khó khăn, thử thách của cách mạng Hội An lúc bấy giờ, tấm gương của đồng chí Nguyễn Nhạc là một trong những hình ảnh tiêu biểu cho ý chí quật cường, khí tiết kiên trung của người cách mạng, dẫu hy sinh cũng nhất quyết bảo vệ tổ chức, bảo vệ đồng chí mình. Tấm gương chiến đấu, hy sinh của đồng chí đã góp phần củng cố lực lượng cách mạng để tiếp tục duy trì ngọn lửa đấu tranh ở Hội An phát triển và giành nhiều thắng lợi về sau.
* Tài liệu tham khảo:
- BCH Đảng bộ thị xã Hội An, Lịch sử Đảng bộ Thị xã Hội An (1930 - 1975), 1996.
- Hội tù yêu nước thành phố Đà Nẵng, Những ngày tù ngục, NXB Đà Nẵng, 2002.
- Ghi chép của đồng chí Văn Công Lý.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền