Thông tin về di tích nhà thờ tộc Trần Trung ở Cẩm Nam - Hội An

Thứ hai - 20/04/2015 05:06
Theo một số tư liệu cho biết, tộc Trần Trung là một trong bốn tộc, cùng với tộc Huỳnh, Lê, Nguyễn đã có công khai phá đất đai, lập nên làng Cẩm Phô, một trong những làng xã được thành lập khá sớm ở Hội An trong lịch sử. Văn bia chữ Hán hiện còn ở di tích cũng có đoạn ghi chép được tạm dịch là: “…Tộc ta từ thời Đông A (nhà Trần), đến đời thái thủy tổ là phó đề đốc lãnh tước Thiêm Lộc hầu, thụy là Cần Thận, ông phát tích là người Thanh Hóa, di cư đến phương Nam, đến đời con là Trần Trung Lễ thì được tốt đẹp, vào năm Cảnh Hưng triều Lê Hiển Tôn hoàng đế cùng với tiền hiền Cẩm Phô là Huỳnh, Lê, Nguyễn, theo Trường Giang mà lập giới hạn làm địa bạ, để tên tuổi đến đời sau, đến nay đã được vài trăm năm truyền 14 đời, khoa hoạn trong làng cũng có người đỗ đạt làm cao, suy cho cùng đó không phải là từ cái gốc mà ra sao? Như vậy, người trước vun trồng kẻ sau nối tiếp công đức rộng lớn, không đợi khắc vào bia đá mà tán dương, nếu không trùng tu sợ về sau quên mất...”
Di tích nhà thờ tộc Trần Trung ở Cẩm Nam - Hội An - Ảnh: Nguyễn Cường
Di tích nhà thờ tộc Trần Trung ở Cẩm Nam - Hội An - Ảnh: Nguyễn Cường
          Tưởng nhớ công lao to lớn của các bậc tổ tiên, con cháu đã xây cất nên nhà thờ của gia tộc. Nhà thờ hiện nay đang lưu giữ cặp liễn đối có niên đại vào năm Tự Đức thứ 16 - tức năm 1863. Có thể cặp liễn đối này chuyển về từ nhà thờ được làm trước đó ở vùng Nam Ngạn đã bị sạt lở, bởi lẽ theo thông tin ghi lại trên xà cò thì nhà thờ hiện nay được kiến tạo vào năm Thành Thái thứ 11 – tức năm 1905và trải qua một số lần trùng tu như vào năm 1929, và lần gần nhất là vào năm 2011.
 
          Hiện nhà thờ tọa lạc tại tổ 1, khối Xuyên Trung của phường Cẩm Nam, trong một khuôn viên tương đối thoáng đãng. Mặt tiền xoay về hướng Nam, các hướng Tây và Bắc tiếp giáp với nhà dân, hướng Nam và hướng Đông tiếp giáp với đường giao thông.

          Từ cổng vào ở phía Nam đi qua khoảng sân rộng chừng 10m đến một án hương lớn, kế đó là bình phong. Mặt trong bình phong gắn một tấm bia đá có kích thước 100 x 165cm, bên trong khắc chữ Hán ghi lại công đức của các bậc tiền hiền của tộc. Hai bên bình phong là 2 trụ biểu cách điệu hình thức lọ hoa. Bình phong cách từ đường khoảng 8m. Từ đường có kiến trúc 3 gian theo chiều ngang và 4 gian theo chiều sâu (kể cả phần hiên). Ngăn cách giữa hiên với nội thất bên trong từ đường là 03 bộ cửa thượng song hạ bảng mỗi bộ 03 cánh sơn màu đỏ. Trên mỗi cửa vào đều gắn cặp mắt cửa bằng gỗ, trong đó cặp ở giữa có kích thước lớn hơn. Hình thức các mắt cửa giống nhau: ở tâm chạm khắc hình lưỡng nghi, xung quanh khắc hình lá đề có 6 cánh, quét sơn các màu: vàng, đỏ, xanh, mỗi màu 2 cánh đối diện nhau.

        Bên trong nội thất bố trí các trụ xây tiết diện vuông chịu lực cho hệ mái. Các trụ liên kết với nhau bằng mảng tường xây phía trên dạng cuốn vòm. Mặt trong các tường phía Đông và Tây, mỗi bên gắn 3 tấm bia đá sa thạch được lập thời Bảo Đại. Trên các xiên và trụ trang trí hệ thống hoành phi, liễn đối bằng gỗ khắc chữ Hán, gồm 7 hoành phi và 2 cặp liễn đối màu đỏ chữ vàng. Cặp liễn đối có niên đại sớm nhất là năm 1863 nội dung đề là: Cẩm lý trùng □ hiền tứ tính kỷ quang sung sở tự/Trần gia đa hậu thương thiên thu biệt trúc chấn công từ. Các hoành phi, liễn đối còn lại đều có niên đại vào đầu thế kỷ XX.

        Bên cạnh hệ thống hoành phi, liễn đối thì các khám thờ gỗ với vẻ đẹp về hình thức và trang trí tạo cho không gian bên trong nội thất trở nên giàu tính thẩm mỹ, linh thiêng.

         Khám thờ đặt ở gian giữa là nơi thờ thủy tổ của gia tộc. Khám thờ này lớn và được trang trí công phu hơn. Trán khám chạm cách điệu đề tài lưỡng long chầu nhật. Phần phía trên lớp ngoài làm hình thức như một bức nghi được chạm thủng tỉ mỉ cặp Phượng đối xứng, hai góc dưới gắn con Long Mã. Ở lớp trong, phía trên tạo ra các ô hộc, bên trong gắn hình hoa dây cách điệu; phía dưới cũng gắn hình thức bức nghi đục chạm hình dây lá cách điệu. Khám khắc cặp câu đối Hán tự: Triều tịch nghĩa như kiến/Xuân thu tồ đậu sinh hương. Khám thờ đặt ở gian trái thờ tiền hiền phái 1 và phái 2 của tộc. Trán khám chạm hình dây lá và lưỡng nghi ở giữa cách điệu đề tài lưỡng long chầu nhật. Hai góc trên gắn hình dây lá cách điệu, hai góc dưới gắn con Long Mã. Ở phần trên lớp trong tạo các ô hộc, bên trong chạm chữ Hán và hoa mai xen kẽ; hai góc trên gắn hình con dơi. Khám khắc cặp câu đối Hán tự: Tuân vạn cổ thánh hiền lễ nhạc/Tự nhất đường thế đại nguyên lưu. Khám thờ gian phải thờ tiền hiền phái 3 và phái 4. Hình thức kiến trúc và trang trí khám thờ này giống với khám thờ bên trái, chỉ khác nội dung cặp câu đối chữ Hán; Xuân lộ thu sương vô hạn cảm/Phong tích nhã thường hữu dư hương.

        Nhà Tây có kiến trúc 3 gian, mái lợp ngói âm dương, đỡ hệ mái bên trong là 2 bộ kèo giữa bằng gỗ theo kiểu cột trốn.

       Hiện trạng kiến trúc cũng như hệ thống trang trí, thờ tự ở di tích đang được gia tộc chăm nom bảo quản tốt. Nhà thờ tộc Trần Trung cùng với nhiều nhà thờ tộc khác trên địa bàn Thành phố đã góp phần làm nên giá trị phong phú của các loại hình di tích nói riêng, Di sản văn hóa ở Hội An nói chung.
 

Tác giả: Nguyễn Cường

Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây