Về nét về đình làng xứ Quảng

Thứ sáu - 10/04/2015 03:36
TÓM TẮT. Bắt nguồn từ di dân phía Bắc, đình xứ Quảng gắn với ông tổ khai canh, khai cơ của làng, theo thời gian cũng đã nhập nhiều thần linh dân gian khác để đáp ứng yêu cầu đa dạng của nhân dân. Đình xứ Quảng là một trọng điểm về sinh hoạt văn hóa, và, cũng là điểm có nhiều dấu tích cách mạng. Từ khóa: đình làng, cộng đồng, sinh hoạt cộng đồng, Quảng Nam.
           
          ABSTRACT. Started f-rom immigration f-rom the North, Quảng region’s communal houses attached to the first ancestors of village, and integrated many folk gods to meet with the diversified demand of people. Communal house is a focus point for cultural activities and revolutionary marks. Key words: communal house, community, community activities, Quảng Nam.

          Cũng như bao làng quê khác trong cả nước, trên mọi nẻo làng quê xứ Quảng, bên cạnh hình ảnh lũy tre làng, hàng cây, giếng nước đầu làng, chợ quê... chúng ta thường bắt gặp một hình ảnh rất đỗi thân quen, rất Việt Nam, đó là bóng dáng của những ngôi đình làng. Đối với người dân xứ Quảng xưa và nay, đình được xem như là ngôi nhà công cộng của làng quê. Ðó là một ngôi nhà to, rộng, được dựng bằng những cột gỗ mít tròn thẳng tắp kê trên những hòn đá tảng lớn. Vì kèo, xà ngang, xà dọc của đình cũng làm toàn bằng gỗ mít. Tường đình xây bằng gạch. Mái đình lợp ngói âm dương, bốn bờ chái trang trí hình hoa lá cách điệu hoặc tứ linh “long, lân, quy, phụng”. Trên nóc đình là hai con rồng chầu mặt nguyệt hay tranh châu. Sân đình được lát gạch. Trước đình là bức bình phong chạm nổi hình cuốn thư, đắp hình con hổ, con nghê hay các điển tích dân gian. Trước đình có hai trụ cổng cao vút. Trong đình, gian giữa có bàn thờ, thờ một vị thần của làng gọi là Thành hoàng hay các vị tiền hiền, hậu hiền, các bài vị, sắc phong... Một chiếc trống cái cũng được để trong đình để mỗi khi đánh vang lên theo nhịp ngũ liên sẽ thúc giục dân làng về đình tụ họp bàn tính công việc của làng…

          Lịch sử hình thành

          Đình làng xứ Quảng thường được xây dựng gắn với quá trình khẩn hoang, khai ấp, lập nên làng xã của các bậc tiền nhân trong quá trình di dân từ phía Bắc vào vùng đất phên dậu Quảng Nam trong quá khứ. Trải qua bao thế hệ, khi cuộc sống ở vùng đất mới xứ Quảng đã an cư lập nghiệp, lập thành làng xóm, cuộc sống dần dần đi vào ổn định thì con cháu các họ tộc trong từng làng đã cùng nhau góp công, góp của xây dựng một ngôi đình để thờ tự, tưởng nhớ và ghi ơn những bậc tiền nhân đã có công khẩn hoang, khai phá lập nên làng xã. Tùy vào điều kiện và quy mô của mỗi làng mà ngôi đình làng được xây to hay nhỏ, nhưng tựu chung lại, đó là công sức đóng góp của cả dân làng, của chư họ tộc trong làng vì một mục đích tri ân những bậc tiền bối. Và, thời gian xây đình phụ thuộc vào quá trình di dân, di cư hay quá trình an cư lạc nghiệp, ổn định cuộc sống. Như đình Chiên Đàn (xã Tam An, Phú Ninh) được khởi dựng vào khoảng năm 1471 - 1473, đình không chái (xã Đại Hòa, Điện Bàn) tương truyền được xây dựng vào thời vua Lê Thánh Tông (1471), đình làng Thanh Quýt (xã Điện Thắng, Điện Bàn) được khởi dựng vào đầu thế kỷ thứ XVI, đình Long Xuyên (thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên) được xây dựng vào năm 1749, đình Hương Trà (phường Hòa Hương, Tam Kỳ) được khởi dựng vào nửa đầu thế kỷ XVIII, đình Thái Đông (xã Bình Nam, Thăng Bình) được khởi dựng vào năm 1778, đình Mỹ Thạch (phường Tân Thạnh, Tam Kỳ) được khởi dựng vào năm 1833, đình Phương Hòa (phường Tân Thạnh, Tam Kỳ) được khởi dựng vào năm 1832... Và, đặc biệt là ở Hội An, do những yếu tố lịch sử từng là một thương cảng sầm uất, xưa kia là nơi tập trung dân cư đông đúc đến lập nghiệp, định cư và buôn bán nên Hội An là địa phương tập trung nhiều ngôi đình nhất và đa số vẫn còn tồn tại đến ngày nay, có thể kể đến như: đình Minh An, đình Ông Voi (phường Minh An), đình Cẩm Phô (đường Nguyễn Thị Minh Khai), đình Sơn Phong (đường Nguyễn Duy Hiệu), đình Đế Võng (xã Cẩm Châu), đình Kim Bồng (xã Cẩm Kim), đình Thanh Hà, đình ấp An Bang, đình ấp Bộc Thủy (xã Cẩm Hà), đình Sơn Phô, đình An Mỹ (xã Cẩm Châu), đình ấp Tu Lễ, đình ấp Xuân Lâm, đình Xuân Mỹ (phường Cẩm Phô), đình Tiền hiền Hội An (đường Lê Lợi), đình Xuyên Trung (xã Cẩm Nam), đình Tân Hiệp (Cù lao Chàm - xã đảo Tân Hiệp)... Tuy nhiên, Quảng Nam - mảnh đất hứng chịu nhiều tai ương, khắc nghiệt hằng năm của thiên nhiên, như bão, lụt, hạn hán; lại là mảnh đất chịu nhiều đau thương, mất mát trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nên số lượng đình làng cũng còn lại không nhiều. Có những ngôi đình lớn đã từng tồn tại và gắn với truyền thống, lễ hội và là niềm tự hào của làng, nhưng rất tiếc đến nay đã không còn nữa, hoặc đã bị sụp đổ, như: đình Phú Trà (Tam Thái, Phú Ninh), đình Diêm Trường (Tam Giang, Núi Thành), đình Thành Mỹ (Tam Phước, Phú Ninh), đình Lạc Câu (Bình Dương, Thăng Bình)…

             Nơi sinh hoạt của cộng đồng

           Cũng như bao làng quê khác, đình làng ở Quảng Nam thường được xây dựng trên đất công thổ, công điền của làng. Người từ 18 tuổi trở lên được nhận ruộng công về làm và nộp một phần hoa lợi cho đình hoạt động. Mỗi khi ra đình phải phân biệt mâm ăn và chiếu ngồi, chia phần... Bởi vậy, có thể nói không ngoa rằng: "Một miếng giữa làng hơn một sàng xó bếp"; "Một miếng lộc Thánh bằng một gánh lộc trần"... Như vậy, đình làng diễn ra sự phân chia đẳng cấp rất chặt chẽ, trọng tuổi hơn trọng chức sắc, đã một thời là nơi quyết định số phận kinh tế, chính trị và tâm tư tình cảm của người dân.

          Đình làng là một nét đẹp, là biểu trưng văn hóa của xóm làng xứ Quảng, từ thuở còn nằm nôi đã in vào tâm khảm mỗi con người qua câu ca dao quen thuộc: Hôm qua tát nước đầu đình/Để quên chiếc áo trên cành hoa sen.

          Từ bao đời nay, đình làng là hình ảnh thân quen, gắn bó với tâm hồn của mọi người xứ Quảng, là nơi chứng kiến những sinh hoạt, lề thói và mọi đổi thay trong đời sống xã hội của quê nhà qua bao thế kỷ. Cái đình trang trọng và thiêng liêng, nó gần như đại diện, là biểu trưng của quyền lực làng xã xưa. Nhưng đình làng lại là nơi tụ họp mọi người trong mọi sinh hoạt chung, vốn rất cần cho cuộc sống nông thôn cần có sự nương tựa, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau. Chính vì vậy, đình làng trở thành một nơi thân quen gần gũi, là nơi che chở, là khí sống của những người dân xứ Quảng, là cái để nhớ, để ngưỡng vọng về trên những hành trình xa quê hương để tha phương cầu thực, mưu cầu cuộc sống.

          Đình còn là nơi biểu hiện sinh hoạt, duy trì sự "cân bằng" phép tắc của cuộc sống cộng đồng, nơi khai diễn về những tài năng, tư duy của dân làng, nhất là về tín ngưỡng, nơi để thờ Thành hoàng làng, những bậc tiền nhân có công khai canh, khai cơ lập nên làng xã, những người có công với dân, cứu nước, giữ nước hoặc giúp dân nghề nghiệp sinh sống. Đối với cư dân miền biển, thì đình còn là nơi thờ cúng thần Nam Hải/thờ phụng cá Ông hay những vị thần sông nước để cầu mong cho mưa thuận, gió hòa, cho những chuyến ra khơi thuận buồm xuôi gió, thuyền về tôm cá đầy khoang...

          Qua các sinh hoạt cộng đồng tại đình làng, ta sẽ thấy lòng tri ân, trọng nghĩa, trọng tài, thể hiện truyền thống ''uống nước nhớ nguồn'' của người xứ Quảng. Tuy đình là của dân làng, nhưng những vị thần thờ trong đình không hẳn là người của làng mà cao hơn thế là những vị thần thiên nhiên, những vị anh hùng của đất nước. Hơn nữa, do được kế thừa những tín ngưỡng cổ sơ, nguyên thủy, nên đình làng xứ Quảng thường thờ và tôn kính rất nhiều vị thần, như: thần núi, thần biển, thần nước... Tất cả những tín ngưỡng ấy, các thế hệ dân xứ Quảng tiếp nối nhau tạo thành một nền văn hoá đình, một nền văn hóa hỗn hợp, đa dạng, có mặt nhiều thành phần tín ngưỡng, khiến cho đình trở thành một “tập thể” thần linh, trong một niềm tin, một niềm hy vọng, một sức mạnh vô hình của làng xã.

           Kiến trúc và nơi tổ chức lễ hội của làng

          Kiến trúc đình làng xứ Quảng mang đậm dấu ấn văn hóa độc đáo và mang phong cách kiến trúc của những người thợ mộc tài hoa ở hai làng mộc nổi tiếng là Vân Hà (xã Tam Thành, Phú Ninh) và Kim Bồng (xã Cẩm Kim, Hội An). Đa số những đình ở Quảng Nam vẫn là những ngôi đình mang kiến trúc theo hình chữ Nhất hoặc chữ Đinh. Có một số ngôi đình có thêm phần kiến trúc phụ như nhà trù (nơi chuẩn bị đồ lễ để cúng), nhà Võ ca (nơi diễn xướng hát hò, biểu diễn võ thuật). Nói điêu khắc đình làng xứ Quảng cũng là nói đến nghệ thuật trang trí đình làng. Người thợ làm đình chẳng những thành thạo trong việc dựng đình mà còn biết tô điểm cho ngôi đình thêm đẹp. Hầu như trên các thành phần của kiến trúc đình làng đều được các nghệ nhân xưa dùng bàn tay điêu luyện của mình chạm khắc thành những hình mẫu có giá trị nghệ thuật cao, thu hút sự chú ý của mọi người lúc ghé thăm đình. Những nhà điêu khắc “vô danh” xuất thân từ nông dân đã đưa vào đình làng những hình ảnh gần gũi với cuộc sống thực, hay là cả giấc mơ của họ, với một phong cách hết sức độc đáo và một tâm hồn hết sức sôi nổi.

          Trong kết cấu gỗ của nội thất, tùy quan niệm thẩm mỹ mà dân làng có thể chạm trổ chi tiết đầu rồng, đuôi rồng ở đầu đuôi kèo, chạm hoa và đường chỉ xuyên tâm ở thanh xà và đòn tay, chạm trổ “trỏng quả” có hoặc không có cánh ác ở hai bên, hay chạm trổ cuốn thư, các điển tích dân gian, như cá chép trông trăng, “ngư dược diên phi” (nghĩa là cá bơi dưới nước, diều bay trên trời)… Và, đặc biệt ở các ngôi đình xứ Quảng là mặt dưới của cây xà cò (đòn đông hạ) thường có khắc dòng chữ Hán, ghi lại năm xây cất ngôi đình. Kiến trúc bên ngoài đình thường sử dụng hình thức trang trí bằng cách đắp nổi vôi vữa và gắn các mảnh sành sứ lên phần ngoài của kiến trúc. Thường thì ở nóc mái và các đường gờ mái, người ta trang trí hình tứ linh. Ở hai đầu hồi thường được trang trí hình dơi xòe cánh bằng sành sứ để cầu phúc.

          Đình làng xứ Quảng thường được dùng làm nơi tổ chức lễ hội hằng năm, nhất là vào những dịp đầu xuân, khi con cháu trong làng khắp nơi tề tựu về đông đủ. Ví như, lễ hội của đình Chiên Đàn (xã Tam An, Phú Ninh) thường được tổ chức hai lần trong năm, vào rằm tháng Giêng và rằm tháng Bảy; đình Long Xuyên (thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên) thường tổ chức lễ vào dịp tết Nguyên đán, tế kỳ an xuân, thu, giỗ tổ/tiền hiền; đình Thái Đông (xã Bình Nam, Thăng Bình) tổ chức lễ cúng vào dịp lễ tế tiền hiền (17/3 Âm lịch) và ngày tảo mộ của làng (17/12 Âm lịch); đình Quảng Đại (xã Đại Cường, Đại Lộc) thường tổ chức lễ hội Kỳ yên vào trung tuần tháng 6 Âm lịch. Lễ hội thường gắn với truyền thống lịch sử (sự tích thần đánh giặc, lập làng, cúng tổ nghề), gắn với lễ nghi nông nghiệp (lễ rước nước), gắn với truyền thống vẻ vang của làng (lễ rước sắc, lễ đệ sắc). Đây là hoạt động để biểu thị lòng biết ơn của dân làng đối với các vị thần, các bậc tiền nhân, tiền hiền làng, mong được tiếp tục phù hộ cho đân làng mạnh khỏe, được mùa. Lễ vật cúng đình thường là những sản phẩm nông nghiệp, những con vật nuôi, như heo, gà, trâu, bò… Ví dụ như lễ Thành hoàng ở Điện Bàn với các lễ vật gồm các loại bánh trái, hoa quả, gà luộc nguyên con, lợn với đầy đủ thủ, vĩ, rượu, trà, cơm, xôi, hương, trầu cau, vàng mã...; lễ Kỳ yên ở Đại Lộc thì lễ vật cúng thần thường là trâu, bò, heo…; lễ giỗ tiền hiền ở Điện Bàn với vật cúng là tam sanh (gà, heo và bò)…

          Lễ hội ở đình làng mang lại niềm vui cho mọi người, mang nhiều yếu tố truyền thống, nhân văn sâu sắc. Là nơi con cháu trong làng và chư tộc tụ họp về để thắp nén nhang tưởng nhớ, tri ân những vị tiền hiền, những thế hệ cha ông đi trước đã có công đức với làng. Là nơi bà con họ hàng, làng trên xóm dưới, có dịp gặp nhau để trao đổi chuyện gia đình, chuyện lao động sản xuất… hay những vị cao niên cùng nhau nhấp chén rượu, chén trà ngồi kể cho lớp trẻ về truyền thống, lịch sử của làng, của đình… Trong lễ hội thường diễn ra nhiều trò chơi dân gian, như: kéo co, đi cà kheo, đánh vật... Vào những ngày lễ, tết, dân làng đến đình thắp hương tế lễ nhộn nhịp, cầu mong Thành hoàng và trời đất giúp cho mưa thuận gió hoà, cày cấy, làm ăn thuận tiện và có nhiều phúc lành. Mùa xuân đến, sân đình trở thành một sân khấu hát Chèo, hát Bả trạo, hát Bài chòi hay hát Hò khoan đối đáp hoặc để đấu cờ, chọi gà, múa hát giao duyên. Ðình làng còn là nơi trai thanh nữ tú trong làng hẹn hò tình yêu.

          Chứng nhân trong kháng chiến

          Không những thế, những ngôi đình làng xứ Quảng còn là nơi diễn ra biết bao sự kiện lịch sử bi hùng của làng xã, của quê hương; gắn liền với bao biến cố và ghi dấu về lịch sử cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ví như từ bữa đám giỗ lịch sử tại đình làng Phiếm Ái (thị trấn Ái Nghĩa, Đại Lộc) đã khởi đầu phong trào chống sưu, thuế (1908) ở Quảng Nam và Trung Kỳ. Rồi trong kháng chiến chống Pháp, một số ngôi đình đã tháo dỡ để phục vụ cho việc “tiêu thổ kháng chiến”, như đình làng Trung Lộc (xã Quế Lộc, Nông Sơn), đình làng Diêm Trường (xã Tam Giang, huyện Núi Thành). Một số ngôi đình cũng đã trở thành nơi hội họp, nơi đưa ra những chủ trương, đường lối đấu tranh đúng đắn của cách mạng của tỉnh, như: đình Long Xuyên (thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên) đã từng được Tỉnh ủy Quảng Nam sử dụng làm nơi hội họp vào những năm 1939 - 1940, Cách mạng Tháng 8 thành công, một số ngôi đình lại là nơi làm việc của chính quyền cách mạng, nơi tổ chức các lớp dạy học, nơi thành lập các đội tự vệ chiến đấu hay được chọn làm nơi huấn luyện, hoặc nơi cất giấu lương thực, vũ khí... Ví như ngôi đình làng Thanh Quýt (xã Điện Thắng Trung, Điện Bàn) trước năm 1945, tại đình đã diễn ra sự kiện dân làng tập hợp đứng lên chống lại chế độ thu sưu, thuế. Tại ngôi đình này, vào ngày 18 - 8 - 1945, hằng trăm người dân trong làng tập hợp, rồi nổi trống mõ đi tham gia giành chính quyền cùng với nhân dân các vùng lân cận. Sau khi chính quyền về tay nhân dân, tại ngôi đình này, đội tự vệ chiến đấu được thành lập và sân đình được chọn làm nơi huấn luyện. Cùng thời điểm, Ủy ban Hành chính lâm thời xã Thanh Quýt ra đời, lấy đình làng làm trụ sở. Năm 1946, đình làng Thanh Quýt được chọn làm điểm bỏ phiếu Tổng Tuyển cử bầu chính quyền cách mạng. Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, đình làng là nơi chứng kiến Trung đội Tự vệ chiến đấu xã Thanh Quýt làm lễ tuyên thệ trước khi lên đường tham gia chiến đấu… Ví như đình Thái Đông (xã Bình Nam, Thăng Bình) được tú tài Võ Kiền (người tích cực tham gia phong trào Duy Tân chống Pháp) sử dụng để mở lớp dạy học và tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các phong tràp chống Pháp. Đình còn là nơi đặt trụ sở làm việc của chính quyền xã An Thái (nay là xã Bình Nam, huyện Thăng Bình), nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của xã - “Chi bộ Võ Kiền”, là nơi mở lớp Sư phạm của tỉnh Quảng Nam, nơi mở lớp huấn luyện quân sự cho nhân dân vùng này... Rồi trong những năm kháng chiến chống Mỹ, một số ngôi đình cũng được sử dụng để làm nơi hội họp, nơi cất dấu lương thực, vũ khí, nơi xuất quân của bộ đội, du kích... Như dưới nền đình làng Thạch Tân (xã Tam Thăng, Tam Kỳ) bố trí cả kho chứa lương thực rộng gần 80m2; hay đình Hương Trà (phường Hòa Hương, Tam Kỳ) trong những năm từ 1960 - 1965, là nơi duy trì các tổ chức cách mạng trong quần chúng, là nơi đội công tác của Thị ủy Tam Kỳ về cắm chốt để tổ chức hoạt động nội thành… Rồi như đình làng Bồ Mưng (xã Điện Thắng Bắc), đình làng Diệm Sơn (xã Điện Tiến), đình làng Viêm Tây (xã Điện Thắng Bắc, Điện Bàn) đã chở che rất nhiều đồng chí cán bộ của tỉnh Quảng Nam, của huyện Điện Bàn trong kháng chiến…, là nơi xuất phát của bộ đội, du kích từng tham gia trận đánh đồn Ngũ Giáp giữa ban ngày, tiêu diệt gọn cả đại đội Ngụy vào năm 1966. Một điểm nhấn là, đình làng Viêm Tây được nhắc tới như một chứng nhân lịch sử. Trong ba mươi năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đình làng cũng chứng kiến bao cảnh đầu rơi máu chảy, với bao sự hy sinh anh dũng của đồng bào, chiến sĩ ta trước mũi lê, họng súng của kẻ thù, nhất là trong những ngày đen tối của cách mạng, chính quyền Ngô Đình Diệm đã biến đình làng thành nơi “tố cộng”, “sám hối”, nơi mà bọn Mỹ - Ngụy đã gây ra biết bao tội ác dã man đối với nhân dân xứ Quảng, nơi tập trung tra tấn dã man những người cách mạng, như: đình Hiền Lộc (xã Bình Lãnh, Thăng Bình), đình không chái (xã Đại Hòa, Đại Lộc)...

          Tóm lại, cũng như bao làng quê khác trong cả nước, đình làng ở Quảng Nam được xem như một nơi thể hiện rõ nét đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của chư tộc phái, của cư dân trong làng đối với Thành hoàng, đối với các vị thần, các anh hùng có công đánh giặc bảo vệ quê hương, đất nước hay đối với những bậc tiền nhân, tiền hiền có công đầu trong việc khai canh, lập nên làng xã, nơi minh chứng cho tinh thần đoàn kết, tính cộng đồng gắn kết của những cư dân. Là nơi diễn ra biết bao sự kiện lịch sử bi hùng của làng xã, của quê hương; gắn liền với bao biến cố và ghi dấu ấn về lịch sử cách mạng. Đình là nơi hằng năm chư họ, tộc phái ôn lại những công đức của các vị tiền nhân/cha ông, nơi sinh hoạt truyền thống của các tộc họ, nơi tuyên dương những gia đình văn hoá, những gương hiếu học, dâu hiền, rể thảo, những công dân gương mẫu ở địa phương... Với những ý nghĩa đó, mong sao hình ảnh ngôi đình trường tồn mãi với thời gian, trường tồn mãi với những làng quê xứ Quảng thanh bình

Tác giả: Mai Hồng Lâm

Nguồn tin: www.hoianrt.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây