Thành phố Hội An - Đôi điều suy nghĩ

Thứ hai - 30/03/2015 04:02
Thật ra không phải đến năm 2008 Hội An mới được công nhận là thành phố. Trong chiều dài lịch sử hình thành và phát triển của mình đã từng không ít lần danh xưng thành phố đã được dùng để gọi/chỉ vùng đất Hội An, nơi sớm có sự phát triển về buôn bán, thương nghiệp - ngoại thương. Sự gọi tên như thế này cũng đã từng được chính danh bởi nhà nước hoặc bởi sự công nhận - thừa nhận của nhiều người, một tiêu chí khá quan trọng trong việc đánh giá mang tính dân gian về sự phát triển theo hướng thành phố - đô thị hóa tại các vùng, miền cụ thể.
       
       Không phải ngẫu nhiên mà Hội An luôn được gắn với danh xưng là phố: Phố Hội, phố Hoài và trước đó là Lâm Ấp phố. Dù là một bến sông với chữ phố có ba chấm thủy như nhiều tác giả đã đề cập hay phố xá về sau này thì tính chất giao lưu, phát triển về kinh tế thương nghiệp - ngoại thương cũng là một nét nổi trội của vùng đất Hội An trong suốt chiều dài lịch sử. Phố chứ không phải là thị. Thị với tính chất là chợ búa thì hầu như làng quê nào cũng có, đến nỗi dân gian từng có câu: “Chợ tan làng mạt”. Phố thì không phải nơi nào cũng có. Chỉ ở những nơi mà hoạt động thương nghiệp diễn ra mạnh mẽ và quá trình đô thị hóa phát triển đến một mức độ nào đó thì phố mới ra đời. Vì vậy chúng ta thấy có Hà Nội với 36 phố phường, phố Hiến, phố Thanh Hà (Huế), phố Hội An, phố Hà Tiên, phố Sài Gòn,…

          Thực tế về sự phát triển này của Hội An đã được Lê Quý Đôn ghi lại trong Phủ Biên Tạp Lục vào thế kỷ XVIII: “Phàm hóa vật sản xuất ở các phủ Thăng Hoa, Điện Bàn, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Bình Khang và dinh Nha Trang đường thủy đường bộ đi thuyền đi ngựa đều hội tập ở phố Hội An, vì thế người khách phương Bắc đều đến tụ tập để mua về nước. Trước đây hàng hóa nhiều lắm, dù trăm chiếc tàu to chở cùng một lúc cũng không hết được”.

          Không dừng lại ở phố với quy mô phát triển của mình, Hội An đã từng được định danh là thành phố. Điều này được ghi nhận trước tiên vào thế kỷ XVII bởi các thương nhân, giáo sĩ phương Tây - những người vốn kinh qua buôn bán, cư trú, đi lại ở các thành phố lớn thời bấy giờ. Và như vậy, ít nhiều họ cũng có cái nhìn chính xác hơn. Đầu thập niên 20 của thế kỷ XVII, giáo sĩ Cristoforo Borri đã nói về Hội An như sau: “Thành phố này gọi là Faifo, một thành phố lớn đến độ người ta có thể nói được là có hai thành phố, một phố người Tàu và một phố người Nhật”.

          Bổ sung cho nhận định này, mười năm sau đó, Alexandre De Rhodes trong tác phẩm Hành trình và Truyền giáo xuất bản ở Pháp năm 1653 cũng đã dùng từ thành phố để chỉ Hội An.

          Vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, khi người Pháp đặt chân lên Hội An thì họ gọi nơi đây  là Ville de Faifo, thành phố Faifo. Tấm bản đồ Ville de Faifo hiện nay vẫn còn được lưu giữ ở nhiều cơ quan chuyên môn trong và ngoài nước. Trong một số văn bản hành chính vào đầu thế kỷ XX thỉnh thoảng vẫn thấy xuất hiện cách viết: Hội An thành phố.

          Về địa danh dân gian, từ khá lâu đời từ “phố Hội”, “phố Hoài” đã đi vào rất nhiều đơn vị ca dao, tục ngữ địa phương.
 
“Phố Hoài bốn tháng một phiên
Gặp cô hàng xóm anh kết duyên vừa rồi,…”
          Hay câu:
“Ra về  vẫn nhớ Hội An
Phố vui, người đẹp chứa chan nghĩa tình”
          Hoặc:
“Đi phố: Hội An, đi Hàn: Đà Nẵng”
 
          Và Hội An cũng đi vào văn học dân gian với tầm vóc là một thành phố của tỉnh Quảng Nam:
 
Quảng Nam có núi Ngũ Hành
Có sông chợ Củi, có thành Faifo”
 
          Như vậy, có thể thấy, thành phố Hội An là một danh xưng không phải đến bây giờ mới được công nhận, sử dụng. Thực tế này gợi lên những vấn đề hết sức thú vị về sự hình thành các đô thị - thành phố ở phương Đông. Sự hình thành và phát triển của thành phố - cảng thị Hội An có những điểm khác với sự ra đời của các thành phố - đô thị gắn với sự phát triển của nông nghiệp, của phường thợ nằm cạnh các thủ phủ chính trị - quân sự theo kiểu cổ điển phương Đông. Đó là các kiểu thành phố đô thị nông nghiệp Đông Nam Á điển hình như Ăng - Co, Borôbuđua, Athya. Hội An là một thành phố ra đời bằng một con đường khác khá đặc biệt - con đường phát triển giao lưu buôn bán, phát triển thương nghiệp. Đó là kết quả của quá trình mở cửa giao lưu - hội nhập về kinh tế văn hóa với bên ngoài được thực hiện từ khá sớm và đặc biệt đã diễn ra một cách chủ động, mạnh mẽ từ thời các chúa Nguyễn.

          Sự ra đời của Hội An vì vậy, như một số nhà đô thị học đã xác định, đã cung cấp một ví dụ điển hình về hình thành của các thành phố - đô thị thương nghiệp phương Đông thời Trung đại.

          Dường như lịch sử có sự tiếp nối khá thú vị khi Hội An lại được công nhận là thành phố. Dĩ nhiên, thành phố Hội An hiện nay không phải là thành phố Hội An của các thế kỷ trước đây. Nhưng bóng dáng của quá khứ dường như vẫn hiển hiện rõ nét ở Hội An với sự có mặt của một khu phố Di sản thế giới. Quá khứ đã hóa thân vào hiện tại một cách hết sức cụ thể, sống động. Vấn đề cần quan tâm là trong lúc nhanh chân sải bước về hướng hiện đại - một nhu cầu mang tính tất yếu, cần thiết những công dân của thành phố Hội An hôm nay phải làm thế nào để gìn giữ thật tốt Di sản của quá khứ và biến sức mạnh, ưu thế của quá khứ thành tài sản quý giá, thành động lực thật sự để phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, giàu bản sắc văn hóa.

Tác giả: Trần Văn An

Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây