Ngay sau khi ra đời ngày 28.3.1930, Đảng bộ Quảng Nam đã chú trọng công tác phát triển đảng viên mới khắp ở các địa phương trong tỉnh. Tỉnh ủy phân công các đồng chí tỉnh ủy viên đi tuyên truyền, kết nạp đảng viên và thành lập tổ chức đảng ở các phủ, huyện... Kết quả, trong năm 1930, nhiều chi bộ đảng và huyện ủy, phủ ủy, được thành lập. Tại Hội An, đã thành lập 2 chi bộ với 11 đảng viên; ở phủ Điện Bàn ban đầu lập 1 chi bộ, sau phát triển thành 2 chi bộ: Chi bộ Bất Nhị - Cẩm Lậu và Chi bộ Hà Thanh - Bích Trâm - La Thọ - Thanh Chiêm - An Quán. Ở phủ Duy Xuyên, Chi bộ Tân Mỹ được thành lập và đến tháng 10.1930, Duy Xuyên có 29 đảng viên, tổ chức thành 5 chi bộ. Phủ ủy Duy Xuyên cũng được thành lập do đồng chí Lê Tuất làm Bí thư. Ở huyện Quế Sơn, tháng 4.1930, ban đầu có chi bộ ghép Quế Trạch - Phương Trì, sau đó là Chi bộ Nghi Trung và Nghi Hạ; tháng 9.1930 Huyện ủy Quế Sơn ra đời do đồng chí Đoàn Xuân Trinh làm Bí thư. Ở phủ Tam Kỳ, chi bộ đảng đầu tiên được thành lập tại Chùa Ông, đến tháng 7.1930 phát triển lên 5 đảng viên...
Cũng trong thời gian này, ở Quảng Nam, tờ báo Bẻ xiềng của Xứ ủy Trung kỳ đã được bí mật lưu hành. Tỉnh ủy Quảng Nam ra báo Lưỡi cày, Thị ủy Đà Nẵng ra báo Còi nhà máy. Do yêu cầu in báo và truyền đơn ngày càng nhiều, Tỉnh ủy Quảng Nam đã xây dựng cơ sở in bí mật tại thị xã Hội An. Lúc đầu cơ sở in đặt tại nhà một cơ sở cách mạng, sau đó chuyển qua khu mả vôi ở Trường Lệ. Có lúc, ta dùng nhà kho của tòa công sứ Pháp để cất giấu dụng cụ in.
Giữa lúc phong trào cách mạng trong tỉnh đang phát triển thì tháng 10.1930, thực dân Pháp tiến hành các biện pháp đàn áp dã man. Tổ chức đảng trong tỉnh bị đánh vỡ, phong trào cách mạng tạm thời lắng xuống. Cuối năm 1932, Tỉnh ủy Quảng Nam được lập lại, cơ sở đảng từng bước được phục hồi và phát triển ở nhiều nơi, nhất là tại Tam Kỳ. Tuy nhiên đến năm 1935, phong trào cách mạng của tỉnh một lần nữa bị địch đánh phá. Những năm 1936 - 1939, Tỉnh ủy được khôi phục và lãnh đạo thành công cao trào đấu tranh đòi dân sinh dân chủ. Tiêu biểu là các hoạt động phát động phong trào triệu tập Đông Dương Đại hội; phong trào đón phái bộ Gô-đa sang điều tra tình hình Đông Dương; vận động tranh cử cho Phan Thanh, sau đó là Đặng Thai Mai vào Viện Dân biểu Trung kỳ; phong trào chống dự án tăng thuế của Khâm sứ Trung kỳ... Những phong trào trên đã thể hiện năng lực lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh trong những giai đoạn khó khăn nhất, góp phần vào thắng lợi chung của cách mạng cả nước.
Trong những năm 1939 - 1945, Đảng bộ Quảng Nam lại phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách với ba lần bị đánh phá khốc liệt. Hàng nghìn cán bộ, đảng viên đã bị bắt, tù đày. Lần thứ nhất vào 10.1939; lần thứ hai vào năm 1942; lần thứ ba vào năm 1943. Mỗi lần bể vỡ là một lần tổn thất của phong trào cách mạng, song cũng thêm một lần thử thách rèn luyện đối với đảng viên, cơ sở và quần chúng. Mặc dù bị địch tra tấn rất dã man, nhiều người vẫn không hề khai báo, trái lại còn tìm cách đánh lạc hướng địch nhằm che giấu bảo vệ cán bộ, bảo vệ tổ chức và cơ sở. Mặt khác, phong trào cách mạng trong năm 1942 ở Quảng Nam phát triển rộng, cán bộ thoát ly hoạt động, nên dù địch có bắt bớ tràn lan, nhiều nơi vẫn còn tổ chức.
Tháng 4.1944, Tỉnh ủy Quảng Nam được lập lại, do đồng chí Trần Văn Quế làm Bí thư. Sau khi thành lập, Tỉnh ủy xác định nhiệm vụ cấp bách lúc này là nhanh chóng móc nối liên hệ với các phủ, huyện xây dựng lại hệ thống tổ chức đảng và các đoàn thể, tiếp tục ra tờ báo Cờ Độc lập và in một số tài liệu bí mật. Sau một thời gian hoạt động, Tỉnh ủy đã thành lập Phủ ủy Tam Kỳ, liên lạc được với cơ sở các phủ, huyện Tam Kỳ, Hội An, Duy Xuyên, Đại Lộc, Quế Sơn, Thăng Bình. Đây là bước chuẩn bị về tổ chức, lực lượng tiến đến tổng khởi nghĩa giành chính quyền khi thời cơ chín muồi.
Ở Quảng Nam, những ngày đầu tháng 8.1945 bộ máy thống trị tay sai của Nhật từ phủ, huyện, đến cơ sở đã bị tê liệt, quần chúng được tập hợp dưới ngọn cờ hiệu triệu của Mặt trận Việt Minh, sẵn sàng hưởng ứng khởi nghĩa. Trước tình thế đó, Tỉnh ủy triệu tập cuộc họp khẩn cấp tại nhà ông Tòng (Khương Mỹ, Tam Kỳ) vào ngày 12 và 13.8.1945 bàn kế hoạch chớp thời cơ khởi nghĩa. Cuộc họp đang tiến hành thì chiều ngày 13.8.1945, đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ từ Đà Nẵng vào cấp báo “Nhật Hoàng đã đầu hàng Đồng Minh”. Trung ương có Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” về các khả năng cuộc khởi nghĩa của ta có thể nổ ra giành thắng lợi. Cuộc họp chuyển xuống nhà ông Nguyễn Chiến (cùng ở Khương Mỹ) tiếp tục diễn ra trong đêm 13 và ngày 14.8.1945. Hội nghị Tỉnh ủy chuyển trọng tâm sang bàn chủ trương khởi nghĩa và quyết định: Phát động toàn dân trong tỉnh nổi dậy giành chính quyền.
Đêm 17 rạng ngày 18.8.1945, khởi nghĩa giành chính quyền ở Hội An thắng lợi. Tin tỉnh lỵ Hội An giành chính quyền đã khích lệ mạnh mẽ lực lượng khởi nghĩa các phủ, huyện tiến lên giành chính quyền. Từ sáng 18.8.1945 ta lần lượt giành chính quyền ở các phủ, huyện Duy Xuyên, Điện Bàn, Thăng Bình, Tam Kỳ, Quế Sơn, Đại Lộc... Sáng 26.8.1945 khởi nghĩa giành chính quyền tại Đà Nẵng.
Nhờ sự nhạy bén, linh hoạt, chỉ trong thời gian ngắn từ 18.8 đến 26.8.1945, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Quảng Nam và Đà Nẵng đã hoàn toàn thắng lợi, góp phần đưa đến sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, mở ra một trang sử mới trong lịch sử dân tộc.
Tác giả: LÊ NĂNG ĐÔNG
Nguồn tin: www.facebook.com/truyen.dinhba
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn