Chào mừng kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam (3.2.1930 - 3.2.2015)

Thứ tư - 28/01/2015 02:35
Một thời đã sống - Dẫu rằng không ai muốn lịch sử dân tộc phải chịu nhiều thương đau, song thế hệ cô Phan Thị Thảo (Hội Tù yêu nước TP.Đà Nẵng) vẫn luôn tự hào về một thời mình đã sống.
Cô Phan Thị Thảo ôn lại những ngày hoạt động trong lòng địch. Ảnh: NGUYỄN AN KHÁNH
Cô Phan Thị Thảo ôn lại những ngày hoạt động trong lòng địch. Ảnh: NGUYỄN AN KHÁNH

       Năm 1967, cô giao liên Phan Thị Thảo học xong bậc trung học cơ sở ở Thăng Bình, được điều động về thị xã Hội An. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Thị ủy, cô có nhiệm vụ xây dựng cơ sở trong phong trào thanh niên học sinh (TNHS) Trường Trần Quý Cáp. “Bằng phương pháp rỉ tai, truyền cho nhau những tài liệu được chuyển từ vùng giải phóng về, động viên làm thơ, viết văn nói về tình yêu quê hương đất nước rồi chuyền cho nhau xem để giác ngộ anh chị em đi theo cách mạng. Giác ngộ được người nào thông suốt, chúng tôi lại rủ ra vùng giải phóng gặp lãnh đạo để tuyên truyền và giao nhiệm vụ” - cô Thảo nhớ lại. Đến cuối năm 1967, cô đã thành lập được một chi đoàn do cô làm bí thư với 3 đoàn viên, trong đó có em trai cô Phan Đức Dũng và một đoàn viên khác là Hồ Duy Cường. Từ những hạt giống đầu tiên đó, cuối năm 1968, số đoàn viên trong TNHS Trường Trần Quý Cáp đã lên đến 19 người. Chi đoàn có nhiệm vụ tiếp tục tuyên truyền, giác ngộ cách mạng, may và treo cờ, dán áp phích, rải truyền đơn gây hoang mang cho địch và tạo niềm tin, phấn khởi trong nhân dân.

       Rơi vào tay giặc

      Đầu năm 1969, những hạt giống đầu tiên của chi đoàn lần lượt được kết nạp Đảng và hình thành chi bộ đơn tuyến hoạt động trong lòng thị xã, do Phan Thị Thảo (bí danh Thắm) làm bí thư. Ngày 3.9.1969, nghe tin Bác Hồ mất, biến đau thương thành hành động, chi bộ quyết tâm đánh vào cơ quan đầu não của địch ở nội ô. Vũ khí được trên cấp gồm một khẩu súng K59 và 2 kíp nổ; chi bộ cũng tự lo được 2 quả lựu đạn. Tiếc rằng kế hoạch chưa thực hiện thì cơ sở bị lộ, chị em cô và hơn 10 đoàn viên khác bị địch bắt. Nhắc lại khoảnh khắc này, cô Thảo chia sẻ: “Sáng 25.12.1969, tôi đang đi trên đường phố thì bị bắt đưa về phòng cảnh sát Hội An”. Rơi vào tay giặc trong tình thế bất ngờ, lòng cô rối như tơ vò, phần vì lo lắng tài liệu, lựu đạn cô để dưới gầm giường sợ địch tìm thấy; phần vì lo em trai cô bị bắt, vì lúc đó Phan Đức Dũng mới 18 tuổi liệu có chịu nổi đòn roi tra tấn của kẻ thù không… Trưa hôm ấy, mẹ cô - Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Cây (tuyên dương năm 2014), cũng là một đảng viên đến thăm. Thảo vội chạy ra vờ tháo khuyên tai đổi cho mẹ và dặn: “Mẹ bảo Dũng trốn đi, đồng thời giải quyết và thủ tiêu toàn bộ giấy tờ, tài liệu”. Như vậy, mối lo lắng nhất đã xử lý xong, cô như cất được gánh nặng trong lòng.

     Chiều cùng ngày, chúng bắt đầu hỏi cung cô. Tên cảnh sát dụ dỗ: “Em khai vào tổ chức như thế nào, có những ai khai ra rồi các anh cho về sớm”. Hắn đưa cây bút và tập giấy, bảo cô viết lời khai. Cô kể chuyện học hành, rằng cuộc sống khó khăn phải đi dạy kèm, rồi khẳng định mình không theo tổ chức nào hết. Cầm tập giấy do cô trao lại, tên cảnh sát tức tối thét lên bảo cô ngoan cố, đánh liên tiếp mấy bạt tai. Sự lo lắng, day dứt vì tổ chức bị phá vỡ của cô càng tăng lên khi mấy hôm sau, các đồng chí khác cũng bị bắt như: Lục, Nhẫn, Hạnh, Giang…

     Địch dùng đủ mọi thủ đoạn tra tấn, cho đối chất để tìm người chỉ huy. May mắn thay, hai người bị bắt trước cô, khai nhiều nhất lại không biết Phan Thị Thảo là Ủy viên Thường vụ Thị đoàn, bí thư chi bộ đơn tuyến mà họ chỉ biết rằng cô có tham gia phong trào thanh niên. Vì thế, sự hoài nghi về khả năng một cô gái 20 tuổi khó có thể làm được những việc lớn như thế trong nội ô thị xã Hội An của bọn cảnh sát càng tăng lên. Trong khi đó, một người đã khai cùng Phan Đức Dũng trực tiếp ra vùng giải phóng nhận súng. Cảnh sát Hội An liền xác định Dũng là con cá lớn, cần phải bắt bằng được. Với địa bàn thị xã nhỏ bé, vùng giáp ranh được canh phòng cẩn mật sau khi phát hiện tổ chức của ta nên chỉ mấy hôm sau Phan Đức Dũng cũng rơi vào tay giặc.
 

    Ý chí kiên cường

    Nhằm trấn áp tinh thần ngay từ đầu, chúng đưa hai chị em ngồi đối diện, quanh bàn có 3 tên cảnh sát đứng kèm. Một tên nói: “C. đã khai cùng em mang khẩu súng K59 vào và chị em cũng khai như thế. Vậy em để súng ở đâu, chỉ cho các anh lấy không thì bị tra tấn đến chết đấy”. Phan Đức Dũng đưa mắt nhìn chị dò xét. Thảo quay sang hướng khác và nói trống không: “Các anh nói giỡn chứ Việt cộng có điên không mà giao súng cho một thằng nhóc con như Dũng. Thằng C. khai bậy đấy”. Nghe vậy, Dũng yên tâm mình chưa bị lộ. Tuy nhiên, do C. khai báo như vậy nên chúng quyết tra tấn Phan Đức Dũng để tìm ra khẩu súng. Dù bị đánh dã man đến chết đi, sống lại nhưng anh vẫn kiên cường không khai báo. Có đêm, tra tấn Dũng xong, chúng đưa anh xuống sân khu tạm giam rồi gọi Thảo ra xem. “Nhìn em không còn sức để bước đi, mặt sưng vù, máu me chảy kín cả mũi, miệng, tôi quá đau đớn hét lên: quân dã man” - cô Thảo hồi tưởng. Bấy giờ, trong khu giam giữ của cảnh sát Hội An, đối với tù nhân trẻ, chúng tỏ vẻ coi thường “đám con nít” nên cũng không giam giữ nghiêm ngặt, nhờ vậy anh chị em có thể lợi dụng giờ nghỉ để thăm nhau. Cô Thảo tiếp tục câu chuyện: “Từ hôm ấy, đoán chừng bọn cảnh sát đã về, tôi lại lén qua phòng nam để chăm sóc và giữ vững tinh thần cho Dũng. Thấy chị em tôi kiên cường không khai báo, một số anh chị em lớn tuổi trong phòng đã mạnh dạn bày vẻ cách khai cung để đối phó với bọn cảnh sát”. Bên ngoài, mẹ Nguyễn Thị Cây và bà con cơ sở thương sắp trẻ, thường xuyên mang thức ăn và thuốc men vào tiếp tế.

     Sau 10 ngày đêm tra tấn, Phan Đức Dũng vẫn không hề khai báo. Chúng liền gọi một người chiêu hồi, vốn là cán bộ cấp huyện ủy đến để hỏi xem Việt cộng có giao súng cho lớp trẻ như Dũng không. Y nhìn anh lắc đầu. Từ đó, chúng dừng tra tấn Phan Đức Dũng và đắc thắng đã phá được một tổ chức TNHS giữa nội ô thị xã. Hơn một năm sau, vào cuối tháng 1.1971, chính quyền Sài Gòn đưa chị em cô Thảo và một số đồng chí ra tòa án binh. Không có chứng cứ buộc tội, tòa phải tuyên bố trắng án, trả tự do ngay tại tòa. Ra tù, hai chị em lại bắt liên lạc với tổ chức bên ngoài để tiếp tục hoạt động. Do bị tra tấn dã man, Phan Đức Dũng bị bệnh phổi nặng nên được ra miền Bắc chữa bệnh. Còn cô Phan Thị Thảo chuyển vùng hoạt động ra Đà Nẵng.

     Ngày đó đã xa, cô Phan Thị Thảo cũng đã trải qua nhiều công việc khác nhau. Song với cô, tuổi hai mươi làm bí thư chi bộ trong nội ô thị xã Hội An luôn là niềm tự hào về một thời thiếu nữ.

Tác giả: NGUYỄN AN KHÁNH

Nguồn tin: www.facebook.com/truyen.dinhba

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây