Chào mừng kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam (3.2.1930 - 3.2.2015):

Thứ tư - 21/01/2015 03:12
Cuộc diễn tập đầu tiên: Sau khi ra đời, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo nhân dân đứng lên đấu tranh hưởng ứng cao trào cách mạng 1930 - 1931. Đây là cuộc diễn tập đầu tiên để Đảng bộ tỉnh Quảng Nam rút ra bài học quý báu chuẩn bị cho thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Khu vực chợ Hội An, nơi cách mạng treo cờ búa liềm nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động (1.5) vào năm 1930 (ảnh tư liệu).
Khu vực chợ Hội An, nơi cách mạng treo cờ búa liềm nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động (1.5) vào năm 1930 (ảnh tư liệu).
      Tạo tiếng vang

      Ngay sau khi ra đời, Đảng bộ Quảng Nam - Đà Nẵng đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh nhân ngày kỷ niệm Quốc tế Lao động 1.5. Đảng bộ đã tổ chức treo cờ búa liềm và rải truyền đơn cách mạng ở nhiều nơi trong tỉnh với nội dung kêu gọi công nhân đấu tranh đòi tăng lương, bớt giờ làm, chống đánh đập, đòi hoãn sưu thuế cho nông dân. Ở Đà Nẵng, cờ đỏ búa liềm và truyền đơn cách mạng xuất hiện trong rạp chiếu bóng Nguyễn Khoa Lệ, phấp phới trên nóc nhà sở cảnh sát. Tại Điện Bàn, ta treo cờ đỏ búa liềm ngay trước dinh Tổng đốc Quảng Nam, trước phủ đường và trên Cầu Mống. Ở Hội An, đồng chí Phan Văn Định - Bí thư Tỉnh ủy nhận trách nhiệm đi rải truyền đơn ở trước nhà máy đèn, cạnh chùa Ông Bổn. Trên đường phố, nhất là ở các cửa công sở, hãng buôn, Chùa Cầu..., truyền đơn được dán lên tường, rải xuống đường. Đặc biệt, việc treo cờ búa liềm được các đồng chí chuẩn bị rất kỹ, vì nếu buộc hoặc cắm cờ ở chỗ dễ trèo thì bọn cảnh sát cũng sẽ dễ gỡ xuống. Phương án tối ưu được tính đến là treo cờ giữa ngã tư đường để gây sự chú ý của quần chúng, đồng thời phải treo ở nơi nguy hiểm nhất, khó gỡ nhất. Cuối cùng nơi treo cờ là đường dây tải điện giữa ngã tư đường Chùa Cầu. Trong hồi ký của mình, đồng chí Phan Văn Định viết: “Muốn treo được như vậy, trước đó anh em phải buộc một sợi dây vào lá cờ, đầu sợi dây có buộc kèm một hòn đá vừa phải, rồi tập ném lên một cái dây chằng ngang để làm sao khi ném lên hòn đá theo vòng quay, bện chặt sợi dây buộc cờ vào đường dây điện. Bọn cảnh sát muốn gỡ cờ phải có thang trèo và cắt điện, mất rất nhiều thời gian và dễ gây sự chú ý đối với nhân dân trong thị xã”. Đúng như dự kiến, mãi tới hơn 9 giờ sáng hôm sau, bọn địch mới gỡ được cờ ra khỏi đường dây điện.

    Việc cờ Đảng và truyền đơn cách mạng xuất hiện nhiều nơi trong tỉnh vào dịp kỷ niệm Quốc tế Lao động (1.5) năm 1930 đã gây nên tiếng vang lớn, tạo được sự chú ý của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Mặc dù trước đó bọn địch đã đề phòng, canh gác, tuần tra cẩn mật, sự xuất hiện cờ búa liềm và truyền đơn giữa thị xã cũng như các vùng nông thôn Quế Sơn, Duy Xuyên, Điện Bàn... làm cho bọn Pháp hết sức hoang mang, lo sợ. Ở Hội An bà con nói với nhau về tài “xuất quỷ nhập thần của cộng sản”. Thực dân Pháp và tay sai tỏ ra lo sợ và tìm cách để đánh phá phong trào cách mạng.

     “Chia lửa” với Nghệ Tĩnh

    Sau sự kiện treo cờ búa liềm và rải truyền đơn nhân ngày Quốc tế Lao động, tháng 8.1930, để chia lửa với nhân dân Nghệ Tĩnh, Tỉnh ủy Quảng Nam chủ trương tổ chức một cuộc diễn thuyết công khai tại ngã ba nhà thờ Tin lành (Hội An), nhưng không thực hiện được. Tỉnh ủy lại quyết định tổ chức một cuộc diễn thuyết tại một địa điểm gần chùa Quảng Triệu (Hội An), nơi gần phố xá, gần bến sông, dễ tập hợp quần chúng. Đồng chí Trần Kim Bảng được chọn làm diễn giả và phân công 40 đảng viên cùng quần chúng bảo vệ cuộc diễn thuyết. Buổi diễn thuyết được ví như “con sóng nhỏ” báo hiệu những đợt “sóng ngầm” to lớn sắp đến, khiến giặc phải run sợ tập trung lực lượng ứng phó.

    Đúng 12 giờ trưa ngày 4.8.1930, giữa lúc bọn cảnh sát đổi phiên gác, đồng chí Trần Kim Bảng cải trang thành nông dân tiến đến mục tiêu, nhảy lên một chiếc ghế đá đặt tại đó, tay phất cờ, miệng thổi còi hô hào quần chúng tham dự buổi diễn thuyết: “Thưa đồng bào! Tôi là chiến sĩ cách mạng, là cộng sản. Đồng bào hãy ủng hộ Đảng Cộng sản, đứng lên làm cách mạng, noi gương công - nông Nghệ Tĩnh, đánh đổ đế quốc Pháp và Nam triều phong kiến, đem lại cơm áo ấm no cho mọi người. Đông Dương độc lập hoàn toàn muôn năm!...”.

     Từ khắp các ngả đường, nhân dân hối hả gọi nhau: “Cộng sản diễn thuyết! Cộng sản diễn thuyết! Tới coi cộng sản diễn thuyết bà con ơi!”. Quần chúng kéo đến mỗi lúc một đông. Bất ngờ, tên Hương Một - Lý hương xã Minh Hương đứng lẫn trong nhân dân nhảy bổ lên để bắt đồng chí Trần Kim Bảng nhưng bị lực lượng tự vệ đã bố trí quật ngã... Diễn thuyết xong, đồng chí Bảng đã rút đi một cách an toàn. Tin về cuộc diễn thuyết chẳng mấy chốc lan khắp nơi. Ở ngoài phố, các đồng chí đảng viên nhân đó tuyên truyền cho quần chúng: Cộng sản diễn thuyết nói hay lắm! Ngược lại, tên Công sứ Hội An cay cú lồng lộn, lập tức ra thông cáo: “Cộng sản xuất hiện giữa ban ngày, dân chúng không giúp chính phủ bắt cộng sản. Từ nay về sau, ai còn làm ngơ sẽ bị trừng trị”... Về phía ta, ngay lập tức Tỉnh ủy có thông báo đưa tin này ra khắp toàn tỉnh để động viên tinh thần quần chúng dũng cảm đứng lên đấu tranh với kẻ thù.

     Như vậy, ngay sau khi được thành lập, Đảng bộ Quảng Nam - Đà Nẵng đã lãnh đạo nhân dân tỉnh nhà hưởng ứng các phong trào cách mạng 1930 - 1931. Qua đó, Đảng bộ tỉnh rút ra được những bài học kinh nghiệm quý báu về mục tiêu, phương pháp cách mạng, về khối liên minh công nông, về tinh thần đoàn kết đấu tranh cách mạng. Đó là cuộc diễn tập đầu tiên chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
 

Tác giả: NĂNG ĐÔNG

Nguồn tin: www.facebook.com/truyen.dinhba

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây