Trong kháng chiến chống Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, ngành tuyên huấn Quảng Nam đã vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, sáng tạo nhiều hình thức tuyên truyền hiệu quả, đóng góp vào sự nghiệp giải phóng quê hương, thống nhất đất nước.
Bám chặt cơ sở
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, ở Quảng Nam, thế và lực phong trào cách mạng đột ngột thay đổi: ta từ chỗ làm chủ một địa bàn rộng lớn, có cơ sở cách mạng đều khắp các vùng, nay phải bàn giao cho địch. Về phía địch, sau khi tiếp quản, chúng thành lập bộ máy tề ngụy, nhà tù, trại giam từ quận, khu đến xã; lập danh sách cán bộ, đảng viên để truy bắt, giam cầm, thủ tiêu. Đặc biệt, từ giữa năm 1955, sau khi ổn định bộ máy hành chính, Mỹ - Diệm bắt đầu thực hiện chiến dịch “Tố cộng, diệt cộng” vô cùng dã man. Hầu hết tổ chức cơ sở đảng ở đồng bằng bị vỡ, hàng chục nghìn cán bộ, đảng viên bị bắt đi học huấn chỉnh, nhiều đảng viên bị sát hại. Để phù hợp với điều kiện hoạt động mới, bộ máy ngành tuyên huấn lúc này được tổ chức tinh gọn, hoạt động bí mật với phương châm: Mỗi cán bộ, đảng viên là một cán bộ tuyên huấn. Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy đảng: Quyết tâm bám chặt cơ sở, giữ vững phong trào và động viên đảng viên bám cơ sở; trong hoạt động phải hết sức khéo léo che giấu lực lượng để tránh bể vỡ, bảo tồn lực lượng.
Vũ khí đắc lực Cuối năm 1959, trên cơ sở thành công của việc phiên âm tiếng Cơ Tu, Ban cán sự miền Tây ra tờ “Gung Dưr” (Đứng lên), in cả chữ phổ thông và chữ Cơ Tu. Nội dung của tờ “Gung Dưr” tập trung vào việc phổ biến chủ trương đường lối của Trung ương Đảng, Liên khu ủy 5, của Tỉnh ủy và Ban cán sự miền Tây; vận động nhân dân đoàn kết, tăng gia sản xuất, phòng và chữa bệnh, học chữ, hạn chế các tập tục lạc hậu; biểu dương các địa phương, cá nhân điển hình thi đua xuất sắc. “Gung Dưr” mỗi tháng ra một kỳ, sau ra hai kỳ. Đây là bản tin, tờ báo in đầu tiên ở miền núi Quảng Nam, đặc biệt đây là lần đầu tiên tiếng Cơ Tu được phiên âm trên mặt báo. Từ thành công của việc phiên âm tiếng Cơ Tu và ra tờ “Gung Dưr”, năm 1960, Ban cán sự miền Tây tiếp tục phiên âm chữ Ca Dong và cuối năm 1960 phát hành bản tin thứ hai mang tên “Pru Dương” in bằng tiếng Ca Dong. Báo “Pru Dương” ra đời có hình thức như tờ “Gung Dưr” nhằm phản ánh tình hình phong trào kháng chiến ở huyện miền núi Phước Sơn và Trà My. |
Nhiệm vụ trọng tâm của công tác tuyên huấn trong thời gian này là tuyên truyền cho cán bộ và nhân dân hiểu được bản chất, tội ác của kẻ thù; động viên nhân dân tuyệt đối tin tưởng vào cách mạng. Thơ ca, hò vè lên án tội ác của địch được sáng tác, phổ biến rộng rãi trong nhân dân; nhiều truyền đơn, biểu ngữ được rải, dán ở các nơi đông người như chợ, bến đò, trường học… Để in ấn tài liệu tuyên truyền, Tỉnh ủy chủ trương xây dựng cơ sở in. Từ căn cứ, cơ sở in li-tô được thành lập, với những nguyên liệu như bản đá Non Nước cùng giấy vở học sinh và các nguyên liệu chế mực như dầu rái, nhựa thông, xà phòng, sáp ong. Có bản đá, mực in nhưng do chưa có ru-lô, nên lúc đầu ta phải dùng ống lồ ô, sau khi mua được trục máy đánh chữ cũ, bèn lồng vào lớp cao su ruột xe đạp để lăn cho đều khi in. Với những trang bị thô sơ trên, từ một góc rừng miền tây Quảng Nam, cơ sở in của Tỉnh ủy đã in nhiều trang tài liệu, thơ, vè, truyền đơn đưa về đồng bằng kêu gọi nhân dân giữ vững niềm tin với Đảng, bảo vệ Đảng, bảo vệ cơ sở cách mạng, giữ vững tinh thần đấu tranh.
Những sáng tạo độc đáo
Sau khi lập được bộ máy cai trị ở đồng bằng, địch tiến hành chiến dịch lấn chiếm lên vùng trung và vùng cao. Chính quyền Ngô Đình Diệm lập ra “Nha công tác miền Thượng”, tổ chức nhiều đoàn “Bình định”, “Quân chính”, “Công dân vụ”, dưới danh nghĩa hoạt động “xã hội”, “dân vận” “thân thiện”, tỏa lên vùng trung, vùng cao truy tìm cán bộ nằm vùng, đẩy cán bộ ra khỏi dân, lập chính quyền, dồn dân, ngăn chặn sự giao lưu miền núi với đồng bằng. Nhằm hạn chế sự xâm nhập của địch, ta vận động đồng bào các dân tộc dựa vào phong tục tập quán, phao tin “giặc mùa”, “bỏ ngải”, thú rừng để đấu tranh. Nhân dân còn lợi dụng các buổi lễ “ăn yên” do địch tổ chức để hát đối đáp, động viên mọi người bảo vệ cán bộ, ngăn chặn sự hoạt động của địch ở miền núi. Đặc biệt, với lòng tôn kính, yêu quý đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng bào các dân tộc đã mạnh dạn sử dụng lý lẽ sắc bén để bảo vệ hình ảnh, uy tín của Cụ Hồ trước những luận điệu xuyên tạc của kẻ thù.
Giữa lúc phong trào cách mạng miền Nam đang gặp khó khăn, Nghị quyết 15 (năm 1959) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) như một luồng gió mới thổi bùng ngọn lửa đấu tranh của nhân dân ta, đáp ứng yêu cầu cấp bách đang đặt ra của phong trào cách mạng trong tỉnh. Từ đây, tỉnh Quảng Nam hòa chung với cả miền Nam dấy lên khí thế quyết tâm đánh địch, giải phóng quê hương.
Để từng bước khôi phục phong trào và đưa chủ trương của Đảng đến với quần chúng ở khu vực huyện Tiên Phước, trong thời gian này, đồng chí Đào Đắc Trinh, người phụ trách cánh nam của tỉnh (gồm các huyện Trà My, Tiên Phước, Tam Kỳ) trao đổi với đồng chí Huỳnh Thiện, Bí thư Huyện ủy Trà My tổ chức việc in và sáng tạo cách thức đưa truyền đơn cách mạng vào Tiên Phước bằng ống lồ ô. Các đồng chí thống nhất chọn xã Zút là nơi tổ chức in và đưa truyền đơn vào Tiên Phước. Có 3 loại truyền đơn được in: Truyền đơn kêu gọi đồng bào vùng lên đấu tranh chống Mỹ - Diệm, truyền đơn kêu gọi các đảng viên, cơ sở cũ trở lại hoạt động; truyền đơn kêu gọi ngụy quân, ngụy quyền quay về với nhân dân. Sau khi truyền đơn được in xong, ta sử dụng ống lồ ô, bỏ truyền đơn và lấy sáp ong khằng lại, hoặc bỏ vào bao ny lon đem thả xuống sông Tiên. Truyền đơn nằm trong ống lồ ô, bao ny lon trôi theo dòng sông Tiên qua thôn 3, thôn 4 Tam Lãnh, ngược lên Tiên Hiệp, Tiên Lộc, Tiên Kỳ và quận lỵ Tiên Phước... Qua các truyền đơn, nhân dân và một số cơ sở mà ta chưa bắt nối được, hiểu một phần chủ trương của Đảng, nhờ đó quần chúng phấn khởi, tin tưởng vì biết Đảng và cách mạng vẫn đang ở bên mình.
(Còn nữa)