Nghề câu ở Cù Lao Chàm

Thứ hai - 09/03/2015 22:19
Với vị thế là cụm đảo ven bờ, lại có nguồn tài nguyên trên rừng, dưới biển vô cùng phong phú nên từ thời Tiền Sơ sử, Cù Lao Chàm đã có con người sinh sống. Tại đây, bên cạnh nông nghiệp và lâm nghiệp, ngư nghiệp là sinh kế chính của người dân địa phương. Vì thế, đánh bắt thủy hải sản là nghề có truyền thống lâu đời, gắn liền với đời sống của cư dân xã đảo từ bao đời nay.
Nghề câu ở Cù Lao Chàm
         Nghề đánh bắt thủy hải sản ở Cù Lao Chàm khá đa dạng về hình thức. Theo kết quả tham vấn cộng đồng của Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An vào tháng 8/2014, ở Cù Lao Chàm có trên 40 loại nghề đánh bắt thủy hải sản. Trong đó, một số nghề có truyền thống lâu đời của địa phương như lưới rùng, lưới sưa, lưới 2, lưới trích, lưới chuồn, mành chà, giả cào… Tuy nhiên, hiện nay một số nghề đã bị mai một như nghề giả cào, mành chà, lưới cản, rớ biển… thay vào đó, nhóm nghề câu đang phát triển mạnh.

        Qua khảo sát cho thấy, đa số các hộ làm nghề câu ở Cù Lao Chàm tản cư ra từ đất liền vào năm 1968. Ra đây họ sinh sống và tiếp tục hoạt làm nghề của ông cha để lại. Để làm nghề, họ tự sắm công cụ, phương tiện với số lượng nhiều hay ít, quy mô lớn hay nhỏ tùy vào khả năng của mình.

        Nghề câu ở Cù Lao Chàm phong phú và đa dạng về hình thức như câu lớn, câu hố, câu đốc, câu kiều, câu nhỏ, câu mực… Theo thống kê, hiện có hơn 42 hộ làm nghề câu, trong đó tập trung chủ yếu tại khu vực xóm Mới - thôn Bãi Làng.

        Về ngư trường đánh bắt, mỗi nghề câu có ngư trường đánh bắt riêng, song chủ yếu là ở khu vực gần bờ, xa nhất khoảng 15 đến 20 hải lý. Nghề câu hoạt đọng quanh năm. Tuy vậy, một số nghề hoạt động tập trung từ tháng 3 đến tháng 9 âm lịch. Đối tượng đánh bắt của nghề câu gồm nhiều loại cá như cá hố, cá căn, cá lạc, cá hồng, cá mú, cá mập dưa, cá ngừ, cá đuối…

         Nghề câu khá vất vả và nặng nhọc, quy trình trải qua nhiều khâu và công đoạn, trong đó mỗi loại hình nghề câu có một quy trình và kỹ thuật riêng biệt. Tuy nhiên, tựu chung phải trải qua các bước, đầu tiên là chuẩn bị nẹp câu, tiếp đến là làm mồi câu, đi bủa câu và cuối cùng là kéo câu. Trường hợp kéo câu xong, xét thấy có nhiều cá có thể bủa lại thêm một lượt nữa. Lực lượng tham gia đi câu của mỗi gia đình thường có từ 2 - 3 người, trong mỗi chuyến đi câu tùy ghe lớn hay nhỏ mà bạn tham gia nhiều hay ít. Mỗi chuyến đi câu có từ 4 - 5 người. Việc phân công lao động trong mỗi chuyến câu khá chặt chẽ, thường bủa câu do người chủ ghe đảm nhận, bạn tham gia thì điều khiển ghe và làm các công việc phụ như móc mồi, thả cờ bủa.

        Về công cụ, phương tiện, người làm nghề câu ở Cù Lao Chàm sử dụng chủ yếu ghe có công suất 12 – 22 CV, nẹp câu, la bàn, thùng niễn, máy tín hiệu, vợt câu.

        Tùy vào điều kiện từng năm mà sản lượng đánh bắt từng nghề câu được nhiều hay ít. Sản lượng đánh bắt nhiều nhất mỗi chuyến câu khoảng 100kg, ít nhất từ 20 - 30 kg. Tuy nhiên có khi cũng không câu được con nào. Sau mỗi chuyến đi câu, trừ chi phí, 50% lợi nhuận thuộc về chủ ghe, 50% còn lại chia đều cho bạn tham gia đi câu.

        Hàng năm, nghề câu tổ chức 2 lễ cúng, lễ cúng đầu năm vào mồng 04 tháng 02 âm lịch, thường tổ chức lớn, lễ cúng mãn mùa vào mồng 04/8 âm lịch Đặc biệt, theo lệ 5 năm những người làm nghề câu ở Cù Lao Chàm tổ chức một lễ cúng lớn 1 lần. Đứng lễ là người có kinh nghiệm, người cao tuổi trong vạn nghề.
 


Lễ cúng vạn câu ở Cù Lao Chàm - Hội An - Ảnh: Phước Tịnh

         Trong quá trình hoạt động, các gia đình làm nghề câu thành lập Tổ đoàn kết để quản lý và củng cố tinh thần đoàn kết giữa các hộ đi câu với nhau, giúp đỡ nhau trong quá trình làm nghề. Tổ đoàn kết này được thành lập năm 2009, hiện có 30 thành viên tham gia. Tổ đoàn kết chịu sự giám sát và quản lý của UBND xã Tân Hiệp.

        Hiện nay, nghề câu Cù Lao Chàm phát triển khá mạnh, đa số người làm nghề đang trong độ tuổi lao động nên khả năng mai một của nghề này trong tương lai gần là không cao. Tuy nhiên, hiện nay nghề câu vẫn gặp nhiều khó khăn và thách thức như quy mô hoạt động nghề nhỏ, mức đầu tư và chi phí cho mỗi chuyến đi câu không nhiều, số lượng lao động trên một phương tiện ít, thời gian mỗi chuyến câu ngắn, đồng thời trình độ kỹ thuật khai thác và bảo quản sản phẩm thấp, chủ yếu đánh bắt ven bờ theo truyền thống, tập quán địa phương là chính nên năng suất không cao, lợi nhuận mang lại không nhiều. Hơn nữa, lực lượng làm nghề ngày có xu hướng giảm, trong khi đội ngũ kế cận, nắm bắt kỹ thuật, đặc biệt là thế hệ trẻ địa phương không mặn mà với nghề.

          Nhìn chung, nghề câu ở Cù Lao Chàm góp phần đem lại một phần thu nhập đảm bảo đời sống kinh tế gia đình, đóng góp một phần vào tổng thu nhập chung của xã đảo Tân Hiệp. Thông qua quá trình lao động giúp con người nhận biết, thích ứng giữa biển khơi và hình thành nên những kinh nghiệm, tri thức dân gian đối với nghề đi biển.
 
          * Tài liệu tham khảo:
          - Kết quả khảo sát nghề câu tại Cù Lao Chàm năm 2014.

Tác giả: Phạm Phước Tịnh

Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây