Mộc bản Hán Nôm là một trong những loại hình văn khắc, nói cụ thể hơn nó là công cụ để in ấn khi công nghệ in ấn công nghiệp chưa ra đời. Chữ Hán Nôm được khắc ngược lên ván gỗ sau để khi in lên giấy sẽ có mặt chính diện có thể đọc được. Hiện nay, đa phần mộc bản không còn được sử dụng để in ấn mà trở thành nguồn tư liệu quý giá phục vụ nghiên cứu lịch sử, tôn giáo, mỹ thuật… Đến nay, tại Hội An còn lưu giữ được một lượng lớn (theo số liệu thống kê chưa đầy đủ có khoảng 1000 mộc bản các loại) các mộc bản ở các chùa – chùa Chúc Thánh, chùa Phước Lâm, chùa Long Tuyền, Trung tâm Quản lý Bảo tồn di sản văn hóa Hội An và một số nhỏ khác nằm rải rác ở các ngôi chùa nhỏ và tại các tư gia. Trong bài viết này chúng tôi sẽ giới thiệu về nguồn tư liệu mộc bản hiện đang được lưu giữ tại chùa Phước Lâm.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, quan hệ bang giao chính thức giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản được xác định vào khoảng cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII. Trong quá trình đó, việc tiếp biến về văn hóa ẩm thực cũng đã diễn ra một cách tự nhiên. Và món mỳ udon của Nhật Bản, cao lầu của Hội An không chỉ là những món ăn nổi bật về hương vị mà còn thể hiện mối gắn kết, tình hữu nghị giữa hai dân tộc vốn có mối quan hệ từ khá sớm.
Trong danh sách các vị thần được thờ phổ biến tại nhiều di tích tín ngưỡng ở Hội An chúng tôi đặc biệt quan tâm đến một vị thần có tên là Bạch Mã hoặc Thái giám Bạch Mã và dân gian thường gọi là ông Thái Giám. Đây là vị thần giữ vị trí cao và có ảnh hưởng lớn trong đời sống tín ngưỡng dân gian địa phương cũng như trong hệ thống phong thần của các vương triều phong kiến Việt Nam. Tuy nhiên qua phỏng vấn nhiều nhân chứng cao tuổi tại Hội An thì hầu như không ai biết rõ lai lịch của các vị thần này về thần tích cũng như lý do thờ tự, dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau so với nguyên gốc.
Một công trình tu bổ di tích có thể được đánh giá là hiệu quả khi nó bảo tồn được tối đa các yếu tố có giá trị nguyên gốc. Các yếu tố đó bao gồm về hình dáng, kích thước, chất liệu, vật liệu, màu sắc, nghệ thuật trang trí,... của từ tổng thể, mặt đứng, nội thất đến từng bộ phận, cấu kiện hay chi tiết trang trí nhỏ nhất của công trình. Đặc biệt đối những di tích mà khi tu bổ nhất thiết phải hạ giải, cục bộ hay hoàn toàn, thì việc trả lại đúng vị trí ban đầu của từng cấu kiện, từng bộ phận, chi tiết cấu thành nó sau khi được sửa chữa, gia cố cũng là một yếu tố hết sức quan trọng quyết định đến hiệu quả của công tác tu bổ, và để thực hiện được điều đó thì việc đánh dấu chúng trước khi tiến hành hạ giải là hết sức cần thiết và có ý nghĩa rất quan trọng.
Nhắc đến Đô thị cổ Hội An - Đô thị thương cảng quốc tế lừng danh một thời, nằm phía tả hạ lưu sông Thu Bồn với nhiều chứng tích lịch sử, được bảo tồn gần như nguyên vẹn cho đến ngày nay, chúng ta thường nói đến các di tích lịch sử văn hóa như: Chùa Cầu (Cầu Nhật Bản, Lai Viễn Kiều), Chùa Ông, Tụy Tiên Đường Minh Hương, Hội Quán Phúc Kiến, Hội Quán Triều Châu, Hội Quán Quảng Đông,… Nhưng mấy ai để ý rằng, chính những ngôi nhà cổ đã góp phần quan trọng tạo nên những vẻ đẹp đằm thắm cho phố cổ. Trong số những ngôi nhà cổ ấy, chúng ta không thể không nói đến ngôi nhà số 80 đường Trần Phú, phường Minh An, thành phố Hội An. Ngôi nhà còn được biết đến với tên gọi hiện nay là “Bảo tàng Gốm sứ Mậu dịch Hội An”, nơi lưu giữ các giá trị di sản văn hóa lịch sử đặc sắc của cư dân Hội An nói riêng cũng như dân tộc Việt Nam và nhân loại nói chung.
Với những ưu thế về điều kiện tự nhiên cùng với tầm nhìn chiến lược của các chúa Nguyễn, vào các thế kỷ XVI - XVIII, Hội An trở thành một trong những cảng thị mậu dịch quốc tế phồn thịnh bậc nhất Việt Nam. Trong giai đoạn này, theo từng chuyến tàu, thương nhân nhiều nước Đông - Tây đến Hội An buôn bán, cư trú lập nghiệp, đặc biệt là thương nhân người Nhật và người Hoa. Theo các nguồn sử liệu, người Nhật và người Hoa đến Hội An buôn bán được các chúa Nguyễn cho phép lập thành khu phố riêng với lối sống, sinh hoạt, phong tục riêng. Bước sang thế kỷ XVII, chính sách đóng cửa của Mạc phủ Nhật Bản làm cho người Nhật đến Hội An ngày một ít và vì thế phố người Nhật ở Hội An dần dần suy tàn. Trong khi đó, làn sóng di cư, buôn bán của người Hoa đến các nước ở khu vực Đông Nam Á, trong đó đặc biệt là đến Hội An - Việt Nam ngày càng nhiều, hình thành nên làng Minh Hương và các bang người Hoa cùng với các thiết chế sinh hoạt cộng đồng riêng.
“Những nhà xưa ở Quảng Nam” là một khảo cứu khá công phu về kiến trúc ở Quảng Nam trong đó có các ngôi nhà phố Hội An của tác giả Nguyễn Bạt Tụy được đăng trên Văn hóa nguyệt san xuất bản ở miền Nam trước năm 1975. Trong số này, Ban biên tập bản tin xin được giới thiệu phần tiếp theo của bài khảo cứu in trong Văn hóa nguyệt san số 60, từ trang 398-404 để bạn đọc tham khảo.
Khu phố cổ Hội An với bề dày lịch sử lâu đời đã kết tinh, hội tụ trong mình nhiều giá trị quý báu. Ngoài những giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, mỹ thuật,… nói chung, nhiều ngôi nhà, góc phố còn lưu lại những dấu ấn lịch sử cách mạng quan trọng của Đảng bộ và nhân dân Hội An trong những năm tháng đấu tranh gian khổ, hào hùng để bảo vệ quê hương, đất nước.
Cẩm Thanh là xã ngoại ô nằm ở phía Đông thành phố Hội An, với hệ thống kênh rạch chằng chịt, chính vì thế từ xa xưa ở Cẩm Thanh đã hình thành nên nghề buôn bán bằng ghe bầu, cũng từ đó cây dừa nước ở tận Nam Bộ đã được mang về bởi các thương lái ghe bầu (theo ý kiến của một số nhân chứng thì giống dừa nước được đem từ Đồng Nai, Sông Bé, Long Xuyên về). Lúc đầu người ta đem dừa về trồng để chắn sóng, chắn gió nhưng qua thời gian với nhu cầu của cuộc sống, người ta đã biết vận dụng cây dừa để làm vật che nắng, che mưa.
Bảo quản phòng ngừa là hoạt động quan trọng nhất trong công tác bảo quản hiện vật bảo tàng, vì nó quyết định đến chất lượng và sự tồn tại của hiện vật bảo tàng. Bảo quản phòng ngừa là tạo môi trường tốt, thực hiện các phương pháp bảo quản để chăm sóc các hiện vật và các sưu tập nhằm kéo dài tuổi thọ, bảo vệ hiện vật ở hiện tại và trong tương lai.
Trên chiếc tàu gỗ hoen màu sóng gió, từ bến Bạch Đằng xuôi dòng Thu Bồn qua những miền quê thanh bình, yên ắng ở đôi bờ vùng hạ lưu là đến Cửa Đại. Từ đây, phóng tầm nhìn xa xa về phía đông qua điệp trùng ngọn sóng bạc là cụm đảo Cù Lao Chàm trải dài theo hình cánh cung. Cù Lao Chàm với tám hòn đảo lớn nhỏ mà tên gọi của nó từ lâu đã đi vào văn học dân gian qua câu ca: “Ra Lao đón Lụi(Mồ) cho Dài, Chờ cho Khô Lá xuống Tai chực Nồm”. Trong tư liệu lịch sử của Arập, Trung Hoa và Phương Tây, cũng như địa danh Hội An, Cù Lao Chàm được chép bởi nhiều tên như Sanf - Fu - Lao, Cham - Pu - Lao, Chiêm Bất Lao, Tiêm Bút, Tiêm Bích Loa, đảo Ngoạ Long, Polociampello, Cal Lao...
Theo quan niệm của người xưa, khi chưa nắm được các quy luật của thiên nhiên thì thế giới này là một thứ hỗn mang không xác định. Từ sự quan sát, cảm nhận về sự biến đổi của tự nhiên, người Á Đông cổ đại đã nhận ra các mặt đối lập diễn ra thường xuyên trong cuộc sống.
Đối với người Việt Nam nói chung, người Hội An nói riêng, tết Nguyên Đán (Tết cổ truyền, Tết ta, Tết âm lịch) có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi đây là dịp gia đình, người thân, bạn bè sum họp, đoàn tụ, gặp gỡ nhau sau thời gian dài bận rộn với mọi thứ trong cuộc sống mưu sinh. Có thể nói đây là cái tết quan trọng và đầy ý nghĩa của người Việt Nam.
Mặc dầu trong thời kỳ tổ chức Đảng ở Hội An chưa được tái lập vào thời gian từ sau tháng 10 năm 1930 đến cuối năm 1941, nhưng trong thời gian này, những cán bộ cách mạng đã tích cực tiếp thu sự chỉ đạo của các tổ chức Đảng các cấp, linh động sáng tạo để gây dựng cơ sở, tạo những phong trào hết sức sôi động trong thời kỳ đấu tranh dân chủ 1936 - 1939. Qua đó, tạo tiền đề để tái thành lập tổ chức Đảng ở Hội An. Một trong những phong trào tiêu biểu tạo được hiệu quả thu hút quần chúng lớn là Hội đọc sách Kim Bồng.
Từ rất lâu đời “tét, tổ, nổ, in” đã trở thành bốn loại bánh gắn với truyền thống ẩm thực liên quan đến lễ tết của xứ Quảng nói riêng, Đàng Trong nói chung. Đây là 4 loại bánh góp phần trang trọng làm nên không khí ấm cúng, tươi vui và phong vị truyền thống đặc trưng của các ngày lễ tết ở mọi gia đình, xóm thôn, khối phố...Ngoài ra, hàng ngày tại các địa phương của xứ Quảng từ miền núi, trung du cho đến vùng châu thổ cửa sông ven biển và đảo ven bờ còn bày bán nhiều loại bánh ngọt có, mặn có được làm nên bằng nhiều loại nguyên liệu khác nhau gắn với đặc điểm sinh thái của từng vùng. Trên mâm bánh trái đa dạng và phong phú ấy của xứ Quảng, bánh in Hội An hiện diện với vị trí rất quan trọng và ấn tượng.
Nhằm khẩn trương xây dựng lực lượng, sẵng sàng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân khi thời cơ đến, Ủy ban mặt trận Việt Minh Hội An ngay sau khi thành lập đã tổ chức nhiều hoạt động đưa phong trào cứu quốc trong quần chúng nhân dân phát triển. Một trong những hoạt động nổi bậc là việc tổ chức buổi mitting vào tháng 2 năm 1943 để kỉ niệm chiến thắng Đống Đa lịch sử của quân Tây Sơn dưới sự lãnh đạo của anh hùng Nguyễn Huệ trong xuân Kỷ Dậu 1789.
Trong giai đoạn từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX, Hội An là một trong những trung tâm kinh tế lớn của Đàng Trong, là thương cảng mậu dịch quốc tế khá phồn thịnh. Từ giữa thế kỷ XVI, các thương nhân Châu Âu đã đến Hội An buôn bán. Song hành cùng những thương nhân phương Tây là các nhà truyền giáo đạo Thiên Chúa.
Trong những năm đầu của thế kỷ XX, trước tình hình phong trào kháng Pháp theo khuynh hướng bảo hoàng là Khởi nghĩa Cần Vương bị thất bại, nhà yêu nước Phan Bội Châu đã khởi xướng một phong đấu tranh kháng Pháp mới cũng theo hướng bảo hoàng nhưng hướng tới mục tiêu xây dựng nhà nước quân chủ lập hiến. Một hoạt động quan trọng thể hiện khuynh hướng này là thành lập Duy Tân hội.
Chùa Long Tuyền hiện tọa lạc tại khối 1, phường Thanh Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông, là một trong những ngôi chùa nổi tiếng thuộc thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh ở Hội An.
Làng Thanh Hà tọa lạc về phía Tây - Bắc của thành phố Hội An, nguyên trước đây thuộc tổng Phú Triêm, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Theo điều tra của Viện Viễn Đông Bác cổ trước đây trong làng có thờ ba vị nhân thần, tên thường gọi là ông Tứ, ông Bích và ông Cụt.