Theo “Đại Thanh hội điển sự lệ” chép: Bà là người huyện Bồ Điền, tỉnh Mân (tỉnh Phúc Kiến bây giờ). Bà họ Lâm, tên Mặc Nương. Nhà họ Lâm nhiều đời làm quan, đến đời cha bà là Duy ý Công cưới bà Vương Thị đã lâu mà không có con. Sau nhiều lần cầu đảo, mẹ bà thọ thai và sinh bà vào ngày 23/3 đầu năm Kiến Long nhà Tống (960). Lên 13 tuổi bà được một đạo sĩ truyền cho “Nguyên Trưng Bí pháp”, năm 16 tuổi được diệu bùa và cảm phép linh thông biến hoá, từ đó bà hay đuổi tà giúp dân nên quần chúng đều tôn bà là “Linh Hiền Thông Nữ”. Thêm 13 năm sau, vào tiết trùng cửu (9/9 ÂL), bà lên núi ở đảo My Châu, giữa ban ngày phi thăng lên trời. Kể từ đó, bà thường hiển linh cứu dân giúp nước, đặc biệt là cứu vớt những tàu thuyền gặp nạn trên biển.
Ngoài ra bà còn thu nạp được 2 vị thần là Thần nhìn xa (Thiên lý nhãn) và Thần nghe xa (Vạn Lý nhĩ hay Thuận Phong nhĩ), 2 vị này thường xuyên nghe nhìn để bẩm báo với bà kịp thời cứu nạn. Để tưởng nhớ công đức của bà, các triều đại đều ban sắc phong thờ cúng. Lần sắc phong đầu tiên vào năm Tuyên Hoà thứ 4 đời nhà Tống (1122): Phong là Thuận tế phu nhân, lần cuối vào năm Đạo Quang thứ 19 đời nhà Thanh (1839) gia phong mỹ tự: Hộ Quốc Tý Dân Diệu Linh Chiêu ứng Hoằng Nhân Phổ Tế Thiên Thượng Thánh Mẫu. ở Việt Nam cũng nhiều lần ban sắc cho bà. Minh Mạng năm thứ 7 (1826) phong là: Hồng Từ Bác Nghĩa An Tế Thượng Đẳng Thần, Tự Đức năm thứ 3 (1850) gia phong mỹ tự: Hồng Từ Bác Nghĩa An Tế Phổ Trạch Gia Trang Thiên Phi Thượng Đẳng Thần.
Khi người Hoa sang Hội An buôn bán rồi định cư vĩnh viễn tại đây, họ bèn xây dựng hội quán để làm nơi sinh hoạt chung của cộng đồng, đồng thời cũng là nơi thờ cúng những vị thần hiển linh trợ giúp họ trong đó có bà Thiên Hậu Thánh Mẫu (bà chủ yếu được thờ ở 2 Hội quán: Trung Hoa và Phước Kiến). Cứ đến ngày đản sinh hàng năm họ lại linh đình tổ chức cúng tế.
Lễ vía Thiên Hậu thường được tổ chức trong hai ngày 22 và 23 ÂL. Chiều ngày 22, Ban trị sự của Hội quán vận động người trong bang vệ sinh, trang trí Hội quán, các bàn thờ, khám thờ đồng thời chọn ra một số người để làm lễ mộc dục. Lễ mộc dục là dùng nước sạch, khăn sạch lau chùi kim tượng của Thánh Mẫu, thay áo choàng và đeo đồ trang sức của thiện nam tín nữ cúng cho bà. Sau lễ mộc dục thường tổ chức cúng chay.
Ngày 23/3 là lễ tế chính thức. Ban tổ chức của buổi tế lễ chủ yếu là các vị trong Ban trị sự của Hội quán và thêm một số thành viên khác để đảm nhiệm những công việc cần thiết. Người chủ tế do vị bang trưởng đảm nhận. Lễ vật cúng tế bao gồm: heo quay (
gọi là Kim trư), bộ tam sênh
(cá, thịt, trứng), bánh bao Phúc Kiến, bún xào Phước Kiến, vịt tiềm bát bửu, đồ vàng mã, hoa quả, hương đèn... Thời gian diễn ra lễ chính từ 9 - 10 giờ trưa. Trong giờ phút này, tất cả những người trong ban tổ chức, khách mời và con cháu trong bang, thứ tự hàng ngũ trước điện Thiên Hậu dâng hương khấn vái. Ba hồi chuông trống nổi lên mở đầu buổi tế. Sau 3 lần dâng hương quỳ lạy, vị bang trưởng y phục chỉnh tề tiến lên phía trước cụ soát lễ vật, đọc chúc văn
(văn tế). Tiếp theo là phần dâng hương của đại biểu khách mời, cuối cùng là con cháu trong bang và các bang khác cũng vào vái lạy, xin lộc bà, xin xăm. Kết thúc buổi tế lễ, người ta cắm một con dao lên Kim Trư
(heo quay) và cho thêm một ít muối sống. Sau phần tế lễ là tiệc chiêu đãi tân khách và sum họp đồng hương. Theo một số vị lão thành thì trước 1975, vào dịp vía Thiên Hậu ở Hội An còn có rước Kiệu bà, xe hoa đi trong phố, các nhà buôn đều bày hương án, thắp đèn đốt pháo thật nhộn nhịp để nghinh đón.
Lễ vía Thiên Hậu Thánh Mẫu là một lễ tục truyền thống của cộng đồng Hoa thương ở Phố cổ Hội An. Đây là một lễ hội mang nhiều sắc thái Trung Hoa, nó đã góp phần làm phong phú thêm những hoạt động lễ hội ở Hội An. Vì vậy cần phải duy trì và phát huy thêm nữa để làm phong phú, đa dạng hơn di sản văn hóa phi vật thể của Hội An.
Xem tiếp
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền