Ở vùng đảo Cù Lao Chàm Hội An có một loài chim quý gọi là chim yến. Loài chim này có dáng nhỏ như chim sẻ, đuôi ngắn chẻ đôi, toàn thân màu đen tuyền nên còn có tên gọi là huyền điểu. Khác với những loài chim khác, chim yến có cách làm tổ rất đặc biệt là chúng tự nhả nước bọt trên những vách đá cheo leo để đẻ trứng nuôi con. Tổ yến hay còn gọi là tai yến có hàm lượng dinh dưỡng rất cao
(36 - 52% hàm lượng protein), ngoài ra tổ yến còn là một nguồn dược liệu quý.
Theo nhiều nguồn tư liệu, từ thời kỳ Champa người Chàm đã biết khai thác loại tổ yến này. Đến đầu thời nhà Nguyễn, họ Hồ và một số tộc họ khác tại làng Thanh Châu
(thuộc xã Thanh Châu, tổng Thanh Châu) được giao phó nhiệm vụ khai thác yến tại xứ Cù Lao thuộc xã Thanh Châu này. Trong đó, ông Hồ Văn Hoà được cử làm Hộ trưởng, rồi đến con ông là Hồ Văn Học kế thừa và quản cả “
Tam tỉnh yến hộ”
(Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hoà). Để tưởng nhớ những bậc “
tiền nhân sáng tạo” ở các đời trước, với tư cách là “
hậu thế tuân thừa”, vào năm Tự Đức nguyên niên
(1848) ông Hồ Văn Hoà cùng một số chức dịch địa phương đứng ra xây dựng 2 ngôi miếu, một tại đất liền ở xã Thanh Châu, một tại xứ Bãi Hương thuộc Cù Lao - Tân Hiệp phường
(nay là thôn Bài Hương -
xã Tân Hiệp) để thờ tổ nghề, các bậc thần thánh liên quan đến nghề khai thác yến sào và lấy ngày mồng 10 tháng 3 AL hàng năm làm lệ cúng tổ nghề. Kể từ đó đến nay, tuy trải qua bao lần binh lửa chiến tranh nhưng những người làm nghể yến vẫn duy trì cúng tế.
Lễ tế tổ nghề yến là một trong những lễ hội lớn của Thanh Châu nói riêng và cả Hội An nói chung, vì đây không những là lễ tế tổ của một nghề mà còn được xem là lễ cúng cầu an đầu năm cho cả cộng đồng cư dân sinh sống trên mảnh đất này.
Thường lễ tế được diễn ra trong hai ngày. Ngày đầu
(9/3 AL), những người chủ trì vận động bà con dọn dẹp vệ sinh, trang hoàng khu vực cúng tế, bày biện lễ vật trên các bàn thờ, khám thờ. Đến tối, các vị cao niên trong làng và đại diện các tộc họ có liên quan đế nghề yến tập trung tại miếu tổ để tổ chức cúng lễ túc. Theo quan niệm của các vị cao tuổi, sở dĩ cúng lễ này là để cáo trước với chư tổ, thần thánh về việc tế chính ngày mai. Do vậy, lễ này diễn ra nhanh gọn, chỉ dâng hương, đánh chiêng trống, không xướng tế, không đi gia lễ, đọc văn tế…
Sang ngày mồng 10/3 âl, với kiệu thần được trang trí cờ hội lộng lẫy, các vị chủ trì tế lễ cùng bà con cử hành lễ nghinh thần, rước vọng. Dẫn đầu đoàn rước là một bàn thờ lớn trang trí cờ hoa, cờ hội nhiều màu sắc rất là lộng lẫy. Lộ trình của đoàn nghinh thần là lần lược đi qua khu vực các lăng thờ, miếu thờ dọc trên thôn xóm. Khi kiệu đến những nơi thờ tự, các vị chánh tế hướng về phía đó vái vọng, thỉnh mời, sau cùng là vái vọng về phía Đông nơi những hòn đảo có chim yến làm tổ như hòn Tai, hòn Khô…
Khi đoàn nghinh thần hoàn thành “
thủ tục” quay về thì chiêng trống trong miếu tổ bắt đầu nổi lên, án nghinh thần được khiêng vào đặt trong sân miếu và chuẩn bị tiến hành lễ cúng âm linh. Lễ tế âm linh cúng là lễ cúng quan trọng nên cũng diễn ra đúng theo trình tự các nghi thức tế lễ truyền thống như có xướng tế, có chánh tế, tả hữu phân hiến, có cổ nhạc, đi gia lễ, đọc văn tế…
Sau lễ tế âm linh là lễ tế tổ. Về hình thức, lễ tế tổ cũng tương tự như lễ âm linh, cụ thể là cũng có xướng tế, có chánh tế, tả hữu phân hiến, có cổ nhạc, đi gia lễ, đọc văn tế… Nhưng về nội dung thì lễ này là lễ tế lịch đại tổ nghề và chư thần, thánh sông nước bảo trợ của nghề như: Đại Càn, Ngũ Hành tiên nương, Thành Hoàng bổn xứ, Phục Ba tướng quân, Nam Hải Ngọc Lân, Hà Bá, Thuỷ Long... Nội dung lễ tế tổ là người ta ca tụng công đức của các bậc “
tiền nhân sáng tạo” mở nghiệp, các bậc thần thánh bảo trợ cho nghề đựơc “
lâu bền”, để cho ngày nay hậu thế lại kế nghiệp “
tuân thừa” khai thác. cầu cho nghề nghiệp phát triển, thôn xóm bình an, mọi người khoẻ mạnh.
Sau lễ tế tổ, người ta thường tổ chức nhiều hoạt động thể thao phụ trợ như: thi kéo co, đá bóng, hát tuồng... để làm tăng thêm không khí vui nhộn trong ngày lễ hội.
Xem tiếp