Tết/tiết Thanh minh

Thứ năm - 12/09/2013 03:46
Tiết Thanh minh là một khái niệm trong cách lập lịch của các nước phương Đông chịu ảnh hưởng của nền văn hoá Trung hoa cổ đại. Xét về mặt thời gian nó là một trong số hai mươi tiết khí của các lịch Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên, Hông Kông, Ma Cao.
          Vì lịch của người Trung Quốc cũng như của Việt Nam cổ đại, bị lầm tưởng là thuần tuý lịch âm và do vậy nên nhiều người nghĩ rằng nó được tính theo chu kỳ của Mặt trăng quay xung quanh Trái đất. Trên thực tế, lịch Trung Quốc và lịch Việt Nam cổ đại là một loại lịch âm dương lịch (lunisolar calendar). Như thế nếu giải thích theo cách thức của lịch hiện đại ngày nay (lịch Gregory) thì nó được tính theo vị trí của Trái đất trong chu kỳ chuyển động trên quỹ đạo của mình xung quanh Mặt trời và nếu tính điểm Xuân phân là gốc (kinh độ Mặt trời bằng 0 độ) thì vị trí của Thanh Minh là kinh độ Mặt trời bằng 15 độ.
           Trong năm, người Hoa ở Việt Nam có rất nhiều lễ tết, từ Tết Nguyên đán, Thanh Minh, đến Tết Đoan ngọ, Tết Trung thu..., mỗi cái tết là mỗi dấu ấn văn hoá sâu sắc tốt đẹp, gắn liền với sinh hoạt của mọi người. Thanh Minh tuy không phải là cái tết lớn nhưng gắn liền với đạo đức, với bổn phận con người -bổn phận của con cháu luôn luôn phải tưởng nhớ công lao tổ tiên, cha ông, của những người đi trước. Thanh Minh chính là ngày giỗ chung để mọi người có dịp báo hiếu, báo ân, đền áp ơn sinh thành của tổ tiên. Thanh Minh có nguồn gốc từ Trung quốc, nên những nơi có người Hoa cư trú đông đúc thường được tổ chức trang trọng, người ta cũng có thể nghĩ rằng đây là cái tết lớn thứ nhì của người Hoa sau Tết Nguyên đán, tại Hội An cũng không là ngoại lệ. Hội An là nơi mang nhiều dấu ấn văn hoá của người Hoa - Người Hoa Ngũ bang và ngưòi Hoa Minh hương sinh sống lâu đời tại đây, có một quá trình giao lưu văn hoá mật thiết với người Việt, tuy vậy trong quá trình giao lưu văn hoá, bản sắc văn hoá người Hoa vẫn lưu giữ những nét đặc sắc, riêng biệt, chỉ riêng phần lễ tết của người Hoa cũng là những nét văn hoá rất độc đáo. Tết Thanh Minh chính là một trong những nét văn hoá như thế.
          Tết Thanh Minh nằm trong Tiết Thanh Minh. Mỗi tiết khí đều mang những ý nghĩa khác nhau. Hai chữ Thanh Minh đã nói lên cái trong cái sáng của tiết trời, xác định rõ rằng cái tiết thứ năm này là tiết đẹp nhất trong 24 tiết. Người xưa đã có một cái nhìn tinh tế trong việc hoà nhập sự trong sáng này vào lễ tết Thanh Minh - lễ Tảo mộ, chăm sóc mộ phần, làm đẹp mộ, làm đẹp lòng người để  ghi nhớ công đức tổ tiên, đó chính là hai cái thể trong và sáng của tiết Thanh Minh và lần lần hai khái niệm Thanh Minh - Tảo mộ thực sự cùng nhau hoà quyện.
Theo người Hoa xưa và chắc cũng còn lưu lại ngày nay, trong ngày Thanh Minh có sự phân biệt rõ ràng giữa lễ và hội: Lễ Tảo mộ và Hội Đạp thanh
           Lễ là Tảo mộ, bổn phận con cháu đến ngày này phải đi sơn phết, dọn dẹp tu sửa mộ phần, sạch đẹp ngay ngắn, dâng cúng lễ vật, tỏ lòng thành kính tưởng nhớ tổ tiên. Hội là hội Đạp thanh, tức là giẫm lên cỏ xanh, ý chỉ nhiều người cùng giẫm lên cỏ, những tài tử giai nhân, nam thanh nữ tú trong ngày Thanh Minh nô nức kéo nhau đi lễ Tảo mộ đầy đường và đạp lên cỏ xanh mới mọc.
           Để thấy được hết ý nghĩa của lễ Tảo mộ và Hội Đạp thanh trong ngày Tết Thanh Minh, ta thử tìm hiểu công việc chuẩn bị cho Tết Thanh Minh của người Hoa như thế nào.
           Lễ Tảo mộ: Theo lệ thường, từ xưa đến nay, sau Tết Nguyên đán, cũng là sau tháng Giêng, người ta đã nghĩ đến việc lo chăm nom mồ mả, sửa sang mộ phần cho người quá cố. Càng gần đến ngày Thanh Minh thì công việc chăm nom mồ mả càng được quan tâm hơn, khẩn trương hơn. Mộ phần người Hoa được xây dựng theo kiểu nửa đất nửa đá, rất to, nên việc đắp mộ rất công phu. Khi thấy mộ phần cỏ rậm thì phát quang, thấy đất khuyết thì đắp bồi lên. Đa số người Hoa tin vào phong thuỷ nên việc bố trí, sửa sang, sơn phết mộ phần, tu sửa xung quanh mộ phải theo đúng tín ngưỡng, phía trước mộ là Minh đường nên làm bằng phẳng và thấp hơn nấm mộ, phía sau là Huyền vũ, Huyền vũ chính là chỗ dựa nên cần phải đắp cao hơn, từ chỗ Huyền vũ này sẽ đắp tạo thành một vòng cung bao quanh ra phía trước bên tả là Thanh Long thuộc dương, bên hữu là Bạch Hổ thuộc âm, người ta thường gọi là tay long tay hổ, tượng trưng cho con trai và con gái. Chính vì vậy khi đắp đất phải đắp thật cân bằng, nếu vô ý lỡ đắp bên cao bên thấp, điều này được người ta tin rằng sẽ sinh chuyện mích lòng giữa con cháu trai và con cháu gái của người quá cố.
           Sơn bia, chính xác hơn người ta gọi công việc này là kẻ bia, hoặc đồ bia, người ta dùng những cây cọ nhỏ, có lông mềm, hoặc dùng một que tre nhỏ vót mỏng, một đầu đập dập, nhúng vào sơn rồi kẻ (đồ) lên bia.
         Trước Tết Thanh Minh một ngày, lo việc đi cúng mộ, người ta đã chuẩn bị đầy đủ các thứ, nhang đèn, giấy tiền, vàng bạc, giấy ngũ sắc, hàng mả... các loại bánh trái, thức ăn, thức uống khác tuỳ sở thích của mỗi gia đình, bánh bao, bánh bò thường được sử dụng nhất và một bộ tam sinh hay còn gọi là tam sênh  gồm có ba thứ heo, vịt, cua hoặc heo, cua, tôm... Mọi thứ chuẩn bị xong cho ngày hôm sau đi cúng mộ cũng là ngày hội, gọi là Hội Đạp thanh.
          Tết Thanh Minh của người Hoa mang ý nghĩa sâu sắc tưởng nhớ tổ tiên, uống nước nhớ nguồn, phản ánh được cái đẹp tâm linh của người phương Đông vì vậy người Việt chúng ta cũng hưởng ứng cái tết này. Tết Thanh Minh đối với người Việt nói chung, với người Hội An nói riêng thường được hiểu là ngày sửa sang, bồi đắp mồ mã, cúng kiếng mộ phần tưởng nhớ công ơn sinh thành, nuôi nấng dạy dỗ của tổ tiên, ông bà cha me.
          Tết Thanh Minh là một lễ hội truyền thống tốt đẹp, gắn liền với quá trình phát triển giao lưu văn hoá của người Hoa, người Việt chúng ta và một số dân tộc khác trên đất nước Việt Nam. Tết Thanh Minh vừa bảo tồn được tính văn hoá của người phương Đông, tạo được sự đoàn kết trong cuộc sống hằng ngày, sự giao lưu văn hoá giữa người Hoa, người Việt ở trên khắp nướcViệt Nam nói chung, ở Hội An nói riêng ngày một bền chặt và thăng hoa hơn.

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây