Đoan có nghĩa là mở đầu/bắt đầu, Ngọ là giờ ngọ, đồng thời Ngọ cũng là tháng giữa năm theo giờ - lịch âm. Tức là nghi lễ được mở đầu vào giữa trưa (giờ Ngọ - ngày mùng 5) và cũng là thời điểm giữa của một năm (tháng Ngọ - tháng 5) theo âm lịch. Lúc này mặt trời chiếu thẳng, thời tiết rất nóng nực - Nóng là dương, nên tiết này còn gọi là tiết Đoan Dương - nghĩa là thời điểm bắt đầu cực thịnh của dương - tức là cực nóng. Đồng thời đây cũng là thời điểm chuẩn bị chuyển đổi qua một thời tiết mới (về hướng âm). Trên thực tế, đi theo với thời tiết nóng nực, oi bức đến cực độ thì cũng phát sinh nhiều sâu bọ phá hoại mùa màng, cây cối và nhiều dịch bệnh nảy sinh đến với con người, nhất là về mắt, ngoài da, tiêu hoá,... đe doạ đến mọi sinh linh, vạn vật của thế giới trần gian. Do đó, có thể nói, ý nghĩa của lễ Tết Đoan Ngọ là lễ tết cúng trời đất khi chuyển qua một tiết mới. ở Trung Quốc có truyền thuyết: Thời Hán nhân ngày 5 tháng 5 có hai chàng Lưu Thần và Nguyễn Triệu lên núi hái thuốc, lạc vào động Thiên Thai gặp tiên nữ. Lại thêm giai thoại ở nước Sở vào thời Xuân Thu Chiến Quốc, có Khuất Nguyên vừa là thầy thuốc, vừa là trung thần có tài thường khuyên vua, nên gần người hiền, xa kẻ nịnh, chăm việc kén tướng luyện quân,... nên kẻ nịnh thần thù ghét, còn vua ngày càng xa triều chính. Thất vọng và đau buồn ông đã làm bài thơ Ly Tao rồi đến sông Mịch La tự vẫn vào ngày 5 tháng 5. Dân trong vùng thương tiếc người trung nghĩa nên cứ đến ngày ông mất thì làm bánh buộc chỉ ngũ sắc để tôm, cá khỏi ăn, thả giữa dòng cúng tế ông và mở ra tục đua thuyền ngụ ý cứu vớt Khuất Nguyên. Tuy vậy, ở Hội An dân gian ít quan tâm đến các sự tích trên hoặc thay đổi ý nghĩa ít nhiều cho phù hợp với phong tục tập quán.
Trong các loại lễ vật cúng ngày Tết Đoan Ngọ có các loại chè, như chè kê, chè lục tàu xá và các loại bánh ngọt, nhất là không thể thiếu bánh ú tro, cùng các loại trái cây, hoa, vàng mã. Đặc biệt, tuỳ vào từng hoàn cảnh mà nhà nào cũng cố kiếm được con vịt, làm mâm cơm trước là để dâng cúng ông bà tổ tiên sau là cho con cháu, cả nhà cùng ăn ngày tết (Đoan Ngọ) cùng với những nghi thức cầu cúng như tục ăn trái cây nhằm giết sâu bọ, tắm nước lá (nhất là cho trẻ con), uống nước lá, nhìn lên mặt trời nhỏ vào mỗi mắt một giọt nước chanh (quả chanh cắt, vắt lấy nước) hoặc bé gái được xâu lỗ tai, hoặc treo lá ngải cứu trừ tà. Sau khi cúng xong, lễ vật lấy mỗi thứ một ít (tượng trưng) cuốn lại bằng chỉ ngũ sắc, đem vất xuống dòng sông. Đến buổi chiều, nhiều gia đình cả nhà rủ nhau đi tắm biển. Đáng lưu ý nhất trong Tết Đoan Ngọ là tục hái lá hoặc mua lá ở chợ - gọi là “lá mồng năm” nhiều nhà hái (kiếm) hoặc mua rất nhiều đem về chặt nhỏ, phơi khô, cất giữ để nấu nước uống cả năm. Trên thực tế, việc tắm nước lá, uống nước lá và tắm biển sẽ chữa được các bệnh sài, ghẻ... (bệnh ngoài da) thường hay phát sinh vào mùa hè. Mặt khác, “lá mồng năm” thực chất là các loại thuốc Nam, mà theo nhiều sách y học xưa cho biết, các loại lá cây này phải hái vào thời điểm tiết Đoan Ngọ, uống vào giải nhiệt, bài trừ bệnh phong ích khí, các chứng ngoại cảm âm hư...
Như vậy, có thể nói Tết Đoan Ngọ là tết giữa năm, trước là tưởng nhớ tổ tiên, sau là ước mong chữa bệnh, cầu sức khoẻ. Nó đã gắn với tín ngưỡng của cả cộng đồng, trở thành một lễ tết truyền thống.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền