Tết Nguyên Đán

Thứ năm - 12/09/2013 03:40
Lễ Tết Nguyên Đán là lễ hội truyền thống đặc sắc của dân tộc Việt Nam nói chung và người dân Hội An nói riêng. Nó mang tính thống nhất cộng đồng xã hội, tính nhân văn thẩm mỹ cao. Tết là điểm xuất phát thiêng liêng của ngày mới, tháng mới, năm mới, là dịp con người hướng tới mỹ tục: lịch sự, cao thượng, nhân ái với những lời cầu chúc tốt đẹp nhất.
          Tết Nguyên Đán là thời điểm kết thúc một năm cũ, mở đầu một năm mới theo âm lịch, là ngày hội lớn của một chu kỳ vận hành vũ trụ, phản ánh tinh thần hòa điệu giữa con người với thiên nhiên (Đất - Trời - Sinh vật) mang một giá trị nhân văn sâu sắc. Tết là từ “tiết” trong “thời tiết” nói trại ra. Chữ Nguyên có nghĩa là bắt đầu, chữ Đán có nghĩa là buổi mai, là khởi điểm của năm mới. Đồng thời, Tết cũng là dịp gia đình, họ hàng, làng xóm, người thân xa gần sum họp, đoàn tụ, thăm hỏi, cầu chúc nhau và tưởng nhớ, tri ân ông bà, tổ tiên.

           Tết - còn là thời khắc chứa đựng niềm vui bao la của con người, mỗi khi qua năm mới là họ quên hết mọi nhọc nhằn, khó khăn phải chịu đựng trong năm qua, sẵn sàng làm lại cuộc đời trong hy vọng và niềm vui. Theo quan niệm vũ trụ luận xưa kia của cư dân nông nghiệp, mùa Đông qua, mùa Xuân bắt đầu là một giai đoạn hồi sinh của vạn vật. Con người cảm thông với thiên nhiên trong niềm vui của sự hồi sinh đó. Trong những ngày lễ tết, người ta như được đổi mới hoàn toàn, rũ bỏ con người cũ, khoác lên mình một tâm hồn mới, gạt bỏ những ý nghĩ buồn chán, suy nghĩ đến những điều may mắn vui vẻ.

           Về ý nghĩa nhân sinh, Tết trước hết là của mọi gia đình, mọi nhà, cho nên mọi người dù làm bất cứ nghề gì, ở bất cứ đâu, kể cả những người xa xứ cách hàng ngàn cây số vẫn mong trở về sum họp dưới mái ấm gia đình trong ba ngày tết, được khấn vái trước bàn thờ tổ tiên, nhìn lại ngôi nhà thờ, giếng nước, mảnh sân nhà, nơi mà gót chân một thời bé dại đã tung tăng và được sống lại với bao kỷ niệm đầy áp yêu thương ở nơi mình cất tiếng chào đời. Về quê ăn tết, đó không phải là một khái niệm thông thường đi hay về mà là một cuộc hành hương về cội nguồn, mảnh đất chôn rau cắt rốn. Tết còn là ngày hội đoàn viên, mối quan hệ họ hàng, làng xóm được mở rộng, ràng buộc lẫn nhau thành đạo lý chung cho cả xã hội; Tình gia đình, tình thầy trò, bạn bè, xóm làng... là dịp tổng kết mọi hoạt động của một năm qua, liên hoan, vui mừng chào đón một năm mới hy vọng tốt lành cho cá nhân và cộng đồng.

         Khởi sự cho tết là ngày “đưa Ông Táo”, 23 tháng chạp, tức là ngày ông Táo về trình “tấu sớ”, báo cáo với Ngọc Hoàng những ghi chép về diễn biến suốt năm qua trong gia đình thân chủ và nhờ thiên triều phù hộ cuộc sống của họ thêm tươi vui, bớt ưu phiền. Lễ cúng đưa ông Táo về trời gồm có: một con gà, miếng thịt heo, đĩa xôi, ít chén chè, đĩa trầu cau, trà rượu, nhang đèn, vàng mã... Những người buôn bán, làm nghề thì mua con cá chép còn sống về cúng rồi sau khi lễ tất mang thả sông, hồ làm phép phóng sinh, mong sao bao xúi quẩy, những tai ương theo đó mà đi, nhường chỗ cho những điều may mắn trong năm tới.

           Trong những ngày gần Tết, tất cả mọi vật, mọi việc đều phải sáng tươi, vui vẻ. Bởi vậy, từ trong năm, người ta phải chuẩn bị tính sao cho kịp Tết để có thức ngon, vật tươi chưng cúng, thiết đãi họ hàng, bạn bè. Ngoài những câu chuyện vui, những quần áo mới mặc trong ngày Tết thì thức ăn được trữ sẵn: heo, gà, rau sống, trái cây, bánh mứt... Tiền tài, lạc phước, hồng bao lì xì cũng sẵn sàng, chu đáo. Sau khi tổng vệ sinh trong nhà, ngoài sân, cổng ngõ sạch sẽ, ngăn nắp là việc trưng bày cảnh trí sao cho căn nhà sáng sủa, vui mắt. Những tranh dân gian, liễn đối... với đề tài chúc tụng cát tường được treo, dán ở các vị trí rất trân trọng từ trong nhà ra trước cửa, cổng ngõ. Việc lau chùi, quét dọn, trang trí bàn thờ tổ tiên, ông bà là quan trọng nhất. Cổ bồng - đĩa quả phải trưng bày những trái cây có ý nghĩa như: Mận, Điều, Táo là mong lúa gạo đầy bồ; Lựu (nhiều hạt) là con đàn, cháu đống, sung túc; Đào - con cháu học đâu đỗ đó, thăng quan tiến chức; Bưởi - người già khỏe mạnh, sống lâu; Thơm - gia đình quyền quý, cao sang, danh giá, vang tiếng thơm muôn đời; Quýt - mang ý nghĩa tài lộc, phát hưng; Quả Dưa Hấu (xanh vỏ - đỏ lòng) - thể hiện con người khỏe mạnh, tràn đầy sức sống trẻ, với dòng máu nóng hăng hái... Tuy nhiên, phổ biến nhất là các nhà đều trưng mâm ngũ quả gồm các loại với ý nghĩa rất dân dã, đời thường, cũng là ước mong muôn thuở của con người đó là trái mãng cầu, dừa trái, đu đủ, xoài hoặc hạt tiêu hay có thể thêm trái sung. Nghĩa là “Cầu dừa đủ xài/tiêu” hoặc “cầu dừa đủ sài/tiêu sung túc”. Đặc biệt trên bàn thờ không thể thiếu các loại bánh, nhất là bánh tét, bánh tổ/ổ.

            Tiếp theo vào ngày 30 tháng Chạp, mọi nhà đều trồng cây nêu. Cây nêu làm bằng một cây tre hoặc cành tre. Trồng cây nêu ở ngay cổng ra vào. Theo quan niệm xưa, việc dựng cây nêu nhằm xua đuổi tà ma, ác quỷ khẳng định chủ quyền về nhà cửa, vườn tược của mọi nhà, đồng thời hướng đạo để tổ tiên, những người đã khuất về ăn tết với gia đình, với những người thân. Trên đầu cây nêu buộc một bó vàng, tờ giấy đỏ, 3 cành lá thơm, một bộ khánh hoặc chuông gió (làm bằng đồng hoặc đất nung), gió thổi, tiếng khánh chạm vào nhau kêu leng keng như khúc nhạc vui nhộn. Người dân Hội An rất chuộng mai, một loại hoa báo hiệu một mùa xuân tươi đẹp. Chúng nở rực rỡ vào những ngày đầu xuân, hoa bung cánh mỏng, nở khoe nhụy vàng - tượng trưng cho sự hài hòa giữa cương và nhu - “Thanh mai trúc mã”.

           Rồi đến ngày 30 Tết mọi nhà đều làm mâm cơm cúng gọi là cúng Tất Niên - rước ông bà về ăn Tết. Trong tâm thức mọi người đây là cuộc họp mặt đông đủ của người sống và người chết (ông bà, tổ tiên người thân) sau một năm. Hết tuần hương, mâm cỗ được hạ xuống, cả nhà quây quần xung quanh cỗ bàn ăn uống, hàn huyên vui vẻ trong không khí thân tình, ấm cúng. Đúng nửa đêm, giờ phút giao thừa giữa hai năm đã điểm. Đây là giờ khắc thiêng liêng “khi đất trời giao cảm, cái chết, cái bất động tạm thời muôn vật ngưng đọng lại trong phút giây rồi bùng ra một sức sống mới, sự tái sinh, sự đổi mới”. Lúc này, mâm cỗ cúng giao thừa được bày ra, gồm các lễ vật: con gà trống tơ, luộc chín, xếp chéo cánh, chè, bánh, mứt, rượu, trà,... Bên ngoài người ta kê cái bàn ở giữa sân để cúng thổ thần, đất đai và ông Táo sắp từ trời trở về. Lễ vật dâng cúng có bánh, chè, hạt nổ, muối gạo, bát cháo trắng, trà, rượu, hương, nến... Chủ nhà quỳ lạy trước bàn thờ đồng thời lạy bốn phương nhằm cầu xin tổ tiên và thổ thần đất đai phù hộ cho con cháu sang năm mới làm ăn phát đạt.

            Trong không khí linh thiêng và đầm ấm, mọi người cảm thấy mình trở nên thanh thản, thoải mái và quên đi mọi lo toan của cuộc sống đời thường. Kể từ giờ phút này, Tết Nguyên Đán bắt đầu. Trong suốt những ngày Tết, người ta chỉ nói với nhau những lời hay, ý đẹp, gặp nhau chúc mừng, hy vọng. Bao điều không vui, không bằng lòng gạt sang một bên. Người ta kiêng quét nhà sợ của cải, thần tài theo rác mà đi, kiêng đánh đập con cái, làm vỡ chén bát, la lộn với nhau sợ xui xẻo cả năm, kiêng mặc đồ xám, đồ đen, kiêng mượn đồ hoặc cho mượn đồ... Nhất là, mọi người rất kiêng cho lửa và xin lửa trong ba ngày tết, vì  sợ cái đỏ, cái hên chuyển sang tay người khác. Đặc biệt, phải chờ tục xông đất đầu năm vào sáng ngày mùng một xong, mọi người mới đi thăm nhà nhau để chúc tết, mừng tuổi cho người lớn, lì xì cho trẻ con theo một trình tự “mùng một thì ở nhà cha, mùng hai nhà mẹ, mùng ba nhà thầy”, điều đó đủ nhắc nhở mọi người sống phải trọn vẹn tình nghĩa với tổ tiên, ông bà, nội ngoại, cha mẹ, luôn luôn biết ơn thầy, những ân nhân của mình. Sau đó mới đến xóm giềng, bạn bè thân hữu... Kết hợp với thăm chúc tết, mọi người đều không thể bỏ qua việc tham gia vào các hoạt động, sinh hoạt văn hóa, thể thao diễn ra rất sôi nổi, nhộn nhịp ở khắp làng trên - xóm dưới trong suốt ngày tết.

             Cuộc vui xuân đến chiều ngày mùng 3 thì nhà nào cũng làm mâm cơm để tiễn đưa ông bà, tổ tiên những người thân khuất mặt sau khi về ăn Tết với gia đình. Và đến ngày mùng 7 - Tết Khai hạ thì làm lễ hạ nêu - nghĩa là thời gian Tết cũng chấm dứt. Tuy nhiên, dư âm của Tết còn được kéo dài cho đến ngày mùng mười - nên trong dân gian truyền tụng câu “Ba ngày Tết, bảy ngày xuân” và thậm chí đến ngày Tết Nguyên Tiêu - 15 tháng Giêng âm lịch.

           Cùng với những lễ nghi ngày Tết là nhiều trò diễn mang đặc trưng vui chơi văn hóa như hát sắc bùa, hát bài chòi, chọi gà, cờ người... Điều đó làm cho lễ Tết thêm thiêng liêng và vui nhộn, ấm cúng, rộn ràng trong mọi gia đình dòng họ, ngõ xóm từ làng quê đến phố phường. Nó trở thành phong tục, nếp sinh hoạt văn hóa đặc sắc mang đậm tính nhân văn cần được bảo tồn, phát huy trong đời sống của cư dân Hội An.

Xem tiếp

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây