Lễ Phật Đản ở Hội An thường diễn ra từ ngày 14 đến ngày 15 tháng 4 Âl (trước đây lễ Phật đản được tổ chức vào ngày mồng 8 tháng 4). Theo quan niệm của đạo Phật cũng như đạo hữu rằm tháng 4 là một ngày rằm đặc biệt, ngày rằm mừng lễ đản sinh đức Phật. Vì vậy, lễ này mục đích là tưởng niệm ngày sinh đức Thích ca Mâu ni, đồng thời làm lễ cầu an cho đồng bào, chư tăng, ni...
Thông thường, vào các ngày từ mồng 10 tháng 8 AL, các chùa chiền, tịnh xá đều huy động phật tử, thiện nam tín nữ dọn vệ sinh, trang hoàng từ cổng ngõ đến chính điện.. Một số chùa còn tổ chức cắm trại, làm khán đài biểu diễn văn nghệ mừng Phật đản.
Nội dung trang trí cổng ngõ, lễ đài và xe hoa của các chùa đều thể hiện chung quanh đề tài đức Phật sơ sinh đi bảy bước nở bảy bông sen: “Bồ tát ra đời, bảy bước sen vàng nâng ngọc thể...”. Ngoài ra, các hình ảnh mô tả quá trình tu hành, đắc đạo, giảng giải đạo pháp và cảnh đức Phật nhập niết bàn cũng được trang trí ở nhiều chùa, tịnh xá. Tại các gia đình phật tử cũng trang trí cờ Phật (giáo kỳ), bày biện lễ vật, tụng kinh phật đản và tổ chức tụng kinh cầu an cho toàn gia và siêu độ cho tổ tiên ông bà.
Sáng ngày 14/4, phật tử khắp nơi tập trung về các chùa làm lễ cầu kinh, cúng dường chư tăng và tưởng niệm đức Phật, sau đó cùng tụng kinh phật đản, kinh cầu an... Có một số chùa còn làm lễ thuyết pháp, giảng giải kinh phật như chùa Nam Quang, chùa Pháp Bảo, tịnh xã Ngọc Châu, Ngọc Cẩm... Đến khoảng 11 giờ trưa ngày 14, chư tăng ni cùng phật tử làm lễ cúng ngọ, tụng kinh cầu an và phát quà từ thiện. Riêng ở chùa Nam Quang còn có lễ khất thực. Chư tăng sắp thành hàng một đi từ trong chùa ra, bà con phật tử, thiện nam tín nữ đứng chung quanh, chuẩn bị sẵn sàng lễ vật để cúng dường. Khi các sư đi ngang qua thì họ cho các lễ vật vào bình bát (lễ vật chủ yếu là các loại trái cây, bánh, nước uống). Buổi chiều, các tịnh xá tiếp tục tụng kinh, thuyết pháp, ở chùa Nam Quang còn có lễ chiêm bái xá lợi (xem xương của đức Phật), đọc kệ tiểu sử đức Phật, kệ vô thường khổ huống, kệ phật cảm thắng ma vương...
Đến 19 giờ tối ngày 14/4 AL, tất cả chư tăng ni, phật tử đưa xe hoa của chùa, tịnh xá mình về tập kết tại chùa Pháp Bảo (chùa Tỉnh Hội) để làm lễ phật đản (lễ đài để làm lễ được thiết trí tại giữa sân chùa Pháp Bảo, trên lễ đài trang trí giáo kỳ, cờ hoa... chính giữa đặt một quả đại cầu lớn trên có tượng đức Thích Ca sơ sinh).
Mở đầu lễ phật đản là lễ chiêm ngưỡng giáo kỳ (chào cờ của đạo Phật) và lễ đọc thông điệp của đức Pháp chủ giáo hội phật giáo Việt Nam gởi chư tăng ni, gia đình phật tử trên toàn quốc và nước ngoài nhân dịp lễ phật đản. Sau khi ổn định tổ chức, Hoà thượng đại diện cho Ban trị sự Thành hội Phật giáo phát biểu chào mừng, nêu mục đích, ý nghĩa của lễ Phật đản và giới thiệu vị hoà thượng đại diện của Tỉnh hội Phật giáo lên chủ trì hành lễ.
Hoà thượng chủ trì trong bộ cà sa, mũ miện lộng lẫy, thượng hương chủ trì tụng niệm, quỳ lạy trước hương án trên lễ đài, chư tăng ni, phật tử cũng cùng hoà tụng và quỳ lạy theo. Lễ tụng diễn ra khoảng hơn 1 giờ thì kết thúc, sau đó là lễ diễn hành xe hoa. Dẫn đầu đoàn diễn hành là hương án của Tỉnh hội, tiếp sau là chư tăng ni, sau đó là đoàn xe hoa của các chùa, tịnh xá, sau cùng là bà con phật tử cầm giáo kỳ đi theo. Đoàn diễn hành xuất phát từ chùa Pháp Bảo, đi qua các đường phố chính trong khu phố cổ, sau đó ra bến sông Bạch Đằng để làm lễ phóng sinh, phóng đăng. Lễ phật đản đến đây xem như kết thúc. Trong ngày 15/4, các chùa, tịnh xá tiếp tục cúng bái, cầu kinh. ở chùa Pháp Bảo còn làm lễ sinh thần, thuyết giảng. Đến 20 giờ tối tổ chức hát văn nghệ cúng dường đản sinh của đức Phật.
Trong lễ Phật đản, ngoài mục đích tưởng niệm ngày sinh đức Thích ca Mâu ni, đây còn là lễ cầu an cho đồng bào, chư tăng, ni, phật tử... Lễ hội này là một lễ hội tôn giáo có vai trò khá quan trọng đối với loại hình lễ hội nói riêng, văn hoá Hội An nói chung.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền