Lễ cúng cơm mới

Thứ tư - 10/10/2012 04:03
“Tam sơn, tứ hải, nhất phân điền” Đó là câu nói đã được ông cha ta truyền tụng từ lâu trong dân gian nhằm nói lên địa thế của đất nước Việt Nam. Đất nước chúng ta với diện tích nhỏ hẹp, địa hình núi non hiểm trở và chiếm diện tích lớn, biển cả bao bọc xung quanh, trong khi đó diện tích đất nông nghiệp chỉ chiếm một phần. Mặc dù vậy, nông nghiệp từ lâu chiếm vị trí quan trọng trong nền kinh tế của nước nhà và cho đến hiện nay vẫn còn số đông dân số của đất nước làm nông nghiệp.
    Nằm trong địa thế cùng với sự phát triển chung của đất nước, Hội An là một thành phố nhỏ nhưng giữ một vị trí quan trọng trong lịch sử phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Nam. Trong đó, diện tích đất nông nghiệp không lớn so với các vùng lân cận nhưng có thể nói nghề nông là nghề nghiệp chủ yếu của cư dân Hội An. Mặc dù, hàng năm luôn đối mặt với những hiểm họa của thiên nhiên như mưa, bão, lụt... nhưng nghề nông trên mảnh đất Hội An vẫn mang đậm những bản sắc đặc trưng của nền văn minh nông nghiệp lúa nước truyền thống.
   Trong mỗi ngành nghề đều có những lễ tục riêng biệt, đặc trưng cho từng vùng. Giống một số ngành nghề khác, trong nông nghiệp cũng có nhiều lễ lệ, lễ hội liên quan được gìn giữ và phát huy cho đến nay. Trong đó, cúng cơm mới là lễ lệ đã có từ xa xưa, cho đến hiện nay vẫn còn duy trì ở Hội An.
Trước đây, vào tháng 2 âm lịch hàng năm, người ta bắt đầu cúng đất, đến đầu tháng 3 âm lịch thì thu hoạch lúa rồi chất rơm. Sau khi chất rơm thì “quảy cơm luôn thể” - tức là cúng cơm mới nên trong dân gian có lưu truyền câu nói:
Cúng đất, chất rơm
Quảy cơm luôn thể
     Tục cúng cơm mới ở Hội An thường mỗi năm cúng một lần vào sau vụ thu hoạch chính - vụ Đông Xuân, nhưng cũng có gia đình cứ sau mỗi vụ thu hoạch đều cúng. Thời gian cúng không quy định ngày cụ thể mà căn cứ vào thời hạn thu hoạch lúa đồng về nhà. Thông thường vào khoảng đầu tháng 3 âm lịch.
Không giống các lễ cúng khác, cúng cơm mới không tập trung tại một địa điểm nhất định mà được tổ chức ngay tại gia đình. Ngay sau khi thu hoạch lúa về, mỗi hộ gia đình làm nông nghiệp chọn ngày tốt để cúng, lấy gạo mới gặt về nấu cơm mới cúng nên tục gọi là cúng cơm mới.
Mục đích cúng nhằm tạ ơn Thần Nông - Người khai canh vỡ đất, cai quản đồng ruộng. Bên cạnh, còn bày tỏ lòng biết ơn tổ tiên, các vị thần sở tại: Thành Hoàng bổn xứ, các vị tiền hiền, hậu hiền...; các đấng thần linh: Thần Mưa, thần Gió, thần Sông, thần Núi... đã bảo vệ mùa màng tươi tốt, đem lại cuộc sống yên bình, no đủ cho người nông dân. Qua tục cúng này cũng nhằm cầu mong cho vụ lúa năm sau được mùa hơn.
    Cùng với tục cúng cơm mới, theo tập tục của nhà nông, sau mỗi vụ mùa đều dâng cúng những sản phẩm mình thu hoạch được. Đối với cây lúa nước lễ vật là mâm cơm, còn đối những sản phẩm hoa màu như khoai, bắp, đậu,... ngay sau khi thu hoạch về nấu một mâm hoặc ít hơn tùy theo gia chủ, rồi đặt lên bàn thờ để dâng cúng ông bà và để tạ ơn trên đã giúp mùa màng tươi tốt, bội thu.
     Lễ vật cúng cơm mới đơn giản chỉ là những nông sản: lúa gặt về, phơi khô rồi xay/máy, lấy gạo nấu cơm để cúng. Một mâm cơm cúng gồm có khoảng 4 đến 6 chén cơm in, trên có muối mè hoặc muối đậu, hương đèn, hoa quả, rượu - đây là lễ vật không thể thiếu trong cúng cơm mới. Tùy theo từng gia đình, ngoài món cơm muối mè còn có những món mặn khác. Hay tại một số địa phương (làng Cẩm Phô cũ), lễ vật ngoài cơm muối mè người ta còn đặt một thúng gạo mới cạnh bàn lễ vật.
Khi cúng, người cúng cũng vái giống như đọc một bài văn tế. Trước tiên, giới thiệu địa danh, ngày, tháng, năm cúng; Giới thiệu người cúng; Cúng gì (cúng cơm mới); Lễ vật gồm có những gì (kể ra những lễ vật cúng); Cúng ai (cúng Thần Nông, Thành Hoàng bổn xứ, các vị tiền hiền, hậu hiền); Mục đích cúng (nhân việc thu hoạch lúa về nấu chén cơm để tạ ơn các vị Thần, nhớ ơn những bậc tiền nhân đi trước đã khai phá đất đai, mở rộng bờ cõi).
Đối với những cư dân nông nghiệp ở Hội An, sau khi kết thúc lễ cúng, người ta đem cơm cúng đó cho chó ăn trước, bởi vì người ta quan niệm rằng chó là con vật trung thành với chủ, cho nó ăn để nó giữ nhà. Sau đó, mọi người trong gia đình cùng thưởng thức những cúng phẩm để mừng cho một vụ thu hoạch, rồi gia đình mới tiếp tục sử dụng gạo mới gặt về vào trong bữa ăn hàng ngày.
    Mặc dù ở mỗi địa phương có những tục lệ cúng khác nhau nhưng có thể nói, cúng cơm mới là một tập tục thể hiện đạo lý tốt đẹp: “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây” đã ăn sâu, thấm nhuần trong mỗi người dân Việt chúng ta. Vì thế, từ xưa tục cúng này đã thâm nhập sâu vào đời sống tinh thần của những cư dân nông nghiệp nói chung và cư dân nông nghiệp ở Hội An nói riêng.         

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 7 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 3.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây