Lễ tết Trung Thu

Thứ tư - 10/10/2012 03:01

Lễ tết Trung Thu

Hằng năm, cứ đến ngày rằm tháng 8 âm lịch, khi mà vầng trăng tròn nhất trong năm vành vạnh chiếu sáng lộng lẫy xuống thế gian thì ở Hội An, cũng như khắp nơi ở Việt Nam và nhiều nước ở Đông, Đông Nam châu Á, người ta đều náo nức tổ chức ngày lễ Tết Trung Thu hay lễ hội Trung thu.
            Ở Hội An, vào ngày 14, 15 tháng 8 âm lịch, khắp các làng trên xóm dưới, từ khối phố đến thôn quê không khí lễ hội đều diễn ra rất sôi nổi với nhiều hình thức hoạt động văn hóa truyền thống như: Việc lo lễ bái trời đất, gia tiên, tục bày mâm cỗ thưởng trăng, múa lân/sư/rồng, rước đèn; ca hát...
 
thien cau

Múa Thiên cẩu ở Hội An - Ảnh: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An 
 
            Tuy nhiên để đón ngày rằm tháng 8, vui tết trung thu, người ta đã phải mất nhiều thời gian chuẩn bị trước đó vài ngày, có những việc cả tháng. Tại các gia đình, phải quét dọn bàn thờ gia tiên, trang trí nhà cửa và nhất là phải cố công làm hoặc sắm cho được chiếc lồng đèn theo ý mình để treo trước nhà hoặc đặt tại một vị trí trân trọng nhất. Trong gia đình, vất vả hơn hết vẫn là các bà mẹ, các cô gái, ngoài việc phải lo mâm lễ vật xôi, chè, bánh,... để cúng ông bà, gia tiên còn phải chọn lựa một đề tài trưng bày mâm cỗ trung thu, nhưng dù là đề tài gì chăng nữa mâm cỗ cũng phải có các loại bánh nướng, bánh dẻo hình tròn, có nhiều cỡ tượng trưng cho mặt trăng, các loại bánh cùng với hoa, trái cây tạo nên những sắc màu xanh, đỏ, trắng, vàng...sặc sỡ. Các cô gái còn đua nhau cắt gọt các loại trái cây, thực phẩm, nặn bột tạo thành nhiều loại hoa, nhiều loài vật gần gũi với con người. Đặc biệt, có người làm những con vật: chó bông, sư tử, lân...bằng những múi bưởi bóc ra (tép bưởi làm lông thú...) trông rất đẹp mắt, ngộ nghĩnh. Có lẽ hoạt động có tính dài ngày nhất, sôi động nhất, thu hút người tham gia và người xem nhiều nhất vẫn là múa lân - Ngày xưa Hội An có múa Thiên Cẩu, nay gần như đã mất hẳn, (đang được Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di tích Hội An sưu tầm, phục hồi lại). Múa lân đã trở thành tục lệ không thể thiếu được vào mỗi dịp Trung Thu.

           Giá trị đặc trưng của lễ hội trung thu ở Hội An ngày nay chính là ở chỗ nó được hình thành trên cơ sở truyền thống văn hóa bản địa - Việt Nam có sự giao lưu văn hóa của Trung Hoa - Nhật Bản và được bảo tồn khá nguyên vẹn các yếu tố tích cực, có bổ sung bởi các họat động văn hóa truyền thống và hiện đại một cách hài hòa, thích ứng, vừa tạo nên được sự phong phú, đa dạng, sôi động, hấp dẫn thế hệ trẻ, nhưng vẫn giữ được đậm đà những nét văn hóa truyền thống đặc trưng của Hội An, vừa mang tính giáo dục sâu sắc vốn có của lễ hội đối với thế hệ trẻ về yêu chuộng hòa bình, tính nhân ái, lòng yêu thương hướng về những giá trị văn hóa vĩnh hằng của con người: Chân - Thiện - Mỹ.

Xem tiếp 

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây