Đó là câu ca từ xa xưa của xứ Quảng phản ánh sự sôi động của nghề gốm Thanh Hà, một làng nghề gốm nằm cách trung tâm phố cổ Hội An, khoảng 3km về phía Tây nay thuộc phường Thanh Hà. Làng gốm Thanh Hà được hình thành vào khoảng thế kỷ XVI do các dòng họ Nguyễn Văn, Nguyễn Viết, Nguỵ, Bùi, Lê… di cư từ Thanh Hoá đến Thanh Hà lập nên. Những vị tiền nhân có công lập nên làng, nghề đã được hậu thế làng gốm Thanh Hà suy tôn là Tổ nghề gốm của làng. Từ bao đời nay, làng gốm Thanh Hà chuyên chế tác và cung cấp các loại gốm sành gia dụng, tín ngưỡng, gạch, ngói cho người tiêu dùng Hội An, Quảng Nam và cả ở các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ. Trải qua nhiều thế kỷ, các thế hệ thợ gốm Thanh Hà đã làm cho nghề gốm Thanh Hà trở nên phát triển được chính sử triều Nguyễn ghi danh trong phần thổ sản Quảng Nam của sách Đại Nam Nhất thống chí. Hiện nay, ở Nam Diêu - Thanh Hà đang có 23 hộ làm gốm, một số hộ vẫn còn bảo tồn được kỹ thuật chế tác gốm bằng bàn bên cạnh đó còn tiếp thu kỹ thuật sản xuất để tạo hình những sản phẩm mỹ nghệ.
Song hành với sự phát triển của nghề gốm, cư dân làng gốm Thanh Hà còn thiết lập các di tích tín ngưỡng truyền thống của thôn ấp và của làng nghề đó là khu miếu Tổ nghề gốm tại ấp Nam Diêu (
nay thuộc khối V, phường Thanh Hà) gồm miếu Tổ nghề gốm có phối thờ Thổ thần và Ngũ hành tiên nương (
được xây dựng năm 1868), miếu Thái giám (
xây dựng thời Thiệu trị), miếu Âm linh (
xây vào thời Thành Thái), miếu Sơn tinh. Tại đây, hàng năm thường diễn ra hai lễ tế lớn là tế Tổ nghề mở đầu một năm sản xuất mới hay còn gọi là tế xuân vào mồng 10 tháng Giêng âm lịch và lễ tế tổ vào ngày mồng 10 tháng 7 âm lịch hay còn gọi là tế thu, lễ tạ kết thúc một năm sản xuất.
Trước tiên xin trình bày về lễ tế Tổ vào ngày mồng 10 tháng Giêng. Để chuẩn bị cho lễ tế Tổ, vào ngày 6 tháng Giêng các bô lão trong ấp họp tại miếu Nam Diêu, vận động dân làng đóng góp kinh phí tế lễ; bầu ra ban tế lễ 3 người gồm: vị chánh tế là một bô lão có uy tín trong làng, có tuổi không xung kỵ với năm âm lịch diễn ra lễ tế và hai vị phụ tế gọi là tả hữu phân hiến; phân công người viết văn tế, mua lễ vật, phụ trách chiêng, trống... Vào sáng sớm ngày 10/01 âl, nhiều thợ gốm, gạch, ngói, cũng như người dân ấp Nam Diêu (
khối 5,
vì trong lễ có phối tế thành hoàng, tiền hiền làng nên người không làm gốm ở đây vẫn tham gia) cùng tập trung tại miếu Tổ chung lo việc cúng Tổ. Trước giờ diễn ra lễ, các mẹ, chị lo nấu đồ cúng, mua sắm lễ vật; các anh thanh niên sắp đặt lễ vật vào các án thờ; các vị bô lão là chánh tế, người xướng, phụ tế lo kiểm tra đôn đốc mọi việc đồng thời mặc lễ phục truyền thống là áo dài khăn đóng; ban nhạc lễ cũng sẵn sàng. Mọi người đều tất bật để hoàn tất việc chuẩn bị trước 8 giờ. Đến khoảng 8 - 9h sáng (
giờ thuỷ triều lên) lễ tế diễn ra tuần tự tại 5 hương án là Trời Đất, Tổ nghề, Thái giám, Âm linh, Sơn Tinh nhị vị, mỗi lễ tế diễn ra khoảng 40 phút và kết thúc lúc 11, 12 giờ trưa.
Bàn cúng đất đặt ngoài sân miếu Âm linh, hướng về phía Tây Nam gồm hai tầng, tầng trên đặt các lễ vật cúng đất là hương đèn hoa, quả, bánh trái, rượu trà, xôi chè thức ăn mặn còn có một dĩa rau lang luộc một chén mắm cái để tế Man nương (
tương truyền là chủ đất người Chăm -
tiền nhân của vùng đất Thanh Hà), một con gà giò(
gà luộc)... Đặc biệt, ở hương án này còn đặt một Long chu (
làm bằng sườn tre đắp dán giấy theo hình thuyền rồng) để gom góp hết xú uế của làng. Tầng dưới đặt các lễ vật cúng những vong hồn đã khuất là cháo loãng, gạo muối, hạt não, kim ngân vàng bạc. Bắt đầu lễ tế, chiêng trống được gióng lên, nhạc lễ hoà tấu, sau đó vị chánh tế đến đứng trước hương án, hai vị phụ tế đứng hai bên để thực hiện các nghi thức tế lễ: kiểm soát lễ vật, rửa tay(
quán tẩy,
thế cân), dâng hương và lạy bái theo trình tự tế lễ là sơ, á, chung hiến lễ dưới sự lĩnh xướng của một bô lão khác. Trong khói hương nghi ngút, văn tế được xướng lên để cáo với Trời đất, thành hoàng thổ địa các vị thần linh cai quản dương gian khác trong một năm, những người bất đắc kỳ tử, cầu mong các vị thần linh, âm linh phù hộ cho người dân làng gốm một năm mới an bình, may mắn, sản xuất thành công. Văn tế được xong thì được hoá vàng. Sau đó, vị chánh tế bỏ thêm một số lễ vật vào Long chu, thành kính thắp hương tống tiễn và cầu mong Long chu sẽ đưa đi hết điềm xấu, cầu may mắn cho dân làng cho cả năm mới. Long chu được các trai tráng trong làng khiêng ra sông trong tiếng chiêng giục giã liên hồi, đến sông Thu Bồn, người ta đẩy thả Long chu trôi thật xa hoặc đốt, nếu đốt thì cố gắng đốt cháy rụi vì họ tin rằng có như vậy thì những xui rủi sẽ được tẩy trừ sạch và mọi việc trong năm sẽ an bình. Trong khi đó tại bàn cúng âm linh, vị chánh tế làm nghi thức cuối là hoá vàng, vãi gạo muối cho âm linh rồi lạy tạ kết thúc lễ trong 3 hồi chiêng, trống liên hồi và có lại dùi (kèm 3 tiếng rời).
Tiếp theo, lễ tế diễn ra tại miếu Tổ nghề, đây lễ tế chính vì Tổ nghề có vai trò quan trọng đối với thợ gốm, nghiệp gốm của làng. Lễ vật cúng tổ chính là gà giò nguyên con, đầu heo, các thức ăn mặn được chế biến khác và giấy tiền vàng bạc. Lễ cũng diễn ra theo trình tự sơ, á, chung hiến lễ và những nghi thức đi kèm đã kể ở phần tế trời đất (
trừ nghi thức tống tiễn Long chu, vãi gạo muối). Do phần tế này có phối tế Tổ nghề, Thổ Thần, Ngũ Hành, các vị tiền hiền của làng, của nghề gốm nên đối tượng tế cáo khá nhiều gồm những vị thần có liên quan đến nghề gốm là Thiên công (
thợ trời), Cửu Thiên Huyền nữ (
vị nữ thần được xem là tổ của nhiều nghề), Lịch đại Tiên sư, Ngũ Hành Tiên nương (
theo quan niệm triết học phương Đông là năm vị nữ thần biểu trưng cho các yếu tố khởi nguồn của vạn vật và cũng gắn bó mật thiết với nghề gốm là Kim: kim loại, Mộc: gỗ, Thuỷ: nước, Hoả: lửa, Thổ: đất), Thổ thần và các vị tiền hiền của làng... Trong không gian thành kính của đại lễ, ban tế lễ, dân làng gốm tri ân các vị thần nghề nghiệp, ngưỡng vọng công đức các vị tiền hiền làng gốm đã có công phò giúp, gây dựng nên nghiệp gốm, hỗ trợ hậu thế phát triển nghề. Đồng thời cầu mong được phù hộ cho một năm sản xuất mới được tốt đẹp, bình an, may mắn.
Tiếp đến, dân làng lần lượt tế lễ tại các miếu Thái giám Bạch mã thượng đẳng thần - một vị thần được thờ phổ biến trong các thiết chế tín ngưỡng làng xã ở miền Trung, miếu Âm linh - thờ các vị tiền nhân của làng, miếu Sơn tinh nhị vị theo nghi lễ truyền thống nhằm cầu mong Thái giám, Âm linh, Sơn tinh nhị vị trợ giúp cho cuộc của dân làng được bình an, chan hoà, khang ninh.
Lễ tế kết thúc, dân làng thường xem giò (
chân) gà ở bàn Tổ nghề, đoán xem mọi sự cát hung của nghề gốm trong năm mà phòng trừ, mà phấn chấn, hăng say sản xuất. Cuối cùng là mọi người trong làng cùng vui vẻ phá cỗ, hỏi thăm nhau về những dự định nghề nghiệp trong năm, đề cập sự phối hợp, cùng chung lo phát triển nghề gốm.
Lễ tế Tổ vào mồng 10 tháng 7 âm lịch cũng được diễn ra theo trình tự, nghi thức của lễ tế tổ vào đầu xuân nhưng với mụch đích khác là tạ ơn trời đất, tổ nghề, các vị thần, âm linh đã phù hộ cho một năm chế tác, tiêu thụ bình an may mắn và khi tế đất không có nghi lễ tống Long chu.
Theo các bô lão trong làng thì lễ tế hiện có nhiều khác biệt so với cách đây khoảng 50, 60 năm về trước. Vào thời ấy, việc tế miếu được lấy nguồn ngân quỹ bán lúa của ruộng làng và tiền cúng hương của các chủ lò, chủ hộ làm gốm nên bà con không đóng góp. Đồng thời qui mô, nghi thức của lễ cũng đầy đủ hơn hiện nay, trước ngày lễ chính diễn ra người ta còn cáo tiên thường vào buổi chiều của ngày trước và mời đội hát bội biểu diễn vào các đêm trước và sau lễ tế làm cho không khí của ngày lễ thêm sôi động.
Nhìn chung lễ tế Tổ nghề gốm là một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng truyền thống thể hiện sự kết hợp chặt chẽ giữa văn hoá tín ngưỡng làng xã với tín ngưỡng nghề nghiệp. Lễ tế hiện nay có nhiều điểm khác so với cách 50, 60 trở về trước nhưng nhìn chung vẫn bảo tồn cơ bản nghi thức tế lễ truyền thống và phản ánh đậm nét một sinh hoạt tín ngưỡng cộng đồng, nghề nghiệp khá qui mô. Lễ lệ này góp phần làm phong phú thêm đời sống sinh hoạt văn hóa tin thần của người dân Hội An. Do vậy, lễ lệ này cần được phát huy và duy trì theo định kỳ, đồng thời cần tổ chức cho khách du lịch đến tham quan khi lễ này diễn ra. Để du khách có thể hiểu biết một cách toàn diện về sinh hoạt đời thường của người dân làm gốm Thanh Hà.