Lễ hội

Thứ tư - 11/07/2012 22:29
Các lễ hội được tổ chức sôi nổi, nhộn nhịp hàng năm, để lại ấn tượng sâu sắc trong ký ức của cộng đồng cư dân. Vào những dịp lễ tết Nguyên Đán, lễ hội Nguyên Tiêu, tết Đoan Ngọ, Trung Thu,… đường phố Hội An và các xóm thôn trở nên đông vui nhộn nhịp, nhiều món ăn, thức uống riêng của từng lễ hội được chuẩn bị, nhiều tập tục, nghi thức được thực hiện, nhiều trò chơi, hoạt động vui chơi được trình diễn trong sự cộng hưởng vui chung của nhiều người tạo thành bức tranh lễ hội rực rỡ, đầy màu sắc và ấn tượng. Liên quan đến tôn giáo có các lễ Phật Đản, lễ Vu Lan, lễ giỗ tổ Minh Hải ở chùa Chúc Thánh (7/11âl), lễ giỗ tổ Minh Lượng (28/10 âl) ở chùa Vạn Đức,… của đạo Phật; lễ Noel (24/12 dl) của đạo Thiên Chúa,…
  Một loại lễ hội khá đặc biệt, liên quan đến các vị thần bảo trợ của bà con người Hoa, của làng Minh Hương được tổ chức tại các hội quán, Quan Công miếu, Tụy Tiên đường,… ở Hội An, tạo nên một sắc thái mới mẻ cho hoạt động lễ hội, thể hiện sự giao lưu rộng rãi về văn hóa lễ hội ở các thành phần cư dân. Đó là lễ vía Quan Công ở Quan Công miếu, hội quán Quảng Đông (24/6 âl); lễ Nguyên Tiêu (16/1 âl); Vía Thiên Hậu Thánh Mẫu (23/3 âl) ở hội quán Phúc Kiến, Ngũ Bang; Vía Lục Tánh Vương Gia (16/2 âl) ở hội quán Phúc Kiến;…

     Ở khu vực ngành nghề cũng có một số lễ cúng, lễ lệ được tổ chức với quy mô lễ hội. Đó là lễ Cầu Ngư của ngư dân các vùng Cửa Đại, Cẩm Thanh, Cẩm Nam, Cẩm Kim. Một số lễ lệ của các nghề thủ công cũng được tổ chức quy mô hàng năm, thu hút đông đảo các hiệp thợ cùng nhân dân trong xóm ấp tham gia như lễ cúng tổ nghề mộc Kim Bồng (6/1 âl) ở Cẩm Kim; lễ giỗ tổ nghề gốm Nam Diêu (10/1 âl) ở Thanh Hà;… Đây là những lễ lệ ngành nghề còn bảo lưu được khá đậm nét yếu tố truyền thống.

     Trong những năm gần đây, một số ngày kỷ niệm, ngày hội do nhà nước tổ chức ổn định hàng năm đã bắt đầu trở thành một loại hội mới và tỏ ra có sức sống, sức hấp dẫn qua sự chấp nhận và tham gia hưởng ứng ngày càng đông của nhiều người như “Lễ hội Quảng Nam - Hành trình Di sản” tổ chức 2 năm một lần vào trung tuần tháng 4 dương lịch và “Những ngày giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản” vào trung tuần tháng 8 hàng năm. Một số ngày lễ kỷ niệm như lễ Quốc Khánh (2/9 dl), ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3 dl), ngày Gia đình Việt Nam (28/6 dl), ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11 dl) cũng được tổ chức khá quy mô, tạo nên sự đông vui, náo nhiệt, lôi cuốn nhiều người tham gia.

     Các ngày hội này đã góp phần giới thiệu về một Hội An giàu bản sắc văn hóa, nhạy bén trong việc thích nghi, dung nạp các yếu tố mới, phù hợp để làm giàu vốn văn hóa ở địa phương.

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây