Lễ cúng mục đồng

Thứ tư - 10/10/2012 04:00
Đất nước chúng ta đi lên từ nền nông nghiệp lúa nước, trồng trọt là chính và cùng với trồng trọt thì có sự thuần dưỡng những động vật hoang dã thành gia súc, gia cầm, trước hết phải kể đến là trâu, bò. Bởi lẽ, trâu, bò không những là công cụ chính giúp nhà nông trong việc cày bừa mà còn tạo ra một nguồn phân
bón hữu cơ hữu hiệu tạo độ màu mỡ phì nhiêu cho đất. Vì thế, nói đến nông nghiệp, người ta hay nhắc đến con trâu, cái cày bởi nó luôn gần gũi, gắn liền với nghề nông nên từ lâu trong dân gian đã hình thành những câu hát:

Trâu ơi! ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta
Cấy cày vốn nghiệp nông gia
Ta đây trâu đó ai mà quản công
Bao giờ cây lúa còn bông
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn”.
 
   Hay theo quan niệm của nhà nông:“Con trâu là đầu cơ nghiệp”.
   Từ những quan niệm đó nên từ xưa, nhằm tri ân, tưởng nhớ đến công lao của những người nuôi dưỡng, chăn dắt những động vật thân quen được coi như là lực lượng sản xuất chính của nghề nông, đó là trâu, bò. Đồng thời, nhằm cầu mong cho trâu, bò, gia súc khỏe mạnh, tránh được dịch bệnh để phục vụ cày cấy của nhà nông, hàng năm theo lệ thường những người làm nông nghiệp đều tổ chức cúng và lệ cúng đó gọi là cúng mục đồng (mục đồng là người chăn dắt trâu, bò).
   Trước đây, lễ cúng mục đồng thường được dân làng tổ chức vào hạ tuần tháng 3 âm lịch, sau Hội kỳ yên và việc phổ của làng. Tuy nhiên, đối với các ngành nghề khác, ngày cúng được quy định cụ thể nhưng đối với nghề nông thì phụ thuộc vào mùa thu hoạch lúa đồng nên ngày cúng không nhất định, cứ sau vụ thu hoạch lúa Đông - Xuân (vào khoảng tháng 3 âm lịch) và để chuẩn bị cho vụ mùa mới, các cụ cao niên trong làng họp lại để chọn ngày cúng.
Ở Hội An, số hộ làm nông nghiệp tương đối đông, chủ yếu tập trung tại các xã vùng ven: Cẩm Thanh, Cẩm Hà, Cẩm Kim, Cẩm Châu, Tân Hiệp. Ngày nay, khi mà số người làm nông nghiệp đã giảm đi nhưng lệ cúng mục đồng của cư dân Xóm ấp Cây Giá - làng Thanh Nam - tổng Thanh Châu cũ (nay là xóm Cây Giá - Thôn 5 - Cẩm Thanh - Hội An) vẫn được duy trì tổ chức định kỳ hàng năm. Cẩm Thanh là xã nằm ở hạ lưu của sông Thu Bồn nên hàng năm được phù sa của sông bồi đắp cộng với lợi thế về địa hình cùng thổ nhưỡng tạo điều kiện cho cây lúa nước phát triển trên vùng đất “nước mặn đồng chua” này. Bên cạnh ngư nghiệp, người dân ở đây cũng sống chủ yếu bằng nông nghiệp.
Sau vụ thu hoạch lúa Đông - Xuân (tháng 10 sạ đến tháng 3 thu hoạch), người dân nơi đây kẻ ít người nhiều đóng góp lại tổ chức lễ cúng. Tùy theo sự đóng góp đó mà có năm cúng lớn (làm heo hoặc cúng đầu heo,...) có năm trầm trà (hoa quả, bánh trái) và cùng với lễ cúng xóm vào ngày 14-15 tháng Giêng hàng năm, lễ cúng mục đồng được xem là một lễ lệ lớn, chung của cả xóm.
   Lễ cúng diễn ra vào lúc buổi chiều, với sự tham gia của một số bô lão trong xóm cùng với những người làm ruộng, nuôi trâu. Trước đây, lễ cúng được tổ chức tại đàn Thần Nông (nằm cách miếu Ông Tiến 500m về hướng Tây) nhưng hiện nay dấu vết đàn Thần Nông đã không còn nên lễ cúng được tổ chức ngay giữa đồng.
Theo các cụ cao niên cho biết, đối tượng cúng tế của lễ cúng mục đồng trước tiên là cúng Thần Nông - Người cai quản, trông coi cánh đồng và đối tượng chính ở đây là nhằm tưởng nhớ những người chăn dắt trâu bò.


 
 Lễ vật chính gồm: Hương, đèn, hoa quả, trầu cau, rượu, nước lã, đồ thổ thần, xôi, cơm (gồm có 4 hoặc 6 chén cơm in trên có bỏ muối đậu hoặc muối mè), thịt heo. Ngoài ra, còn có một số vật phẩm khác, tùy theo sự chung góp của dân làng.
Cũng giống một số lễ cúng khác, tham gia trong ban tế lễ gồm có: một người xướng, một chánh tế (phải là người có uy tín, cao tuổi trong xóm), một người đọc văn tế và hai phụ tế. Gồm có 4 bàn lễ vật: một bàn cúng cô bác, bàn giữa là bàn cúng Thần Nông, hai bàn tiền hiền; hậu hiền hai bên. Sau khi trưng lễ vật ra bàn, lễ cúng bắt đầu dưới sự điều hành của chủ xướng, sau khi bài văn tế kết thúc thì mọi người tham gia lễ cúng vào cúng vái nhằm cầu mong cho vụ mùa sau được tươi tốt, bội thu.
Trước kia, trong lễ cúng này, sau phần lễ thì có phần hội, với nhiều trò chơi được tổ chức cho người lớn và kể cả trẻ em trong làng. Người lớn chơi bịt mắt đâm lô (nồi), chơi kéo co. Còn trẻ con thì chơi rồng rắn lên mây, chơi bịt mắt bắt dê,... Nhưng hiện nay, phần hội đã không còn duy trì nữa.
Sau khi kết thúc lễ cúng thì mọi người cùng tham gia thưởng thức những cúng phẩm để vừa chia sẻ, vừa truyền thụ cho nhau những kinh nghiệm sản xuất, đồng thời cùng chia vui sau một vụ mùa bội thu..., qua đó thể hiện tính cộng đồng cao.
  Trên địa bàn thành phố Hội An hiện vẫn còn một số địa phương duy trì lễ cúng này, như xã Cẩm Kim, xã Cẩm Hà, phường Cẩm Châu. Riêng đối với một số địa phương khác lễ cúng này không gọi cúng mục đồng, như theo ý kiến của một số cụ cao niên tại phường Cẩm Phô, trước đây hàng năm những người làm nông nghiệp có tổ chức lễ cúng dành cho những người chăn dắt, nuôi dưỡng trâu, bò nhưng gọi là cúng ông Cồn chứ không gọi cúng mục đồng như một số địa phương khác.
  Cúng mục đồng là lễ lệ truyền thống của cư dân nông nghiệp Hội An nói riêng và của cư dân Việt nói chung, là nét đẹp văn hóa tín ngưỡng mang tính cộng đồng cao, tuy nhiên, với cơ cấu của nền kinh tế hiện nay, hơn nữa với diện tích đất canh tác thu hẹp nên một số lệ cúng liên quan đến nông nghiệp có nguy cơ bị mai một là điều tất yếu. Trong khi đó, Hội An ngày nay đang là điểm đến của khách du lịch trong và ngoài nước, vì thế cùng với những công trình kiến trúc nghệ thuật (văn hóa vật thể) hiện tồn thì chúng ta cần duy trì, phát huy hơn nữa văn hóa phi vật thể để càng tôn vinh thêm vẻ đẹp của Hội An - Di sản văn hóa thế giới đã được bạn bè khắp nơi công nhận.

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây