Lễ cúng tổ nghề Rèn ở Sơn Phong

Thứ tư - 10/10/2012 03:28
Từ thế kỷ XVII - XVIII, Hội An trở thành thương cảng quốc tế lớn nhất ở Đàng Trong. Trong bối cảnh đó, nhiều nghề thủ công, dịch vụ ở Hội An như nghề yến Thanh Châu, các làng nghề buôn, gia công Minh Hương, Hội An, Cẩm Phô, nghề rèn đã lần lượt ra đời phục vụ nhu cầu trao đổi thương mại của thương cảng Hội An.
   Nghề rèn ở Hội An cũng có những đặc trưng riêng, trước hết là sản xuất những sản phẩm để phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp, đánh bắt thuỷ - hải sản và sau đó cho một đô thị thương mại có nhiều làng nghề thủ công nên sản phẩm khá đa dạng, ngoài các nông cụ (cuốc, lưỡi cày, liềm), ngư cụ, còn có công cụ nghề mộc, nề (lưỡi cưa, lưỡi đục, lưỡi bào, me (mũi) khoan, bay; các phương tiện phục vụ nghề buôn, kim hoàn, nghề gốm). Do vậy, có thể nói nghề rèn là một nghề truyền thống từng  có qui mô lớn ở Hội An.
   Cùng với sự phát triển trong sản xuất, những giá trị văn hoá của nghề rèn cũng được tích tụ và bảo tồn, trong đó có lễ tế Tổ nghề rèn thường được tổ chức vào ngày 12 tháng 2 âm lịch.
    Do nghề rèn không có miếu thờ Tổ nghề nên lễ tế tổ nghề được các thợ rèn tổ chức tại lò rèn theo cách thức luân phiên một năm một chủ lò đăng cai cúng Tổ. Năm Bính Tuất, 2006, chúng tôi tham dự lễ cúng Tổ tại lò rèn ông Lê Điểu, khối Sơn Phô II, Cẩm Châu. Trước ngày diễn ra lễ, các thợ rèn có uy tín trong nghề đã liên hệ, họp bàn tổ chức lễ, vận động đóng góp kinh phí, phân công mọi người chuẩn bị lễ cúng, lập văn tế. Trong đó, gia đình chủ lò rèn đăng cai tổ chức lễ tế sẽ lo công tác hậu cần: mua sắm, chế biến lễ vật, chuẩn bị hương án tế, chiêng trống. Ngoài ra, các vị còn thống nhất cử 1 người thợ rèn có uy tín có năm tuổi không xung kỵ với năm diễn ra lễ tế. Đến sáng ngày 12 tháng 2 âm lịch, các thợ rèn cùng con cháu (gồm khoảng 30 - 40 người) đến lò rèn sẽ diễn ra lễ tế để lập hương án, xếp đặt lễ vật. Hương án được đặt trước sân của lò rèn, phía ngoài có treo một băng rôn nền đỏ, chữ vàng có nội dung là “Lễ tế Tổ nghề rằng”. Hương án gồm hai bàn: Bàn ngoài cùng, cao hơn là bàn cúng Trời đất, các vị thần linh, Tổ nghề đặt một giá gắn văn tế và các lễ vật chính là đầu heo, gà giò nguyên con, hương đèn, hoa, quả, bánh, trầu cau, rượu, giấy tiền, vàng bạc và bàn dưới thấp là bàn cúng âm linh có những lễ vật là cháo, chè xôi, hạt não, áo giấy, giấy tiền, lim ngân.


 
  Khác với những lễ tế của những làng nghề lớn ở Thanh Hà, Kim Bồng, lễ tế của nghề rèn có qui mô nhỏ hơn nên lễ tế chỉ có một vị đứng tế, không có ban nhạc lễ. Sau khi chuẩn bị xong, kiểm tra lễ vật, hương án, đến khoảng 9h30, vị chánh tế quyết định tiến hành tế lễ. Mở đầu lễ tế, chiêng trống được gióng lễ ba hồi dài, rượu, nước được rót ra, hương được đốt lên và theo lời xướng của một phụ tế, vị chánh tế đến trước bàn thờ quỳ lạy, dâng hương, nghi thức rửa, lau tay (quán tẩy, thế cân được bỏ qua) và trình tự tế cũng diễn ra theo các phần sơ, á, chung hiến lễ. Tiếp đến là phần chính của lễ: đọc văn tế, vị chánh tế quỳ giữa hương án, có một người cầm giá gắn văn tế, người phụ tế một tay cầm cây đèn cày thắp sáng để đọc văn tế. Đại ý của văn tế là nhân ngày lễ tế Tổ, thợ rèn Hội An dâng lễ vật, cung thỉnh: Cửu thiên Huyền nữ, Lịch đại tiên sư (các vị thần liên quan đến nghề nghiệp)  Tổ sư rèn là Lư Cao Sơn (Tổ sư chung của nghề rèn Việt Nam, tên dân gian là Ông Đùng, tương truyền sống vào thời Vua Hùng có công dạy dân làm rèn [Vũ Từ Trang (2002): Nghề cổ nước Việt, NXB Văn hoá Dân tộc, tr 39.], Ngũ Hành tiên nương, thành hoàng bổn xứ diễn ta lễ tế, thổ địa, chư vị âm linh. đến thượng hưởng và chứng giám sự tri ân của thợ rèn đối với các vị thánh thần, Tổ nghề. Qua đó cầu mong Tổ nghề phù hộ cho người làm nghề rèn cùng gia đình được an bình, may mắn, làm ăn phát đạt. Đọc xong văn tế thì đốt hay còn gọi là hoá vàng, có như vậy thì những lời khấn vái, tế cáo mới thực sự trở thành linh nghiệm. Cuối lễ, giấy tiền vàng bạc ở hương án cúng trời đất và cúng Tổ được hoá vàng cho các vị đó. Hạt não, gạo muối được vãi ở ngoài hiên, ngoài đường, áo giấy, vàng bạc được hoá vàng để những người bất đắc kỳ tử hưởng. Kết thúc lễ tế, vị chánh tế, lạy tạ 3 lạy và 3 hồi chiêng, trống dài có lại dùi (kèm theo 3 tiếng rời) nổi lên. Phần lễ kết thúc, phần hội diễn ra, các lễ vật sau khi cúng được các thợ rèn phá cỗ trong sự vui vẻ, tự tin, hàn huyên tậm sự về gia đình, về những dự định nghề nghiệp trong năm mới của các thợ rèn.


 
   Nhìn chung, lễ tế tổ nghề rèn là lễ tế có qui mô nhỏ nhưng cũng là một trong số ít những lễ tế chung của các nghề thủ công truyền thống ở Hội An còn được duy trì hàng năm. Nghi thức tế được rút gọn nhưng vẫn đảm bảo phần chính của nghi lễ tế truyền thống. Qua lễ tế, thể hiện tình thần uống nước nhớ nguồn, tôn trong thế giới tự nhiên, siêu nhiên và tinh thần đoàn kết của các thợ, các lò rèn ở Hội An. Đây là một yếu tố quan trọng để cố kết, duy trì nghề rèn truyền thống Hội An trong bối cảnh hiện đại.

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây