Lễ hội Cầu Ngư là một loại hình lễ hội dân gian gắn liền với cuộc sống của ngư dân miền biển. Đây là lễ hội nhằm tạ ơn biển cả, cầu xin thần Nam Hải cho một vụ mùa bội thu, đồng thời đây còn là dịp để các ngư dân thư giản, tạo lập thế cân bằng trong đời sống tinh thần chuẩn bị cho một năm đánh bắt vất vả, cực nhọc, là dịp họ gặp gỡ nhau để trao đổi kinh nghiệm cũng như chúc nhau những điều tốt lành.
Lễ hội Cầu Ngư gắn liền với tín ngưỡng thờ cá Ông (cá Voi) - vật linh của ngư dân miền biển. Cá Ông là một loại cá lớn có vú (có con dài hơn 30m, nặng trên chục tấn) và có sức mạnh phi thường. Theo các ngư dân kể rằng nhiều lần thuyền gặp gió bão ở ngoài biển khơi, thường hay có cá Ông đến cứu. Cá áp lưng vào mạn thuyền làm cho thuyền khỏi bị sóng gió lật đổ và đưa thuyền ra khỏi nơi nguy hiểm. Từ sự cứu nạn lớn lao của cá Ông, nên loài cá này đã trở thành vị Thần ngư Nam Hải (có địa phương còn gọi là Quan Âm Nam Hải hoặc Nam Hải Ngọc Lân). Sự tôn kính của ngư dân miền biển dành cho cá Ông không chỉ ở trong tiềm thức mà còn bằng cả những hành động thực tế, như khi ngư dân gặp cá Ông "luỵ" (cá Ông chết dạt vào bờ) thì lập tức phải tập trung dân trong làng lại để tổ chức an táng cho cá Ông, hoặc khi đang đánh lưới mà phát hiện thấy trong lưới có cá Ông dù nhỏ hay lớn thì cũng phải lập tức mở toang lưới cho cá Ông thoát ra.
Từ những lý do trên nên lễ hội Cầu Ngư được tổ chức nhằm bày tỏ lòng thành kính của ngư dân với thần Nam Hải, cầu mong sự che chở, một mùa bội thu và xua đi mọi điều xấu.
Lễ hội Cầu Ngư ở làng Phước Trạch diễn ra vào ngày 16 tháng 2 âm lịch hàng năm. Theo thông lệ, lễ hội thường diễn ra trong 3 ngày đêm. Ngày đầu tiên diễn ra nghi thức lễ nghi thần, lễ túc; ngày thứ hai diễn ra nghi thức đại lễ tế thần. Phần hội gồm có: Chèo bả trạo, hát bội (
hát tuồng) và các trò chơi dân gian của ngư dân miền biển như đua thuyền, lắc thúng chai,..được diễn ra trong ngày thứ ba hoặc có thể đan xen trong hai ngày đầu.
Trước khi tiến hành tổ chức lễ thì các ngư dân trong làng phải họp lại để bầu ra một ban trần thiết. Những người trong ban này là những vị cao niên trong làng, có đức độ, gia đình trọn vẹn, hoà thuận, đặc biệt là không bị vướng táng. Ban trần thiết gồm có 2 vị chánh bái, 2 vị sướng, 2 vị đọc văn tế, 2 vị đánh chinh cổ (
bulu và trống), 1 đội nhạc lễ (
khoảng 5 người) và 1 đội học trò lễ (
4 người) và một số vị tham gia các hoạt động khác. Ban trần thiết có nhiệm vụ phụ trách tất cả các hoạt động diễn ra trong lễ hội.
Nghi thức đầu tiên là
lễ nghinh thần, đây là một nghi thức quan trọng thể hiện tính cộng đồng cao. Đoàn rước gồm có 01 vị chánh bái, 4 - 5 người cầm cờ, 4 người khiêng bàn hương án, 1 người đánh bu lu, 2 người khiêng và đánh trống chầu, ngoài ra còn có nhiều cụ già trong trang phục áo dài khăn đóng đi theo đoàn rước. Lễ vật cúng gồm có một bát nhang, bình bông, nải chuối và vàng bạc giấy tiền. Đoàn rước khởi hành từ lăng rồi đi quanh làng và trở về lại lăng. Mục đích của nghinh thần là rước thần Nam Hải cũng như di thỉnh cô bác, chư vị tiền hiền vãn ngự ở các nơi trong làng về lăng cùng phụng hưởng
(nếu trời êm biển lặng thì có tổ chức nghinh ở dưới biển).
Sau khi nghinh thần trở về thì thỉnh thần vào lăng, và tối hôm đó tổ chức cúng
Lễ túc. Đây là lễ cáo giỗ, báo cáo với thần những việc sẽ làm trong dịp lễ đồng thời cầu xin thần Nam Hải báo ứng cho vạn chài điềm lành dữ trong năm. Lễ được cử hành trang nghiêm, dâng đủ ba tuần rượu.
Bắt đầu từ rạng sáng ngày thứ hai tổ chức lễ tế chính thức. Nhưng trước đó phải tiến hành
lễ tế âm linh tại sân lăng. Đây là lễ cúng các oan hồn đã khuất, lễ vật gồm: Bát cháo thánh (
cháo trắng), khoai lang luộc, đường cục, bát gạo muối, trầu cau, rượu cùng hương đèn và đồ vàng mã. Bắt đầu vị chánh bái gõ ba hồi mõ sau đó dâng tuần rượu và đọc văn tế. Nội dung của văn tế âm linh biểu hiện sự yêu thương cho những kẻ bất hạnh, khốn khổ đã khuất. Tế xong, vật tế lễ được tung ra khắp nơi để thí thực cô hồn.
Sau khi lễ tế âm linh xong thì bước vào
Lễ tế chính, đây là lễ chính trong lễ hội Cầu Ngư. Lễ vật cúng gồm thịt heo luộc (
hoặc heo quay), hoa quả, giấy tiền vàng bạc,... Phần tế đủ nghi thức lễ tục cúng, trong đó có đọc văn tế ca ngợi công đức của thần Nam Hải, cầu xin thần ban cho một mùa bội thu.
Đan xen với phần lễ là phần hội, đó là những sinh hoạt dân gian truyền thống, đặc trưng của các ngư dân miền biển. Trong đó, có hình thức sinh hoạt văn hoá vừa thuộc lễ vừa thuộc hội như hát bả trạo, đây là hình thức diễn xướng để hầu thần. Đội hình bả trạo khoảng 18 người, bao gồm các con trạo (
tay chèo) dưới sự chỉ huy của các tổng mũi, tổng thương, tổng lái và tổng khậu, tất cả được xếp theo hình một chiếc thuyền rồng. Lời hát và động tác múa diễn tả lại quá trình đi biển từ lúc thuyền ra khơi cho đến khi về bến, trong hành trình đó có lúc vất vả để chống chọi với giông bão; có lúc biển lặng để quăng lưới, buông câu. Nội dung xuyên suốt là tạ ơn và ca ngợi công đức của thần Nam Hải xin thần ban cho vạn chài sự bình an và cuộc sống no đủ.
Bên cạnh đó còn có hát bội, cũng là một loại hình nghệ thuật quan trọng không thể thiếu trong lễ hội Cầu Ngư. Hát bội trong lễ hội này còn gọi là hát thứ lễ, hát án hay hát cúng lăng. Nội dung các vở tuồng kết thúc thường có hậu, coi như hết cơn bĩ cực đến hồi thái lai như tuồng Tiết Nhơn Quý chinh đông, Lưu Kim Đính hạ san,...
Ngoài ra, trong phần hội còn tổ chức các trò chơi thể thao miền biển như đua thuyền, lắc thúng, kéo co,... Đây là dịp để các chàng trai thể hiện tài năng của mình, và cũng là dịp để họ nghỉ ngơi sau một năm lao động vất vả.
Như vậy, trong lễ hội Cầu Ngư phần "
lễ" và phần "
hội" có sự đan xen nhau, hoà quyện nhau không phân biệt nhau. Phần lễ long trọng, trang nghiêm bao nhiêu thì phần hội càng vui vẻ, càng náo nhiệt bấy nhiêu. Tất cả vừa tạo nên không khí trang nghiêm, thành kính mà ấm áp, vừa thể hiện sự thành tâm của ngư dân miền biển, vừa thể hiện nét đẹp truyền thống văn hoá từ xa xưa của cha ông.
Là những người sống nhờ vào biển cả, gắn bó với biển, thường xuyên phải đối đầu với sóng to gió lớn vì thề họ cần có một nơi nào đó để gởi gắm niềm tin và cầu xin sự giúp đỡ. Và họ đã gửi niềm tin đó vào thần Nam Hải (
tức là cá Ông). Lễ hội Cầu Ngư là lễ để các ngư dân tạ ơn thần Nam Hải, ngoài ra lễ hội còn là dịp để người ta cúng tế những vong hồn oan khuất đã vĩnh viễn ở lại với biển khơi nhằm xoa dịu nỗi đau của những người ở lại.
Lễ hội Cầu Ngư là một trong những sinh hoạt văn hoá mang đậm tính tâm linh của ngư dân miền biển. Nó góp phần bảo lưu các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc như nét đẹp của phong tục, các loại hình diễn xướng dân gian và tinh thần cố kết cộng đồng. Lễ hội này mang đậm yếu tố nhân văn, nó vừa thể hiện sự ứng xử văn hoá của con người trước biển cả, vừa thể hiện ý thức "
Uống nước nhớ nguồn", tưởng nhớ công đức đối với các vị tiền hiền có công lập làng, dựng nghề, vì thế cần phải bảo tồn và phát huy lễ hội Cầu Ngư.
Xem tiếp