Lễ Cầu bông ở Trà Quế

Thứ tư - 10/10/2012 03:13

Lễ Cầu bông ở Trà Quế

Trà Quế là địa danh nổi tiếng về nghề trồng rau sống ở Hội An, nằm cách thành phố Hội An khoảng 2,5km về hướng Bắc, gồm 239 hộ dân cư, trong đó 229 hộ sống chủ yếu bằng nghề trồng rau. Đây là nghề tương đối vất vả, suốt ngày bà con phải bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, nhưng ngược lại trời, đất không phụ công cần cù lao động của bà con, hàng ngày mỗi hộ thu nhập trên dưới một trăm nghìn đồng. Gắn liền với đời sống lao động, làng quê Trà Quế có nhiều hoạt động văn hoá văn nghệ dân gian và thể thao truyền thống mà tiêu biểu là lễ hội Cầu Bông.
          Theo truyền ngôn, lễ hội Cầu Bông của cư dân Trà Quế có rất lâu đời. Hằng năm đến ngày mồng bảy tháng Giêng nhà nhà đều cúng cầu bông để cầu cho mưa thuận gió hoà, cầu cho rau xanh lá tốt, cây cối đơm bông kết quả và dân cư được an bình, thịnh vượng. Mồng bảy tháng Giêng là ngày khai hạ (hạ nêu), dấu hiệu kết thúc ba ngày tết bảy ngày xuân và bắt đầu lại công việc của năm mới.
 
    Hiện nay, cúng cầu bông diễn ra tại Miếu Xóm làng rau. Các lễ vật, phẩm vật được chuẩn bị ở nhà gánh đến đình, miếu để cúng.

          Lễ vật gồm: Mâm xôi màu hồng (lấy màu bằng lá kim long), con gà trống, hương đèn, hoa quả, trà rượu, vàng mã,… Xôi màu hồng tượng trưng cho sự may mắn, đoàn kết, được mùa. Đi kèm với con gà còn có dao tre cắm trên lưng gà, miếng huyết, bộ lòng, cặp giò gà để hai bên. Con gà ngoài ý nghĩa đại kiết, ở đây còn thể hiện sự gắn bó gần gủi với đời sống sản xuất của người nông dân, mỗi sáng nhờ tiếng gà gáy báo thức để mọi người dậy ra vườn mót rau đi bán, chăm bón rau,…
 
           Lễ cúng tại đình, miếu bắt đầu từ 7 giờ đến 10 giờ ngày mồng bảy tháng Giêng. Tiến hành cúng có đội gia lễ gồm: Ông xướng: Người điều hành nghi thức lễ, ví dụ: Ông xướng hô tựu vị: Mọi người trong đội gia lễ tập trung, khởi chinh cổ: Đánh chiêng, trống, chước tửu: Rót rượu, quỵ giai quỵ: Quỳ,…; chủ tế: Là người cúng chính ở bàn thờ giữa, khấn niệm (không phải ai cũng làm chủ tế được mà trong quá trình chuẩn bị, bầu chọn một người cao tuổi có uy tín, hạp năm tuổi, không mắc tang,…); tả hữu phân hiến: Hai người cúng ở bàn thờ hai bên; học trò lễ là những người dâng rượu, dâng hương, ngoài ra còn có đội bát âm. Tất cả các hoạt động thực hiện đều đặn theo lời hô của ông xướng. Lễ cúng chính gồm có 3 phần: Sơ hiến lễ, á hiến lễ và chung hiến lễ. Khi cúng vái, ngoài phần giới thiệu tên đất tên làng, lễ vật dâng lên, người ta thường vái Thần Nông, Thành Hoàng Bổn Xứ của xứ đất Trà Quế và những bậc lão làng của nghề trồng rau đã quá cố.   
 
         
         Cúng xong xem giò gà để đoán năm đó gia đình, làng xóm làm ăn thế nào và không quên để lại bộ lòng gà, đĩa xôi cho người thủ từ. Sau khi tổ chức cúng chung ở đình, miếu xong người ta về nhà cúng cầu bông tại nhà riêng.

          Sau khi đình phe Đông và đình Phe Tây bị san bằng bởi hai cuộc chiến tranh Pháp và Mỹ thì việc cúng cầu bông vẫn duy trì ở miếu Xóm và tại nhà cho đến nay. Những năm gần đây khi du lịch thành phố phát triển, nghề trồng rau Trà Quế đã trở thành thương hiệu nổi tiếng phục vụ bà con, du khách gần xa về tham quan sản phẩm cây trồng, quy trình, đặc điểm của nghề trồng rau và những nét văn hoá của làng nghề. Từ đó, những giá trị văn hoá phi vật thể dần dần được phát huy và lễ hội cầu bông được tổ chức quy mô hơn, mang tính cộng đồng cao. Ngoài phần lễ truyền thống tổ chức tại vườn rau còn có phần hội hết sức đông vui, náo nhiệt như thi vớt rong, làm đất, gieo trồng đến việc thi ẩm thực qua chế biến món tôm hữu, một món ăn đặc sản của xứ đất này được làm từ tôm, hành, rau húng. Phần hội ở đây không phải khoe sắc khoe tài của những diễn viên chuyên nghiệp mà nó mang tính cộng đồng từ những chàng trai, cô gái vững tay cuốc, dẻo tay trồng của làng rau. Chính vì vậy đã làm lễ hội sống động, hấp dẫn hơn.
 

          Qua lễ hội cầu bông ở Trà Quế, chúng ta thấy rằng, muốn bảo tồn di sản văn hoá của nhân loại, không chỉ chú trọng văn hoá vật thể mà văn hoá phi vật thể là cái hồn để lại ấn tượng sâu sắc nhất cho người xem và không thể thiếu được trong văn hoá tâm linh của người dân lao động. Vì vậy, cần bảo tồn lưu giữ và phát huy những hoạt động văn hoá dân gian đậm đà bản sắc văn hoá của một làng quê truyền thống và hy vọng đây là lễ hội trường tồn trong nền văn hoá du lịch Thành phố nói chung, trong đời sống nhân dân Trà Quế - Cẩm Hà nói riêng.

Xem tiếp 

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây