Một số vấn đề về lễ hội cổ truyền ở Hội An

Thứ năm - 12/09/2013 12:17
Lễ hội cổ truyền hay lễ hội truyền thống, lễ hội của cộng đồng làng - xóm, được tổ chức trên cơ sở lấy làng/xã hoặc xóm/thôn, nhóm nghề nghiệp làm đơn vị xã hội cơ bản của một nhóm cộng đồng hay cả nhóm cộng đồng dân cư.
           Chính vì thế mà còn gọi là Hội làng, Hội xóm. Đây là những hình thức sinh hoạt văn hóa không thể thiếu được trong cộng đồng dân cư. Theo nhiều chuyên gia nghiên cứu văn hóa thì Hội làng - Hội xóm nói chung là sinh hoạt văn hóa - tôn giáo - nghệ thuật, xuất phát từ nhu cầu cuộc sống; Từ sự tồn tại và phát triển cho cả làng - xóm; sự bình yên cho từng cá nhân; niềm hạnh phúc cho từng gia đình; Sự vững mạnh cho từng dòng họ; Và cả sự sinh sôi của gia súc; Sự bội thu của mùa màng, mà bao đời đã quy tụ thành niềm mơ ước chung đó là: “Nhân khang vật thịnh” hoặc “Quốc thái dân an”. Và cũng chính vì thế, lễ hội cổ truyền: Thỏa mãn quyền lợi, nguyện vọng mọi tầng lớp người làng - xóm, phục vụ sự phát triển của làng - xóm, của cộng đồng; Là một công đoạn trong đời sống sinh hoạt và sản xuất hàng năm của người làng; Là cơ hội bộc lộ tài năng sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm, thủ công mỹ nghệ, năng khiếu sáng tác về biểu diễn văn hóa nghệ thuật cũng như các trò diễn, trò chơi và các cuộc đua tài của người làng - xóm trong cộng đồng dân cư. Lễ hội được cấu thành bởi hai phần lễ và hội. Lễ là phần nghi thức (nghi thức cả trong hệ thống lễ và nghi thức trong cả hệ thống hội). Lễ liên quan đến tín ngưỡng dân gian và tôn giáo chính thống - lễ thiên về mối quan hệ giữa người với giới siêu thực, giới tự nhiên (Thần linh, ma quỷ, mưa, gió, sấm chớp, núi, sông,...); Lễ được tiến hành trong không khí thiêng và thường là với số người hạn chế, trong không gian thiêng (trước bàn thờ, khu vực sân đình, khu vực dâng cúng,...). Hội là phần phát triển, nối tiếp với lễ liên quan nhiều đến hoạt động vui chơi, nghệ thuật của quần chúng rộng rãi, được thể hiện một phần thông qua các quan điểm tôn giáo và phong tục. Hội thiên về mối quan hệ giữa người với người hơn, không gian mở rộng “trần tục” hơn (sân đình, bãi ruộng, đường làng....). Phần vui chơi hay trò diễn được thể hiện bằng nghệ thuật biểu diễn (ca múa, âm nhạc, động tác, ngôn từ biểu cảm của các nhân vật hội...); bằng nghệ thuật tạo hình (màu sắc, hình khối, đường nét, đám rước, trang phục, đạo cụ... của các nhân vật hội...). Tất cả trò diễn, trò chơi, đám rước... được hiểu là nằm trong hệ thống hội.

             Nhìn chung, lễ và hội lại gắn với phong tục, tập quán; đến đời người; đến sản xuất (nông nghiệp, ngư nghiệp, thủ công nghiệp...); đến sinh hoạt vật chất trang phục, ăn uống/ẩm thực và sinh hoạt tinh thần; tôn giáo, tín ngưỡng, văn nghệ...

Tựu chung lại, chúng ta có thể nhận biết được những khía cạnh chuẩn mực, tích cực của lễ hội cổ truyền/ Hội làng - Hội xóm đó là:

            • Bao giờ cũng gắn bó chặt chẽ với hệ văn hóa làng - xóm, bao gồm cảnh quan văn hóa, di tích, danh thắng, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, môi trường... thể hiện sinh hoạt đời sống con người và những ước vọng tâm linh của cả cộng đồng người.

            • Là thời điểm cố kết sức mạnh cộng đồng, là dịp để con người ôn lại truyền thống, lịch sử của đất nước, làng - xóm, cùng nhau thực hiện tốt những giá trị văn hóa được trao truyền từ thế hệ trước. Là môi trường lành mạnh để các thế hệ (kể cả với Thần linh, tổ tiên, người đã khuất...) gặp gỡ, cộng cảm.

              • Là hình thức sinh hoạt văn hóa nghệ thuật, vừa nghiêm cẩn trong nghi lễ, vừa hòa đồng vui vẻ trong hội hè, vừa linh thiêng lại vừa trần thế.

           Từ những khái luận chung về lễ hội cổ truyền, chúng ta có thể nhận biết về lễ hội cổ truyền ở Hội An nói riêng - xứ Quảng nói chung, mà theo chúng tôi về cơ bản, chủ yếu nó được hình thành, phát triển trên cơ sở các lễ Tết/Tiết, lễ lệ, lễ tục hàng năm trong các làng - xã, xóm - thôn đó là:

              • Lễ Tết/Tiết: gồm có Tết Nguyên Đán, Nguyên Tiêu, Thanh Minh, Đoan Ngọ, Trung Thu. Đây là những lễ tết chung cho cả cộng đồng.

             • Lễ lệ: Do xuất phát từ điều kiện khí hậu tự nhiên, một năm có hai mùa: Mùa khô và mùa mưa mà ở Hội An có lễ lệ theo mùa: Mùa Xuân và mùa Thu (Xuân -Thu nhị kỳ/ Xuân kỳ - Thu tế).

            • Lễ tục: Đó là các nghi thức -hành lễ được diễn ra khi trong làng - xã, xóm -thôn có những biến cố xảy ra liên quan đến vấn đề môi trường, thiên tai: Lũ - lụt, hạn hán... hoặc sức khỏe cộng đồng: dịch bệnh, đau ốm hay tín ngưỡng cộng đồng như: Tục Mãi thổ - Tá thổ; Tục hành kiệu sát phạt; Tục rước long chu tống ôn, lễ tang cá ông; Tục xô cộ...

              Ngoài ra, còn có các lễ lệ liên quan đến tín ngưỡng thờ thần tại các miếu: Ngũ hành, văn chỉ, miếu cô, miếu bà... của các Hội, phe, giáp trong cộng đồng dân cư... Lễ hội liên quan đến tín ngưỡng tôn giáo: Lễ Phật Đản, Vu Lan hoặc lễ Phục sinh, Giáng sinh...
 

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây