NÓI ĐI NÓI LẠI

Thứ năm - 12/07/2012 03:51

NÓI ĐI NÓI LẠI

Đối với những người làm công tác khảo cứu lịch sử - văn hóa, mỗi khi tìm thấy một tư liệu, hiên vật mới thì không thể nào kìm được vui sướng. Cảm giác này giống như người chơi đồ cổ khi bắt gặp một thứ đồ quý hiếm mà mình chưa từng thấy, chưa từng xem qua. Tuy nhiên nếu không cẩn thận kiểm tra và không có kinh nghiệm đôi khi sẽ chộp nhầm đồ giả mà cứ đinh ninh là đồ thật. Vì vậy, trong quá trình sưu tầm, thu thập, xử lý tư liệu, hiện vật, khâu kiểm tra tính xác thực của nó là một thao tác hết sức quan trọng không thể xem thường.
    Một vài trường hợp nêu ra ở đây để minh chứng cho sự cần thiết của thao tác này trong nghiên cứu khoa học.
Trường hợp thứ nhất là tư liệu có xà gồ (xà cò) chùa Chúc Thánh. Nội dung xà gồ ghi niên đại lập chùa là Minh Triều Cảnh Thái giáp tý niên và người đứng dựng chùa là Minh Hải hòa thượng. Căn cứ vào xà gồ này nhiều nhà nghiên cứu trước đây đã xác định năm lập chùa là 1444 hoặc 1454. Tuy nhiên cẩn trọng mà suy xét thì xà gồ này có nhiều điểm cần xác minh. Một là, trong thời gian trị vì của vua Cảnh Thái nhà Minh (1454 - 1459) không có năm giáp tý. Hai là, vào thế kỷ XV thì dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh và hòa thượng Minh Hải chưa thể có mặt tại Hội An. Sau này, đối chiếu với các tư liệu lịch sử, dựa vào hành trạng của thiền sư Minh Hải cũng như lịch sử truyền thừa của thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh ở Đàng Trong, niên đại dựng chùa Chúc Thánh đã được đính chính lại là vào cuối thế kỷ XVII. Nếu không có sự kiểm tra, đối chiếu mà chỉ dựa vào xà gồ này thì đã làm sai lệch thời gian dựng chùa đến hơn 200 năm.
    Trường hợp thứ 2 là tấm bia ở hậu điện hội quán Phúc Kiến. Tấm bia ghi niên đại Càn Long đinh sửu (1757), thuật lại lý do dựng hội quán, đại ý, cách đó 60 năm, do phát hiện kim thân (tượng) Thiên Hậu trôi dạt vào bờ biển Cẩm An, nước Chiêm Thành, nhân dân vớt lên lập miếu thờ, lâu ngày tranh tre mục nát nên đến nay (1757) tu bổ thành miếu ngói khang trang để phục dựng Ngài .v.v... Đối chiếu với các tư liệu về thời gian lập hội quán thì những điều ghi ở bia này rất phù hợp. Tuy nhiên một chi tiết làm ta ngờ ngợ là địa danh Cẩm An, nước Chiêm Thanh ghi ở bia. Rà soát các địa bộ, lục tìm các tư liệu liên quan đến vùng đất Hội An vẫn không tìm thấy địa danh Cẩm An tại thời điểm thế kỷ XVII, XVIII. Vả lại vào thời điểm này thì vùng đất Hội An này cũng không còn là đất của Chiêm Thành. Chúng tôi chỉ tìm thấy một xã Cẩm An mới được thành lập vào giữa thế kỷ XX, do vậy, kết hợp với các nghi vấn nêu trên, có khả năng tấm bia đã bị người đời sau chỉnh sửa, thêm thắt vào.
Trường hợp thứ ba liên quan đến nguồn tư liệu thư tịch về phố Hội An cuối thế kỷ XVIII. Dựa vào các báo cáo tường trình của một số giáo sĩ phương Tây, nhiều nhà nghiên cứu lịch sử nước ta trong bài viết của mình cho rằng vào cuối thế kỷ XVIII, phố Hội An đã bị Tây Sơn tàn phá thành bình địa và hoạt động ngoại thương ở phố Hội An đã bị đình trệ nghiêm trọng. Cách hiểu này đã được dẫn đi dẫn lại ở nhiều công trình, bài viết trở thành là một tư liệu phổ biến. Tuy nhiên rà soát lại một số nguồn tư liệu thư tịch và thực địa cách hiểu này xem ra có nhiều điểm chưa ổn.
     Thứ nhất, có thể vào thời điểm này do ảnh hưởng của chiến tranh, việc kinh doanh, buôn bán ở phố Hội An đã bị giảm sút, gián đoạn cục bộ. Một số cơ sở hạ tầng phố xá, nhà cửa có thể đã bị phá hủy, đốt cháy. Tuy nhiên tình trạng này không thể hiểu là phố Hội An đã bị “tàn phá thành bình địa” - một hình ảnh hết sức kinh hoàng và dưới ảnh hưởng của nạn binh hỏa nhiều phe phái thời Trịnh Nguyễn phân tranh diễn ra tại Hội An thì cũng khó mà biết được việc đốt phá (nếu có) là do phe nào làm. Do đó nói rằng Tây Sơn tàn phá phố Hội An thành bình địa là một cách nói ít nhiều mang tính chủ quan, thiên kiến.
Thứ 2, một số tư liệu thực địa và thư tịch cho thấy hoạt động thương mại ở phố Hội An thời Tây Sơn không bị giảm sút nhiều đến mức phải đình trệ hoàn toàn. Dân số và hoạt động của một số làng chuyên về buôn bán ở Hội An dường như lại gia tăng ở thời Tây Sơn (?). Xem xét một số sổ đinh và sổ thu tiền lễ hàng năm của làng Minh Hương, một làng chuyên về kinh doanh buôn bán, hoạt động thương nghiệp - ngoại thương ở Hội An chúng tôi thấy rằng, số dân và số tiền của làng có sự gia tăng rõ rệt vào thời Tây Sơn. Về dân số sổ đinh năm 1744 có 759 người, năm 1746 có 805 người, năm 1747 có 866 người, trong khi đó năm Thái Đức 11 (1788) có 1063 người. Mức thu tiền lễ cũng vậy năm 1744 là 417 quan, đến năm 1787 là 926 quan, 700 ang lúa. Dân làng Minh Hương thời Tây Sơn vẫn được “y theo cựu lệ” làm các việc thông ngôn, phiên dịch, kiểm soát tàu vụ...
    Thứ 3, vào thời Tây Sơn đã có những trát văn điều chỉnh việc buôn bán ở các phố cảng trong đó có Hội An theo hướng tích cực, cụ thể là những trát văn nghiêm cấm quan lại ở các bến cảng, thương cảng nhận quà biếu của các thương nhân nước ngoài khi họ đến buôn bán. Và vào thời Tây Sơn một số di tích ở Hội An cũng đã được tu bổ khang trang, cụ thể là Chùa Ông đã được tu bổ quy mô vào năm 1783.
Kết hợp tất cả những nguồn tư liệu này chúng tôi thấy rằng cách hiểu Tây Sơn tàn phá phố Hội An thành bình địa nghe ra có nhiều điều không ổn nếu không muốn nói là khiên cưỡng.
     Tuy chưa thật đầy đủ nhưng một số dẫn chứng nêu trên cho thấy rằng đối với những người làm công tác sưu tầm, khảo cứu dù là cấp địa phương nhưng việc cẩn trọng kiểm tra, xác minh tính xác thực của tư liệu là một việc làm không bao giờ thừa. Thao tác này sẽ giúp ta tránh được những sai lầm chết người, thoát được sự rập khuôn để mở ra những hướng nghiên cứu mới, những thông tin mới mà sách vở không có. Tin hết vào sách thì thà đừng có sách (Tận tín thư bất như vô thư), đó là kinh nghiệm của người xưa mà chúng ta cần học tập

Tác giả: Trần Văn An

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây