THÔNG TIN VỀ NHÀ ÔNG TRƯƠNG KIM SEN

Thứ năm - 12/07/2012 03:52

THÔNG TIN VỀ NHÀ ÔNG TRƯƠNG KIM SEN

Cẩm Kim là một trong những xã/phường ở Hội An có lịch sử khá lâu đời. Thời Pháp trở về trước được gọi là Kim Bồng châu, thuộc tổng Mỹ Khê, huyện Duy Xuyên, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Châu Kim Bồng được chia thành nhiều ấp, trong đó ấp Phước Thắng - ngày nay là thôn Phước Thắng là vùng đất được các bậc tiền nhân xây dựng nhiều công trình kiến trúc văn hoá, tín ngưỡng quan trọng và được bảo tồn khá nguyên vẹn đến bây giờ.
    Xưa cũng như nay, cư dân Kim Bồng nói chung, ấp Phước Thắng nói riêng sinh sống bằng nhiều nghề như sản xuất nông nghiệp, làm thợ mộc, nề, chạm trổ... Bên cạnh đó cũng có không ít người làm nghề buôn bán, đặc biệt là buôn ghe bầu và buôn nguồn. Nhờ vậy mà đời sống kinh tế của cư dân tương đối khá giả. Biểu hiện nổi bật là tại ấp Phước Thắng, ngoài số lượng phong phú công trình kiến trúc văn hoá, tín ngưỡng, còn có rất nhiều nhà cổ. Tiêu biểu về nghệ thuật kiến trúc lẫn lịch sử di tích trong số những ngôi nhà cổ hiện tồn là nhà ông Trương Kim Sen. Ngôi nhà tọa lạc tại trên thửa đất khá rộng ở khu vực phía tây thôn Phước Thắng, thuộc xứ đất Ông Vĩnh. Theo thông tin từ chủ di tích và những người cao tuổi sinh sống trong khu vực lân cận, ngôi nhà này được xây dựng từ thời ông Thủ Mua - ông cố ngoại của ông Trương Kim Sen. Ông Thủ Mua làm nghề  buôn nguồn nên giàu có. Ngôi nhà do ông Thủ Mua xây dựng có nhà chính và nhà ngang. Trong thời chiến tranh chống Mỹ - Nguỵ, do bị trúng đạn nên ngôi nhà ngang bị sụp đỗ hoàn toàn nhưng nền móng hiện nay vẫn còn, ngôi nhà chính bị hư hại một góc và đã được gia đình tu sửa lại.
     Ngôi nhà xoay theo hướng Đông Nam, nhìn ra vườn cây ăn quả phía trước. Cổng vào nhà nằm ở phía Nam, lệch về bên phải so với hướng của ngôi nhà. Cổng rộng 155cm, được xây bằng gạch, theo kiểu cuốn thư, có mái che lợp ngói, phía dưới mái che đặt một khám thờ nhỏ. Lối vào nhà khá rộng, uốn lượn quanh co đến sân. Ngôi nhà được xây dựng theo kiểu “tam gian nhị hạ” (ba gian hai chái) với kích thước là 730 x 780cm. Nhà không có mái hiên, hệ cửa mặt tiền được làm theo kiểu “thượng song hạ bản” với 3 bộ cửa, mỗi bộ 4 cánh. Phía trước hai gian chái xây tường gạch. Hệ mái lợp ngói âm dương với mái trước có 33 vồng ngói, mỗi mái chái có 19 vồng ngói, bờ nóc đắp giật cấp, bờ chảy đắp uốn lượn. Hệ đỡ mái bằng gỗ với đòn tay có tiết diện hình vuông, hệ vì kèo làm theo kiểu kẻ chuyền với các vì kèo ở mái trước được chạm trổ, soi chỉ công phu, đặc biệt là vì kèo lòng 3 và lòng 4. Đòn tay cuối cùng của mái trước được đỡ bởi các bẩy chạm trổ hình đuôi cá. Đầu các vì kèo chạm cách điệu. Mặt dưới và mặt bên của một số vì kèo lòng 3 mái trước chạm hoa dây, sóng nước, cá chép và đề tài tùng lộc, liên áp. Vì kèo lòng 4 mang ý nghĩa trang trí mỹ thuật hơn là công năng kiến trúc. Những vì kèo lòng này được làm từ một tấm gỗ nguyên khá dày chạm trổ thành hình cuốn thư với chính giữa là bảo vật trong bát bửu, hai bên là những câu thơ chữ Hán trong bài thơ về tứ thời, ngoài cùng là hồi văn chữ vạn, chữ “S”. Hệ khung chịu lực bằng gỗ với chủ yếu là cột tròn, trính có mặt cắt hình chữ nhật được chạy chỉ nổi. Cột có đường kính trung bình 17cm, riêng 8 cột thuộc lòng nhất có đường kính 20cm, 4 cột ngoài cùng mặt tiền là cột vuông với tiết diện 12 x 12cm. Cột tròn được đặt trên những viên đá tán sa thạch có nhiều hình dáng và kích thước khác nhau. Đá tán của cột lòng 3 mái trước chia thành 3 tầng, phía trên là hình tròn, giữa là hình bát giác, dưới cùng là hình vuông. Đá tán của cột lòng 2 mái trước chia thành 2 tầng, trên hình tròn, dưới hình vuông. Đá tán của các hàng cột còn lại đều là hình vuông. Tường bao được sửa chữa lại hơn 10 năm trước, xây bằng gạch vữa xi măng, dày 14cm, quét vôi màu xanh ve. Ngoài hệ cửa mặt tiền, ngôi nhà còn có 2 cửa đi và 1 cửa sổ. Cửa đi ở phía Nam thông ra vườn, ở phía Đông thông sang nhà phụ.
    Trên bình diện tổng thể, ngôi nhà được chia thành 5 gian chiều ngang và 5 gian chiều sâu. Trong 5 gian chiều ngang thì gian giữa có kích thước lớn nhất, gian chái có kích thước nhỏ nhất. Kích thước của các gian chiều ngang chênh lệch nhau không nhiều. Trong 5 gian chiều sâu thì gian phía trước - gian lòng 4 trước có kích thước nhỏ nhất, 59cm, gian lòng nhất có kích thước lớn hơn cả, 166cm.
Nền nhà cao hơn so với nền sân phía trước 16cm. Móng bó nền bằng xây bằng gạch, riêng phần phía trước áp đá thanh bằng sa thạch chạy gờ chỉ. Mỗi thanh đá có kích thước trung bình là 7 x 41 x 90cm.
    Ngôi nhà dùng để ở và thờ tự ông bà tính từ thời ông cố ngoại của ông Trương Kim Sen trở về sau. Gian sát tường phía sau - lòng nhì sau là khu vực thờ tự. Tại khu vực này bố trí 3 bệ thờ, trong đó bệ thờ ở giữa cao hơn, 113cm, bệ thờ hai bên cao 86cm. Các bệ thờ đều xây giật thành 2 cấp với phần phía ngoài - nơi đặt lư hương, đèn cao hơn phần phía trong - vị trí đặt ảnh thờ. Bệ thờ quét vôi màu vàng. Phía trước không gian thờ tự có treo những bức nghi bằng vải thêu, riêng trước bàn thờ chính treo thêm một bức sáo tre. Khu vực trước bàn thờ chính là không gian đặt bàn tiếp khách và bộ phản ngủ của chủ nhà. Gian chái phía bên phải dùng để cất trữ nông phẩm và nông cụ, gian chái bên trái là phòng ngủ của một số thành viên khác. Quan sát dấu vết trên cột nhà và một số vị trí khác, chúng tôi nhận thấy ngôi nhà có đóng phên ván lụa ô hộc ngăn cách gian chái với ba gian giữa.
     Hiện tại, chưa có căn cứ để xác định chính xác niên đại xây dựng của ngôi nhà. Tuy nhiên, từ thông tin điều tra cũng như qua đối sánh về mặt kiến trúc với một số ngôi nhà khác, có thể khẳng định ngôi nhà này có niên đại kiến trúc vào khoảng đầu thế kỷ XX. Cùng với một số di tích văn hoá, tín ngưỡng và nhà ở khác, sự tồn tại của di tích nhà ông Trương Kim Sen không những góp phần làm phong phú hơn các loại hình di tích ở xã Cẩm Kim mà còn minh chứng về đời sống kinh tế của cộng đồng cư dân ở đây trong lịch sử. Ngôi nhà cũng là nguồn tư liệu quý để các nhà khoa học nghiên cứu về các lĩnh vực văn hoá, mỹ thuật, kiến trúc truyền thống của cư dân Kim Bồng nói riêng, Hội An nói chung

Tác giả: Võ Hồng Việt

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây