TU BỔ DI TÍCH - SỰ MÂU THUẪN GIỮA ĐIỀU KIỆN THỰC TẾ VỚI NGUYÊN TẮC VỀ TÍNH CHÂN XÁC

Thứ năm - 12/07/2012 03:28

TU BỔ DI TÍCH - SỰ MÂU THUẪN GIỮA ĐIỀU KIỆN THỰC TẾ VỚI NGUYÊN TẮC VỀ TÍNH CHÂN XÁC

Nguyễn Chí Trung Giám đốc Trung tâm QLBT Di tích Hội An Theo Luật Di sản Văn hóa (Việt Nam), tu bổ di tích là hoạt động nhằm tu sửa, gia cố, tôn tạo di tích. Và theo chúng tôi, nó cũng là hoạt động có ý nghĩa sống còn đến di tích trong cả chuỗi hoạt động bảo tồn di tích. Bởi muốn tu bổ thì phải hạ giải (tháo dỡ) cục bộ hay toàn bộ, rồi tháo bỏ hay thay thế, lắp dựng lại… cũng giống như việc “giải phẫu” trong y học. Vậy, nếu giải phẫu sai, không đúng nguyên tắc thì coi như đã “giết chết di tích”.
   Và chúng ta đều biết, di tích (hay di tích lịch sử - văn hóa theo khái niệm của Luật Di sản Văn hóa) luôn chứa đựng thông tin lịch sử, bởi nó là: Chứng nhân lịch sử; nguồn sử liệu xác thực; và giá trị lịch sử là giá trị trên hết của mỗi di tích. Như vậy, thông tin lịch sử từ di tích (bao gồm cả vật thể và phi vật thể) cần phải được nâng niu, giữ gìn một cách chu đáo, cẩn trọng. Dù đó là di tích gì: Lịch sử, khảo cổ, kiến trúc nghệ thuật, các di sản đô thị, các di sản thiên nhiên… Tuy nhiên, trong đó việc bảo tồn di tích kiến trúc và đô thị là hết sức khó khăn, phức tạp. Bởi di tích kiến trúc và đô thị vốn là tài sản văn hóa - sản phẩm của lịch sử và mang giá trị của tương lai (bao gồm cả giá trị sử dụng). Nó chứa đựng những giá trị cô đọng của một dân tộc, đất nước, một giai đoạn, một vùng miền, địa phương. Di tích được biểu hiện vật chất thông qua ngôn ngữ đường nét kiến trúc, cấu trúc, bố cục, kỹ thuật, tổ hợp không gian gắn với chức năng sử dụng và vật dụng được chứa đựng/gắn trong di tích (bao gồm cả di tích: cổ vật, bảo vật, di vật…); biểu hiện tinh thần thông qua ngôn ngữ của nghệ thuật tạo hình, điêu khắc mang những ý niệm về tâm thức của cá nhân và cuộc đời…; bao gồm cả những tri thức dân gian, kinh nghiệm, kỹ thuật truyền thống tự bao đời được giữ gìn và cấu thành di tích… Đặt di tích trong bối cảnh rộng hơn thì nó là sự cộng hưởng giữa thiên nhiên, môi trường và con người. Nói cách khác, đó là sản phẩm của sự gắn kết giá trị vật thể và phi vật thể. Hơn nữa, nó cũng thật mong manh, yếu đuối trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên bởi sự “già nua”, sự phát triển, thay thế của vật liệu công nghệ hiện đại, cả sức ép của tốc độ phát triển dịch vụ du lịch, tiến trình đô thị hóa... Chính vì thế, người ta xem tu bổ di tích là một bộ môn khoa học mang tính tổng hợp của nhiều lĩnh vực từ xã hội, kinh tế, kiến trúc, nghệ thuật đến kỹ thuật, và nó ngày càng trở nên cần thiết trong sự phát triển của xã hội nói chung và lĩnh vực xây dựng đô thị nói riêng.
   Xuất phát từ nhận thức như vậy, trong nhiều năm qua hoạt động bảo tồn  di tích ở Hội An luôn được các cấp, ngành chức năng quan tâm một cách đặc biệt. Sự quan tâm này được dựa trên cở sở khoa học; tính đặc thù của “Đô thị di sản Hội An - Một bảo tàng sống về lịch sử kiến trúc đô thị, lịch sử dân cư”; và dựa vào công ước quốc tế (Hiến chương ATHENS - 1931, Hiến chương WASHINTON - 1987, Văn kiện NARA - 1994); Luật Di sản Văn hóa cùng các văn bản dưới luật và kinh nghiệm của các chuyên gia quốc tế về bảo tồn di tích kiến trúc gỗ, đặc biệt là của các chuyên gia Nhật Bản. Nhờ vậy mà hoạt động bảo tồn di tích kiến trúc gỗ ở Hội An đã được các cơ quan, tổ chức quản lý, bảo tồn di tích trong và ngoài nước đánh giá rất cao (cho cả đến nay). Tuy nhiên theo chúng tôi, hãy tĩnh tâm nhìn nhận từ góc độ khoa học và thực sự nghiêm túc thì hiện nay quả là chúng ta đang đứng trước một  thực trạng rất đáng lo ngại về công tác tu bổ di tích? Một thực trạng mà chúng tôi cho rằng không chỉ riêng ở Hội An mà rất nhiều địa phương trong cả nước đang gặp phải. Đó là làm thế nào để đảm bảo được tính chân xác - một nguyên tắc tối quan trọng trong tu bổ di tích. Nó quan trọng đến mức nếu không tuân thủ nguyên tắc này thì việc tu bổ di tích xem như đã làm mất di tích hay nói như GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính là đã làm trẻ hóa di tích, làm giả di tích (di tích trở lại còn có 1 tuổi).
Bởi, khi chúng ta nói đến tính chân xác là muốn nói đến 3 yếu tố: Hình thể (Bố cục, kiểu dáng, chi tiết, kết cấu…); chất liệu (tức là vật liệu, nguyên liệu… và với kỹ thuật truyền thống để  tạo dựng/cấu thành công trình di tích); sắc màu (màu sắc di tích, kể cả nguyên liệu, chất liệu tạo nên màu sắc đó…). Hơn nữa, để bảo tồn tính chân xác thì phải giữ cho được tối đa các yếu tố gốc bởi đó là thông tin lịch sử về di tích. Mà thông tin lịch sử về di tích lại nằm ở chính trong 3 yếu tố này. Về hình thể và sắc màu tuy cũng có nhiều vấn đề phải bàn nhưng việc khắc phục chắc là không khó lắm bởi nếu quan tâm người ta có thể làm/giữ lại y như hình thể, màu sắc cũ (thậm chí hiện nay còn có xu hướng hoài cổ/nhái cổ). Trong phạm vi của bài viết này, chúng tôi chỉ xin bàn về chất liệu của công trình di tích trong khi tu bổ. Ở đây có 2 vấn đề đặt ra:
Thứ nhất: Chất liệu/vật liệu gốc với kỹ thuật truyền thống phải giữ lại tối đa. Trong khi chúng (nhất là loại vật liệu bằng gỗ) đã bị phân hủy, hết khả năng chịu lực hoặc không còn đủ tính năng để tiếp tục chống chọi với sự khắc nghiệt của thời tiết (mưa, nắng, nóng, ẩm, bão, gió…), sự xâm hại của côn trùng (mối, mọt). Ở Nhật Bản hoặc một số nước khác, người ta nghiên cứu tạo ra loại hóa chất để quét lên bề mặt của các vật liệu được giữ lại, chúng có tác dụng chống mối mọt, giúp bảo quản, gia cường, tăng thêm độ bền của các loại vật liệu này. Còn ở nước ta, một mặt do cơ chế, mặt khác cũng do chưa được quan tâm đầu tư nghiên cứu khoa học một cách thấu đáo để áp dụng trong thực tiễn tu bổ di tích, mặc dù trong định mức về tu bổ di tích có cho phép áp dụng các loại hóa chất bảo quản, hoặc đôi nơi có áp dụng mà chưa biết kết quả như thế nào? Mặt khác, mua ở đâu loại hóa chất bảo quản này, tính năng và tác dụng của nó ra sao? Nó có ảnh hưởng gì đến môi trường sống của con người? Hay nó có thích ứng với môi trường khí hậu của từng vùng hay không… thì khoa học chưa chứng minh, kết luận được. Vì vậy, việc sử dụng lại các cấu kiện, vật liệu cũ không được xử lý vừa không đảm bảo an toàn (nhất là đối với di tích dân dụng có người đang sinh sống như ở Hội An), vừa rất ngắn thời gian sử dụng, nghĩa là các cấu kiện, vật liệu được giữ lại này tiếp tục bị phân hủy, hư hỏng rất nhanh và chỉ vài năm sau di tích lại xuống cấp, cần phải tu bổ gấp, điều chắc chắn là mỗi lần tu bổ thì di tích lại bị mất dần.
Thứ hai: Chất liệu/vật liệu mới theo kỹ thuật truyền thống buộc phải sử dụng để thay thế vật liệu/chất liệu cũ/gốc hiện nay rất khó hoặc không có để mua, sử dụng. Ví dụ như các công trình kiến trúc ở Hội An khi tu bổ buộc phải thay thế thì gỗ mua ở đâu khi rừng đã cấm khai thác (vì bảo vệ môi trường). Gạch, ngói với kỹ thuật, tiêu chuẩn sản xuất theo công nghệ truyền thống hiện nay trên thị trường cũng đang rất khan hiếm, cũng bởi không được nung theo cách thủ công do gây ô nhiễm và khả năng đất sét cũng không có do hạn chế khai thác. Chất liên kết/gắn kết dùng để xây, tô, trát… được gọi là Vữa vôi (tạo bởi: cát + vôi (nung từ vỏ hến/sò...) + chất keo/nhớt (từ thực vật: lưỡi long, blời, mật mía… ngâm lâu ngày) ngày nay không dễ gì sản xuất, kể cả đơn giá áp dụng trong công trình tu bổ ra sao… cho nên hầu như loại vữa vôi này không được sử dụng. Kể cả những loại vật liệu dầu mù u, dầu rái, sơn ta… dùng để sơn, quét bảo quản các cấu kiện gỗ theo cách của cha ông ta ngày xưa thì hiện nay có mấy ai sản xuất, sử dụng. Như vậy các công trình được gọi là tu bổ, tôn tạo, hay phục hồi di tích phải sử dụng gỗ không đạt yêu cầu về chất lượng, cả chủng loại (gỗ kiền kiền ở các địa phương khác, nhất là nhập từ nước ngoài về kém chất lượng hoặc không thích ứng với khí hậu Quảng Nam). Hay phải sử dụng gạch, ngói nung theo công nghệ tuynel (loại gạch ống 6 hay 4 lỗ) không cần biết nguyên gốc của công trình dùng gạch, ngói như thế nào? Mà có biết cũng không dễ để mua. Vữa vôi thực chất hiện nay là dùng vữa xi măng, chỉ trong trường hợp buộc phải dùng để lợp ngói âm dương thì mới trộn vào một ít.
Mặt khác, cơ chế quản lý đầu tư tu bổ di tích hiện nay vẫn đang được áp dụng theo quy trình quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, tức là nó được ứng xử như các công trình xây dựng mới, hiện đại, nghĩa là đặt tu bổ di tích vào quỹ đạo của ngành xây dựng. Cho nên việc triển khai các hoạt động nghiệp vụ mang tính khoa học trong tu bổ di tích rất khó thực hiện, rất khó điều chỉnh thiết kế, bổ sung dự toán, kể cả đơn giá tài chính nào cho việc tổ chức sản xuất hoặc mua các loại vật liệu/chất liệu đặc thù/đặc biệt nêu trên trong tu bổ di tích… Đặc biệt, Hội An với hơn 90% di tích thuộc sở hữu tư nhân - tập thể, việc tu bổ di tích chủ yếu do các chủ di tích tự tiến hành thì để sử dụng vật liệu/chất liệu đúng theo nguyên tắc về tính chân xác trong tình hình thực tế như đã phân tích ở trên quả là vấn đề hết sức khó, nếu như không muốn nói là không thực hiện được. Về lý thuyết, nếu chưa có giải pháp kỹ thuật về tu bổ di tích thì người ta phải ngừng công việc này, nhưng ở Hội An thì không thể ngừng, chờ nghiên cứu hay chờ có giải pháp vì di tích cũng chính là ngôi nhà mà người dân đang sinh sống, khi đã xuống cấp thì cần phải tu bổ, bởi nó liên quan đến tính mạng con người sống trong di tích.
Với thực trạng và những mâu thuẫn nêu trên, điều mà chúng ta cố gắng làm được như hiện nay thực chất mới chỉ đạt được về hình thức bề ngoài, tức là mới chỉ cố giữ được cái hình thể. Hay nói một cách khác, nó thực sự chủ yếu là nhái/giả cổ, nhất là đối với các công trình tôn tạo, phục hồi di tích. Còn các công trình tu bổ/trùng tu thì đang làm mất dần đi các di tích, làm biến dần thành di tích giả hay di tích đã bị đánh mất trí nhớ sau mỗi lần tu bổ, không còn là chứng nhân lịch sử của đời trước nữa mà là chứng nhân lịch sử của ngày hôm nay cho thế hệ mai sau . Chúng ta cứ tưởng tượng, mỗi một năm có tới trên 200 lượt di tích tư nhân - tập thể được tu bổ, sửa chữa trong điều kiện nêu trên (theo thống kê từ giấy phép đã cấp) thì tốc độ về số lượng di tích bị mất dần đi sẽ như thế nào trong tương lai nếu tình trạng này không được khắc phục sớm.
Trong phạm vi của bài viết này, chúng tôi mới chỉ nêu thực trạng của vấn đề, còn làm sao để tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích trở thành một hoạt động khoa học, thực tiễn riêng biệt, theo đúng nguyên tắc, nhằm giữ gìn giá trị lịch sử của những di tích vật chất - di sản kiến trúc Đô thị cổ Hội An quả không phải dễ đối với điều kiện của chúng ta hiện nay. Hơn nữa, nó cũng đòi hỏi phải có sự quan tâm chỉ đạo của nhiều cấp bộ, ngành từ trung ương xuống các cấp, ngành địa phương. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta ngồi chờ trước thực trạng về tu bổ di tích nêu trên. Nên chăng ở Hội An phải sớm có một cuộc hội thảo để bàn thấu đáo vấn đề này để tìm ra giải pháp, thậm chí phải có một cuộc phá rào, vượt cản nhằm đạt được về nguyên tắc trong tu bổ di tích, vì mục tiêu bảo tồn di sản văn hóa kiến trúc Hội An, không thể ngồi chờ các quy định mới, cụ thể của trung ương, tỉnh. Hy vọng trong dịp này chúng tôi sẽ tiếp tục tham gia về những giải pháp cho thực trạng nêu trênS

Tác giả: Nguyễn Chí Trung

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây