Ở Hội An có nhiều di tích kiến trúc được lợp ngói âm dương đã trải qua hơn 300 năm tuổi như di tích Chùa Ông, Chùa Cầu... Song hành với đó thì làng nghề gốm Thanh Hà - nơi cung cấp ngói âm dương cũng bắt đầu phát triển thịnh đạt trong thời gian này. Từ những thông tin đó, có thể nói niên đại ra đời của nghề lợp ngói âm dương muộn nhất là cũng đồng thời với niên đại của các di tích trên tức là vào đầu thế kỷ XVII - thời kỳ phố cảng Hội An phồn thịnh. Trải qua thời gian, đến nửa cuối thế kỷ XX, ở Hội An có hàng chục thợ lợp ngói âm dương tập trung ở vùng Cẩm Kim (Kim Bồng), Cẩm Châu, Cẩm Phô, Thanh Hà... Trong số đó, có nhiều nghệ nhân lành nghề như ông Thương, ông Nho, ông Ngọt... ở Cẩm Châu; ông Ba, ông Khách, ông Tuân... ở Cẩm Phô; ông Sang, ông Lệ, ông Bàn... ở Thanh Hà; ông Đi ở Cẩm Nam...; Cẩm Kim có ông Nhâm, ông Chương vừa làm nghề đắp vẽ, vừa là thợ lợp ngói âm dương... Tuy nhiên, hiện nay, số thợ của nghề này đang giảm dần bởi nhiều thợ cao tuổi đã nghỉ việc, số thợ thanh niên đã, đang bị nghề nề thu hút, nên đa số thợ lợp ngói âm dương hiện nay đều có độ tuổi trên 50.
Ông Lê, một thợ ngói có kinh nghiệm cho rằng để lợp một mái nhà, cần 2 ông thợ chính, 2 người phụ chọn, đưa ngói, 1 người phụ hồ, tuy nhiên công việc quan trọng thợ lợp ngói âm dương cần làm trước khi lợp mái là sự thỏa thuận giữa thợ mộc, thợ nề về khoảng cách các rui gỗ, độ rộng của rui để chuẩn bị tốt. Những mái có chiều rộng, độ dốc vừa phải thì bảng rui rộng là 10 - 12cm, khoảng cách giữa các rui là 12, 13cm và cách lợp theo kiểu lợp âm dương (giữa hai vồng (dòng ngói) âm/ ngửa là một vồng ngói dương/úp và vồng úp trúng ngay giữa rui). Nhà hẹp hơn thì khoảng cách các rui cũng nhỏ lại và như vậy phải lợp theo kiểu cải vồng hay còn gọi là lợp theo kiểu bình ngõa tức là chỉ theo cách xếp ngói cứ hai vồng ngửa, một vồng úp, không cần dựa theo rui. Thợ đóng rui thường lấy tâm từ giữa nhà để chia số rui của mái theo tổng số dương, may mắn.
Tiếp đến là thợ chọn ngói vì nếu dùng ngói tốt để lợp sẽ kéo dài được tuổi thọ, tăng tính mỹ thuật của công trình. Nhiều thợ cao tuổi cho rằng ngói tốt nhất là được làm từ đất sét vàng, ít pha lẫn cát, tạp chất, nung qua lửa củi, cứng, khi chín có màu đỏ đậm hoặc tím, các cạnh thẳng, ngói không bị cong, vênh, tiếng kêu thanh, vang. Về cỡ ngói, qua đo kích thước của ngói ở một số di tích chúng tôi đã thấy có ít nhất 8 loại, đơn cử là loại ngói 17 x 17 x 0.8 cm lợp ở Miếu Lục Vị phường Thanh Hà, loại trung có 19,8 x 19,7 x 1,1cm, loại lớn có kích thước 27 x 23 x 1,3cm được lợp ở nhà 72 Trần Phú... Nhưng theo phân loại của thợ lợp ngói âm dương thì đơn giản hơn, gồm các loại: 16, 18, 20, 22, 28, 30 phân. Vào thời kỳ trước giải phóng, nguồn ngói này là do ông Bang Sáu, ông Võ Công Khanh... ở làng gốm Thanh Hà cung cấp, sau giải phóng thì có Hợp tác xã gạch ngói Cẩm Hà và các hộ sản xuất ở Thanh Hà cung cấp. Đến năm 2002, chính quyền tỉnh Quảng Nam và thành phố Hội An đã ra chỉ thị đình chỉ hoạt động nung đốt ngói âm dương, gạch bằng củi ở làng gốm Thanh Hà nhằm bảo vệ môi trường. Từ đó, người dân phải mua ngói âm dương nung bằng ga, than đá từ Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên. Loại ngói này do nung bằng ga, đất có nhiều tạp chất nên mau thấm, dễ vỡ gây giảm tuổi thọ của công trình (chỉ khoảng 10 năm là đã xuống cấp). Trong đó, có nhiều thợ làm ngói Thanh Hà đã gia công phôi cho các cơ sở sản xuất ngói ở Điện Bàn, Đại Lộc để tăng thu nhập.
Về qui trình lợp thì các thợ thường nói nếu lợp mái nhà tranh là lợp từ dưới lên, lợp ngói âm dương phải lợp từ trên xuống và lợp từ hai bên bờ hồi lợp qua nhưng trước tiên phải làm quyết nóc, bờ chảy. Làm nóc quyết và bờ chảy, ngoài việc chọn ngói tốt để lợp, chêm ngói bể cho vừa kín, vững. Sau khi lợp thì tô nóc quyết theo hai kiểu dáng: đơn và đôi. Với mái nhà một gian thợ làm nóc quyết đơn nhưng với công trình lớn là đình, miếu, nhà 3 gian, 3 gian hai chái thợ phải làm quyết đôi cho phù hợp. Hồ (vữa) làm nóc quyết phải làm tốt hơn hồ bình thường để tránh bị ẩm, thấm nước mục đòn Đông và rui mè. Làm nóc quyết xong thì đánh (lợp) mỗi lần khoảng 5, 6 hàng ngói ngửa (vồng âm) nằm ở chỗ trống của các rui, dưới mỗi vồng âm đều có 2 viên ngói lót để che mưa, nắng, phòng khi có một lớp ngói bể. Hàng ngói ngửa được sắp theo chiều dọc sao cho các viên ngói nằm chồng lên nhau nhưng viên ngói dưới so le với viên ngói trên chừng ¼ hoặc 1/5 chiều đứng của viên ngói, thợ gọi là lợp phân tư, phân năm. Đối với vồng úp thì lợp úp vào khoảng trống của hai viên ngói ngửa nằm theo chiều ngang, như vậy cứ 5 vồng ngửa thì có 2 vồng úp (dương), 3 vồng ngửa (âm, rảnh chảy). Để cho các vồng ngói úp, ngửa được thẳng, người thợ dùng thước thợ áp theo một bên chiều dọc của vồng ngói làm chuẩn rồi định vị ngói vừa sát, vừa thẳng. Định vị độ thẳng của sống vồng ngói úp cũng bằng cách này.
Sắp ngói ngửa và úp xong thì tô vữa liên kết, miết kín chiều dọc của vồng ngói để giữ chắc các viên ngói và ngăn không cho nước lọt vào. Khi tô vữa, giữ không cho hồ rơi vãi vì sẽ gây tắc ngẵn rảnh chảy, làm ứ nước, mục ngói, ẩm vì kèo. Vữa liên kết ngày xưa là vôi trộn với nước ngân bồ lời, xương rồng và mật mía, đây là loại vữa mịn, có độ kết dính cao nhưng không quá cứng. Vữa bây giờ chỉ có vôi với bata (hỗn hợp cát và ximăng, trong đó ximăng chiếm phần ít để hạn chế độ cứng dễ gây nứt thấm dột, dễ cho việc phá mạch hồ khi tu bổ cục bộ hệ mái).
Trên những mái ngói âm dương ta thường thấy 3 hoặc 4 đường ngói úp có cả 1 viên ngói nguyên chạy ngang theo mái đó là những đường ngói lóng được làm để dễ dàng đi lại trên mái ngói mà không sợ đạp vỡ ngói. Đường ngói lóng được làm theo cách: chọn một khoảng ngói úp bằng với chiều dọc của một viên ngói nguyên để bôi hồ phủ kín đoạn ngói trên, úp một viên ngói nguyên lên, tô hồ kín hồ để miếng ngói này có thể chịu lực tốt. Khi lợp ngói đến diềm mái thì người ta làm một hàng ngói lóng nữa, đuôi của vồng ngói được tô bằng hoặc đắp một dĩa sứ để trang trí.
Đối với cách lợp cải vồng (lợp bình ngoã) được áp dụng cho những mái nhà có khoảng cách rui không đều, thợ đặt các viên ngói ngửa tự do hơn chứ không chỉ dựa vào khoảng cách giữa các rui, theo cách lợp này thì vồng úp không nằm ngay giữa rui. Lợp cách này tốn nhiều ngói chêm cho những dòng ngói ngửa nằm chông chênh ở một phần rui hay nằm ngay trên rui do vậy làm cho mái ghồ ghề, dễ đọng nước, làm ngói ẩm, nhanh mục.
Cũng theo kinh nghiệm của thợ lợp ngói thì do có một số viên ngói có độ cong không đều nên khi sắp sẽ có độ hở cao, dễ đọng nước, gây thấm, dột. Để khắc phục, người ta dùng bay chẻ đôi viên ngói, lấy một nửa viên để lót vào kẻ hở đó, gọi là chêm ngói tráng.
Như vậy có thể thấy mái ngói âm dương là một sáng tạo của người xưa trong xử lý hệ thống bao che công trình, bởi mái ngói âm dương có độ dày khá cao, cấu tạo vồng ngửa vồng úp đã tạo nên một khoảng trống giữ khí, thông gió cho mái nhà, do vậy nhà lợp ngói âm dương thường mát hơn trong mùa hạ, ấm hơn trong mùa đông. Nếu như bờ hồi, bờ nóc, bờ chảy được làm tốt, mái lợp từ ngói tốt, mái được cong dịu ngọt (có độ cong võng vừa phải) và đảm bảo độ dốc tốt để hạn chế sự đọng thấm nước ở trên mái thì mái ngói âm dương có tuổi thọ khá cao trên 50 năm mới bị xuống cấp. Theo đó thì nghề lợp ngói âm dương có vai trò quan trọng trong việc xây dựng và tu bổ các di tích kiến trúc ở Hội An cũng góp phần tạo nên giá trị đặc trưng trong văn hoá kiến trúc Hội An. Tuy nhiên do nghề này phải lao động nặng nhọc, cẩn thận, yêu cầu có kinh nghiệm cao nên nhiều thanh niên đã bỏ nghề khiến cho qui mô hoạt động bị thu hẹp dần trong khi nhu cầu cần thợ lợp mái, tu bổ mái ngói âm dương là rất cao. Qua khảo sát chúng tôi cũng đã nắm bắt được ý nguyện của một số thợ cao tuổi muốn truyền nghề cho thế hệ trẻ. Vì vậy, chúng tôi thiết nghĩ các cơ quan chức năng ở Hội An cần có cơ chế hỗ trợ cho việc truyền nghề cũng như qui tập một đội ngũ thợ lợp ngói âm dương ổn định để phục vụ cho công tác tu bổ di tích thường xuyên. Bên cạnh đó cần có sự khảo sát kỹ thuật chế tác ngói âm dương truyền thống, các kích cỡ ngói để tạo cơ chế đặc biệt cho phục hồi hạn chế hoạt động sản xuất ngói âm dương truyền thống dưới sự quản lý về kỹ thuật của các cơ quan chức năng để đảm bảo cho việc tu bổ ngày càng chất lượng hơn và tiến gần đến sự chân xác hơn