CÂY ĐA MIẾU NGŨ HÀNH NHÀ LAO THÔNG ĐĂNG
Đa - tên khoa học là Ficus
, là loại cây được trồng rất phổ biến trong khuôn viên các di tích tín ngưỡng ở Việt Nam như đình, miếu,… là hình ảnh quen thuộc và thân thương đối với mọi người dân mà mỗi khi nhắc đến hoặc nhìn thấy nó ta lại nhớ về một làng quê êm ả thanh bình với giếng nước, sân đình và lũ trẻ đang nô đùa hớn hở. Không chỉ thế, hình ảnh cây Đa đã in dấu sâu đậm trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng và trở thành bất tử trong ca dao, tục ngữ của Việt Nam. Ở Hội An, cây Đa cổ thụ còn lại không nhiều và mỗi cây mang một dấu ấn văn hóa riêng. Nếu như cây Đa ở cạnh đình ấp Xuân Lâm được nhiều người biết với tên là cây Da Kèn thì cây Đa bia yểm thủy đạo ở khuôn vườn nhà 93 Phan Châu Trinh được người dân thêu dệt là nơi chôn dấu bản đồ kho báu. Trong khi đó, cây Đa miếu Ngũ Hành nhà lao Thông Đăng lại chứng kiến biết bao tội ác dã man của kẻ thù đối với nhân dân Hội An nói chung và những đồng chí tham gia cách mạng nói riêng.
Cây Đa miếu Ngũ Hành nhà lao Thông Đăng nằm phía sau xóm Dinh, trên khu đất cạnh lạch Chùa Cầu, thuộc khối 4 phường Cẩm Phô, nguyên trước đây thuộc đất ấp Xuân Lâm, xã Cẩm Phô, tổng Phú Triêm hạ, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Theo các tư liệu lịch sử, làng Cẩm Phô là một trong những làng được hình thành rất sớm ở Hội An, vào khoảng cuối thể kỷ XV, đầu thế kỷ XVI. Làng được chia thành 3 ấp và 3 châu, ngoài ngôi đình thờ Thành Hoàng, mỗi ấp, châu đều xây dựng ngôi miếu để thờ Ngũ Hành, vị thần được thờ phổ biến trong các làng xóm của người Việt. Hiện nay chưa có tư liệu xác định chắc chắn niên đại xây dựng của ngôi miếu cũng như thời điểm cây đa được trồng, song trong ký ức của những người cao tuổi sống ở khu vực xung quanh thì ngôi miếu và cây đa có từ rất lâu. Và có biết bao câu chuyện được người dân thêu dệt về nó theo tháng năm thăng trầm của lịch sử.
Cây Đa này thuộc giống đa lá nhỏ, tên khoa học là Ficus pillusa, có nguồn gốc ở Đông Nam Á, Ấn Độ. Thân cây rất cao, tán lá phủ bóng trên diện tích rộng lớn, gồm toàn bộ không gian ngôi miếu thờ Ngũ Hành bên dưới. Thân cây phát triển những rễ phụ chằng chịt ôm trùm phần kiến trúc chính của ngôi miếu, làm cho ngôi miếu càng trở nên linh thiêng, cổ kính. Hậu tẩm miếu nằm sâu hun hút trong thân cây, toàn bộ không gian này bố trí bệ thờ 2 tầng, tầng thấp có 3 tượng đất nung choàng những chiếc áo màu xanh, tầng trên có 5 tượng cũng bằng đất nung choàng những chiếc áo màu đỏ. Trước đây những tượng thờ nằm trong khám gỗ sơn màu đỏ với trán khám được chạm những câu chữ Hán tự. Ở khu vực tiền đường, tại vị trí hai bên lối vào hậu tẩm là bàn thờ Tả ban và Hữu ban. Mặt tiền ngôi miếu cấu tạo kiểu vòm. Bình phong nằm cách miếu qua sân rộng. Bình phong kiểu cuốn thư với mặt trước đắp nổi và cẩn mảnh đề tài
“long mã phụ hà đồ” và nhiều đề tài, đồ án khác. Trước đây, mỗi lần cúng cầu an ở xóm, ấp theo lệ thường, cư dân đều sắm lễ vật đến cáo ở ngôi miếu. Lệ này mất đi kể từ khi thực dân Pháp chiếm cứ biến khu vực này thành nhà lao với tên gọi là nhà lao Thông Đăng để giam cầm, tra khảo, bức tử những người yêu nước và cách mạng. Kể từ đây, cây đa này đã chứng kiến nhiều tội ác của kẻ thù đối với các đồng bào chiến sĩ bị giam cầm tại đây. Nhà lao Thông Đăng có số người bị thực dân giam cầm tại đây rất lớn, lên đến hàng ngàn người. Trận đánh chiếm nhà lao của quân và dân Hội An vào đêm 30-4-1954 đã giải thoát hơn 1200 đồng bào, chiến sĩ cách mạng đang bị địch giam cầm ở đây. Nhà lao Thông Đăng tồn tại đến năm 1960 dưới thời Mỹ Diệm. Hiện nay, nhà lao trở thành địa chỉ ghi dấu tinh thần đấu tranh cách mạng kiên cường bất khuất của biết bao đồng chí, đồng bào Hội An và vùng lân cận. Theo nhiều nhân chứng, có rất nhiều đồng chí, đồng bào bị bọn thực dân đế quốc tra khảo dã man tại khu miếu này và sau đó bị thủ tiêu ở giếng nước bên cạnh mà hiện nay còn tồn tại.
Cùng với miếu Ngũ Hành, cây đa ở Nhà lao Thông Đăng đã trở thành cây cổ thụ, cây di sản bởi cây đa này không chỉ là chứng tích lịch sử quan trọng mà còn là nơi lưu dấu những tội ác thực dân đế quốc, đồng thời đây cũng là địa chỉ văn hóa - tín ngưỡng khá thú vị được nhiều du khách đến tham quan./.