GIỚI THIỆU VỀ CÁC DI TÍCH CẤP QUỐC GIA Ở CÙ LAO CHÀM - HỘI AN

Thứ năm - 12/07/2012 04:19

GIỚI THIỆU VỀ CÁC DI TÍCH CẤP QUỐC GIA Ở CÙ LAO CHÀM - HỘI AN

Trên đất Cù Lao Chàm hiện còn tồn tại khá nhiều các di tích tôn giáo - tín ngưỡng được xây dựng qua các thời kỳ lịch sử. Đặc biệt, trong số đó có những công trình mang nhiều giá trị lịch sử - văn hóa và đã được Bộ Văn Hóa - Thông Tin chính thức ra quyết định công nhận là di tích cấp quốc gia. Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu cùng bạn nghe đài về đôi nét chính các di tích tiêu biểu này.
GIỚI THIỆU VỀ CÁC DI TÍCH CẤP QUỐC GIA Ở CÙ LAO CHÀM - HỘI AN
 
          Trên đất Cù Lao Chàm hiện còn tồn tại khá nhiều các di tích tôn giáo - tín ngưỡng được xây dựng qua các thời kỳ lịch sử. Đặc biệt, trong số đó có những công trình mang nhiều giá trị lịch sử - văn hóa và đã được Bộ Văn Hóa - Thông Tin chính thức ra quyết định công nhận là di tích cấp quốc gia. Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu cùng bạn nghe đài về đôi nét chính các di tích tiêu biểu này.
Lăng Tiền Hiền: tọa lạc tại xóm giữa, thôn Bãi Làng. Được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ thứ 18 - đầu thế kỷ 19. Đây là một di tích không những có vai trò quan trọng trong hệ thống các di tích tín ngưỡng của các cư dân trên đảo Cù Lao Chàm mà còn là một bằng chứng quan trọng trong việc nghiên cứu về quá trình định cư, khai hoang khẩn hóa, ổn định cuộc sống và làm sáng tỏ tập tục tôn giáo tín ngưỡng của cư dân trên đảo Cù Lao Chàm xưa. Đồng thời góp phần làm phong phú hệ thống các công trình kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng trong quần thể các di tích tôn giáo tín ngưỡng ở Tân Hiệp nói riêng và Hội An nói chung.
            Miếu tổ nghề Yến: Di tích được xây dựng trên một gò cát khá cao thuộc Bãi Hương Cù Lao Chàm, mặt tiền xoay ra hướng biển theo hướng Tây - Tây Bắc nhìn vào đất liền. Đây là một công trình kiến trúc tín ngưỡng thờ cúng Tổ nghề, một nghề khá đặc biệt ở Quảng Nam nói riêng, cả nước nói chung. Di tích nằm trên cụm đảo Cù Lao Chàm góp phần tôn thêm sự phong phú về điểm tham quan du lịch, nơi vừa có cảnh quan thiên nhiên vừa có di tích kiến trúc lịch sử văn hóa.
Chùa Hải Tạng: là một ngôi chùa làng “quy mô nhất”, toạ lạc tại thôn Bãi Làng. Theo văn bia hiện đang lưu giữ tại chùa cho biết, vào năm Cảnh Hưng thứ 19 (1758) chùa được dựng tại vị trí khác, cách vị trí hiện nay khoảng 200m về phía Đông Bắc. Nhưng do bị mưa bão làm hư hại nên vào năm Tự Đức nguyên niên (1848) chùa được dời về xây dựng lại trên địa điểm hiện nay. Ngôi chùa đã đóng vai trò điển hình về loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật trên đất Cù Lao nói riêng, cả Hội An nói chung. Ngoài ra, ngôi chùa còn là một bằng chứng quý giá cho việc nghiên cứu về loại hình kiến trúc, tôn giáo - tín ngưỡng. Đây còn là một địa điểm tham quan lý tưởng cho du khách khi bước chân đến Cù Lao Chàm.
            Lăng Ông Ngư: Lăng nằm giữa khu dân cư theo hướng Tây Nam, cách bờ biển chừng 10m để thờ cá Ông - vị thần bảo trợ cho những người đi biển. Di tích đã góp phần minh chứng cho sự đa dạng phong phú sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của cư dân địa phương, là bằng chứng về loại hình di tích tín ngưỡng của cư dân làm nghề sông nước tại Hội An nói chung, Tân Hiệp nói riêng.
Giếng xóm Cấm: Di tích là công trình kiến trúc quan trọng phục vụ đời sống cư dân trên đảo. Xưa kia ngư dân, thương nhân đi thuyền từ nơi khác đến cập bến Cù Lao Chàm lấy nước ngọt để đảm bảo cho nhu cầu sinh hoạt của họ trên những chặng hành trình tiếp theo, qua đó thể hiện mối giao lưu mạnh mẽ của cư dân trên đảo với thương dân, ngư dân bên ngoài. Di tích đã cung cấp nhiều thông tin cần thiết để hiểu rõ hơn sinh hoạt văn hóa của cư dân địa phương, quá trình phát triển làng xã cũng như vai trò, vị trí Cù Lao Chàm trên chặng đường giao thương hàng hải ven biển Đông trước đây. Kỹ thuật xây dựng giếng là nguồn tư liệu quan trọng góp phần làm rõ thêm kỹ thuật xây dựng giếng Chăm ở Hội An cũng như sự kế thừa kinh nghiệm xây dựng giếng của cư dân Việt tại đảo.
            Di chỉ Bãi Làng: Dựa vào vị trí địa lý và hiện vật phát hiện tại di tích cho thấy địa điểm Bãi Làng là di chỉ cư trú của cư dân Champa vào thế kỷ VII - X sau công nguyên và có đời sống khá phát triển. Nhiều ngành nghề được hình thành và phát triển như khai thác lâm, hải sản, sản xuất gốm, thủy tinh. Qua nhiều hiện vật gốm, sành Trung Hoa, Islam và thủy tinh Islam được phát hiện trong di tích Bãi Làng cho thấy vị trí quan trọng của hải đảo Cù Lao Chàm trên con đường hàng hải quốc tế. Nơi đây chắc chắn có sự dừng chân trao đổi của các thương thuyền Trung Quốc, Trung Đông. Qua đó, cho thấy cư dân cổ Bãi Làng đã sớm có những hoạt động giao lưu thương mại với các  thương nhân nước ngoài.
Di chỉ Bãi Ông: Địa điểm khai quật khảo cổ nằm trên một cồn cát sát chân núi. Qua các hiện vật thu thập được từ hố khai quật cho thấy đây là di tích có niên đại sớm nhất được phát hiện ở Hội An từ trước đến nay. Di tích đã góp phần làm rõ thêm vai trò của Cù Lao Chàm trong thời kỳ Tiền - Sơ sử ở Hội An. Đồng thời chứng minh cư dân Sa huỳnh cư trú liên tiếp ở Hội An từ Sơ kỳ đến hậu kỳ Văn hóa Sa Huỳnh.  
Hiện nay, các di tích này không những góp phần trong việc làm phong phú, đa dạng hệ thống di tích trên vùng đảo mà còn là những trọng điểm thu hút du khách đến tham quan, thưởng ngoạn.

Tác giả: Tống Quốc Hưng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây