TỔNG HỢP TƯ LIỆU VỀ DI TÍCH CÁCH MẠNG Ở XÃ CẨM THANH
Cầu Cẩm Thanh Cẩm Thanh có vị chiến lược ở phía tây nam Hội An, địa hình được bao bọc bởi sông lạch và rừng dừa nước ngập mặn ven biển. Từ địa hình hiểm yếu và với tinh thần sáng tạo, kiên trung, các thế hệ cách mạng tiền bối đã ghi vào sử sách nhiều trang sử hùng tráng, những chiến tích oanh liệt cho Cẩm Thanh trở thành đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và tô bồi thêm lịch sử vẻ vang của tiến trình phát triển quê hương Cẩm Thanh.
Qua các tư liệu cho thấy đã có 8 di tích cách mạng nổi bật được thành phố bảo vệ với 4 di tích lịch sử cấp tỉnh (
Di tích Rừng dừa Bảy mẫu, Vườn Xã Tiếp, Lùm Bà, Đình Thanh Nhất), 4 di tích được Ủy ban Nhân dân thành phố bảo vệ. Có di tích đánh dấu sự chuyển mình lớn lao của phong trào cách mạng ở xã và cả Hội An trong những giai đoạn khó khăn, quyết liệt nhất đó là di tích đình Thanh Nhất nơi diễn ra cuộc Đồng khởi đầu tiên thắng lợi ở Hội An vào ngày 17 tháng 9 năm 1964. Sự kiện này làm trào dâng mạnh mẽ làn sóng nổi dậy, phá thế kìm kẹp, giành chính quyền thành công, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ ở Hội An tiến lên một bước mới tạo đà cho những thắng lợi vang dội sau này. Cũng có di tích là cơ quan hoạt động, nơi trú ẩn an toàn của Thị ủy Hội An, phân ban Tỉnh ủy Quảng Nam như di tích Vườn Xã Tiếp, Khu Đông Thuận Tình, Rừng dừa Bảy mẫu, từ những nơi này nhiều cán bộ chủ chốt của Tỉnh, Thị ủy được bảo vệ an toàn và những quyết định quan trọng, làm chuyển biến phong trào trong cuộc kháng chiến ở Hội An được ban hành, phổ biến. Còn có những di tích ghi dấu chiến công tiêu biểu làm tiêu hao sinh lực địch bằng những cách đánh công đồn, phục kích… sáng tạo, dũng cảm của bội đội Hội An, du kích Cẩm Thanh như di tích Lăng Bà, di tích Thôn 5, di tích Khu dồn thôn 1, di tích Bến đò bà Chân.
Tiếp cận từng di tích sẽ cảm nhận sâu sắc những âm hưởng hùng tráng, sáng tạo, sắt son với sự nghiệp đấu tranh giải phóng quê hương của các thế hệ cách mạng tiền bối trên mảnh đất Cẩm Thanh anh hùng.
Di tích
Rừng Dừa Bảy Mẫu nằm ở thôn 2 và thôn 3 xã Cẩm Thanh. Với địa hình là một rừng dừa nước ngập mặn kín đáo, sông nước bao bọc nên rất thuận lợi cho phát triển chiến tranh du kích, trú ẩn. Chính vì vậy, trong những năm kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Thị ủy Hội An đã chọn nơi đây làm căn cứ địa cách mạng để chiến đấu chiến thắng kẻ thù với nhiều chiến công vang dội. Tiêu biểu là vào năm 1948, quân Pháp triển khai một đợt càn quét qui mô gồm bộ binh và xe tăng tấn công Rừng dừa nhằm tiêu diệt lực lượng vũ trang của ta. Du kích Cẩm Thanh đã bí mật phục kích bằng lựu đạn vào đội hình tiến quân, làm hủy hoại nhiều xe tăng khiến quân dịch hoảng sợ và hủy bỏ cuộc tấn công.
Rừng dừa Cẩm Thanh Trong những kháng chiến chống Mỹ, Rừng dừa Bảy Mẫu cùng với căn cứ Vườn Xã Tiếp đã trở thành căn cứ vững chắc, nơi che chở an toàn của cán bộ xã Cẩm Thanh và Thị ủy Hội An và ghi dấu nhiều chiến công, sự kiện vàng son. Từ rừng dừa, cán bộ, du kích Cẩm Thanh đã sáng tạo dùng bẹ dừa để làm súng ngụy trang, nhất tề
Đồng khởi tiến về trụ sở Hội đồng xã của địch, giành chính quyền thành công vào đêm 27/9/1964. Ngoài ra còn có nhiều trận đánh quả cảm, anh dũng bảo vệ căn cứ Rừng dừa Bảy mẫu. Trong đó, có hai trận đánh phản kích anh dũng bẽ gãy ha cuộc tấn công lớn của địch với qui mô tiêu đoàn kết hợp máy bay, hải thuyền yểm trợ vào ngày 13/6/1966 và vào tháng 9 - 1967. Thắng lợi của hai trận đánh này đã góp phần giữ vững căn cứ Rừng dừa Bảy mẫu từ năm 1967 đến 1975.
Di tích Vườn Xã Tiếp nằm ở thôn 3, nơi đây là khu vườn rộng, rậm rạp cây cỏ, nằm khá xa khu dân cư và gần rừng dừa xanh ngát um tùm kín đáo có nhiều cỏ mọc. Đây là vị trí khá an toàn để đóng chân hoạt động chiến tranh du kích và có thể cơ động rút vào rừng dừa khi địch càn quét. Chính vì vậy, nơi đây đã được chọn làm cơ quan hoạt động của Thị ủy, Thị đội Hội An từ năm 1965 – 1975 với hệ thống phòng ngự khá hoàn thiện gồm phòng họp bí mật dưới lòng đất, giao thông hào, công sự, nơi huấn luyện quân sự, cứu thương, văn phòng…Nơi đây, cũng ghi dấu nhiều chiến công chống địch càn quét, bảo vệ vững chắc cơ quan chỉ đạo kháng chiến của Hội An. Cán bộ Thị ủy, Thị đội và du kích Cẩm Thanh đã 3 lần anh dũng, kiên trì bám công sự, chống trả quyết liệt 3 đợt càn quét lớn của địch vào các năm 1966, 1969, 1974 với qui mô cấp tiểu đoàn có sự hỗ trợ của máy bay, tàu chiến, xe tăng, đẩy lùi được các cuộc tấn công của địch, giữ vững thành công căn cứ Vườn Xã Tiếp trong suốt 10 năm cuối của cộc kháng chiến chống Mỹ.
Tại
Khu Đông - Thuận Tình (
Thôn 1, Cẩm Thanh), vào những năm 1959 - 1963, lúc mà phong trào, cơ sở cách mạng ở Cẩm Thanh và nhiều nơi khác của Hội An bị đánh phá ác liệt bởi chính sách
tố Cộng, diệt Cộng của địch, thì Khu Đông Thuận Tình với vị trí cồn bãi ven sông, xa khu dân cư đã được cán bộ Tỉnh ủy Quảng Nam, Thị ủy Hội An chọn làm cơ quan bí mật của phân ban Tỉnh ủy, của Thị ủy. Chính tại nơi đây, được sự phân công của Tỉnh ủy, đồng chí Ngô Xuân Hạ bám trụ để chỉ đạo gây dựng lại cơ sở trên địa bàn Hội An. Đồng thời đồng chí đã bí mật, sáng tạo phổ biến nghị quyết 15 của Trung ương Đảng cho đồng bào Hội An bằng cách bỏ tài liệu vào bẹ dừa hoặc bỏ vào chai, đóng nút rồi thả trôi sông cho nhiều người nhặt được. Sau đó, vào những năm 1963, 1964, các đồng chí Nguyễn Quảng Phòng, Lê Hòa là những cán bộ chủ chốt của Ban cán sự Đảng thị xã Hội An đã bí mật tiếp xúc với một số đồng chí cán bộ bám trụ của nhiều xã để chỉ đạo Đồng khởi ở các địa phương, phổ biến chủ trương Đồng khởi và Cẩm Thanh trở thành đơn vị đi đầu trong phong trào Đồng khởi, phá kìm kẹp, xây dựng chính quyền nhân dân rồi sau đó phong trào này lan tỏa khắp các xã vùng ven đô thị Hội An.
Khu du lịch Thuận Tình Hiện nay trong ký ức của nhiều chiến sĩ cách mạng năm xưa vẫn thường nhắc đến Khu dồn thôn 1 bởi vào thời kỳ sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968, quân địch lại triển khai chính sách dồn dân đến nơi đây. Tuy bị dồn vào sống tập trung, bị kiểm soát gắt gao nhưng người dân Cẩm Thanh ở Khu dồn thôn 1 vẫn dũng cảm đương đầu với địch trong những cuộc đấu tranh chính trị tố cáo tội ác kìm kẹp của địch. Đồng thời quần chúng cách mạng trong Khu dồn vẫn bí mật liên lạc, giúp đỡ đưa cán bộ cách mạng vào khu dồn hoạt động nắm tình hình để xây dựng nhiều kế hoạch đánh phá khu dồn. Đến đầu năm 1972, sau khi khảo sát kỹ và chuẩn bị lực lượng, cán bộ, nhân dân cách mạng Cẩm Thanh đã bí mật tiến hành đánh phá khu dồn, diệt một trung đội ngụy, gần 1 mâm tề, đồng thời làm tan rã hệ thống phòng ngự dân sự của địch.
Đến địa điểm Bến đò bà Chân thôn 6 lại gợi nhớ về những chiến công đánh địch, phục kích địch trên đường tiến quân vào sâu vùng đất Cẩm Thanh. Tiêu biểu là vào tháng 11/1971, đồng chí Chút - Xã đội trưởng cài một quả bom diệt một trung đội địch, phá vỡ ý định đóng chốt canh phòng của địch, tạo nên hành lang an toàn để quân ta hoạt động ở phía Đông Cẩm Thanh.
Ghi đậm trong các chiến tích của hoạt động vũ trang thời kỳ chống Pháp là di tích Chiến thắng thôn 5. Thôn 5 nói riêng và Cẩm Thanh nói chung là vùng do ta làm chủ trong kháng chiến chống Pháp, chính vì vậy địa bàn này thường bị địch đánh phá, càn quét. Nhưng trong nhiều lần hành quân vào đánh phá địa bàn này địch đã thường xuyên bị du kích xã đánh chặn quyết liệt. Tiêu biểu là vào đầu năm 1953, du kích xã phục kích với vũ khí khá thô sơ đã chặn đánh một trung đội Âu - Phi đang hành quân tại khu vực gần cầu Cẩm Thanh thuộc thôn 5, giết chết tên chỉ huy và thu nhiều vũ khí. Đây là một trong những trận đánh lớn góp phần giữ vững vùng giải phóng Cẩm Thanh trong kháng chiến chống Pháp.
Trong thời kỳ 1959 - 1964, Cơ quan bí mật của phân ban tỉnh ủy Quảng Nam và cơ quan Thị ủy Hội An đóng chân an toàn trên địa bàn Cẩm Thanh. Đây là điều kiện thuận lợi để cán bộ, quần chúng cách mạng Cẩm Thanh sớm tiếp nhận chủ trương khởi nghĩa vũ trang theo tinh thần nghị quyết 15 của Trung ương Đảng từ các cấp ủy. Từ đó, nhiều cơ sở cách mạng đã từng bước được gây dựng lại vào những năm 1962, 1963 để tạo đà cho việc nổi dậy giành chính quyền. Đến 12 giờ đêm ngày 27/9/1964, dưới sự chỉ huy của hai cán bộ Thị ủy Hội An là Nguyễn Quảng Phòng, Lê Hòa, quần chúng cách mạng đã nổi dậy bắt bọn ác ôn tại Cơ quan Hội đồng xã tại Đình Thanh Nhất và tổ chức Mitting thành lập Ủy ban tự quản và Mặt trận dân tộc giải phóng xã Cẩm Thanh. Sự kiện này đã mở đầu làn sóng Đồng khởi mạnh nhhư triều dâng ở nhiều xã vùng ven nội ô khác của Hội An và chính quyền nhân dân đã được xây dựng lên ở khắp nông thôn Hội An.
Di tích Chiến thắng Lùm Bà: Bên cạnh một địa điểm Lùm Bà là di tích tín ngưỡng, khảo cổ còn có một Lùm Bà có địa hình quan trọng về quân sự bởi nơi đây với địa hình là gò cát cao, có thể quan sát được khắp cả vùng Cẩm Thanh. Vì vậy, quân địch trong các kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ thường chọn nơi đây để tập kết quân, dựng các chốt điểm quân sự quan sát, khống chế hoạt động của cán bộ, du kích vùng Cẩm Thanh. Chính vậy nơi đây thường diễn ra các trận đánh triệt phá của bộ đội thị xã và du kích xã. Trong đó, tiêu biểu là trận đánh vào cuối năm 1952 do lực lượng vũ trang xã Cẩm Thanh phối hợp với bộ đội Thị phục kích, chặn đánh địch làm bị thương một số tên. Trong trận này đồng chí Huỳnh Sinh đã anh dũng hy sinh. Đến tháng 7/1966, du kích xã chặn đánh một tiểu đội lính Mỹ, tiêu diệt sáu tên, làm bị thương 6 tên khác, thu 1 súng M79, 4 súng AR15, 1 máy vô tuyến. Những trận đánh diễn ra ở Lùm Bà góp phần vào thành tích vũ trang anh hùng và giữ vững vùng giải phóng Cẩm Thanh trong những điểm ác liệt nhất của hai cuộc kháng chiến.
Bia di tích lịch sử cách mạng
Di tích cách mạng Cẩm Thanh đang được bảo tồn tốt, có 3 di tích được dựng bia di tích (Di tích Đình Thanh Nhất, Di tích Vườn Xã Tiếp, Di tích Lăng Bà) và những di tích còn lại sẽ được dựng bia cắm mốc. Hệ thống di tích cách mạng Cẩm Thanh có tiềm năng phát huy tốt trong tương lai khi được lồng ghép vào tuyến du lịch Làng quê sinh thái Cẩm Thanh và qua đó góp phần tuyên truyền những giá trị văn hóa cách mạng cho nhân dân và du khách.