TRUYỀN THỐNG VĂN HOÁ CỦA MỘT LÀNG QUÊ CÁCH MẠNG, LÀNG NGHỀ THỦ CÔNG
Có một làng quê ở hạ nguồn sông Thu, cách Phố cổ Hội An 3km về phía Tây Nam đã trở thành một làng quê cách mạng đó là làng Kim Bồng, nay là xã Cẩm Kim. Thành quả cách mạng đó bắt nguồn từ nhiều yếu tố nhưng có một phần quan trọng từ truyền thống của một làng nghề phát triển, một làng quê giàu truyền thống văn hoá.
Ngược dòng lịch sử theo hồi ức của người dân trong xã thì vào cuối thế kỷ XV, thế kỷ XVI, thủy tổ các tộc Nguyễn, Huỳnh, Phan, Trương từ Bắc bộ, Bắc Trung bộ theo dòng người trong hai cuộc di cư ở cuối thế kỷ XV và thế kỷ XVI đã đến Kim Bồng khai lập làng xã. Về sau các vị thủy tổ tộc Lê, Trần, Đỗ, Võ, Phạm, Lưu, Vương... cùng qui tụ về Kim Bồng hình thành nên làng xã có 12 chư tộc phái. Đến thời Nguyễn, xã Kim Bồng thuộc Tổng Mỹ Khê, huyện Duy Xuyên, phủ Điện Bàn gồm các ấp Ngọc Uẩn, Ngọc Thành, Phước Thắng, Vĩnh Hưng, Trung Hà, Trung Châu, Đông Hà, Vĩnh Thành và các xứ đất Tây Giang, Nam Giang, Hà Nới... Hiện nay, Cẩm Kim có 5 thôn: Phước Thắng, Trung Châu, Trung Hà, Đông Hà, Vĩnh Thành. Trải qua 500 năm, từ một xóm nhỏ ven sông đã trở thành một làng quê nổi tiếng của Quảng Nam và miền Trung.
* Đó là một làng quê có nghề thủ công, thương mại phát triển. Bởi ở Kim Bồng từ bao đời đã lưu truyền câu ca:
Chồng làm thợ, vợ làm nông để phản ánh rằng ở Kim Bồng kinh tế nông nghiệp không đóng vai trò chủ đạo trong xã và ngay cả trong gia đình. Thật vậy, do Kim Bồng nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, gần cảng thị Hội An và Cửa Đại nên các nghề dịch vụ, buôn bán, thủ công có liên quan đến đường thủy khá phát triển. Trước năm 1945, ở Kim Bồng, các nghề buôn nguồn (
chở hàng lên miền Tây Quảng Nam bằng ghe để bán); buôn ghe bầu (
ghe lớn, đi đường biển đến buôn bán ở các tỉnh duyên hải miền Trung); bán dầu rái để sơn trét ghe, thuyền; hấp cá (
bán ở vùng sơn cước Quảng Nam) và các nghề thủ công dệt lụa ươm tơ, mộc, nề, dệt chiếu, đánh bắt sông nước rất phát triển. Trong số các nghề truyền thống đó, có 2 nghề nổi bật, thu hút nhiều nhân công tham gia là nghề mộc nề và dệt chiếu.
Nghề mộc, nề Kim Bồng có từ cách đây khoảng 500 năm và đã làm rạng danh Kim Bồng trong nhiều thế kỷ, tạo ra nguồn thu nhập lớn cho nhiều thế hệ thợ mộc, nề. Nghề phát triển đến mức có sự phân công theo từng lĩnh vực ứng với những địa bàn riêng. Trong đó, nghề mộc xây dựng, mộc gia dụng tập trung ở các ấp Trung Châu, Vĩnh Hưng, nghề đóng ghe có nhiều ấp Đông Hà, Ngọc Thành. Trong lịch sử, bàn tay tài hoa của thợ mộc Kim Bồng không chỉ chế tác đồ gỗ gia dụng, mỹ nghệ đẹp, đóng ghe bầu, thuyền nan mà còn xây dựng nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật lớn ở Hội An, Sài Gòn, Đà Lạt, Nha Trang. Vì thế, nhiều thợ mộc, nề giỏi được triều đình Nguyễn chiêu mộ ra Huế xây dựng lăng tẩm cho các vua, được phong danh Công tượng, phong hàm Bát phẩm, Cửu Phẩm (
như Cửu Yêm, Thủ Khoa, Mục Đồ...). Đến đầu thế kỷ XX, Kim Bồng có nhiều thợ mộc làm thuê cho các xưởng mộc lớn của tư bản Pháp như xưởng Robert ở Đà Nẵng, họ trở thành những người công nhân đầu tiên của làng. Sự phát triển của làng nghề Kim Bồng còn được ghi đậm trong văn hoá dân gian xứ Quảng qua câu ca:
Phú Bông dệt lụa, dệt saKim Bồng thợ mộc, Ô Gia thợ rừng Cùng với sự phát triển của nghề mộc thì cách đây 50 năm trở về trước, đã có nhiều trại mộc đóng ghe, trại cưa gỗ bãi tiếp nhận bè gỗ từ miền núi đưa về theo sông Thu Bồn như trại của ông Cửu Đoan, ông Phó Thạnh, ông Hạnh, ông Xã Ba. Do được làm việc ở các đô thị lớn, các trại mộc, trại cưa trở thành nơi tiếp nhận thông tin cách mạng nên thợ mộc Kim Bồng đã sớm tiếp thu những tư tưởng tiến bộ, sớm tham gia phong trào cách mạng trong thời kỳ trước khi có Đảng và thời kỳ Tiền khởi nghĩa trong đó nổi bật có các đồng chí Nguyễn Vỹ, Hoàng Kim Ảnh, Nguyễn Phe, Trương Tòng… Hiện nay với hàng trăm thợ mộc, nề đang làm việc ở 2 công ty xây dựng tại Hội An do người Kim Bồng quản lý, đóng vai trò quan trọng bảo tồn khu phố cổ Hội An. Đặc biệt, ở Kim Bồng, các lớp thợ trong 3 cơ sở mộc mỹ nghệ, 7 cơ sở đóng thuyền vẫn đang sôi động tiếng đục, tiếng cưa, tiếng búa đóng để nên những chiếc ghe, thuyền, các bức tượng, phù điêu thể hiện nét tài hoa, lộng lẫy của nghệ nhân, hấp dẫn hàng trăm du khách đến tham quan mỗi ngày. Trong đó, có nhiều nghệ nhân trẻ đã được đào tạo từ cơ sở mộc nghệ nhân Huỳnh Ri, Huỳnh Xướng qua đó tạo nên một niềm tin mạnh mẽ về sự trường tồn trong tương lai của làng nghề Kim Bồng.
Nghề dệt chiếu cũng có lịch sử hàng trăm năm bởi từ lâu vùng đất thấp trũng ven sông Kim Bồng phù hợp cho cây lát (
cói) phát triển và nghề dệt chiếu được phổ biến ở vùng Thượng Phước, Đông Hà, Vĩnh Thành, Phước Thắng. Các loại chiếu hoa bền, đẹp đã được người dân Kim Bồng dệt, tiêu thụ rộng rãi ở Quảng Nam để cải thiện đời sống, giải quyết thời gian nông nhàn. Những người bán chiếu Kim Bồng cũng đã góp phần rãi truyền đơn, tiếp cận nội ô thu thập thông tin cho các bộ cách mạng ở vùng giải phóng trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Hiện nay, có hàng chục hộ dệt chiếu với hơn 10 khung dệt tập trung ở thôn Đông Hà, Phước Thắng vẫn tiếp tục trồng các đồng lát xanh ngát ở ven sông Thu, rồi nhuộm lát để lúc nông nhàn dệt chiếu chữ Thọ, chiếu hoa…Nhiều hộ dệt chiếu đã tham gia vào tour du lịch cộng đồng Cẩm Kim góp phần hấp dẫn du khách đến với Cẩm Kim trong chuỗi tham quan di tích tín ngưỡng, làng mộc, nghề dệt chiếu, sông nước, chợ quê vùng Cẩm Kim.
*Kim Bồng còn là một làng quê có sự cố kết cộng đồng cao. Trong quá trình khai hoang, xây dựng quê hương, các thế hệ cư dân đã chung sức xây dựng nhà thờ tộc thờ tổ tiên, viết gia phả tộc họ ghi ơn công đức tiền nhân. Đặc biệt, người dân đã quyên góp xây dựng nhà thờ Phái Tư (
thờ bốn tộc tiền hiền: Nguyễn, Huỳnh, Phan, Trương,
di tích này đã bị hư hại trong chiến tranh), Đình Tiền hiền… để thờ cúng thần linh, thành hoàng, các vị tiền nhân, làm nơi hội họp cộng đồng. Đầu thế kỷ XX, tín đồ Phật giáo cùng các sư, thầy xây chùa làng Kim Bửu làm nơi thờ Phật, hành đạo, cầu siêu, cầu an và trở thành. Hầu hết các di tích ở Kim Bồng đều có cảnh quan đẹp, có giá trị kiến trúc nghệ thuật, được chính các thợ mộc nề của làng xây nên. Các di tích này đều trở thành nơi hoạt động, ghi dấu nhiều chiến tích của quân, dân Kim Bồng trong các thời kỳ cách mạng, đặc biệt Chùa Kim Bửu là nơi diễn ra các hội nghị quan trọng của Tỉnh ủy, Thành ủy Hội An trong các năm 1944, 1945 và di tích này vừa đón nhận bằng công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh.
Gắn liền với các di tích là những sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng cộng đồng đặc sắc phản ánh đời sống tâm linh phong phú của một làng quê, làng nghề ven sông Thu. Long trọng nhất là lễ giỗ Tổ nghề mộc, diễn ra vào mồng 6 tháng Giêng âm lịch hàng năm để tưởng nhớ Tổ nghề mộc, các vị tiền nhân, cầu an cho xóm làng với sự tham gia của nhiều thợ mộc, nề làm việc ở nhiều nơi. Trong lễ tế, người dân vẫn còn giữ tục lấy mực (
đo gỗ) và coi giò gà đầu năm để đoán sự lành dữ của làng nghề.
Không chỉ tài hoa trong nghề mộc, nề mà người dân Kim Bồng còn có khả năng diễn xướng dân gian tốt ở các loại hình hát bội, hò khoan, hò giã vôi, hò đưa linh, tập võ thuật. Trước đây, ở Cẩm Kim còn diễn ra hội đua thuyền vào Rằm Tháng Tám thu hút nhiều ghe đua tham dự trong sự cổ vũ reo hò của đông đảo nhân dân trên hạ nguồn Thu Bồn.
Những di sản văn hoá quí báu đó của cha ông luôn được hậu thế quan tâm bảo tồn, phát huy. Đã có một di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia Nhà thờ tộc Phan Xuân (
Di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia), 2 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh (
Đình tiền hiền Kim Bồng, Chùa Kim Bửu) và có nhiều di tích quan trọng được quan tâm tu bổ.
Ngoài ra, mặc dầu là một làng thợ nhưng người dân Kim Bồng rất hiếu học. Trong đầu thế kỷ XX, chính quyền Thực dân chỉ lập một trường tiểu học ở Kim Bồng, vì vậy những người có khả năng học ở cấp cao hơn phải qua Hội An học như bà Trương Thị Quế Anh, ông Phan Trí, Phan Thanh, ông Hóa... Tuy điều kiện bị hạn chế nhưng đông đảo người dân nhất là thanh thiếu niên Kim Bồng vẫn chủ động học quốc ngữ, Hán văn tại nhà các ông giáo trong làng, thể hiện tinh thần hiếu học của nhân dân xã nhà. Lúc bấy giờ, tại xã có các thầy dạy chữ Nho (
Hán) là ông xã Thơ, ông Đằng, dạy chữ quốc ngữ có các ông giáo Nguyễn Hồ, Sáu Lại, Trương Quế Phương... Những người tham gia học trong thời kỳ này đã trở thành những cán bộ cốt cán trong phong trào bình dân học vụ của địa phương cũng như góp phần đảm đương tốt các nhiệm vụ cách mạng.
Từ một làng nghề phát triển, một làng quê có truyền thống cố kết cộng đồng cao kết hợp hình thành nên cốt cách chất phác, tài hoa, thuần hậu, yêu nước. Đây là tiền đề văn hóa, xã hội quan trọng để nhân dân Kim Bồng sớm tìm đến những tư tưởng yêu nước tiến bộ, sớm tham gia phong trào cách mạng tiền khởi nghĩa và kiên trì, nỗ lực giành được nhiều thành quả cách mạng tiêu biểu dưới sự lãnh đạo của Đảng ta từ năm 1930.