TRAO ĐỔI QUANH MỘT SỐ ĐỒ SỨ TRANG TRÍ ĐỀ TÀI CHIM LIỀN CÁNH, CÂY LIỀN CÀNH

Thứ năm - 12/07/2012 21:26
Một số tư liệu liên quan đến các đề tài trang trí trên đồ sứ, chúng tôi mới biết rằng, thật ra cách trang trí như trên có một ý nghĩa thật sâu sắc, độc đáo được rút ra từ điển tích “chim liền cánh, cây liền cành” có nguồn gốc Trung Quốc.
TRAO ĐỔI QUANH MỘT SỐ ĐỒ SỨ TRANG TRÍ ĐỀ TÀI
CHIM LIỀN CÁNH, CÂY LIỀN CÀNH
 
     Trong quá trình sưu tầm hiện vật chúng ta bắt gặp ở một số gia đình, quầy lưu niệm tại Hội An những đồ sứ, phổ biến là các loại đĩa, bát trang trí đề tài chim, cây, hoa lá với cách thể hiện có một số điểm khá lạ mắt. Hình chim hai đầu, hai cánh trông như một cặp chim đang bay. Hình cây có hai gốc mọc từ đất lên nhưng cành lá lại xoắn xít, liền nhau. Đã có một giai đoạn chúng ta (tôi và một số anh em trong cơ quan) gọi đó là những chiếc bát, dĩa “song hạc” (hai chim hạc đang bay) hoặc “sơn thủy”, “hoa điểu” (sông núi, hoa chim)...
Về sau này, khi đọc một số tư liệu liên quan đến các đề tài trang trí trên đồ sứ, chúng tôi mới biết rằng, thật ra cách trang trí như trên có một ý nghĩa thật sâu sắc, độc đáo được rút ra từ điển tích “chim liền cánh, cây liền cành” có nguồn gốc Trung Quốc. Nhìn kỹ các hình chim đang bay trong các dĩa này chúng ta thấy rằng chúng luôn có hai đầu nhưng chỉ có hai cánh và hai chân. Tư thế như vậy của các hình trang trí trông giống như một cặp chim đang bay. Thật ra, đây là một đề tài trang trí được rút ra từ điển tích “chim liền cánh” của Trung Quốc để nói về lòng chung thủy, về tình yêu đôi lứa gắn bó không rời. Chuyện kể rằng: Có một loài chim màu xanh, sống ở phương Nam, Trung Quốc, chỉ có một mắt và một cánh. Chim trống, mái kết thành một cặp, muốn bay con mái chắp liền cánh với con trống mới bay được. Người ta gọi loại chim này là Tỵ dực điểu (chim liền cánh). Dùng đề tài “chim liền cánh” để trang trí các bát, dĩa dùng hàng ngày dường như người xưa muốn nhắc nhở về lòng chung thủy, về tình yêu vợ chồng son sắt, gắn bó, nương tựa lẫn nhau. Đây quả là cách giáo dục sâu sắc và cũng là một ý tưởng đậm tính nhân văn mà người xưa muốn gửi gắm cho hậu thế. Đề tài cây liền cành cũng có ý nghĩa tương tự như vậy. Nó được thể hiện bằng hình ảnh hai gốc cây mọc từ dưới đất lên và có các cành lá liền nhau. Đôi khi trong một chiếc dĩa, bát người ta thể hiện cùng một lúc cả hai đề tài chim liền cánh, cây liền cành. Điển tích kể rằng Tức thị vợ Hàn Phùng bị vua Tống (thời Chiến Quốc) bắt vào cung ép làm vợ. Hàn Phùng vì uất hận phải tự tử. Tức thị thương chồng, muốn giữ gìn lòng chung thủy và bảo vệ trinh tiết nên đã nhảy xuống lầu cao tự vẫn. Xác hai người chôn gần nhau và trên hai ngôi mộ bổng mọc lên hai cây lạ, cành lá của chúng chụm vào nhau, xoắn xít không rời. Người ta cho rằng đó là Hàn Phùng - Tức thị hóa sinh để được gần nhau mãi mãi. Về sau điển tích này được thể hiện trên đồ sứ như muốn ca ngợi lòng chung thủy, đề cao tình yêu lứa đôi gắn bó và cũng để thể hiện sự đồng cảm đối với một câu chuyện tình bất tử.     Từ các điển tích này, ở nước ta khi muốn thể hiện nguyện vọng muốn chung sống gần nhau của tình yêu đôi lứa người ta thường nói: “Trên trời, nguyện làm chim liền cánh, dưới đất nguyện làm cây liền cành”.
  Như vậy, chúng ta thấy rằng việc trang trí trên các đồ gốm sứ không chỉ nhằm tôn vẻ đẹp hình thức của chúng mà qua đó người xưa còn muốn gửi gắm tâm huyết, ưu tư, hy vọng về một tình yêu con người, tình yêu lứa đôi tốt đẹp, về cuộc sống không có chia ly, mất mát, đau thương. Điều đó nhắc nhở, gợi mở cho chúng ta rất nhiều điều!

Tác giả: Trần Văn An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây