25 NĂM - MỘT PHẦN TƯ THẾ KỶ

Thứ năm - 12/07/2012 21:40
Ngày 19/3/1985, Bộ Văn hóa ra Quyết định xếp hạng Di tích Quốc gia Khu Phố cổ Hội An.
   Tháng 6/1982, khi đang là Trưởng Tiểu ban hợp tác Ba Lan - Việt Nam tu bổ di tích Mỹ Sơn, Kiến trúc sư người Ba Lan, Kazimierz Kwiatkowsky (KAZIC) đến Hội An. Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND và lãnh đạo phòng Văn hóa Thông tin Thị xã trực tiếp đón và hướng dẫn tham quan phố cổ. Kết thúc chuyến thăm, về lại phòng họp, Kazic nói rằng người Hội An đang ngồi trên đống vàng, rằng tài nguyên này là vô giá. Ông muốn sẽ cùng Trung tâm Bảo quản Tu bổ Di tích Trung ương xây dựng hồ sơ khoa học về Khu phố cổ Hội An trình Bộ Văn hóa xếp hạng Di tích cấp Quốc gia. Hứa là làm, vào cuối năm sau, cùng GS-TS-KTS. Hoàng Đạo Kính, ông dẫn đầu đoàn kiến trúc sư của Trung tâm vào Hội An bắt đầu cuộc dấn thân vì một tương lai cho Hội An. Sở Văn hóa cử chuyên viên rồi cả Trưởng, Phó phòng Nghiệp vụ Bảo tàng của Sở vào Hội An tham gia chụp ảnh phố cổ, lần đầu tiên, suốt 2 năm 1983 và 1984. Phố Hội An xuất hiện thật sôi động cảnh phối hợp nhịp nhàng giữa Trung ương, tỉnh và Hội An chung tay xây dựng hồ sơ khoa học vì một mục đích đệ trình cấp trên xem xét. Rồi ước mơ thành sự thật, ngày 19/3/1985, Bộ Văn hóa ra Quyết định xếp hạng Di tích Quốc gia Khu Phố cổ Hội An. Để đáp lại câu hỏi lớn đặt ra rằng Nhà nước xếp hạng, giới khoa học và nhân dân có đồng tình không, đến tháng 7 năm ấy, Hội nghị Khoa học về Khu Phố cổ Hội An lần thứ nhất đã được tổ chức tại trường Đảng tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (hồi ấy không dùng từ hội thảo). Thứ trưởng Bộ Văn hóa Nông Quốc Chấn, Giáo sư - Viện sĩ Phạm Huy Thông, cùng các Giáo sư Trần Quốc Vượng, Hoàng Đạo Kính chủ tọa. Hơn 200 đại biểu khoa học của cả nước tề tựu đồng lòng khẳng định giá trị văn hóa vô giá của Khu Phố cổ Hội An. Trong tham luận của mình, nhiều nhà khoa học nói, không cần làm hội nghị thứ hai nữa vì đã quá rõ, quá tuyệt vời rồi. Phố cổ Hội An là báu vật trời cho của cả dân tộc Việt Nam. Tự hào quá, mừng đến nghẹn lời. Tất cả đều lạ lẫm, mới mẻ và tỏ ra lúng túng trước một đống vàng hiển hiện. Bây giờ làm gì và làm như thế nào đây. May sao, cũng thật nhạy bén, trên tinh thần ba mũi giáp công của một thời chiến trận, Đảng bộ, Chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể Hội An bước vào vận mệnh mới. Mặc dù còn nhiều vướng bận trước các công việc bộn bề nhưng những Nghị quyết, những chủ trương vẫn được khẳng định, tạo sự thống nhất đồng lòng trong các cấp lãnh đạo và nhân dân địa phương dần định hình cho hoạt động bảo tồn Khu Phố cổ. Cán bộ di tích có thêm trọng trách. Và đấy cũng là căn nguyên để một ngành mới xuất hiện, một cơ quan mới ra đời trực thuộc UBND Thị xã.
    Tháng 02/1986, Ban Quản lý Di tích và Dịch vụ Du lịch Hội An được thành lập trực thuộc UBND Thị xã. 13 thành viên tách từ Phòng Văn hóaNhà khách Ủy ban về nhà số 100 - Trần Phú làm trụ sở. Vậy là một cơ quan có 2 chức năng quản lý di tích - dịch vụ du lịch và vô hình trung cũng là khởi đầu cho 2 công việc rất mới, rất quan trọng cho cả Thị xã trước đống vàng quý giá này. Hồi ấy để có được nhận thức kịp thời này là cả những trăn trở, ưu tư lớn của các cấp lãnh đạo Thị xã, nhất là vừa mới bước chân ra khỏi cuộc chiến đầy gian nan, thử thách còn muôn vàn những công việc phải làm, phải ưu tiên sức người, sức của.
    Phố cổ Hội An là của Quốc gia còn đối với Quốc tế thì sao. Để trả lời câu hỏi này một loạt các biện pháp được thực thi. Nổi bật trên hết là những hoạt động quảng bá, tuyên truyền trong dân, trong giới khoa học và mặt trận dịch vụ du lịch. Hàng chục cuộc triển lãm hình ảnh Phố cổ được tổ chức ở Hội An, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Cán bộ của Ban đi triển lãm trải chiếu dưới nền nhà làm khách sạn. Ăn uống thất thường, chỉ có mì tôm Miliket vì không dễ gì tìm ra quán ăn trong thời điểm cần. Đất nước chưa đổi mới kéo dài nhiều hệ lụy. Những nỗ lực của lãnh đạo Thị xã và cán bộ nhân viên Ban Quản lý rồi cũng đạt được nhiều thành quả lớn. Tiếng đồn về Hội An vang xa…
Công việc nghiên cứu, bảo tồn Khu Phố cổ Hội An ngày càng vỡ ra những ý niệm mới. Thì ra, Khu Phố cổ chỉ là hạt nhân hiện tồn còn độ bao quát lớn, dày, sâu sắc và không gian văn hóa bao la hơn lại là cả Đô Thị cổ. Chương trình nghiên cứu cho cả vùng ngoại vi được đề cập. Bằng kinh phí tài trợ của hãng giấy DAIYO - Nhật Bản, một loạt các đề tài khoa học về lịch sử văn hóa được triển khai. Bởi trong tiến trình lịch sử, hoạt động đô thị - thương cảng quan hệ đến cả vùng và khu vực. Tháng 3/1990, Hội thảo Quốc tế về Đô Thị cổ Hội An được tổ chức ở Thành phố Đà Nẵng. Bà Nguyễn Thị Bình, Giáo sư - Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng, các giáo sư Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hoàng Đạo Kính làm Chủ tọa. Hơn 150 nhà khoa học của 11 nước tham dự cùng chung tiếng nói đánh giá cao giá trị lịch sử văn hóa ở tầm quốc tế của Đô thị cổ Hội An. Cán bộ nghiệp vụ của Ban xuất hiện tại Hội thảo được các bạn Nhật Bản tôn trọng gọi là giáo sư. Tiếng vang từ Hội thảo đến bạn bè gần xa, khách du lịch đến thăm phố cổ ngày càng nhiều. Cán bộ Ban chia nhau đón đưa, hướng dẫn, thuyết minh cùng kết hợp trùng tu di tích, giám định cổ vật, làm phim về Hội An và tổ chức Nhà khách… Mồ hôi đổ ra như tắm, làm việc quên cả ngày giờ nhưng thật vất vả, thật vui. Tuy có đôi chút buồn vì lời giải thích chưa thấu đáo để những phẫn nộ “đòi xin tý tiết cán bộ quản lý di tích” của vài người do bức xúc không được đáp ứng tu bổ di tích theo ý muốn mình. Cũng bất chấp luôn những kiến nghị bảo thủ yêu cầu lãnh đạo Thị xã xét tư cách của cán bộ văn hóa Hội An rằng “đã khôi phục mê tín dị đoan khi tổ chức ghi hình, ghi âm, biểu diễn hát múa Bả Trạo, cho dân vào hương khói ở Chùa Ông…”. Vụ Bảo tồn Bảo tàng, Sở Văn hóa tỉnh hướng dẫn Ban chuẩn bị các bước đầu tiên cho chuẩn bị hồ sơ khoa học về Đô Thị cổ đệ trình UNESCO xem xét. Một lần đến thăm Phố, giáo sư JOEN, giảng viên trường Cao đẳng Xã hội Pari nói rằng “Trong quá khứ, Hội An từng là thương cảng quốc tế thì tương lai phải trả nó về vị trí quốc tế của nó”. Ông cũng nói rằng “Hội An là điển hình cho một hình thái đô thị - thương cảng cổ, Hội An sẽ là mẫu hình cho việc viết lại lịch sử đô thị trên thế giới”. Ngày ấy chưa ai hiểu được câu nói của Giáo sư, sau này khi dịch vụ du lịch nở ra bề bộn, tấp nập khách đến mới thấm thía hơn vị trí Quốc tế, giá trị toàn cầu của Đô Thị - Thương cảng cổ Hội An trong đời sống hôm nay.  


 
   Vậy nhưng, Trời chẳng chiều lòng người, Ban Quản lý Di tích và Dịch vụ Du lịch Hội An chung số phận như các phòng ban khác theo chủ trương sát nhập các cơ quan từ Trung ương dội về. Tháng 11/1991, Nhà khách nhập về Công ty Du lịch - Dịch vụ. Tháng 5/1992, Ban Quản lý Di tích và Dịch vụ Du lịch Hội An nhập vào Phòng Văn hóa Thông tin Thị xã thành Bộ phận Nghiệp vụ Quản lý Di tích. Cuộc tan đàn sẻ nghé đảo lộn tổ chức tuy ảnh hưởng ít nhiều đến chương trình lớn các hoạt động nghiên cứu - bảo tồn di sản nhưng cán bộ Quản lý Di tích vẫn vững tâm gắn bó với các chuyên gia Nhật Bản thực hiện nghiên cứu Đô thị cổ. Lại quay phim để phát trên sóng truyền hình Nhật Bản, lại trùng tu di tích, kiểm kê cổ vật, lại thực hiện Dự án Nghiên cứu Khảo cổ Văn hóa Sa Huỳnh do Toyota Foundation tài trợ. Miệt mài, gắn bó với Hội An giai đoạn này là các giáo sư Trần Quốc Vượng, Lâm Thị Mỹ Dung, các nhà nghiên cứu Nguyễn Chiều, Hồ Xuân Tịnh. Tại Hội thảo Quốc tế về Văn hóa Sa Huỳnh ở Hội An khi kết thúc Dự án, giáo sư Trần Quốc Vượng nhận xét rằng “Cán bộ nghiên cứu khoa học của Hội An giỏi làm nhất nước, phương tiện nghiên cứu hiện đại nhất nước và đạt hiệu quả cao nhất nước”. Những lời khen trên của giáo sư là sự động viên lớn không chỉ cho một đội ngũ 7 người trực tiếp trong cuộc, tuy kém tiếp cận thủ tục quản lý tài chính nhưng say mê khoa học mà còn cho cả sự nghiệp bảo tồn giá trị di sản văn hóa Hội An.
    Tin vui liên tục dội về. Năm 1993, Quần thể di tích Cố đô Huế được công nhận Di sản Văn hóa Thế giới. Năm 1994, Vịnh Hạ Long được công nhận Di sản Thiên nhiên Thế giới. Tất cả đều là tấm gương, là đòn bẩy cho những nỗ lực mới của Hội An tập trung nghiên cứu xây dựng hồ sơ. Tháng 10/1996, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di tích Hội An được thành lập, lực lượng cán bộ được tăng cường đến 33 người. Được sự giúp đỡ của Vụ Bảo tồn Bảo tàng, tháng 7/1997, hồ sơ khoa học về Đô Thị cổ Hội An chính thức được Chính phủ phê chuẩn và gửi đến UNESCO. Sau nhiều lần các đoàn chuyên gia được UNESCO cử đến giám định, kiểm tra thực tế về nhận thức của mọi người trong Khu Phố cổ. Các chuyên gia thận trọng để kết luận một điều là người dân có đồng tình gìn giữ bảo tồn Phố cổ không. Việc xếp hạng là dễ, việc giữ danh hiệu mới là khó. Hội An làm được không. Cán bộ Quản lý Di tích phối hợp với lãnh đạo các phường trọng điểm lại lao vào cuộc. Những lần họp dân, những diễn đàn liên tục được mở ra. Mồ hôi lại đổ không phải như người nông dân trên những luống cày mà là đổ trên từng mét đất Khu phố, từ khi có nắng mặt trời đến cả đêm về lúc khuya khoắt sương sa. Rồi những phân vân cũng được gỡ bỏ, ngày 04/12/1999, UNESCO chính thức ghi tên Đô Thị cổ Hội An cùng người láng giềng Mỹ Sơn vào danh mục Di sản Thế giới. Tin vui nổ trời. Quảng Nam cùng lúc có 2 Di sản. Đấy là kết quả của trí tuệ và mồ hôi biết bao con người cho một tôn vinh, một danh hiệu cao quý. Di sản của Tiền nhân được các thế hệ sau gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị thật ngoạn mục. Từ đây, Hội An đổi đời, con người và Phố thêm sức sống mới. Đi đến đâu cũng thấy sáng chói thương hiệu Hội An Di sản. Trên nền Văn hóa - Di sản, thương mại phát triển, du lịch dập dìu khách đến từ mọi nơi trên thế giới. Thu nhập bình quân đầu người tăng dần lên. Hội An khởi sắc không chỉ riêng ai. Bây giờ mới thấm thía những nhận xét của giáo sư Joen, “Hội An chỉ có thể giàu lên khi biết xuất khẩu tại chỗ qua con đường du lịch dịch vụ” và câu nói của KTS Kazic từ năm 1983, “nếu cho tôi một ngôi nhà trong phố Hội An, tôi sẽ trở thành triệu phú”. Thực tế, ở Hội An đã và đang có nhiều tỷ phú. Cả phố Hội An đang sống cuộc đời của những tỷ phú qua cách nghĩ, cách làm, ý tưởng luôn nảy nở sinh sôi. Việc tu bổ để bảo tồn di tích đã lên đến con số trăm triệu, ngàn triệu. Người dân có thu nhập sẵn sàng đóng góp. Bây giờ, nếu hỏi có cần bảo tồn phố cổ không, sẽ có người ngờ vực hình như đối tượng hỏi có cái đầu không bình thường. Bởi đấy là kết quả của sự nghiệp bảo tồn. Bởi ít thấy ở đâu như Hội An, được các cấp trên tin cậy phó thác, Đảng - Nhà nước đưa ra những quyết sách bảo tồn, phát triển kinh tế hợp lòng dân, vì lợi ích cho dân và được dân ủng hộ hết mình. Nhưng nghịch lý luôn xảy ra, thường thì giàu, nhiều tiền của hoặc vì cái đích ấy mà nhiều người vẫn cố trình làm ẩu. Lãnh đạo lại giao thêm việc giám sát cấp phép tu bổ di tích Khu Phố cổ. Cán bộ di tích lại thêm lao đao vất vả. Những người làm nghề quản lý di tích chẳng thấy ai giàu, chỉ thường nhận nhiều tiếng trách móc hờn dỗi, sau này về hưu vẫn thế. Bông hoa Sen được khen là đẹp bởi hoa nổi lên trên mặt nước, gốc rễ nó ở dưới bùn ít được nhìn thấy. Thậm chí nếu được quan tâm chút chút vẫn sợ mấy lời tỵ hiềm. Vậy nên vẫn ráng bươn chải theo nhiệm vụ như lời thông cảm của một Nghệ nhân Quốc gia tặng tấm tranh khắc chữ cho cán bộ bảo tàng cũng là lời nhắn gửi chung “Sống trong đời cần có một tấm lòng”. Đúng vậy, đội ngũ quản lý di tích di sản Hội An đã có một tấm lòng và không hổ thẹn những gì đã cống hiến, đã dấn thân âm thầm làm gốc rễ cho Bông Sen rực rỡ.
    Sau bao gian nan vất vả, những giá trị văn hóa được nghiên cứu, đánh giá, phơi bày, tiếng vang về kết quả khai quật tàu cổ đắm dưới lòng biển Cù Lao Chàm như hồi chuông vang rền dội vào tiềm thức mỗi người, Khu Rừng Đặc dụng, Khu Bảo tồn Biển được xác định, Cù Lao Chàm cũng có đến 7 di tích cấp Quốc gia, từng bước - từng bước khẳng định tiềm năng và tài nguyên văn hóa, tài nguyên thiên nhiên. Tháng 5/2009, một lần nữa, sự kiện vui nổ trời lại diễn ra. UNESCO công nhận Cù Lao Chàm - Hội An là Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới. Sau bao cố gắng mới có thêm được một vinh danh. Hội An có đến hai tầm cỡ Văn hóa Thế giới. Cán bộ quản lý di tích - di sản lại tiếp tục bước trên con đường mới theo tinh thần giao đâu làm đó, miễn là hoàn thành nhiệm vụ.
   Nếu tính từ thời điểm mở cửa Nhà truyền thống Cách mạng Hội An là 34 năm (1977 - 2011), từ khi Tổ Nhà Truyền thống Cách mạng hoạt động theo bài bản là 29 năm (1982 - 2011). Nếu tính từ khi Ban Quản lý Di tích và Dịch vụ Du lịch Hội An được thành lập là 25 năm (1986 - 2011), tức là một chặng đường lịch sử hết sức quan trọng. 25 năm - một phần tư thế kỷ, một góc đời người. Nhắc lại một số sự kiện trên, dẫu chưa đủ nhưng để thêm một lần nữa thâm trầm, ưu tư, thêm một lần khẳng định về sự góp mặt... Sau này dẫu vật đổi sao dời, những cán bộ di tích không biết làm giàu cho cá nhân mình, chỉ biết góp phần làm giàu cho Phố và Người Hội An sẽ vẫn tiếp tục tự nguyện thầm lặng hoạt động, không mong tuyên dương công trạng, nguyện làm gốc rễ cho Bông Sen nở mãi, rực rỡ sắc hương, thanh khiết cao quý. Con đường đi lên thật nhiều gập gềnh, trắc trở, đôi lúc tưởng hụt hơi, đuối sức nhưng với niềm tin và tấm lòng nên rồi mọi mất mát thua thiệt cũng đã qua. Tất cả để cho bây giờ, với tên gọi mới là Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An, lực lượng được tăng cường bổ sung lên đến 75 người được đào tạo bài bản, Trung tâm đang nỗ lực cho sự xứng tầm tin yêu, gửi gắm thân ái… Nhân dịp lần thứ 7, ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11), lần thứ 12, ngày Đô Thị cổ Hội An được UNESCO công nhận Di sản Văn hóa Thế giới (04/12), nhìn lại chặng đường qua để thấy thêm tự hào trước những cống hiến và vững tin vào tương lai, vào hành động cho một hậu thế Hội An cùng sự nghiệp Di sản - Sinh quyển được bảo tồn vững chắc, phát huy bền vững vì muôn đời con cháu mãi mãi mai sau.

Tác giả: Nguyên Đức Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây