Theo thống kê gần đây, hiện trên địa bàn thành phố Hội An có 1.394 di tích, trong đó nằm ngoài khu phố cổ có 252 di tích. Các di tích nằm ngoài khu phố cổ là một bộ phận không thể tách rời của di sản thế giới Hội An và có vai trò rất quan trọng, góp phần nêu bật giá trị toàn cầu của khu di sản. Trong những năm gần đây, vai trò, vị trí, giá trị của bộ phận di sản ngoài khu phố cổ bao gồm cả hai phương diện vật thể và phi vật thể ngày càng được nhận thức đầy đủ và toàn diện hơn.
CÔNG TÁC QUẢN LÝ CÁC DI TÍCH NGOÀI KHU PHỐ CỔ
Theo thống kê gần đây, hiện trên địa bàn thành phố Hội An có 1.394 di tích, trong đó nằm ngoài khu phố cổ có 252 di tích. Các di tích nằm ngoài khu phố cổ là một bộ phận không thể tách rời của di sản thế giới Hội An và có vai trò rất quan trọng, góp phần nêu bật giá trị toàn cầu của khu di sản. Trong những năm gần đây, vai trò, vị trí, giá trị của bộ phận di sản ngoài khu phố cổ bao gồm cả hai phương diện vật thể và phi vật thể ngày càng được nhận thức đầy đủ và toàn diện hơn.
Qua thực tế khảo sát, với số lượng ban đầu là 252 di tích nhưng bộ phận di sản này bao gồm đầy đủ các loại hình theo luật di sản văn hoá, trong đó di tích lịch sử: 50; di tích khảo cổ: 11; di tích kiến trúc nghệ thuật: 183; danh thắng: 8
Giá trị của các di tích này được xác định qua sự xếp hạng của các cấp, trong đó có 17 di tích xếp hạng cấp quốc gia: 26 di tích xếp hạng cấp tỉnh và 209 di tích nằm trong danh mục bảo vệ của thành phố. Đó là chưa kể các di tích đang trong quá trình làm hồ sơ đề nghị Trung ương, tỉnh xếp hạng và các di tích nằm ở các xã phường chưa được đưa vào danh mục bảo vệ của thành phố. Không kể quần thể di tích kiến trúc Khu phố cổ Hội An đã được công nhận là di sản văn hoá thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, đối với một địa phương có diện tích khiêm tốn như Hội An thì đây là những con số về di tích rất có ấn tượng.
Trong các năm qua, việc quản lý các di tích nằm ngoài khu phố cổ được thực hiện theo luật Di sản văn hoá và các Nghị định, Quy chế của Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch và tỉnh Quảng Nam về quản lý bảo tồn di sản văn hoá. Để tăng cường phân cấp quản lý di tích cho các xã, phường theo luật di sản văn hoá, từ năm 2008, UBND thành phố đã ban hành danh mục di tích lịch sử - văn hoá trên địa bàn thành phố và phân cấp, bàn giao cho các xã phường trực tiếp quản lý các di tích này theo luật định.
Cho đến nay, các di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh ở vùng ven đều đã thành lập Tổ quản lý di tích để thực hiện việc quản lý, bảo vệ, sử dụng di tích. Các di tích nằm trong danh mục của thành phố cũng đã có các tổ quản lý hoặc được bàn giao cho đại diện các thôn, khối phố, tổ dân phố trực tiếp quản lý và tổ chức cúng tế hàng năm.
Nhằm tăng cường công tác quản lý di tích, từ tháng 8 năm 2010 UBND thành phố đã ban hành quyết định hỗ trợ kinh phí bảo vệ một số di tích trọng điểm trên địa bàn thành phố (
gồm 49 di tích); trong đó di tích cấp quốc gia được hỗ trợ 200.000đ/tháng, cấp tỉnh 150.000đ/tháng, danh mục bảo vệ thành phố 120.000đ/ tháng.
Việc tu bổ các di tích vùng ven cũng đã được chú ý tập trung đầu tư kinh phí từ nguồn ngân sách Nhà nước cộng với sự tham gia của cộng đồng dân cư. Năm 2008, đã tu bổ 18 di tích với kinh phí 4,3 tỉ đồng. Năm 2009, đã tu bổ 11 di tích với tổng kinh phí 1,9 tỉ đồng. Từ năm 2010, UBND thành phố đã ban hành cơ chế hỗ trợ kinh phí đầu tư tu bổ các di tích ngoài khu phố cổ, trong đó các di tích quốc gia được hỗ trợ 100% kinh phí, các di tích cấp tỉnh thuộc sở hữu Nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí, sở hữu tư nhân - tập thể hỗ trợ từ 40% đến 60% kinh phí.
Tuy đạt được những kết quả nêu trên nhưng công tác quản lý, tu bổ sử dụng các di tích nằm ngoài khu phố cổ vẫn còn một số hạn chế, tồn tại. Hiện vẫn chưa có những văn bản pháp quy nhằm cụ thể hoá các quy định của luật di sản văn hoá liên quan đến các di tích nằm ngoài khu phố cổ. Vì vậy, việc quản lý các di tích này vẫn còn những điểm chưa thống nhất, bất cập và không kịp thời. Công tác kiểm tra, hướng dẫn về bảo tồn, tu bổ, phát huy giá trị di tích vùng ven còn chưa thường xuyên. Do vậy, còn có những trường hợp tu bổ di tích không đúng phương pháp, nguyên tắc bảo tồn, nhất là ở các di tích thuộc sở hữu của các tôn giáo. Công tác xã hội hoá trong quản lý, tu bổ các di tích có bước tiến bộ nhưng vẫn chưa cao so với yêu cầu. Tính trông chờ vào Nhà nước vẫn còn phổ biến. Nhiều di tích chưa được phát huy đúng mức để phục vụ công tác giáo dục truyền thống lịch sử - văn hoá của địa phương, phục vụ tham quan du lich tại chỗ.
Trong thời gian sắp đến, việc quản lý, tu bổ, sử dụng các di tích ngoài khu phố cổ cần phải được tiếp tục hoàn thiện. Cùng với công tác khảo sát, lập hồ sơ di tích, nghiên cứu các giá trị của hệ thống di tích vùng ven, việc khoanh vùng, bảo vệ và xây dựng những quy định, quy chế cụ thể để quản lý, bảo vệ các di tích này là việc làm hết sức cần thiết nhằm hạn chế tối đa các tác động tiêu cực của quá trình đô thị hoá, của công tác quy hoạch sử dụng đất đai theo hướng hiện đại. Bên cạnh đó, việc nâng cao trách nhiệm của các địa phương, của các cộng đồng dân cư gắn với di tích cũng là một điều kiện hết sức quan trọng không thể thiếu để thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, bảo tồn, phát huy di sản văn hoá của từng địa phương nói riêng và toàn thành phố nói chung.