TÍN NGƯỠNG THỜ CÁ ÔNG Ở CÙ LAO CHÀM QUA DI TÍCH LĂNG ÔNG NGƯ

Thứ năm - 12/07/2012 03:40

TÍN NGƯỠNG THỜ CÁ ÔNG Ở CÙ LAO CHÀM QUA DI TÍCH LĂNG ÔNG NGƯ

Nằm cách Khu phố cổ Hội An khoảng 19km về phía đông, Cù Lao Chàm là cụm đảo mà ở đó cư dân sinh sống chủ yếu bằng nghề khai thác hải sản biển. Trên cụm đảo hiện có một số di tích liên quan đến văn hóa ngư nghiệp mà trong đó đặc biệt quan trọng là di tích lăng Ông Ngư. Di tích được Bộ Văn hoá và Thông tin nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xếp hạng cấp quốc gia vào năm 2006.
TÍN NGƯỠNG THỜ CÁ ÔNG Ở CÙ LAO CHÀM QUA DI TÍCH LĂNG ÔNG NGƯ

         Nằm cách Khu phố cổ Hội An khoảng 19km về phía đông, Cù Lao Chàm là cụm đảo mà ở đó cư dân sinh sống chủ yếu bằng nghề khai thác hải sản biển. Trên cụm đảo hiện có một số di tích liên quan đến văn hóa ngư nghiệp mà trong đó đặc biệt quan trọng là di tích lăng Ông Ngư. Di tích  được Bộ Văn hoá và Thông tin nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xếp hạng cấp quốc gia vào năm 2006.            Lăng tọa lạc trên gò đất cao thuộc khu dân cư xóm Đình - thôn Bãi Làng - xã Tân Hiệp, cách bờ biển khoảng 40m. Lăng xoay hướng Tây Nam, mặt nhìn ra biển, lưng tựa vào núi theo thuật phong thủy dân gian truyền thống. Xung quanh lăng là hàng rào xây bằng gạch, án ngự trước mặt là bình kiểu cuốn thư lớn với mặt trước đắp nổi hình long mã, mặt trong đắp nổi hình con cá, viền bình phong cũng được đắp nổi mảnh sứ. Bình phong nằm ở vị trí ngang với tường rào phía trước, lối vào khuôn viên lăng nằm hai bên bình phong. Sát phía sau bình phong có bồn đất hình vuông để thắp hương. Cách bình phong một khoảng không xa về hai bên là trụ biểu vuông có đắp hình búp sen ở đỉnh. Sân trước của lăng khá rộng, thông thoáng, rất thuận lợi khi tổ chức các hoạt động tín ngưỡng, đặc biệt là diễn xướng bả trạo.
Lăng được xây theo kiểu cuốn vòm, mái lợp ngói âm dương, tường bao bằng gạch vừa mang chức năng bao che vừa đảm nhiệm chức năng chịu lực. Lăng được kiến trúc theo kiểu chính điện và hậu tẩm. Nếp chính điện gồm 2 nhịp cuốn vòm. Mái ngói có 19 vồng. Chính giữa mái trước có bờ đắp ngang cong hình thuyền, trang trí chim phượng ở hai bên và đề tài “quy thư” ở giữa. Bờ nóc cong hình thuyền, đắp tạo thành những ô hộc hình chữ nhật theo đề tài hoa - điểu. Bờ nóc trang trí con giống theo đề tài “lưỡng long triều dương”. Tại điểm kết thúc bờ chảy của mái trước trang trí đĩa sứ, bên trên trang trí hình con lân. Diềm mái quét vôi màu xanh. Hậu tẩm có diện tích nhỏ. Mái ngói có 9 vồng, bờ nóc hậu tẩm trang trí dao lá ở hai bên và hình con rùa ở giữa.
Đi vào nội thất lăng bằng ba lối cửa cuốn vòm với các cánh cửa mở rộng ra hai bên. Nội thất lăng tương đối rộng nhưng ít được trang trí. Hậu tẩm là nơi cất giữ xương cốt cá Ông được cải táng, lối vào được che kín và án giữ bởi bàn thờ chính xây bằng gạch nằm ở gian giữa chính điện. Bàn thờ chính chia thành nhiều cấp. Ngoài một số hòm gỗ đựng xương cốt cá Ông, trên bàn thờ chính đặt 12 bài vị bằng gỗ sơn son thép vàng có khắc thần hiệu của cá Ông. Các bài vị có đế cao và được chạm trổ khá cầu kỳ hình rồng, hoa dây, hồi văn.
            Hiện nay chưa có tư liệu để xác định cụ thể niên đại khởi dựng của lăng, song căn cứ vào hình thể kiến trúc cũng như niên hiệu đời vua (Thành Thái...) phát hiện trên vòm lăng do lớp vôi bong tróc làm xuất lộ, có thể đoán định niên đại kiến trúc của lăng vào khoảng những năm đầu thế kỷ XX trở về trước. 
            Theo lời kể của các vị cao niên sinh sống ở Cù Lao Chàm, mỗi khi phát hiện cá Ông luỵ, ngư dân thường đem về an táng trên khu đất cát trắng bên cạnh di tích lăng Cô Hồn (Âm Linh) và khu nghĩa trũng ở Bãi Ông. Đây chính là căn nguyên để địa danh Bãi Ông mang tên như vậy.
Ngư dân ở Cù Lao Chàm chọn Bãi Ông làm nơi chôn cất cá Ông bởi vì đây là bãi cát trắng khá rộng, độ dốc vừa phải, không có người ở và rất linh thiêng với lăng thờ Cô Hồn, nghĩa trũng ở lân cận. Ở Cù Lao Chàm còn có một số địa danh khác liên quan đến cá Ông như Hòn Ông, mũi Ông Luỵ ở Hòn Lá. Việc an táng cá Ông được ngư dân ở Cù Lao Chàm tổ chức rất chu đáo với sự lựa ngày, chọn giờ và cử hành nghi lễ cúng tế. Xác cá Ông chôn ở Bãi Ông sau 2 hoặc 3 năm thì được ngư dân trên đảo đào lấy hài cốt, rửa sạch bằng rượu rồi thỉnh về thờ tại lăng Ông Ngư. Hài cốt được đặt vào hòm gỗ để trên bàn thờ chính hoặc trong hậu tẩm.
Hằng năm, ngư dân trên đảo Cù Lao Chàm tổ chức cầu ngư tại lăng Ông Ngư trước khi vào mùa đánh bắt hải sản với cầu mong biển êm sóng dịu, ghe thuyền về chở đầy tôm cá. Lễ cầu ngư được tổ chức quy mô với sự tham gia của hầu hết ngư dân trên đảo và một số ngư dân ở các vùng lân cận. Lễ diễn ra trong hai ngày, vào ngày đầu, làm lễ cáo yết, sáng ngày hôm sau là lễ nghinh thần, cúng âm linh và cúng lễ chính - tế Ông. Bên cạnh việc tế lễ còn có diễn xướng bả trạo với nội dung ca ngợi công đức của cá Ông, tỏ bày tiếc thương của ngư dân khi cá Ông phải luỵ, mô tả lại quá trình lao động của ngư dân trên biển giữa những lúc phong ba bão táp. Sau phần lễ, ngư dân là phần hội với những trò chơi sôi nổi mang đậm tính chất cầu mùa màng bội thu, sức khoẻ dồi dào như đua thuyền, lắc thúng chai…
            Hiện nay, di tích lăng Ông Ngư không chỉ là công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo ở Cù Lao Chàm mà còn phản ánh đặc trưng văn hoá mang đậm sắc màu biển đảo. Qua di tích và từ di tích, chúng ta dễ dàng nhận thấy sức mạnh của niềm tin tâm linh trong sự cố kết cộng đồng, duy trì những giá trị văn hoá truyền thống mà tiền nhân đã dày công gầy dựng. Hơn thế nữa, nó còn thể hiện nhận thức về thế giới quan và nhân sinh quan vô cùng sâu sắc của ngư dân Cù Lao Chàm nói riêng, ngư dân ven biển miền Trung Việt Nam nói chung./.

Tác giả: Hồng Việt

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây