DU LỊCH Ở HỘI AN - KHÔNG CHỈ LÀ SỰ PHÁT TRIỂN

Thứ năm - 12/07/2012 03:26

DU LỊCH Ở HỘI AN - KHÔNG CHỈ LÀ SỰ PHÁT TRIỂN


 
Trong nhiều năm qua, nhờ biết dựa vào Di sản văn hóa độc đáo của tiền nhân để lại- Di sản văn hóa thế giới (Quần thể di tích kiến trúc Đô thị cổ, cùng với những giá trị văn hóa phi vật thể ) và biết khai thác sự ban tặng, ưu ái của thiên nhiên về môi trường sinh thái: sông nước - biển - đảo kỳ thú, hấp dẫn - Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An, mà Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Hội An đã tạo cho ngành du lịch văn hóa, du lịch môi trường sinh thái gắn với nghỉ dưỡng, giải trí, hội thảo… phát triển nhanh, khá mạnh mẽ và thành công, với những chỉ số được nhiều chuyên gia đánh giá là rất ngoạn mục.         Quả thực, kể từ sau khi Đô thị cổ Hội An được công nhận là Di sản văn hoá thế giới (04/12/1999) đến nay, rồi gần đây, Cù Lao Chàm-Hội An được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới( 26/5/2009), Di sản Hội An đã trở thành “thương hiệu” khá hấp dẫn đối với du khách quốc tế và trong nước.
         Nhìn vào biểu đồ các chỉ số phát triển du lịch ở Hội An, chúng ta nhận thấy: Lượng du khách đến Hội An tăng nhanh, năm 1999 mới chỉ là 158. 815 lượt khách (khách quốc tế: 73. 457), năm 2005 là 648. 774 (khách quốc tế: 329. 222) thì năm 2008 là 1. 105. 940 lượt khách( khách quốc tế: 570. 478), tăng bình quân năm sau so với năm trước gần 20%, tỉ trọng GDP của nhóm Dịch vụ - Du lịch - Thương mại chiếm hơn 67, 46% (2009). Kể cả, nhóm Công nghiệp - Thủ công nghiệp (chiếm 17, 69% của năm 2009) thì chủ yếu vẫn là thu từ hoạt động sản xuất hàng thủ công, mỹ nghệ và xây dựng phục vụ cho nhu cầu dịch vụ du lịch. Đặc biệt, quần thể kiến trúc Đô thị cổ nói riêng, di sản văn hóa, thiên nhiên Hội An nói chung được quản lý, bảo tồn và phát huy ngày càng tốt hơn, có hiệu quả hơn, được UNESCO và các tổ chức quốc tế đánh giá cao, trao tặng nhiều giải thưởng. Di sản Văn hóa, thiên nhiên Hội An đã góp phần đắc lực vào sự phát triển của ngành kinh tế du lịch - dịch vụ và thực sự trở thành động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội ở Hội An, . Nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của nhân dân - chủ di tích và tăng thêm điều kiện để bảo tồn - tu bổ di tích. Nhờ vậy mà Hội An đã bảo tồn nguyên vẹn những giá trị văn hóa của tổ tiên, di sản thiên nhiên, đồng thời xem đó là nền tảng, động lực, hành trang để vững bước đi lên xây dựng phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội. Như một nhà nghiên cứu văn hóa – du lịch nhận xét: “Hội An đã trở thành một trong những trường hợp thành công nhất ở Việt Nam trong việc đảm bảo sự tồn tại lâu dài của các di sản văn hóa và nâng cao chất lượng của cuộc sống người dân bằng định hướng phát triển du lịch. Lý do của thành công này là ở chỗ Hội An có một hệ thống các chính sách liên kết chặt chẽ quản lý di sản văn hóa và phát triển du lịch”.
       Nhận xét trên quả là không sai và người dân Hôi An có quyền tự hào, vui mừng với thành quả của mình trong những năm qua. Song, vấn đề không chỉ là sự phát triển hoặc chỉ nhìn ở những kết quả bề ngoài, mà cần phải nghiêm túc nhìn nhận vấn đề một cách sâu sắc hơn. Nghĩa là chúng tôi muốn bàn đến yếu tố bền vững. Hay nói một cách đầy đủ, ở Hội An, định hướng chiến lược phát triển du lịch và sự phát triển của ngành du lịch đặt ra trong thời kỳ đại hội nhập quốc tế ngày nay là phải: “Phát triển du lịch bền vững cho mục tiêu bảo tồn di sản vững chắc”. Và được diễn giải là: Phát triển du lịch nhưng vừa phải bảo tồn tối đa các yếu tố nguyên gốc trong văn hóa truyền thống, gắn với bảo tồn môi trường sinh thái - nhân văn, đồng thời phải giữ gìn môi trường xã hội, gắn với sinh hoạt văn hóa truyền thống; Vừa đáp ứng tối ưu các nhu cầu dân sinh của cư dân đương đại, vừa phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể để phục vụ, phát triển du lịch, cải thiện, nâng cao thu nhập đời sống của nhân dân; Vừa bảo vệ và ngày càng làm giàu thêm cho nền văn hóa của địa phương, dân tộc; Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa trách nhiệm bảo tồn di sản với lợi ích mang lại từ việc khai thác, phát huy giá trị của nó thông qua du lịch - dịch vụ; Xem “văn hóa là động lực, mục tiêu” cho sự phát triển của kinh tế du lịch và ngược lại phát triển du lịch phải nhằm mục tiêu đẩy mạnh phát triển nền kinh tế bền vững, nâng cao đời sống của nhân dân, hơn nữa phải nhằm mục tiêu bảo tồn, trao truyền di sản văn hóa, thiên nhiên cho hôm nay và thế hệ mai sau.
       Xuất phát từ những vấn đề nêu trên, để đạt được mục tiêu “ phát triển du lịch bền vững cho mục tiêu bảo tồn di sản vững chắc, ” ở Hội An, quả là còn nhiều vấn đề đáng phải quan tâm, lo ngại, khi đi sâu vào tìm hiểu các nguồn tài nguyên - di sản - tiềm năng du lịch Hội An đang được khai thác chúng ta có thể dễ nhận thấy:
       Về tài nguyên thiên nhiên: Sông - nước - biển - đảo - bãi biển. . . mặc dù khá dồi dào, đa dạng, phong phú, độc đáo, tuyệt mỹ nhưng cơ sở hạ tầng du lịch ở đây bao gồm giao thông(đường đi đến, phương tiện dịch vụ), các dịch vụ ăn, ở, sinh hoạt, điện nước cho du khách …còn quá nghèo nàn, độ an toàn và chất lượng phục vụ thấp, chưa có tính chuyên nghiệp, nhất là ở đảo Cù Lao Chàm ( ở đây chúng ta cần phân biệt với khái niệm du lịch hoang sơ, hoang dã…). Nhiều đoạn sông với những cồn, bãi có cảnh quan sinh thái rất đẹp như sông Đò, sông Cổ Cò(Lộ Cảnh Giang), Sông Hội An/sông Hoài-tức hạ lưu sông Thu Bồn… nhưng đang bị bồi cạn vào mùa hè/khô, gây ô nhiễm trầm trọng, nhưng lại gây sói lở, ngập lụt/úng vào mùa mưa-lũ. Ở đây đang thiếu quy hoạch đầu tư tổng thể, chi tiết, hoặc có dự án…nhưng còn nhiều nan giải trong việc đi tìm nguồn vốn, hoặc các nhà đầu tư thực sự, có năng lực, có tâm huyết. Còn quá nhiều dự án “xí phần”, “chờ cơ hội đầu tư”. Mặt khác, ở đây đang chịu sức cạnh tranh khá mạnh mẽ bởi sự phát triển của các địa phương bạn ngay khu vực miền Trung giàu tiềm năng biển - đảo này.  Về làng nghề - làng quê sinh thái thì mới được đầu tư có tính thăm dò, có nơi đang bị lệch hướng (như làng nghề mộc Kim Bồng), có nơi đang bị thu nhỏ dần, mất dần do tốc độ đô thị hóa, do các dự án khai thác du lịch chưa đúng hướng. Tiềm năng vốn có trong lịch sử về nghề thủ công truyền thống của Hội An khá phong phú, đa dạng đang mất dần, một số sản phẩm nghề vốn có thương hiệu nổi tiếng nhưng trên thực tế cũng đang dần phải nhập sản phẩm từ các địa phương khác về rồi gắn vào đó thương hiệu Hội An - Nghĩa là đang được các địa phương khác  dùng thương hiệu Hội An để khai thác, phát triển, trong khi nguồn lao động có kinh nghiệm nghề dồi dào ở quanh khu phố cổ (cùng làng quê) và nguyên liệu địa phương không được khai thác. Theo khảo sát, thống kê của chúng tôi ở Hôi An hiện nay có trên 80% sản phẩm hàng thủ công bán cho du khách là nhập từ các địa phương khác về. Thực chất những người thợ trong các quầy bán hàng thủ công lưu niệm ở Hội An chỉ là mang tính biểu diễn, thậm chí cũng không phải là người Hội An. Tiềm năng - vị thế to lớn của đảo - biển khơi - Cù Lao Chàm, nay là Khu dự trữ sinh quyển thế giới nhiều năm qua vẫn chưa có quy hoạch đầu tư tổng thể, nơi đây vẫn đang ở giai đoạn trăn trở, tìm đường khai thác phát huy, kêu gọi đầu tư. Hầu như qua nhiều năm đầu tư, phát triển du lịch nhưng ở Hội An cho đến nay vẫn chưa có một khu vui chơi giải trí nào cho khách du lịch. Nhất là việc đầu tư các dịch vụ-du lịch hầu như chưa quan tâm đến khách du lịch nội địa(khách du lịch trong nước).  Nhìn chung, Cơ sở hạ tầng du lịch ở Hội An còn kém, chậm được đầu tư và bộc lộ nhiều điểm yếu, thiếu, bất cập so với yêu cầu phát triển.
       Chính từ những hạn chế nêu trên mà du khách đến Hội An chủ yếu vẫn chỉ loanh quanh, tham quan, mua sắm trong khu vực Phố cổ. Và như vậy, “Phố cổ già nua”,  như những người già nhiều khi cũng cần phải được “ nghỉ dưỡng, uống thuốc, chữa bệnh”, nghĩa là phố cổ cũng cần phải được thường xuyên tu bổ - sửa chữa các công trình ( kể cả việc phải đào bới thi công các công trình ngầm hóa cơ sở hạ tầng:điện, nước, nước thải, …), cần phải có những không khí riêng thì nay lại phải luôn “gòng mình” để “được khai thác”, phục vụ khách tham quan du lịch, rất phản cảm. Nhưng nếu không thì khách biết đi đâu.  Mặt khác, do quần thể khu phố cổ có kết cấu chịu lực chủ yếu bằng gỗ, đã trên dưới 100 năm tuổi, trên một nền địa chất không ổn định (bãi bồi ven hạ lưu sông) lại thường xuyên bị mối - mọt - côn trùng phá hoại, cùng với nhiều yếu tố bất lợi do khí hậu khắc nghiệt của miền Trung, nắng - nóng - ẩm, mưa nhiều, bão - lụt thường xuyên xảy ra hàng năm. . . các yếu tố tự nhiên này đang đẩy nhanh sự xuống cấp của Khu phố cổ. Có thể nói, khu phố cổ Hội An, hiện đang phải đối mặt với nhiều áp lực, đứng trước nhiều nguy cơ đáng quan ngại. Nhưng cái đáng quan ngại hơn và trước hết vẫn là những tác động tiêu cực do hoạt động của con người gây ra, “Phố” với mật độ kinh doanh buôn bán dày đặc, với chất liệu tranh tre, gỗ, vải. . . Các đồ điện, bếp ga. . . dễ cháy, nổ đó là một nguy cơ tiềm ẩn cần được quan tâm của cả cộng đồng, vì thực tế lịch sử “phố Hội An” cũng đã từng mấy lần bị cháy. Hơn nữa, vì mục tiêu kinh doanh, hoạt động thương mại, kể cả nhu cầu cuộc sống hiện đại mà việc cải tạo, sửa chữa, sử dụng ngôi nhà - di tích dẫn đến nhiều sai phạm nguyên tắc bảo tồn, nhất là việc nhiều hộ kinh doanh lén lút cơi nới nhà cửa một cách tùy tiện, phá bỏ vách, tường ngăn, che lấp diện tích sân trời, sân vườn, che chắn mặt tiền, thậm chí cắt bỏ cả những không gian linh thiêng, nơi thờ tự ông bà; Sử dụng ánh sáng đèn mắt cáo, âm trần. . . kể cả tiếng ồn ngày càng gia tăng của lượng xe máy, các phương tiện nghe, nhìn và cả các loại hình sinh hoạt khác của con người thời kỳ hiện đại. . . Kết cấu ngôi nhà Hội An xưa là phục vụ cho kinh tế gia đình tiểu công-tiểu thương( để ở, sản xuất nhỏ, buôn bán-khép kín) cho nên, có mấy cha con sản xuất ở bên trong, mấy má/mẹ con bán hàng bên ngoài- Kinh doanh ở phía trước, bên dưới, còn sinh hoạt ở phía sau, bên trên/gác và phải giành một vị trí trân trọng, trang nghiêm để thờ tự. Nhà hình ống có cửa trước, ngõ sau, có gió dọc nhà, giếng trời, sân cảnh cũng là không gian thiêng-đủ cảm. Nhưng chỉ trong vòng mấy năm gần đây số lượng những ngôi nhà mất hẳn các chức năng này gia tăng nhanh chóng. Nghĩa là những gì không phục vụ cho buôn bán đều vất bỏ. Số lượng những ngôi nhà kiểu này hiện nay khoảng hơn 200 nhà(mặt tiền), do người thuê và người mua nhà chỉ để kinh doanh. Thậm chí đáng buồn nhất là nhiều ngôi nhà thờ-di tích đặc biệt cũng nằm trong con số này.  Phố cổ Hội An gần như đã trở thành một trung tâm thương mại, dich vụ du lịch mà những người dân vốn là chủ ở đây hoặc là đã cho thuê 5-10 năm, rồi mua đất làm nhà ở ngoài khu phố cổ hoặc đã bán với nhiều lý do khác nhau. Như vậy, khi những người dân(chủ) di tích ở đây dời khỏi Khu phố cổ và đương nhiên họ mang theo cả những tri thức, sinh hoạt văn hóa-phi vật thể, yếu tố không thể thiếu để cấu thành nên giá trị độc đáo, vượt trội toàn cầu của Khu phố cổ Hội An, đó là con người Hội An - Đó là một quần thể di tích sống - Nơi đây người dân vẫn sống một cuộc sống đời thường ngay trong lòng phố cổ (!). Điều chắc chắn nguyên nhân cơ bản là bởi sự phát triển quá nhanh, quá mạnh mẽ của các loại hình dịch vụ du lịch, cả sự cho phép của chúng ta thiếu kiểm soát hoặc không thể kiểm soát nổi và cũng thật dễ dãi (ngay cả đối với di tích đặc biệt) trong khu vực I của Khu phố cổ. Thời thương cảng Hội An thịnh vượng cách đây 3 - 4 trăm năm, cư dân khắp nơi đổ về đây lập nghiệp góp phần tạo dựng nên di sản văn hóa Hội An hôm nay và ngày nay thương nhân khắp nơi cũng đổ dồn về đây kinh doanh nhưng với tính chất hoàn toàn khác xưa. Ngày nay, họ chỉ thuần túy vì mục tiêu kinh doanh (không ở, sinh sống lập nghiệp như trước đây). Biết rằng, đây là nguyên nhân do sự phát triển kinh tế(du lịch), của đô thị hóa, dân cư… Sự phát triển của cuộc sống làm cho số người trong các gia đình gia tăng, dịch vụ để mưu sinh cũng gia tăng, nhưng nếu mưu sinh mà bất chấp tất cả, không quan tâm đến cộng đồng, đến sự bền vững và không kiểm soát được thì thật nguy hiểm. Nhiều hoạt động sự kiện văn hóa, lễ hội văn hóa được tổ chức thường xuyên, tuy có nhiều tiếng vang lớn, nhưng chưa thực sự gắn với người dân, chủ di tích, chưa huy động được sự đầu tư thường xuyên, tự giác, gắn với nhu cầu của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ-du lịch. Các hoạt động này (ngoài những sự kiện-lễ hội chính trị, những ngày kỷ niệm lớn của địa phương, dân tộc) hầu như được tổ chức đều xuất phát từ các cơ quan nhà nước, kinh phí của nhà nước là chủ yếu. Nghĩa là “ nếu nhà nước bỏ tiền ra thì có lễ, còn không bỏ tiền ra thì vô lễ(hội)”. Và có những lễ hội được tổ chức giống như một đại hội lễ hội truyền thống của địa phương, dân tộc (có nghĩa là ở đây có sự tham gia đông đủ của các lễ hội ở địa phương và trong ngoài nước, trong một lễ hội gọi là lễ hội cổ truyền).
       Để khái quát những nguy cơ, bất cập nêu trên, chúng tôi thống nhất với nhận định của GS. TS. KTS Hoàng Đạo Kính rằng: Di sản Hội An đang đối mặt với: Nguy cơ đánh mất sự cân bằng đô thị trong phát triển và nguy cơ đánh mất mình từ trong ra. Với những vấn đề nêu trên, tuy mới chỉ là những suy nghĩ sơ khởi bước đầu, nhưng theo chúng ta cần phải kịp thời tĩnh tâm, đánh giá lại yếu tố phát triển của du lịch văn hóa, thiên nhiên ở Hội An một cách thỏa đáng và xem xét giải quyết những vấn đề nêu trên trong yếu tố chiến lược về sự bền vững/lâu dài. Bởi cũng chính từ vấn đề nếu ứng xử, quyết sách sai, làm tổn hại, làm mất đi di sản văn hóa, thiên nhiên thì khó có thể sửa được và thậm chí không thể dùng tiền để làm hoặc mua lại được . Hầu như, nhận thức được những vấn đề trên, lãnh đạo thành phố Hội An đã kiến nghị với tỉnh Quảng Nam, Chính phủ và hiện nay, theo chỉ đạo của Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam đã giao Sở Văn hóa – thể thao & Du lịch, UBND TP Hội An đang lập “Quy hoạch đầu tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản Hội An gắn với phát triển du lịch - từ 2010 đến 2020. để trình chính phủ phê duyệt. Đó là dấu hiệu đáng mừng, song theo chúng tôi, cần thiết phải triển khai ngay việc điều tra, khảo sát để kiểm kê, nhận diện, đánh giá lại toàn bộ Di sản văn hóa, thiên nhiên ở Hội An sau hơn 10 năm bảo tồn và phát triển kinh tế - du lịch, trên cơ sở đó để xây dựng, đề xuất những dự án thành phần, kế hoạch cụ thể, chi tiết cho việc bảo tồn, phát triển kinh tế - du lịch  ở Hội An thực sự khoa học, hiệu quả, bền vững.
      Vậy, làm gì cho di sản văn hóa - thiên nhiên Hội An sinh lợi mà không bị biến dạng, không mất dần đi - Nghĩa là bảo tồn và phát triển du lịch bền vững ? Đó là thể hiện bản lĩnh và trình độ cao trong khai thác và phát huy di sản. Điều này hoàn toàn thuộc vào trách nhiệm trước hết của các chủ di sản - di tích, của các cơ quan chuyên môn, các cấp chính quyền địa phương và chắc chắn phải được sự quan tâm đầu tư về nguồn kinh phí, cả về trí tuệ của các cơ quan ở Trung ương và các nhà khoa học trong và ngoài nước - Vì mục tiêu “Bảo tồn vững chắc, phát huy di sản bền vững” trong sự phát triển, hội nhập quốc tế.
 
                                                                                       Hội An - 2010

Tác giả: Nguyễn Chí Trung

Tổng số điểm của bài viết là: 11 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 3.7 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây