Tín ngưỡng thờ Cửu Thiên Huyền Nữ ở Hội An

Thứ tư - 21/06/2023 23:15
Tôn phong và thờ phụng các vị nữ thần là truyền thống đã có từ bao đời nay và trở thành một loại hình tín ngưỡng dân gian đặc sắc, phổ biến của cộng đồng các dân tộc ở nước ta.
      Ở Hội An, các vị nữ thần có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng của cư dân và là chủ thể thờ tự chính hoặc phối thờ ở nhiều đình làng, lăng miếu với danh xưng tôn kính là Bà như Bà Bô Bô, Bà Phiếm Ái, Bà Đại Càn (Đại Càn Tứ Vị thánh nương), Bà Ngũ Hành (Ngũ Hành tiên nương) hay Bạch Thố Kim Tinh,… ở đình làng Hội An, đình Cẩm Phô; miếu Ngũ Hành, miếu Hiệp Hòa, miếu Bà xã Tân Hiệp; miếu Bà phường Cẩm An… Bên cạnh các vị nữ thần trên còn có một vị nữ thần có nguồn gốc từ Trung Hoa được cộng đồng cư dân người Việt ở Hội An tôn thờ đó là Cửu Thiên Huyền Nữ. Vị nữ thần này được xem là một trong ba vị Thánh tổ của Đạo giáo Trung Quốc, vì thế tín ngưỡng thờ Cửu Thiên Huyền Nữ mang dấu ấn đặc sắc, thể hiện sự giao lưu, tiếp biến văn hóa Trung Hoa. Để hiểu rõ hơn về tín ngưỡng thờ Cửu Thiên Huyền Nữ ở Hội An, bài viết đề cập đến một số nội dung về nguồn gốc và việc du nhập của tín ngưỡng thờ Cửu Thiên Huyền Nữ cũng như việc thờ tự Cửu Thiên Huyền Nữ tại một số làng xã ở Hội An.

      1. Nguồn gốc và việc du nhập tín ngưỡng thờ Cửu Thiên Huyền Nữ

      Tài liệu ghi chép về Cửu Thiên Huyền Nữ được tiếp cận có niên đại sớm nhất là Dung Thành tập tiên truyện (墉 城 集 仙 伝) do đạo sĩ Trung Hoa Đỗ Quang Đình (850-933) biên soạn. Truyện ghi lại sự tích của vị nữ thần này, trong truyện có đoạn chép: “Cửu Thiên Huyền Nữ là thầy của Huỳnh Đế, và là học trò Thánh Mẫu Nguyên Quân (tức Tây Vương Mẫu). Xi Vưu tạo ra tai họa, có 81 bọn anh em, thân thú nhân ngữ… tạo hình Ngũ hỗ làm hại lê dân, không theo lệnh Đế. Đế muốn đánh nó, Huyền Nữ tức truyền bùa Lục Giáp Lục Nhâm Binh Tín cho Đế…[1]. Vì có công truyền bùa Lục Giáp Lục Nhâm (六 甲 六 壬)[2] để giúp đỡ Huỳnh Đế đánh Xi Vưu nên được nhân dân suy thờ mang biểu tượng, ý nghĩa là vị thần đại diện cho sức mạnh quân sự.

      Đến thời kỳ nhà Minh, Cửu Thiên Huyền Nữ được Thi Nại Am (1296-1370) ghi chép trong truyện Thủy Hử (水 滸 伝). Trong hồi thứ 42, có đoạn ghi chép việc Cửu Thiên Huyền Nữ báo cho Tống Giang cùng 107 anh hùng là hoá thân của 108 vị thần tinh tú tức 36 vị Thiên Cang (三 十 六 天 罡) và 72 vị Địa Sát (七 十 二 地 煞). Ở hồi thứ 80 chép việc Cửu Thiên Huyền Nữ huấn luyện chiến thuật cho Tống Giang[3]. Như vậy, đến giai đoạn nhà Minh, danh xưng và sự tích về Cửu Thiên Huyền Nữ được phổ biến trong tầng lớp xã hội của Trung Quốc thông qua các truyện thần tiên, tiểu thuyết.

      Nhận xét về Cửu Thiên Huyền Nữ, nhà Việt Nam học người Pháp Gustave Dumoutier (1850-1904) cho biết: “Cửu Thiên Huyền Nữ hoặc nữ thần đen tối trên các tầng trời. Đó là sự tồn tại cao quý nhất ở chín tầng trời của Đạo giáo, một vị thần linh nắm giữ toàn bộ kỹ thuật quân sự, sách vở quân sự và luôn cổ vũ những việc thực hành của thầy phù thủy có mục đích về quân sự. Cửu Thiên Huyền Nữ định ra: vào ngày 30 Tết, vẽ hình cung tên trên sân trong gia đình để trừ tà ma[4]. Ngoài biểu tượng, ý nghĩa là vị nữ thần đại diện cho sức mạnh quân sự, Cửu Thiên Huyền Nữ còn có khả năng trấn áp, trừ tà ma.

      Về việc du nhập tín ngưỡng thờ Cửu Thiên Huyền Nữ ở nước ta, đến nay vẫn chưa có tư liệu nào ghi chép cụ thể về vấn đề này. Theo nhà nghiên cứu Onishi Kazuhiko[5], tín ngưỡng thờ Cửu Thiên Huyền Nữ có từ thời kỳ nhà Lý. Onishi Kazuhiko đã trích dẫn lại 2 nguồn tư liệu quan trọng ghi chép về việc thờ Cửu Thiên Huyền Nữ. Sách Đại Việt sử lược (大 越 史 略) quyển 3, phần năm Đại Định thứ 21 (1160) ghi chép rằng: “Mùa xuân, tháng giêng, dựng đền Nhi Nữ và Xi Vưu ở phường Bố Cái[6]. Liên quan đến ghi chép này, sách Tây Hồ Chí (西 湖 志) viết về đền Huyền Nữ như sau: “Đền nằm trong châu Loa, phường Đàm, giai Bố Cái, nay là ấp Trích Sài[7]. Đền được xây dựng vào mùa xuân năm Canh Thìn, niên hiệu Đại Định thứ 21 thời Lý Thái Tông. Lúc đó, Xi Vưu quấy đảo nên đền được dựng lên ở đây để trấn giữ[8]. Có thể thấy rằng, tín ngưỡng thờ Cửu Thiên Huyền Nữ ở Việt Nam có sự tiếp thu tín ngưỡng thờ Cửu Thiên Huyền Nữ của Trung Hoa.

      Hiện nay, tín ngưỡng thờ Cửu Thiên Huyền Nữ khá phổ biến ở một số địa phương, vùng miền như Huế, Bắc Bộ, Nam Bộ và vị nữ thần này thường được tôn thờ ở vị trí hàng đầu cùng với các vị nữ thần khác như Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi, Đại Càn Tứ Vị thánh nương, Thánh Mẫu Liễu Hạnh…

      2. Tín ngưỡng thờ Cửu Thiên Huyền Nữ ở Hội An

      Tại Hội An, Cửu Thiên Huyền Nữ được nhân dân tôn thờ ở đình làng Cẩm Phô và Sơn Phong, đây là hai trong số những làng xã có lịch sử hình thành lâu đời và có vai trò quan trong đối với quá trình phát triển của vùng đất Hội An trong lịch sử.

      Theo tư liệu Quảng Nam xã chí[9] do Viện Viễn Đông bác cổ thực hiện những năm 1943-1944 cho biết, việc thờ Cửu Thiên Huyền Nữ cùng với các vị thần của hai làng đều không rõ nguồn gốc lai lịch và thần tích: “Tất cả những vị thần có sắc phong thờ trong đình (chẳng hạn Thành Hoàng, Cửu Thiên Huyền Nữ) đều không có thần tích rõ ràng và hầu hết các kỳ lão trong làng không hiểu rõ[10].

      Về nguồn gốc dân cư, hầu hết các tộc họ tiền hiền của làng Cẩm Phô và Sơn Phong có nguồn gốc từ vùng Bắc Trung Bộ. Trong buổi đầu sơ khai, họ chủ yếu sinh sống bằng nghề nông trồng lúa nước, các loại hoa màu và một số các ngành nghề thủ công truyền thống… Trải qua quá trình định cư lâu dài, các cộng đồng cư dân này đã giao lưu, tiếp biến nhiều nền văn hóa như Chăm - Việt, Hoa - Việt, vì vậy việc tiếp thu tín ngưỡng thờ Cửu Thiên Huyền Nữ ở Hội An là điều dễ hiểu.

      Theo học giả Huỳnh Ngọc Trảng, Cửu Thiên Huyền Nữ là vị nữ thần tổ của các nghề thủ công và hộ mệnh, cứu độ cho giới nữ: “Bà cũng cứu độ cho giới nữ, và là vị tổ của các nghề thủ công… Cửu Thiên Huyền Nữ được thờ ở các miếu ngoài đình hoặc ngay trong chánh điện của đình[11]. Ghi chép về làng Sơn Phong, tài liệu Quảng Nam xã chí còn cho biết: “Thổ sản của làng này không có thứ gì đáng kể. Có lúa, khoai, bắp; về nghề nông, nhưng không đủ tiêu thụ cho dân trong làng. Bởi thế nghề nghiệp của dân làng này chuyên đủ hết các nghề, nào là thương mãi, thợ may, thợ mộc, làm thuê, thợ đóng áo quan…[12]. Có lẽ đây là một trong những yếu tố dẫn đến sự ra đời của việc thờ Cửu Thiên Huyền Nữ ở làng Sơn Phong hay Cẩm Phô nói riêng, ở Hội An nói chung.

      Như vậy, so với tín ngưỡng thờ Cửu Thiên Huyền Nữ ở Trung Quốc, tín ngưỡng thờ Cửu Thiên Huyền Nữ tại Hội An và một số địa phương ở nước ta có nét đặc trưng, khác biệt, đó là vị nữ thần tổ của các nghề thủ công.

      Trong những dịp cúng tế Xuân Thu tại các đình làng, lăng miếu ở Hội An, Cửu Thiên Huyền Nữ được nhắc đến trong các văn tế. Vào dịp này, bà con nhân dân cùng nhau tổ chức lễ cúng, dâng hương, lễ vật nhằm tạ ơn các vị thần đã phù hộ, giúp đỡ dân làng có được cuộc sống bình an, làm ăn thuận lợi.
 
A 3116 3 00066
Bản sao sắc phong Cửu Thiên Huyền Nữ  năm Minh Mạng thứ 7 (1826) trong Quảng Nam tỉnh tạp biên
 
      Triều đình nhà Nguyễn đã ban đạo sắc phong thần Cửu Thiên Huyền Nữ và gia tặng mỹ tự là Dực bảo Trung hưng Huyền nữ. Tổng số sắc phong vị thần này gồm 9 sắc phong, trong đó làng Sơn Phong có 7 sắc phong, làng Cẩm Phô 2 sắc phong. Sắc phong niên đại sớm nhất vào năm Minh Mạng thứ 7 (1826), muộn nhất vào năm Khải Định thứ 9 (1924).
Bảng kê các đạo sắc phong thần Cửu Thiên Huyền Nữ ở Hội An trong tư liệu Quảng Nam xã chí do Viện Viễn Đông bác cổ thực hiện những năm 1943-1944[13]
 
STT Tóm lược nội dung sắc phong Ngày tháng năm sắc phong
I Làng Sơn Phong[14]  
1 Vị thần Cửu Thiên Huyền Nữ đặt chuẩn y cựu phụng sự (làng Đông An[15]) Ngày 17 tháng 9 năm Minh Mạng thứ 7
2 Vị Cửu Thiên Huyền Nữ (xã An Thọ[16]) được đăng trật Ngày 12 tháng 4 năm Thiệu Trị thứ 3
3 Vị Cửu Thiên Huyền Nữ (xã An Thọ) được đăng trật Ngày 14 tháng 5 năm Thiệu Trị thứ 3
4 Vị Cửu Thiên Huyền Nữ, vị Đại Càn, vị Thiên Y được đăng trật Ngày 11 tháng 8 năm Duy Tân thứ 3
5 Vị Cửu Thiên Huyền Nữ, vị Đại Càn, vị Thiên Y (xã An Thọ) đều được đăng trật Ngày 24 tháng 11 năm Tự Đức thứ 33
6 Vị Cửu Thiên Huyền Nữ (xã An Thọ) được đăng trật Ngày 25 tháng 9 năm Tự Đức thứ 3
7 Vị Cửu Thiên Huyền Nữ (xã An Thọ) được gia tặng Dực Bảo Trung hưng Ngày 01 tháng 7 năm Đồng Khánh thứ 2
II Làng Cẩm Phô  
8 Vị Cửu Thiên Huyền Nữ được gia tặng Dực bảo Trung hưng Ngày 18 tháng 3 năm Khai Định thứ 2
9 Vị Cửu Thiên Huyền Nữ được đăng trật
 
Ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9

      Cùng với các vị thần được thờ tự ở các đình làng, lăng miếu ở Hội An, sự hiện diện của Cửu Thiên Huyền Nữ đã góp phần tạo nên giá trị đặc sắc trong hệ thống tín ngưỡng thờ thần nói chung, nữ thần nói riêng, thể hiện dấu ấn sâu đậm của quá trình tiếp xúc, giao lưu văn hóa Hoa - Việt ở Hội An, Quảng Nam trong lịch sử, đồng thời còn góp phần tạo nên sự đa dạng các loại hình di sản văn hóa phi vật thể của địa phương.
 
[1] Theo Onishi Kazuhiko, Bàn về Tín ngưỡng Cửu Thiên Huyền Nữ ở vùng Huế, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 2 (85). 2011, tr.17.
[2] Lục Giáp Lục Nhâm (六 甲 六 壬) là thần cách hóa của sự phối hợp can chi (干 支), sau này chúng trở thành nhóm những vị tướng thần có chức năng trừ tà ma. Theo Onishi Kazuhiko, tài liệu đã dẫn, tr.17.
[3] Sakuraba Kazunori (1994), Cửu Thiên Huyền Nữ, Noguchi Tetsuro và những người khác. Trong Từ điển Đạo giáo, Nxb Hirakawa, Tokyo, tr.100. Theo Onishi Kazuhiko, tài liệu đã dẫn, tr.19.
[4] Dumoutier, Gustave (1907). Les cultes annamites, F.-H. Schneider, Imprimer-eùditeur, Hanoi, tr.56. Theo Onishi Kazuhiko, tài liệu đã dẫn, tr.17.
[5] Tiến sỹ, Viện Nghiên cứu Tôn giáo Việt Nam.
[6] Theo Onishi Kazuhiko, tài liệu đã dẫn, tr.17.
[7] Ấp Trích Sài thuộc địa phận phường Bưởi, quận Ba Đình, TP. Hà Nội.
[8] Theo Onishi Kazuhiko, tài liệu đã dẫn, tr.18.
[9] Bản sao lưu tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An.
[10] Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An (năm 2020), Làng xã ở Hội An qua tư liệu Địa bạ triều Nguyễn & Quảng Nam xã chí, Nxb Đà Nẵng, tr.198.
[11] Huỳnh Ngọc Trảng, Trương Ngọc Tường, Hồ Tường (năm 1993), Đình Nam Bộ - tín ngưỡng và nghi lễ, Nxb TP. Hồ Chí Minh, tr.76-77.
[13] Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An, tài liễu đã dẫn, tr.189-197.
[14] Bản gốc ghi là Sơn Phong đệ tứ phường.
[15] Xã Đông An thuộc tổng Phú Triêm Hạ, huyện Diên Khánh, phủ Điện Bàn. Theo Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An, tài liệu đã dẫn, tr.43.
[16] Làng này trước kia xã hiệu là Đông An, đến năm Thiệu Trị thứ 1 đổi thành An Thọ, theo Quảng Nam xã chí.

Tác giả: Nguyễn Văn Thịnh

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây