Nhìn chung, một hệ thống thiết chế văn hóa thờ cúng thần linh, tiên tổ, phật, thánh... theo tín ngưỡng dân gian trong cộng đồng dân cư ở Hội An gồm các thiết chế như sau:
● Các thiết chế tín ngưỡng trong phạm vi làng - xã
Ở Hội An, trong bất cứ một làng - xã nào, không kể làm nghề nông nghiệp hay ngư nghiệp hoặc tiểu thủ công nghiệp, buôn bán. Bao gồm cả làng của cư dân người Việt và của cư dân người Hoa Minh Hương - tức là cư dân làng Minh Hương, làng của người Hoa đã nhập quốc tịch Việt Nam thì cũng đều có 4 thiết chế văn hóa thờ tự chung, cơ bản theo tín ngưỡng dân gian đó là:
▪ Đình: Ngoài chức năng chung của một ngôi Đình ở Việt Nam là điểm sinh hoạt cộng đồng, nơi giải quyết mọi việc trong làng, nơi các bô lão, chức sắc và dân đinh hội họp, bàn việc công, có thể nói, đình còn là một thiết chế đóng vai trò quan trọng bậc nhất đối với tín ngưỡng dân gian trong cộng đồng dân cư làng xã ở Hội An.
Các vị thần chủ được thờ tại Đình là Thổ thần: Đứng đầu có Bổn thổ Thành hoàng/Bổn xứ Thành hoàng, Bổn thổ Thổ địa Phước đức Chánh thần, Cao các Đại vương Tôn thần..., Thủy thần: Đứng đầu có Đại càn Quốc gia Nam hải Tứ vị Thánh nương, Nam hải Cự tộc Ngọc Lân Tôn thần... Ở Hội An, chúng tôi chưa tìm thấy thần Thành hoàng là người cụ thể (nhân thần) được thờ trong các đình làng - xã. Các vị thổ thần, thủy thần này đều được nhà nước phong kiến sắc phong cho thờ tự, xếp hạng từ hạ đẳng thần, trung đẳng, đến thượng đẳng thần. Vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, khi dân cư phát triển đông, một làng có thể tách thành 2 - 3 làng khác thì mỗi làng đều xây dựng một ngôi đình riêng. Đặc biệt, dưới làng, các ấp cũng xây dựng ngôi đình riêng - gọi là đình ấp.
▪ Nhà thờ Tiền hiền - hậu hiền/Từ đường của làng: Dân gian có nơi gọi là Lăng Tiền hiền; Miếu Tiền hiền, Đình Tiền hiền,... hoặc với các tên chữ đầy đủ: Hội An Tiên từ/tự (của làng Hội An), Cẩm Phô Hương hiền (của làng Cẩm Phô), Minh Hương Tụy tiên đường (của làng Minh Hương),...
Thần vị được thờ ở đây là các vị thủy tổ tiền hiền sáng lập ra làng xã, các vị hậu hiền kế tục khai phá mở mang đất đai. Tức là, các vị thủy tổ của các tộc/họ trong làng xã, tùy theo thứ tự trước, sau đến lập cư tại làng và công trạng của từng vị mà được dân làng suy tôn là tiền hiền hay hậu hiền của làng thì đều được thờ phụng tại ngôi từ đường chung của làng xã này. Tín ngưỡng thờ phụng này tuy được diễn ra sớm, gắn với sự thành lập, mở mang làng - xã, nhưng triều đình ban sắc phong diễn ra vào đầu thế kỷ XX (thời vua Duy Tân đến vua Khải Định), xếp hạng vào bậc thần hạ đẳng.
▪ Miếu âm linh, Miếu âm hồn: Theo tín ngưỡng dân gian, trên mảnh đất sinh sống của mỗi làng đều có vong linh phiêu dạt, những người không có con cháu thờ tự, các chiến sĩ tử trận, các nạn nhân bị ôn dịch, bệnh tật, chiến tranh, thiên tai... chết vất vưởng tha hương, những người xiêu mồ lạc mả, không nơi nương tựa... gọi là cô hồn, nên phải lập thờ tự gọi là Miếu Âm hồn hay Âm linh.
▪ Chùa làng: Khác với các ngôi chùa mang tính chất tu hành theo hệ thống giáo lý Phật giáo thường tách ra khỏi làng xóm, xa dân cư, nơi yên tịnh thì ngôi chùa làng lại gắn chặt với cộng đồng dân cư thành một phần hữu cơ, tổng thể của thiết chế văn hóa tín ngưỡng dân gian làng - xã. Và như vậy hầu như mỗi làng đều có một ngôi chùa, ở đây không có sự xuất gia mà chỉ có cư sĩ tại gia trông coi hương khói và nghi lễ cầu cúng. Sự phối tự thờ cúng ở đây cũng khá phong phú: Thờ Phật có Tam Thế phật, Quan Thế Âm Bồ Tát, Văn Thù Bồ Tát, Bồ Đề Đạt Ma,... Thờ Ngọc Hoàng thượng đế hai bên có Nam Tào, Bắc Đẩu, Thập Điện Diêm Vương. Thờ thánh: Có Quan Thánh Đế Quân hai bên có Châu Thương và Quan Bình; Thờ Thánh Thiên Y Ana với hai vị công tử Hiển Tài và Hiển Quý. Bên ngoài có Kim Cang, Hộ Pháp và Tiêu Diện đại sĩ... Vào những ngày lễ quan trọng tại đình, từ đường của làng thì đều phải có bái Phật, Thánh tại chùa làng và dân trong làng vào những ngày sóc, vọng cũng thường lui tới chùa để lễ bái.
● Các thiết chế tín ngưỡng theo nghề nghiệp
▪ Lăng Ông: Đối với cư dân các làng nghề đánh bắt cá trên biển, làng ngư nghiệp, do xuất phát từ tục thờ cúng cá Ông, các cộng đồng cư dân ở đây khi vớt được cá Ông bị chết, dạt vào bờ - Tục gọi là Ông lụy, họ đã tổ chức nghi lễ tang ma giống như người, cúng tế giống như thần linh và lập lăng để thờ. Đây có thể nói là một thiết chế tín ngưỡng đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống tâm linh của cộng đồng cư dân ngư nghiệp.
▪ Miếu Thần Nông: Đối với cư dân các làng nông nghiệp, xuất phát từ sự cầu mong cho mưa thuận, gió hòa, sâu rày không phá hoại để mùa màng bội thu hàng năm... Vì thế cư dân các làng nông nghiệp lập miếu thờ Thần Nông và các thần bảo hộ nông nghiệp khác. Thực tế, phần lớn miếu thờ chỉ là một nền đất, có xây bệ làm bàn án (đàn tế Thần Nông), tuy nhiên, có một số làng sau này cũng xây miếu nhưng quy mô rất nhỏ.
▪ Miếu thờ Tổ nghề: Đối với các làng hoặc các cụm dân cư hay nhóm thợ nghề thủ công thì đều có hình thức thờ tổ nghề đó là lập miếu hoặc thờ tổ nghề tại nhà thợ cả/chủ thợ.
Ở Hội An, qua khảo sát chúng tôi thấy có các miếu thờ: tổ nghề gốm ở ấp Nam Diêu, xã Thanh Hà; tổ nghề khai thác yến sào ở làng Thanh Châu (một nghề hiếm có ở miền Trung Việt Nam); làng Kim Bồng thì thờ tổ nghề mộc ngay chính giữa tại nhà thờ/từ đường của làng cùng hai bên có tiền hiền và hậu hiền của làng. Ngoài tổ nghề khai thác yến sào là một con người cụ thể được kể theo sự tích dân gian là có vợ chồng ông lão đi câu ngoài biển, gặp nạn trôi dạt vào đảo yến, nhờ ăn yến mà sống, tai qua nạn khỏi trở về, đã truyền cho cả làng cùng đi khai thác yến sào và vị tổ nghề này được thờ chung với các thủy thần theo tín ngưỡng của cư dân ngư nghiệp. Còn lại trong hệ thống các tổ nghề thì vị nữ thần có thần hiệu là Cửu thiên huyền nữ thánh tổ đạo mẫu nguyên quân được xem là tổ khai sáng của nhiều nghề. Đặc biệt nhìn chung, các nhóm cư dân làm nghề thủ công đều gắn tín ngưỡng thờ tổ nghề, phối thờ cùng các bậc tiền hiền với hậu hiền.
▪ Miếu thờ của các phổ nghề (miếu phổ): Đối với các cư dân làm nghề thủ công, dịch vụ buôn bán, tùy theo từng khu vực cư trú mà hình thành các phổ. Các phổ này đều lập ra các miếu thờ riêng của phổ mình với thần chủ khác nhau như: Miếu Hy Hòa của phổ Hy Hòa, Miếu Tín Nghĩa của phổ Tín Nghĩa, hoặc các miếu phổ nghề gốm như: Trung Hòa, Trung Lương... Đây là thiết chế ngoài chức năng tín ngưỡng - thờ tự chung của bà con trong phổ còn nhằm tạo điều kiện liên kết, giúp đỡ nhau trong kinh doanh, hành nghề. Như ở miếu phổ Tín Nghĩa - là một điểm thờ tự của cư dân buôn bán thuộc làng Minh Hương, đề cao hai chữ “Tín nghĩa” trong việc kinh doanh buôn bán, nếu ai không có vốn hoặc thiếu vốn thì đến đây ngoài việc vay vốn thực với mức lãi thấp của phổ còn “vay vốn” theo nghĩa tâm linh. Người ta tin rằng nếu vay được vốn ở đây về buôn bán sẽ phát tài, sinh lợi lộc rất nhanh nhưng phải nhớ đến “trả vốn” thì cái lãi kia mới tồn tại sinh lãi/lợi tiếp và việc buôn bán mới tồn tại, vững bền.
● Các thiết chế tín ngưỡng theo địa dư xóm/phổ/giáp/phe
▪ Miếu Ngũ hành: Đây là nơi thờ Ngũ Hành Tiên nương (5 bà tiên nương) nên cũng gọi là miếu Ngũ hành. Năm yếu tố căn bản và cũng là 5 tính chất cơ bản của vạn vật: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ đã được Đạo giáo và Nho giáo thần thánh hóa thành 5 thần hiệu và được triều đình phong kiến sắc phong để thờ là: Kim Đức thánh phi, Thủy Đức thánh phi, Mộc Đức thánh phi, Hỏa Đức thánh phi và Thổ Đức thánh phi. Miếu này chiếm tỉ lệ khá lớn và phổ biến trong cộng đồng dân cư làng - xã ở Hội An. Hầu như các vị trí đầu xóm - đầu làng xưa đều có miếu Ngũ hành ngay tại các chùa lớn cũng có miếu nhỏ thờ “Ngũ hành”. Đặc biệt, trong miếu thờ đều có tượng hoặc bài vị của từng bà - Tiên Nương.
▪ Lăng bà/miếu bà: tuy cách gọi khác nhau, “Lăng” đối với ngư dân biển, “Miếu” đối với cư dân nông nghiệp, thủ công nhưng đều có tín ngưỡng chung là thờ bà. Tín ngưỡng thờ bà/nữ thần rất phổ biến ở Hội An và như vậy, lăng miếu bà cũng chiếm tỷ lệ khá cao trong các loại hình kiến trúc tín ngưỡng dân gian ở Hội An. Hầu hết trong các làng - xã, thôn - ấp hoặc theo địa dư xóm, phe, giáp, phổ,... cũng đều có ngôi miếu nhỏ để thờ bà/nữ thần. Danh thần bà ở đây đứng đầu là Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi. Tục danh, theo cách gọi dân gian với khá nhiều cách khác nhau là: Bà Lồi, bà Yang, bà Chúa Ngọc, bà Chúa Xứ,... Theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, bà vốn là Nữ thần Yan Inư Po Nagar của cư dân bản địa (người Chàm), được cư dân Việt tiếp thu biến đổi để phù hợp với màu sắc tín ngưỡng dân gian Việt. Điều đặc biệt, ngoài những miếu do người Việt mới lập thì hầu hết nơi nào có di tích của người Chăm để lại cũng đều có miếu thờ Bà với vai trò như mẹ lớn của xứ sở, thậm chí, tượng thờ của người Chàm là Nam thần Tài lộc - Kubera thì cũng được cư dân Việt tô, đắp thêm bên ngoài thành hình ảnh của bà theo tưởng tượng của mình (như ở Lăng Bà, Cẩm Thanh).
Ngoài ra, nhiều nơi còn có miếu thờ các bà Thiên tiên Hồng nương, Liễu Hạnh công chúa, Bạch Thổ Kim Tinh (thần nữ Ngọc Thỏ trên cung trăng),... cũng có khi thờ chung trong miếu hoặc cũng có khi lập miếu thờ riêng.
▪ Miếu thần: Ngoài các vị thổ thần, thủy thần và các thần liên quan đến nghề nghiệp, nữ thần... đã trình bày ở các phần trên, thì cư dân Hội An, theo địa bàn cư trú, xóm/phổ/giáp/phe... còn có một số hình thức miếu thờ thần đơn lẻ khác như:
• Thái Giám Bạch Mã Tôn thần: Danh hiệu thần này được triều nhà Nguyễn phong tặng. Theo dân gian quan niệm đây là một loại ngựa thần có màu lông trắng, không có giới tính, thường hay hiển linh.
• Sơn Tinh nhị vị: Là hai vị Sơn Tinh trong sáu vị tướng quân tôn thần được triều đình nhà Nguyễn sắc phong đó là Sơn Tinh quả dũng tướng quân tôn thần và Sơn Tinh vũ dũng tướng quân tôn thần.
• Lục vị thần tiên: Đó là các vị thần liên quan đến cho thuốc chữa bệnh, cứu người qua khỏi những bệnh ngặt nghèo.
• Thần Hời: Thực tế đây là bức tượng Vũ Công Tiên Thiên - Gandhara trong một di tích tín ngưỡng của cư dân Chămpa (đã bị hủy hoại) được cư dân ở đây lập miếu thờ - gọi là Thần Hời.
• Thờ Đá: Đó là một phiến đá (sa thạch) được đặt trên bệ xây thờ trong miếu. Nhưng lại có tên chữ ở trên bàn thờ là “Bà Cổ”.
● Các thiết chế tín ngưỡng khác
▪ Miếu Văn chỉ: Thờ đức Khổng Tử, Tứ phối, Thất thập nhị hiền và tiền hiền, tiên Nho của làng. Ở Hội An, cũng theo quy định chung của nhà nước phong kiến, chỉ làng nào có người đỗ đạt khoa bảng như tiến sĩ thì làng mới lập miếu thờ này. Việc thờ cúng do Hội Tư văn của làng đảm nhiệm cũng theo định kỳ xuân, thu hai lượt hàng năm mà tế lễ.
▪ Miếu Quan Công (cư dân Hội An quen gọi là Chùa Ông): Đây là miếu thờ có quy mô lớn nhất và cũng duy nhất chung cho tín ngưỡng của cả cộng đồng cư dân Hội An, không phân biệt làng nghề, người Việt hay người Hoa. Tuy nhiên, tín chủ đến với miếu thờ phổ biến đông nhất là cư dân làm nghề buôn bán. Miếu thờ Quan Công - Tức là thờ Quan Văn Trường - một danh tướng vào cuối đời nhà Hán của Trung Quốc (theo tích truyện Tam Quốc Chí diễn nghĩa) đã hiển Thánh với danh hiệu Hiệp Thiên Đại đế Quan Thánh Đế quân, trong miếu thờ ngoài tượng Quan Công còn có hai vị Quan Bình và Châu Thương, cùng tượng ngựa Xích Thố, Bạch Thố. Sở dĩ Quan Công là bậc thánh đứng đầu được cư dân Hội An tôn thờ bởi tinh thần: Trung - Tín - Tiết - Nghĩa của ngài, đặc biệt đối với những người buôn bán ở chợ, ngay phía trước miếu đều rất ngưỡng vọng ngài, thậm chí khi cần chứng minh hay thề, hứa việc gì với nhau thì họ cùng hướng vọng về miếu, niệm danh hiệu của ngài để mong ngài làm chứng.
▪ Miếu thờ thần Bắc Đế Trấn Võ (hay còn gọi là Huyền Thiên Đại Đế): Nằm liền kề bên cạnh, gắn kết với một cây cầu tương truyền do thương nhân Nhật Bản cư trú ở Hội An xây dựng vào đầu thế kỷ XVII- đó là cầu Nhật Bản, năm 1719 chúa Nguyễn Phúc Chu ngự giá đến đây ban cho ba chữ “Lai Viễn Kiều”. Trải qua quá trình lịch sử, Cầu và Miếu đã trở thành một thể thống nhất hoàn chỉnh với bố cục hình chữ T và ngày nay là một biểu trưng về văn hóa Hội An với tên gọi chung, quen thuộc theo cách gọi của dân gian Hội An đó là Chùa Cầu.
Miếu thờ thần Bắc Đế Trấn Võ, vị chủ thần về phương Bắc. Theo thuyết ngũ hành khởi nguyên từ Trung Quốc, phương Bắc ứng với hành Thủy, màu đen. Đây là một vị thần chủ về nguồn nước, có uy lực trị thủy, diệt trừ thủy quái. Việc thờ vị thần Bắc Đế Trấn Võ với bức tượng ngài chân đạp con rùa, tay cầm con rắn thể hiện sức mạnh, uy lực của ngài, cũng là thể hiện ước nguyện, cầu mong của cư dân Hội An vượt qua được thủy nạn, bởi Hội An nằm ở cửa sông, ven biển, nơi hợp lưu của ba nguồn sông lớn của Quảng Nam, tuy thuận lợi về giao thông nhưng cũng thường gặp lũ lụt - thiên tai hàng năm.
▪ Chùa Bà Mụ: Gọi là Chùa - là theo cách gọi dân gian ở Hội An (nhất là cộng đồng cư dân người Hoa trong khu vực phố cổ hiện nay) mọi công trình tín ngưỡng thờ thần - thánh đều gọi là Chùa. Thực ra đây là một tổ hợp với hai miếu thờ cùng trong một khuôn viên, mà theo tên chữ của cộng đồng cư dân người Hoa Minh Hương gọi là Cung, hai cung đó là:
• Cung Hải Bình: Thờ bà Thiên Hậu Thánh Mẫu và 12 Bà mụ (trông coi về sinh sản).
• Cung Cẩm Hà: Thờ Bảo Sanh Đại Đế (theo truyện thần tiên Trung Quốc đây là vị thần Y) và thờ 36 tướng đời Châu/Chu Trung Quốc (theo tích truyền Phong Thần).
● Các thiết chế tín ngưỡng theo cộng đồng người Hoa (không phải dân làng Minh Hương):
Trong cộng đồng cư dân người Hoa có một bộ phận dân cư vốn trước đây không nhập quốc tịch Việt Nam và hầu hết nhập cư vào Hội An muộn hơn so với người Minh Hương, được nhà nước phong kiến quản lý và cho phép những người cùng gốc quê hương tỉnh/địa phương ở Trung Quốc lập thành 5 bang (Hoa kiều): Phúc Kiến, Quảng Đông, Hải Nam, Triều Châu, Gia Ứng. Mỗi bang đều thiết lập một hội quán riêng. Hội quán với chức năng trước hết tôn thờ vị thần linh phù hộ cho cộng đồng mình theo tín ngưỡng của từng bang, thờ các bậc tiền hiền, hậu hiền sáng lập, phát triển bang ở trên quê hương/vùng đất mới. Và đây còn là một điểm sinh hoạt của bà con trong cộng đồng Bang (có tính chất như một câu lạc bộ) nhằm động viên, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, nhất là lúc ban đầu mới nhập cư tại Hội An. Cụ thể ở đây có Hội quán của các Bang như sau:
• Hội quán Phúc Kiến: Hội quán được thiết lập bởi bang người Phúc Kiến, thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu (một nữ thần phù hộ cho người đi biển), hai bên có Thiên Lý Nhãn và Thuận Phong Nhĩ; Thờ Lục tính Vuơng gia - tức 6 ông có họ khác nhau là tiền hiền của bang Phúc Kiến (cũng có thuyết cho rằng đây là lục vị/6 vị thần y của Trung Quốc); Thờ 3 bà Chúa Sanh thai và 12 Bà mụ; Thờ Phúc đức Chánh thần.
• Hội quán Quảng Triệu: Hội quán được thiết lập bởi bang người Quảng Đông, thờ Quan Công (Quan Thánh đế quân), các vị tiền hiền gồm 18 thương gia người Quảng Đông và thờ Thần Tài.
• Hội quán Triều Châu: Hội quán được thiết lập bởi bang người Triều Châu, thờ thần Phục Ba. Vị thần có khả năng chắn sóng, giúp cho thương nhân thoát khỏi được những nguy hiểm, vượt qua sóng gió trên con đường buôn bán ở biển khơi và thờ tiền nhân sáng lập ra bang Triều Châu ở Hội An.
• Hội quán Hải Nam: Hội quán được xây dựng bởi bang người Hải Nam, và bang người Gia Ứng, do dân cư quá ít đồng thời bang này có quan hệ gần gũi với người Hải Nam nên cũng sinh hoạt tín ngưỡng chung ở đây và thờ Chiêu Ứng Công- gồm 108 vị người Hải Nam theo truyền thuyết bị chết oan trên biển vào thời Tự Đức, sau được minh oan cho lập miếu thờ, và cũng được xem như là bậc tiền hiền của cả hai bang này.
• Hội quán Ngũ Bang: Còn gọi là Dương Thương Hội quán; Đây là Hội quán chung cho cả 5 bang người Hoa Kiều ở Hội An - Tức là một điểm sinh hoạt và tín ngưỡng chung cho tất cả kiều cư người Hoa ở Hội An. Hội quán thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu cùng hai vị thần Thiên Lý Nhãn, Thuận Phong Nhĩ và thờ các bậc tiền nhân của cả 5 bang người Hoa tại Hội An.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền