Phong tục - tập quán liên quan đến chu kỳ một đời người

Thứ hai - 05/10/2015 23:23
* Tập tục trong thời kỳ sinh đẻ - sơ sinh:
   Ở Hội An nói riêng cũng như Việt Nam ta nói chung việc sinh đẻ là một tất yếu đối với người phụ nữ khi có chồng, và cũng là thiên chức của người phụ nữ. Nó là cơ sở nhằm nối dõi tông đường, bảo tồn huyết thống. Thời kỳ phong kiến, người phụ nữ không có con cũng là một trong bảy điều luật (thất xuất) cho phép người chồng ly hôn với vợ (1. Không con, 2. Dâm dật, 3. Không thờ cha mẹ chồng, 4. Nhiều lời, 5. Trộm cắp, 6. Ghen tuông, 7. Có ác tật). Bởi theo quan niệm: có tổ tiên rồi đến ông bà, ông bà sinh ra cha mẹ, cha mẹ sinh ra mình, đến lượt mình cũng phải sinh con để di truyền nòi giống. Do đó, những cặp vợ chồng hiếm con phải tìm đủ mọi cách để cho có thể có con. Họ đến các đình, chùa, miếu để cúng cấp, cầu xin (cầu tự - cầu thần thánh ban cho mình đứa con lập tự về sau); đi tìm ngải, trừ tà, chữa thuốc hoặc có khi người ta quan niệm xin con về nuôi, rồi mới sinh được con đẻ..., cũng có khi cho rằng số phận phải cưới vợ lẽ cho chồng rồi mới có thể sinh con được. Hoặc cuối cùng cũng phải chấp nhận cho chồng lấy vợ lẽ để sinh con thay cho mình... Đối với cộng đồng người Hoa, nhằm duy trì, phát triển giống nòi trên quê hương/ vùng đất mới, ngoài việc thờ tự riêng ở tại mỗi nhà người ta còn thiết lập nơi thờ tự Thiên hậu Thánh mẫu, 3 bà và 12 mụ như ở hội quán/ chùa Phước Kiến; Hội quán/ chùa Ngũ Bang; Miếu/ chùa Bà Mụ... Theo quan niệm dân gian, Thiên hậu Thánh mẫu thần thông, quảng đại, cứu nhân độ thế, còn 3 bà theo kinh sách Đạo giáo có danh hiệu là Quỳnh Tiêu Thiên đế bà, Bích Tiêu Thiên vương bà và Vân Tiêu Thiên Thai bà - vốn là các nữ thần bảo hộ hài nhi; Việc hoài thai của người mẹ còn có sự giúp đỡ của 12 bà mụ, gọi là Thập nhị Hoa bà đặt tên cho 12 con giáp mới nên hình, nên dạng đầy đủ, sinh được mẹ tròn con vuông. Người đi cầu tự phải sắm lễ vật gồm giấy vàng, đèn hương, hoa quả, trầu rượu, xôi gà, nếu đến chùa thì không cúng đồ mặn,... phải giữ cho mình thanh khiết, thành tâm, tắm nước ngũ vị để tẩy uế, kiêng ăn hành tỏi,...
              Đến khi người phụ nữ có thai phải kiêng cữ nhiều như không ăn nhiều chất bổ (sợ thai to), không ăn trái cây sinh đôi (tránh song thai), không ăn ngêu, sò, ốc... (để con không nhiều rớt rãi), không ăn cua (để tranh sinh ngang), không ăn đồ cúng, đồ thừa,... Ăn nhiều trứng gà, trứng ngỗng, đu đủ chín, uống nước dừa để cho đứa trẻ trắng trẻo, hồng hào, tươi đẹp,... phải năng vận động, không nhìn cảnh khiếp sợ, thương tâm, không ăn nói thô tục, bậy bạ. Đồng thời phải nói năng dịu dàng, cử chỉ khoan thai, giữ cho tâm hồn trong sạch... để gây ảnh hưởng tốt cho  đứa con trong thai sau này. Rồi các lễ thức cũng được tiến hành, khi người phụ nữ có thai được 5 tháng người ta chọn ngày, bày hương án với xôi chè, hoa quả và hai chiếc đũa bông (đũa tre, vót tua ở một đầu) để cầu nguyện cho thai nhi được yên ổn, phát triển bình thường. Có thai được 8, 9 tháng thì che buồng ở cữ, che nơi kín gió thường tăm tối. Che xong thì có lễ “cúng xó” hay “cúng bà xó”. Lễ cúng gồm có đồ quả phẩm, đốt hương mà không đốt đèn vì tương truyền “bà xó” có khỏa thân. Khi đến ngày mà chưa sinh hoặc đẻ khó người nhà bắt chồng của sản phụ lén cắt dây xỏ mũi trâu hoặc ra chợ lén cắt đuôi con cá tràu về dán lên bụng người vợ, hay lấy trái đu đủ bổ đôi đắp vào lòng bàn chân... Đây là những kinh nghiệm dân gian có phần mê tín, nhưng là cả một sự đúc kết lâu dài, thành tập quán “xưa bày nay bắt chước” mà phải tuân theo. Khi sắp sinh, sản phụ không được đi dâu xa một phần để kịp thời có sự giúp đỡ của gia đình, đảm bảo an toàn  khi sinh nở, hơn nữa còn liên quan đến cái nhau của thai nhi. Vì có thai ở đâu thì sinh ở đó và cái nhau của thai nhi cũng phải được chôn ở nơi sinh ra (nơi chôn nhau/rau, cắt rốn chính là sinh quán của mỗi người). Nhau của đứa trẻ được đặt vào cái am/nồi đất, đậy kín rồi đem chôn thật sâu để đứa trẻ khỏi bị toét mắt, chốc đầu sau này.

            Sau khi sinh, theo phong tục thì “con so về nhà mạ, con rạ về nhà chồng” - tức là người phụ nữ sinh đứa con đầu lòng thì về ở với mẹ ruột mình để được mẹ chăm sóc, còn sinh những đứa con sau thì ở lại nhà chồng. Bởi đứa con đầu lòng bao giờ cũng được chào đón hơn hết, để đảm bảo một cách tốt nhất cho cả mẹ lẫn con, nhất là khi người mẹ (sản phụ) sinh lần đầu tiên cần phải kiêng cữ nhiều, lại chưa có kinh nghiệm chăm sóc con và chính bản thân mình... về với mẹ thì dễ nhờ vả và thoải mái hơn khi ở với mẹ chồng, gia đình chồng. Sau khi sinh từ 1 - 3 tháng người phụ nữ sinh mới về lại nhà chồng. Đối với người Hoa, dù sinh con đầu lòng hay con dạ thì cũng vẫn sinh ở tại gia đình chồng và được mẹ chồng, gia đình chồng chăm sóc. Bởi họ quan niệm “con gái là con người ta, con dâu mới là con mình”. Lúc đưa sản phụ đi sinh tìm người nhanh nhẹn để dễ sinh, thì khi đón tay đứa trẻ sinh ra và đưa trẻ về nhà cũng tìm người nhà đón tay, đưa về phải nhanh nhẹn, khéo léo, dễ dãi thì sau này đứa trẻ sẽ thông minh, nhanh nhẹn. Khi đưa trẻ về, đi đường người ta còn lấy nhọ nồi quệt vào trán đứa trẻ hoặc dùng con dao nhỏ hay chiếc đũa lót dưới tay để đánh dấu rõ ràng và ngăn ngừa ma quỷ không dễ gì bắt hồn đứa trẻ đi được...

            Sinh xong, trong thời gian ở cữ, người sản phụ phải  uống nước nấu từ các loại như là cây dủ dẻ, cây dành dành, thậm chí uống nước tiểu của bé trai vào buổi sáng mới lấy vào, hy vọng sẽ chóng lại sức, da dẻ không bị khô do thiếu máu. Rồi phải ăn một chế độ ăn kiêng, nghiêm ngặt như: không ăn thức ăn lạnh, khó tiêu, chua. Họ chỉ ăn cơm với thịt kho rim, cá kho khô, nước mắm, hạt tiêu, thậm chí với muối tiêu... uống nước lá, dùng mật ong trộn với nghệ để ăn, nếu có điều kiện thì cắt thang thuốc bổ máu. Người Hoa còn cho sản phụ ăn các món có tác dụng bổ máu như đậu xanh, gừng nấu lẫn với đường hoặc nấu cháo đường với trứng gà. Buồng của sản phụ nhìn chung phải được che kín, không cho gió lùa vào, phải đốt lửa, xông hơ lửa than với muối và củ nén giã. Xông hơ cho được ít nhất 10 ngày, hạn chế ra gió, rửa nước lạnh, không đánh răng, chải đầu, không tắm rửa, giặt giũ nhiều... Thời gian ở cữ/nằm bếp này ít cũng phải một tháng.

            Khi gia đình có người sinh con, trong thời gian ở cữ, người ta thường treo một ám hiệu trước cổng ngõ để khách, bạn bè, người lạ biết giữ gìn không gây ồn ào, nhất là tránh mang bệnh tật cho đứa trẻ ở thời kỳ sinh nở, ám hiệu đó có thể là cái rổ () hoặc trước ngõ cắm một cây nhỏ, trên đầu cây cột một cây củi cháy dở, nếu sinh con gái thì đưa đầu cây củi cháy có than ra ngoài đường đi, còn sinh con trai thì ngược lại. Trường hợp đẻ khó người ta treo nhánh cây xương rồng hoặc chùm dứa dại để ngừa “phong long”. Gặp phải người đến chơi, thăm nhưng dữ vía gây cho đứa trẻ hay giật mình, khóc thét hoặc khóc liên tục không rõ lý do... thì người ta lấy gấu quần phụ nữ, hoặc chổi xương hay áo tơi cũ bỏ vào cái nồi/ am đất rồi đốt ở trước cửa buồng người sản phụ nằm có khi rắc vào đó ít hạt muối để xua đuổi vía. Đặc biệt, trường hợp đứa trẻ sinh ra bị chết non hoặc sảy thai thì gia đình đó phải báo cho mọi người trong làng -xóm biết để tránh không vào nhà sợ mắc “phong long tử” và ngược lại người nhà có đứa trẻ chết non hoặc sảy thai cũng không được đến nhà khác trong thời gian 3 tháng, kể cả bà con. Trường hợp lỡ bị mắc “phong long tử” thì khi về nhà phải “xông” để đuổi tà khí ở trong người, trong nhà. Có gia đình phải mời cả thầy phù thủy đến cúng, đốt xông bằng châu sa, thần sa... Thi hài những đứa trẻ xấu số được đem chôn ở ngã ba đường hoặc gửi trước chân mộ người thân, bề trên trong gia đình, tộc họ. Đối với những người phụ nữ bị sảy thai hoặc sinh ra đứa trẻ bị chết non cũng vẫn phải ở cữ/nằm bếp như những người sinh nở bình thường- “mẹ tròn con vuông”. Trường hợp sảy thai thì thời gian ở cữ có thể rút ngắn theo tùy từng người. Quần áo mặc, đồ dùng cho những đứa trẻ sơ sinh, trước khi dùng đồ mới phải dùng đồ cũ của đứa trẻ sinh trước, xin về. Nếu xin được của những đứa trẻ sơ sinh mà đã lớn, khỏe mạnh, thông minh, nhanh nhẹn để dùng lại là tốt nhất.

            Sinh con được một tháng, người ta tổ chức cúng đầy tháng, tính đúng thì con gái sau 28 ngày, con trai sau 29 ngày (gái sụt hai, trai sụt một). Ngoài việc cúng gia tiên, đây vừa là lễ tạ ơn “Ba bà chúa Sanh Thai và 12 bà Mụ” đã nâng đỡ, chăm sóc cho đứa trẻ trong thời gian mang thai, sinh nở... vừa là lễ đặt tên cho đứa trẻ. Lễ vật là con gà, đĩa xôi, mâm cơm hoặc thịt quay, xôi vò, cùng hương đèn, hoa quả, áo giấy, nhưng thường hay có xôi màu. Màu đỏ thì lấy cây van (tô mộc) gọt ra, sắc lấy nước màu đỏ nấu xôi, xôi vàng thì dùng nghệ, xôi xanh thì dùng các thứ lá màu xanh. (dân gian có câu: có ăn xôi nghệ không mà biết). Những nhà có điều kiện hoặc kỹ hơn, nhất là các gia đình người Hoa, vì đây có cúng 3 bà, 12 mụ nên phải có những đôi hài, miếng trầu, các thứ bánh trái để dâng lên cho đủ 3 bà, 12 mụ. Khi làm lễ đặt tên cho trẻ, người ta hay bỏ một bông hoa lên miệng đứa bé, ý mong cho đứa bé khi lớn lên nói những lời hay ý đẹp hoặc thường có nhiều bánh nghệ vàng để cầu mong đứa bé sau này học hành có tên trên bảng vàng. Việc đặt tên, chọn những chữ đẹp (mỹ từ) có hàm ý cầu mong, nhưng không được trùng với người trong tộc, những người có tuổi trong làng, những người ruột thịt đã khuất. Để tránh sự trừng phạt hay tai ương cho trẻ, ngoài tên chính thức, đứa bé thường được cha mẹ đặt cho cái tên rất xấu như : cu chó, cu đùm, bé tí, bé hũm... như vậy ma quỷ, cô hồn không quở trách, dòm ngó đứa trẻ. Trong lễ này người ta còn để một cái thau nước, đặt chùm gai ở trong thau (nam thì 7 cái, nữ thì 9 cái) và một miếng sắt nung đỏ, làm một vòng tròn bằng cật tre đặt trên thau, rồi bồng đứa bé trao qua, trao lại trong vòng tròn đó với ý nghĩa: cầu mong sau này lớn lên đứa bé được suôn sẽ trên đường đời, với đầy nghị lực. Cúng đầy tháng cũng là dịp bà con nội ngoại, thân hữu chia vui cùng gia đình. Cái nôi cho trẻ sơ sinh nằm cũng xin lại của những trẻ đã lớn khoẻ mạnh, nếu là nôi mới thì trước khi cho trẻ nằm phải bắt con chó cho nó nằm trước.

            Đến khi trẻ tròn một năm tuổi, gia đình sẽ tổ chức lễ thôi nôi (tôi nôi). Ở miền Bắc gọi là đầy tuổi tôi. Nói chung đây là lễ cúng đầy năm hay đầy một tuổi cho trẻ. Dịp này, người ta cũng mời đầy đủ bà con ruột thịt, thân hữu đến dự, chia vui. Ngoài việc cúng gia tiên, người ta còn trải cái chiếu xuống nền nhà, bày đủ các đồ đạc nhỏ như: giấy, bút, những dụng cụ tượng trưng cho các ngành nghề... để cho con trẻ chọn lấy, xem thử con mình lớn lên có thiên hướng làm nghề gì.

            Trong thời gian ở cữ để cho đứa trẻ khỏe mạnh, mau khôn lớn thì còn rất nhiều điều mà mọi người trong gia đình phải giữ, khách đến nhà chơi phải lưu ý như: trẻ con bụ bẫm không được khen, nếu đẹp thì nói “xấu quá”, “dễ ghét”, khóc thì nói là “em khua”; đau ốm gọi “làm nũng”, “ấm mình”; ngủ gọi là “thét”; nóng lạnh gọi “nhác chơi”, “phải chứng”; cái nôi gọi là “”; không đưa con qua cửa sổ (sợ sau này lớn lên nó làm nghề bất chính - trộm cắp)... nhiều điều kiêng cữ này còn được giữ mãi cho đến sau này đứa bé trưởng thành.
 
             * Tập tục trong thời kỳ thơ ấu đến lúc trưởng thành:
            Để trưởng thành, có rất nhiều đứa trẻ phát triển bình thường, khỏe mạnh nhưng cũng không ít đứa trẻ thường đau ốm liên miên. Có thể do nhiều nguyên nhân nhưng chắc hẳn do điều kiện sống (về môi trường tự nhiên; về điều kiện kinh tế, y học...) mà đứa trẻ phải từng bước thích nghi. Trong khi đó đây lại là thời kỳ hết sức quan trọng để đứa trẻ phát triển, trưởng thành sau này cả về trí và lực nhằm duy trì nòi giống, đem lại vinh hiển cho gia đình, tộc họ. Phải chăng, chính vì thế có rất nhiều tập tục liên quan đến con người ở tuổi ấu thơ đến khi trưởng thành, thậm chí nặng tính mê tín.

            Khi đứa trẻ hay đau ốm lúc trái gió trở trời... cùng với nhiều bài thuốc, cả mẹo vặt dân gian, rồi thuốc Nam, thuốc Bắc, người ta còn thường hay cúng vái ông Táo để xin cho trẻ khỏi (nên có Từ ông Táo khuấy chơi”). Lễ cúng thường là bánh tráng nướng với đường bát hoặc chuối, nước chè. Hoặc cúng ông Bình vôi (tại các cây dại, nơi dưới gốc thường bỏ bình vôi,, ông kiềng...); hoặc thắp hương xin ông bà tổ tiên; khấn xin tại các am, miếu... Thường xong việc đều có cúng tạ. Nhiều hình thức trên mà không khỏi thì theo chỉ dẫn của các “thầy bói - phù thủy”... mà có nhiều cách khác.

            Đổi đốt - bán khoán: Những gia đình khó nuôi con, nhiều trường hợp hữu sinh - vô dưỡng (có sinh mà không nuôi được), may ra sinh được một trai hay gái thì sau ngày lễ thôi nôi (đầy một năm tuổi) phải cúng đổi đốt. Tuổi cúng từ 2 đến 6,7 tuổi, có khi đến 12 tuổi mới qua đốt.

            Khi đổi đốt nên một thì mời thầy phù thủy (thầy cúng) đến, đặt bàn cúng vái, làm phép vẽ bùa cho trẻ đeo vào. Rồi mỗi năm như thế thì có một đợt cúng đổi đốt. Từ nên 2 đến nên 8 tuổi mỗi lần đổi là một lần thay bùa cho trẻ đeo vào. Đây là trường hợp nhẹ, còn có trường hợp vợ chồng đã nhiều lần sinh mà không nuôi được con (gọi là con ranh, con lộn), thì có thuật yểm bằng cách khi liệm đứa bé đem chặt một tay hoặc một chân (rời ra) để cho sau này không còn đầu thai vào nhà ấy nữa - thuật này gọi là “phản ác”. Khi sinh được đứa bé khác, thì bán khoán cho thầy. Sau thôi nôi thì mời thầy đến bán - thường mời những thầy cao tay ấn. Khi thầy đến đặt bàn cúng và ký bán cho thầy. Thầy mua đặt lại tên khác, tên thường rất xấu xí (như thằng đái, thằng cứt...). Rồi khi cúng xong thầy mới thượng khoán - khoán là một tấm vải trắng thầy vẽ bùa và viết tên, họ đứa trẻ, ngày tháng bán, có ấn của thầy đóng vào. Khoán ấy đem treo lên vách, phên, nơi sạch sẽ ở nhà chính, dưới treo một mảnh ván, đặt lư hương, chân đèn (như bàn thờ), có khi khoán ấy được đem đến để ở nhà thầy hoặc chùa, miếu Thánh, Thần nhờ thầy chăm sóc về sinh mạng. Hàng năm, đến ngày ấy (ngày bán khoán) chủ sắm lễ phẩm đến để thầy cúng, mang theo cả trẻ để vái lạy. Đến năm trẻ đủ 12 tuổi phải làm lễ hạ khoán. Chủ sắm lễ vật nhiều hơn hàng năm để thầy cúng làm phép đốt khoán - tức là giấy bán con, nay chủ đã chuộc lại, đem về nuôi. Đồng thời gia chủ cũng phải cúng công đức cho thầy năm, ba quan tiền. Như vậy mới xong lễ và gia đình mới yên tâm, không còn sợ con chết non nữa.

            Khi con cái lớn lên, đến tuổi đi học khoảng 6 - 7 tuổi thì cha mẹ phải làm lễ khai tâm cho con tại nhà. Lễ gồm xôi gà, hương đèn, hoa trà, quả, thiết bàn án đặt lên. Người cha hoặc anh đứng vái lạy cho con (em). Khi khấn vái phải nói rõ tên của đứa trẻ xin khai tâm - nghĩa là xin cho được “mở  lòng”, trí óc để học hành, đứa trẻ cũng phải quỳ lạy trước án để thọ khai. Tiếp theo cha mẹ tìm đến nhà thầy gần nhà, uy tín làm lễ nhập học, lễ vật sắm trầu, rượu (trầu 5 miếng, 1 ve rượu nhỏ) đặt vào trong một cái khay, trên khay đặt quyển vở mới, cha mẹ bưng đến trường hoặc nhà thầy đặt lên án thờ xin cho con mình nhập học. Thầy hỏi tuổi, tên, nếu chưa có tên thì xin thầy đặt tên cho (vì ngày trước đứa bé thường mới có tên tục). Thầy cầm bút viết tên, tuổi lên quyền vở mới (ở trên khay), rồi cha mẹ dẫn đứa trẻ đứng ra trước mặt thầy, lạy 2 lạy thọ giáo. Hàng năm, còn có lễ khai và tạ lớp/trường. Sau khi ăn Tết (khoảng 10 - 15 tháng giêng âm lịch) là khai lớp /trường. Lễ vật đơn giản, chỉ hương, hoa, trà, quả, trầu rượu, bánh khô, thầy đứng cúng cùng các học trò đứng xung quanh rồi lần lượt vái lạy. Lễ tạ lớp/trường, một năm có hai kỳ nghỉ chính, một là vào dịp Tết Đoan Ngọ (5/5 âm lịch) và một lần nữa vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán. Mỗi dịp nghỉ này phải làm lễ tạ, lễ cúng lớn, nhỏ tùy năm không bắt buộc, thường học trò cùng nhau nuôi hoặc sắm con gà mang đến cúng. Cũng vào dịp lễ Tết (Tết Đoan Ngọ, Tết Nguyên Đán - mùng 5 ngày Tết”), do ngày trước thầy dạy học không hưởng lương mà chỉ có lễ tết mỗi năm, vì vậy, vào dịp này, cha mẹ học trò phải lo lễ tết thầy. Nhà có gì tết cái đó như: nếp, gạo, đường, bánh... trong lễ vật ấy có kèm theo vài quan tiền (nhiều ít tùy học trò và tuỳ từng bậc học: tiểu - trung - đại tập). Ngoài ra, khi nhà thầy có việc giỗ kỵ, việc tang hiếu, hoặc việc hỉ, lúc thầy đau ốm hay nhà thầy có việc quan trọng, kể cả khi thầy qua đời học trò phải đến lo giúp giống như cho chính cha mẹ mình. Con trai lớn của thầy được xưng là “thế huynh”, học trò xưng lại là “thế đệ”. Sau khi thầy qua đời, các học trò cũ thường lập thành Hội đồng môn. Họ chung tiền làm vốn cho hội, cử người học trước hoặc người có danh vọng cao làm Hội trưởng, thư ký, thư bổn, đặt ra điều lệ. Ngày giỗ kỵ, mồ mả, gia đình thầy đều có phần đóng góp cùng gia đình con cái thầy. Có khi nhiều vốn, Hội mua đất trí hương hỏa hay xây mồ, đắp mả cho thầy chu đáo.

            Đối với con trai, xuất phát từ sự ràng buộc của tập tục tế tự và hương ẩm của làng xã, có nguồn gốc sâu xa trong tập tục trọng nam khinh nữ chịu ảnh hưởng của Nho giáo (Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô - Một con trai cũng là có, mười con gái cũng là không) và cả sự quy định của chế độ quân cấp điền thổ ở làng xã ngày xưa: chỉ có đinh tráng trở lên lão ông mới được hưởng ruộng khẩu phần. Có ăn ruộng, tất có bổn phận tế tự và quyền lợi hương ẩm... Do đó, vai trò chủ lễ trong tế tự, chủ trì mọi việc trong gia đình tộc họ, thôn xóm, làng xã... đều thuộc về nam giới. Chính vì những lý do trên, mà có nhiều nghi lễ đối với con trai, tuy nhiên ở Hội An, những nghi lễ này chỉ mang tính thủ tục không mang nặng lễ nghi tốn kém phiền toái như nhiều địa phương ở phía Bắc. Các thủ tục đó là, khi đứa trẻ được đặt tên xong, cha mẹ làm lễ cáo gia tiên xin ghi tên con mình vào gia phả và cáo với tộc họ vào dịp chạp mả /dãy mả trong năm; khi đến tuổi đinh thì cha mẹ phải cáo cho con vào hàng giáp -xóm và con trai đích tôn của tộc họ, gia đình thì cáo tham gia vào làng - xã, xóm, giáp gọi chung là lễ thành đinh.

            Riêng đối với con gái 17, 18 tuổi, trường hợp thường mất ngủ, biếng ăn, vật vờ mơ mộng, tinh thần không ổn định, nói sau quên trước, người xanh xao... như thế đều cho là mắc bệnh đàn căn nghĩa là bị Phạm Nhan quấy phá, nên phải cúng. Mời thầy phù thủy hay thầy cúng đến rồi thường thiết 3 bàn: một bàn cúng tổ và âm linh; một bàn cúng thổ thần, gia trạch, âm hồn; một bàn cúng Phạm Nhan. Trên bàn âm binh, bộ hạ có vẽ nhiều lá bùa, hình một ông tướng cầm gươm đưa lên chuẩn bị chém xuống. Lễ vật có gà, chuối, hương đèn, trà rượu. Thầy khởi chuông mõ cúng, cha hay mẹ của con gái làm chủ bái, thầy tụng niệm và chủ bái làm theo lời chú. Cô gái thì nằm trong buồng mình, lấy mền/chiếu đắp lại. sau khi thỉnh tổ, triệu âm binh, cúng thổ thần và âm hồn rồi thì thầy cầm gươm gỗ, tay vắt khăn ấn, tụng niệm đi cùng chủ bái vào buồng làm phép. Cúng xong dán bùa trong buồng, lá bùa lớn thì tự tay thầy dán ở cửa ra vào buồng. Một lá bùa nữa, thầy xếp lại đưa cho người nhà, may bao vải để đeo trước ngực cô gái. Mọi việc xong thì thầy, chủ bái bái lạy tạ trước các bàn án, phát lương và lễ tất.
 
               * Phong tục - tập quán trong hôn nhân - cưới hỏi:
            Ý thức được tầm quan trọng của hôn nhân - cưới hỏi đối với một đời người, cha ông ta đã đặt ra những lễ nghi trang trọng, thiêng liêng để tạo ra những dấu ấn không phai trong tâm khảm của đôi vợ chồng trẻ, qua đó tạo cho họ ý thức về trách nhiệm và nghĩa vụ đối với nhau, cũng như đối với gia đình, con cái, với dòng họ gia tiên. Tuy nhiên, theo nhận biết của chúng tôi, ở Hội An - xứ Quảng, hôn nhân - cưới hỏi có phần giản lược hơn về một số lễ tục so với một số địa phương ở phía Bắc và ngay cả vùng  Thừa Thiên - Huế (cố đô).

            Trước hết, việc dựng vợ, gả chồng hầu như là do cha mẹ, ông bà quyết định (cha mẹ đặt đâu con ngồi đó), trai gái không có quyền tự do tìm hiểu bạn đời và định đoạt hôn nhân cho mình (nam nữ thụ thụ bất tương thân). Vì theo quan niệm, hôn nhân là để nối dõi giòng giống, việc cưới hỏi không chỉ là của bản thân mà liên quan cả dòng họ, do đó cha mẹ, cả họ hàng đều tham gia ý kiến việc lập gia đình của đôi trai gái. Yếu tố đòi hỏi “môn đăng hộ đối” (liệu cơm mà gắp mắm ra/ liệu cửa liệu nhà mới gả con cho) luôn được đặt ra, cũng là một rào cản đối với hôn nhân. Mặt khác, cũng cần phải nói rằng trong xã hội phong kiến “môn đăng hộ đối” lại tránh được sự khinh rẻ lẫn nhau do phân biệt giữa giàu nghèo; chức dịch với thường dân; học ít với không có học... tạo được sự công bằng, bình đẳng giữa cặp trai - gái và cả hai bên gia đình; tạo được sự đồng cảnh, cảm thông, tránh các mâu thuẫn sau khi hôn nhân. Hơn nữa, vì người phụ nữ là người sinh con cháu cho nhà chồng nên họ được chú ý lựa chọn cho việc sinh “con đàn cháu đống”, để dòng họ luôn phát triển đông đúc, bền vững (mua heo chọn nái, kén gái chọn dòng). Trong dựng vợ, gả chồng cho con tuyệt đối kiêng kỵ việc những người bà con, người cùng một họ mà không xác định được gốc tích. Đối với bà con bên ngoại của cả hai bên, khác họ thì có phần nhẹ nhàng hơn khi đã xuống 3 đến 5 đời. Tuy nhiên cũng khó được chấp nhận vì đối với cư dân Hội An bên ngoại cũng có ý nghĩa thiêng liêng, gắn bó gần gũi không khác gì bên nội. Đối với bà con người Hoa có điểm khác là người ta khuyến khích con trai lấy vợ người Việt, con gái lấy chồng người Hoa. Nghĩa là tăng số lượng con dâu, sui gia, thông gia với người Việt mà hạn chế con gái mình về làm dâu người Việt (bởi xuất phát từ quan niệm, con gái là con người ta, con dâu mới là con mình).

            Cưới hỏi tuy có nhiều nghi tiết, nhưng cũng tùy thuộc vào hai bên gia đình mà có thể thêm hay giảm bớt, song vẫn phải trải qua trình tự các lễ sau:
            Khi hai bên đã dò hỏi tuổi tác và đến thầy xem được tuổi hợp rồi, mới nhờ một người thân thiết với bên nhà gái và sắm trầu, rượu đến nhà nhờ làm mai. Có nhà người ta chọn cả ông làm mai nhưng phải là người có đức vọng, còn đủ vợ chồng, con cái song toàn. Ông/bà mai không những làm cầu nối giữa hai họ đi đến hôn nhân của con cái, mà còn là người hòa giải sau này nếu có việc gì trắc trở giữa vợ chồng và hai họ. Vì ngày xưa, chưa có lệ khai giá thú nên ông/bà mai còn là chứng nhân của việc thảo kiện khi có việc ly dị hay vợ chồng kiện cáo nhau. Lễ bỏ trầu cau là lễ đầu tiên của nhà trai đến nhà gái, là ngày nhà trai gồm có cha mẹ, anh, chị hoặc ông bà khoảng 3 - 5 người, nếu không có thì phải là người thân nhất, có quyền quyết định đến việc hôn nhân của người con trai, sắm lễ trầu - cau - rượu cùng ông/bà mai đến nhà gái và hai bên bàn bạc để thống nhất việc dựng vợ gả chồng cho con (lễ bỏ trầu cau tục còn gọi là hàng rào sưa”). Sau đó là đến lễ hỏi (còn gọi là lễ vấn danh), trong lễ này, nhà trai với thành phần đẩy đủ gồm cha, mẹ, ông, bà, bác, chú, cô, dì, cậu... tức là những người thân ruột của cha - bên nội và của mẹ - bên ngoại, chọn cho đủ đôi, đủ cặp, những người song toàn, số lượng ít cũng được 5 - 6 cặp/đôi trở lên (thường họ chọn cho đủ số cặp/đôi là số rơi vào chữ sinh thay chữ lão - theo sinh - lão - bệnh - tử). Nếu vì hoàn cảnh neo đơn có thể mượn những người thân hữu, ân nhân đi giúp. Lễ vật có trầu - cau, trà - rượu, một đôi bông tai (giàu thì đi vàng, còn nghèo thì đồng xứng). Sau lễ hỏi, hai bên (trai, gái) chính thức đi lại và công khai với họ hàng - làng xóm và nhà trai chính thức nhờ thầy xem ngày giờ để tổ chức lễ cưới. Tiếp đến là lễ cưới, trong lễ cưới có trầu - cau, trà - rượu, tiền heo - tiền giẻ. Tiền heo là của nhà trai đem đến cúng ông bà bên nhà gái và đãi khách. Tiền giẻ là cho cô dâu may áo quần lúc về nhà chồng. Tiền sính lễ hoặc là ruộng, vườn, nhà... Heo có nơi mang theo y con bỏ vào cũi khiêng đến. Tất cả đều ghi rõ trong tờ hôn thơ. Kèm theo các lễ vật này phải có ít nhất cái vòng xuyến (bằng vàng thiệt, hoặc nghèo cũng phải bằng bạc). Trước ngày định lễ cưới phải có lễ thỉnh kỳ của nhà trai gồm cha mẹ hoặc anh em khoảng 3 - 5 người có ông/bà mai cùng đến nhà gái làm thủ tục “xin y hạn” (thực chất 2 bên gặp gỡ cùng bàn bạc, rà soát lại công việc chuẩn bị hôn lễ để đi đến thống nhất thực hiện). Đặc biệt, tại lễ này nhà trai trao đầy đủ vật dẫn cưới: tiền heo, tiền giẻ, vật sính lễ (ruộng, vườn, nhà...) theo đúng như lời ghi trong hôn thơ. Trong lễ cưới thì có hai cách, một là sau khi cưới thì rước dâu; hai là sau khi cưới thì gởi rể, việc này do ông/bà mai cùng hai bên cha mẹ tùy vào tình hình, hoàn cảnh cụ thể của mỗi nhà mà thống nhất, quyết định. Trước ngày cưới, nhà trai cũng như nhà gái phải có bữa hội thân (hay còn gọi là nhóm họ), sắm lễ trước là cáo, cúng ông bà tổ tiên, sau là mời bà con nội ngoại, thân hữu, hàng xóm, láng giềng của cha mẹ. Ngày cưới họ nhà trai thành phân đi dẫn cưới (sau này gọi là rước dâu) cũng giống như khi đi lễ hỏi. Điều quan trọng là phải sắp xếp thời gian đi làm sao để vào nhà gái đúng giờ đã quy định. Lễ vật đem đến chỉ có trầu - cau - rượu - trà- đèn giác/trầm để làm lễ cúng (còn mọi đồ dẫn cưới : tiền heo, tiền giẻ, vật sính lễ: ruộng, vườn hoặc nhà... thì đã đi trước tại lễ thỉnh kỳ). Lễ vật dẫn cưới cũng như khi đi lễ hỏi phải được đựng vào những cái hộp tròn, sơn đỏ- gọi là quả, trên phủ khăn đỏ có chữ song hỉ - thường phân thành 3 quả hoặc 5 quả (5 quả gồm  trầu -cau, kim -ngân, trà -rượu, đèn -giác/trầm; nem -chả). Khi đến cổng ngõ của nhà gái thì phải cho một người đại diện bưng khay đựng ve rượu, 2 ly, đĩa trầu têm sẵn vào nhà gái, lật ly, rót  rượu, mời trầu, xin thưa... gọi là trình giờ (báo đã đến giờ, họ nhà trai  xin cho vào nhà làm thủ tục cưới)

            Sau khi họ nhà trai vào nhà, đại diện họ nhà gái nhận lễ (trầu -cau, rượu-trà, đèn - giác/trầm) dâng lên bàn thờ gia tiên làm lễ cúng. Cúng xong, cho cô dâu ra trình họ và nhà trai cho của thăm dâu. Hoàn tất nghi lễ họ nhà trai ra về, chú rể, ông/bà mai ở lại để cùng đi với họ nhà gái - đưa dâu. Tục sau này có thay đổi gọi là rước dâu - tức là họ nhà trai cùng họ nhà gái, ông/bà mai và cô dâu, chú rễ cùng đi/rước về nhà trai một lần. Riên cha, mẹ cô dâu không đi cùng đoàn mà đi riêng đến sau. Thành phần tham gia đưa dâu/rước dâu của họ nhà gái cũng giống như họ nhà trai (thông thường nhà trai có vai vế nào thì nhà gái cũng cố gắng đưa ra thành phần đủ vai vế như họ nhà trai). Việc đưa dâu/rước dâu về nhà trai, nhập/vào nhà cũng phải theo đúng giờ đã định trước. Trường hợp cô dâu/gái có thai trước thì phải gửi rể hoặc nếu rước thì phải đi vào nhà trai bằng ngõ sau, rồi đi từ dưới bếp lên. Ở nhà trai, họ đặt giữa nhà, phía trước bàn thờ một bàn án gọi là cáo trung đỉnh (có nơi gọi là bàn ông Tơ - bà Nguyệt). Khi chú rể cùng cô dâu bước vào nhà, họ nhà trai chọn một ông trong họ có đức vọng và con cháu đông đúc đứng làm lễ Trung đỉnh - cô dâu, chú rể đến lạy. Có nhà còn có lễ giao bôi (chú rể bưng chén rượu đưa cho cô dâu uống, cô dâu đưa cho chú rể miếng trầu ăn - với ý là hòa hợp đoàn viên). Sau đó là lạy ông bà, tiếp đến lạy tạ ông/bà mai, cha mẹ, ông bà nội/ngoại. Lúc này bên gái có cho con gì thì đem ra trước hai họ. Tiệc xong thì họ nhà gái ra về, cô dâu, chú rể phải ra đứng tại cổng/ngõ có khay trầu - rượu - thuốc để tiễn đưa, một số người thân của cô dâu thường lì xì cho cô dâu ít tiền gọi là làm phước. Lễ cưới chấm dứt, sau 3 ngày làm lễ phản diện (có nhà gọi là lễ lại quả), cha mẹ chồng bày một lễ nhỏ: bánh, rượu, trà, đi cùng cô dâu, chú rể, ông/bà mai đến nhà gái. lễ vật này đặt lên bàn thờ cúng ông bà bên nhà gái để tạ ơn. Trường hợp gửi rể thì sau khi dẫn cưới chú rể ở lại nhà vợ, không phải đưa/rước dâu.

            Trên đây là những nét cơ bản của nghi lễ hôn nhân - cưới hỏi, tùy theo hoàn cảnh, sự thỏa thuận của cả đôi bên (họ nhà trai - họ nhà gái) mà có thể có những thay đổi thêm - bớt. Ngoài ra trong quá trình tiến hành hôn lễ còn nhiều điều kiêng kỵ mà mọi người trong gia đình phải lưu ý như: không để ly, đĩa, chén, tách... bị vỡ/ bể; nhánh cau dẫn cưới không cho đứt/ rứt trái nào; người có tang không mời đi họ dẫn cưới hay đưa dâu; khi đám cưới tránh đi ngang qua lăng miếu mà đi quanh hay đi sau lưng; số người đi họ dẫn cưới hay đưa dâu phải là số chẵn; các đồ lễ dẫn cưới không được đem đến nhà người khác để...
 
            * Phong tục tập quán trong tang ma:
            Sinh - tử là hai thời khắc quan trọng trong cuộc đời của mỗi con người. Vì vậy, việc đưa người chết về nơi an nghỉ cuối cùng là việc hết sức thiêng liêng, nó được thể hiện qua nghi lễ đưa tiễn người chết - đây là giai đoạn cuối của chu trình vòng đời,  được kết thúc bằng nghi lễ tang ma khi con người nằm xuống, đồng thời cũng bắt đầu một hành trình mới ở thế giới khác, trong ngôi nhà của tiên tổ. Trong ý thức dân gian, chết là sự chấm dứt của cơ thể sống, còn linh hồn thì trường tồn mãi. Chính vì vậy, nhiệm vụ của người sống là phải tiến hành các nghi lễ, chuẩn bị mọi thứ để người chết được sống cuộc sống tốt đẹp hơn ở thế giới bên kia. Đồng thời, đây cũng là dịp để con cháu cầu mong người đã khuất phù hộ cho làm ăn thuận lợi, cho sức khỏe, thành đạt... và cũng là dịp con cháu tỏ lòng báo hiếu, người thân thể hiện lòng mình với người đã khuất. Có thể nói là rất nhiều nghi lễ, tập tục trong tang ma mà khi tiến hành đòi hỏi phải có sự trợ giúp của rất nhiều người trong thân tộc, hàng xóm láng giềng (nhất gia hữu sự, bá gia ưu - một nhà có người quá cố, thì mọi nhà đều lo) và thực hiện theo quy định chung được ghi trong sách “Thọ mai gia lễ”. Tuy nhiên ở Hội An, cũng như mỗi cộng đồng cư dân, địa phương khác nhau vẫn có những nét riêng - cụ thể ở Hội An trình tự tang lễ được diễn ra như sau:

            Khi biết chắc chắn người thân trong nhà đã qua đời, người chủ sự phải cử người đi thông báo cho tất cả bà con, anh em ruột thịt biết (lúc này hàng xóm nghe tin họ cũng tự đến để giúp đỡ); cho người nấu cơm, bới thành chén cơm in (2 chén úp vào nhau), cắm đôi đũa và một quả trứng luộc đặt ở phía trên, bên đầu người chết; vuốt mặt người quá cố, chỉnh cho cơ thể người chết nằm cân đối, khoan thai, sau đó trải một tờ giấy vàng mã lên mặt người chết. Những việc trên đây tiến hành đồng thời với nhau cùng một lúc. Lưu ý trong suốt thời gian người chết còn quàn ở trong nhà (kể cả từ khi đã khâm liệm - nhập quan đến trước khi di quan) mọi người trong gia đình phải để ý không cho con mèo đi ngang qua người chết vì sợ rằng người chết sẽ bị dựng dậy (?). Tiếp theo gia chủ thắp hương lên bàn thờ gia tiên yết cáo với tổ tiên; rồi cử người đi đến các vị thầy để nhờ xem người mất năm đó tốt, xấu ra sao và các ngày, giờ tiến hành nghi lễ tang ma. Việc xem ngày giờ mất của người quá cố rất quan trọng, đến mức khi người quá cố còn hấp hối người ta đã thăm dò, cần thiết thì phải tìm cách (như nhỏ thuốc hồi dương, ngậm sâm,...) để duy trì “sống” cho qua giờ - qua ngày mà thầy cho là xấu. Bởi nếu người mất trúng vào các ngày trùng là rất xấu, đó là điềm không tốt. Nếu trúng năm Thanh long cũng rất xấu, được Huỳnh long là rất tốt. Trường hợp trúng phải ngày - giờ - năm không tốt thì phải bàn với thầy để tìm cách giải trừ trong nghi lễ tang ma. ở Hội An, thông thường, khi một gia đình có người chết, họ không hoàn toàn tự lo liệu mà sẽ nhờ họ hàng thân ruột, hàng xóm láng giềng giúp đỡ - Hộ tang, và nhờ một người trong tộc (không chịu tang) đứng làm chủ tang. Bởi lúc này gia đình tang chủ rất bối rối không thể tự lo liệu được nên phải nhờ sự giúp đỡ là cần thiết. Khi mọi người đã tập hợp đông đủ họ sẽ tiếp tục chia nhau mỗi người một việc để lo liệu như: đi sắm hòm, cát trắng, đồ khâm liệm, thần phục...; sắm bàn, đồ vật để thiết lập bàn án trước linh cữu dâng hương, phúng điếu (chân đèn, nồi  hương, bài vị/ảnh họa, liễn, triện, phướn, hoa quả, giấy tiền vàng bạc, trầu cau...); có người lo chặt tre, chẻ lạt, thanh ngang để bó hòm sau khi liệm; và bố trí người che rạp, mượn bàn ghế, lo nước uống, đi chợ; lo mời ban nhạc lễ hoặc báo sư chùa để tụng kinh (nếu là tín đồ Phật giáo)... Đặc biệt không được quên mời người có kinh nghiệm lo giúp việc “phạn hàm” và khâm liệm. Mọi việc chuẩn bị đã xong, tiến hành tục “phạn hàm” và lau, rửa cho người chết. Tục phạn hàm - tức là lấy chiếc đũa đặt nơi cửa miệng người mất, bỏ gạo, muối được rửa sạch vào miệng: nam 7 hạt, nữ 9 hạt, có nhà còn bỏ tiền đồng, châu ngọc, vàng... Làm như vậy, ý để cho người chết có gạo, muối, tiền/vàng... để đi đường từ dương gian về âm phủ. Nam hết 7 ngày, nữ hết 9 ngày. Tiếp theo phải dùng rượu phun, xoa để rửa, lau cho người chết sạch sẽ và nắn cho tư thế nằm ngay thẳng. Lúc này mới mặc đồ liệm, gồm 2 lớp: 1 lớp vải trắng và 1 lớp vải đỏ. Tay chân, mặt mũi người chết cũng được bao bọc cẩn thận, sau đó dùng dây vải để buộc xác người chết cho ngay thẳng (nam buộc 7 dây, nữ buộc 9 dây). Sau khi khâm liệm thì làm lễ nhập quan, ở Hội An có tục liệm người chết bằng cát trắng - loại cát sạch (rất ít khi liệm bằng trà hoặc các vật liệu khác). Vì ngoài cát trắng - sạch còn có màu khác biệt với đất nơi nghĩa địa rất dễ nhận biết khi sau này phải cải táng, di dời. Để khâm liệm-nhập quan còn phải bỏ cát vào trong bao vải may sẵn đặt lên mắt, tai (gọi là điểm nhãn - điểm nhĩ), trên đầu đặt một cái gối cũng may bằng vải bỏ cát vào. Dưới lưng của người chết (tức là đáy hòm) đặt một tờ giấy, dùng hương đã đốt lửa đục lỗ thành hình Thất Tinh - biểu tượng của chùm sao Bắc Đẩu. Nếu người chết còn phải chịu tang thì xé vải khăn tang đặt vào quan tài với ý biểu hiện sự hiếu thảo của người chết. Xong việc, đặt người chết vào quan tài, nhưng phải làm thủ tục “hạ thổ”, đặt người chết dưới đất, bên cạnh quan tài, nâng lên hạ xuống 3 lần rồi mới đưa vào đặt trong quan tài, đổ cát vào, khỏa cho bằng phẳng. Sau đó đậy nắp hòm, nhưng phải đậy hở, chờ đến đúng giờ nhập quan mới đậy kín, dùng lạt tre, thanh ngang tre (đặt dưới đáy hòm) rồi bó lại cho chặt bằng 3 vòng lạt tre. Những người chết mất xác thì gia đình làm quan tài, cốt giả rồi mời thầy pháp làm lễ “chiêu hồn nhập cốt” hoặc những người chết nước thì mời thầy làm lễ “sao môi”, “vớt vong”.

            Việc khâm liệm -nhập quan đã xong, lúc này quan tài được đặt ở gian giữa của nhà, gần với cửa ra vào và quan tài luôn được đặt quay đầu ra hướng ngoài,  đồng thời thắp hai ngọn nến trắng trên quan tài và một đĩa đèn dầu để dưới quan tài cho ấm xác (nếu người chếtbất đắc kỳ tử” - ngoài đường - ngoài xá... thì quan tài không đưa vào nhà mà phải dựng rạp ở ngoài sân, ngoài vườn). Lúc này, bàn án trước linh cữu, chuẩn bị sẵn cũng được thiết lập để làm lễ trí linh: cúng linh hồn người quá cố và bây giờ mới thắp hương. Những gia đình tín đồ Phật giáo phía trước bàn án người mất lại có thêm bàn thờ Phật. Tiếp theo là lễ thành phục hay còn gọi là lễ phát tang, lễ này rất quan trọng nên phải có nhạc lễ hoặc có thêm sư chùa đến tụng kinh. Người được nhờ làm chủ tang sẽ đứng ra xé, phát khăn tang cho từng người chịu tang, theo thứ tự từ lớn đến bé, nam trước nữ sau, “nội” trước “ngoại” sau (con cháu nội, ngoại) và người nhận/chịu tang phải bái lạy 4 lạy rồi mới mặc đồ tang hoặc chít khăn tang. Con trai, con gái, vợ hoặc chồng, cháu đích tôn của người quá cố đều mặc đồ tang, trên đầu, lớn thì trùm khăn, nhỏ thì bịt mũ... Các cháu thì chít khăn trắng, riêng các cháu nội trai theo thế hệ thứ tự từ khăn trắng đến khăn vàng, khăn đỏ. Con trai trưởng, dâu trưởng áo có thêm miếng vải thừa ở sau lưng gọi là dư ai (khóc thừa, thể hiện sự khóc thương vô bờ đối với người đã mất và để phân biệt với con trai, dâu thứ). Con trai trưởng còn phải đội mũ rơm, đeo dây rơm, chống gậy (tang cha thì gậy bằng trúc, tang mẹ thì gậy bằng vông). Khi xé khăn tang hoặc may đồ tang thì không được thừa, không được thiếu. Khi chít khăn không được để hai đầu khăn trùng nhau (phải để thừa đầu ngắn, đầu dài - so le), vì sợ trùng. Phần lớn con, cháu nội trai, dâu phải để tang 3 năm, cháu gái có thể tùy hoàn cảnh châm chế giảm bớt. Còn lại đều để tang 9 tháng đến 1 năm. Nhìn chung, chồng của cô, vợ của cậu, chồng của dì mất thì không để tang. Trường hợp bác, chú, cô, cậu, dì ruột của vợ mất mà cha mẹ của bản thân còn thì không để tang. Ngược lại nếu bác, chú, cô, cậu, dì ruột của chồng mất mà cha mẹ của bản thân còn, việc để tang phải xin phép cha mẹ. Anh em trai con nhà chú, nhà bác, bạn dì, cô cậu ruột thì không nhất thiết phải để tang, nhưng người mất là đích tôn, trưởng tộc/họ của mình thì phải để tang...

            Trong thời gian linh cữu còn quàn tại nhà thì bà con ruột thịt, thân thích, hàng xóm, bạn bè... đến viếng. Khi viếng thắp hương bái hay lạy thì chỉ được 2 bái hoặc 2 lạy, lúc này con, cháu, vợ hoặc chồng của người mất luôn túc trực 2 bên để bái, lạy đáp lễ và trong thời gian này phải cúng cơm hàng ngày. Ngày giờ di quan, động quan, hạ huyệt cũng đều đã được thầy cúng xem trước, tránh nhằm vào ngày xấu sẽ hại thêm con cháu, người thân. Những đàn ông, thanh niên trong xóm/giáp đều có trách nhiệm khiêng quan tài đến huyệt. Trước khi di quan phải sắm lễ cúng “đạo lộ” (tức là cúng các vị thần đường xá mà linh cữu sẽ di chuyển qua). Lễ cúng này phải cúng vào ban đêm hoặc rạng sáng ngày di quan. Đồng thời cũng phải có lễ cúng khai huyệt/động thổ để đào huyệt chôn người quá cố tại nghĩa trang. Huyệt chôn người chết phải được thầy địa lý xem trước chọn hướng kỹ càng. Nếu chết xấu (như bị đâm, chém, tự tử...) có nơi người ta đào hai huyệt (một huyệt sâu, một huyệt cạn) khi đưa quan tài đến đặt vào huyệt cạn làm lễ, sau đó chuyển sang huyệt sâu để chôn chính thức - có làm như vậy người ta mới tin rằng  người chết mới yên tâm ở suối vàng mà không quấy nhiễu người nhà. Lễ động quan - di quan được diễn ra theo trình tự: Đội âm công (người khiêng) do ông chấp lệnh đứng đầu, điều khiển vào bái quan (tài), làm lễ động quan, sau đó lui ra để gia đình làm lễ triệt linh sàn (dọn dẹp bàn thờ). Triệt linh sàn xong thì đội âm công vào di quan - tức là khiêng quan tài đi ra. Khi bắt đầu di quan ra, gia chủ phải cử một người đập bể một om/nồi đất ở trong góc gần sát nơi đạt quan tài gọi là để tống hồn thư của người chết đi theo linh cữu (có khi người ta dùng pháo tống). Thường người ta không di quan qua cổng chính mà mở một lối đi mới (phụ), khi quan tài khiêng qua cửa thì có tục người con trai trưởng nằm chắn ngang, ý muốn nói để cha mẹ đi cho yên và khi qua cổng lại đặt một cái đòn gánh để nằm ngang. Đồng thời khi quan tài khiêng ra đến cổng là người ta phải cho tháo dỡ ngay các tấm che, chắn ở sân trong những ngày tang lễ. Đoàn di chuyển quan tài từ nhà ra đến đường chính (đường cái), người con trai trưởng phải bưng nồi hương (ý giữ việc hương hỏa - thờ cúng), các con thứ lo bưng di ảnh họa hay bài vị... Tuy nhiên, tùy vào hoàn cảnh của từng người quá cố (có con hoặc không có con, có con trai hay con gái hoặc chết trẻ...) mà sắp đặt việc này, nhưng ít nhất phải có người bưng nồi hương, đó là người thân ruột có trách nhiệm nhất của người quá cố. Ra đến đường cái, thông thường đi đầu đám tang là người cầm đuốc để soi đường đồng thời vãi giấy tiền - vàng bạc ra đến tận huyệt, tiếp sau là người cầm phướn. Phướn là một cây tre nhỏ để ít lá ở ngọn gắn lá triệu lên - triệu viết trên giấy đỏ bằng phấn hoặc vôi, đó là một hàng chữ Hán dài từ trên xuống dưới và số chữ theo 4 chữ “quỷ, khốc, linh, thính” - nghĩa là chữ cuối cùng không phạm hai chữ “quỷ, khốc” mà tốt nhất đàn ông nhằm chữ “linh”, đàn bà nhằm chữ “thính” (Nam linh, nữ thính); Đến tiếp theo là bàn lượt (bàn thờ có bát hương và di ảnh / bức họa hay bài vị người quá cố), thường người con trai trưởng phải đi lùi trước bàn lượt này, theo sau là ban nhạc và đến quan tài, rồi người nhà cùng bà con, thân thích, hàng xóm đi đưa tang. Ở Hội An hầu như không có tục lăn đường như các địa phương khác.
            Trước khi hạ huyệt - hạ rộng, tức là di chuyển đặt quan tài xuống huyệt đã đào sẵn, người chủ đám tang phải làm lễ cúng trời đất, thổ công, thổ địa, báo cáo với những ngôi mộ xung quanh về thành viên mới. Hạ/đặt quan tài vào huyệt xong phải nhắm hướng cho đúng, canh nước cho cân bằng, rồi nhờ người biết chữ tuyên đọc triệu (thường là các thầy cúng đọc). Kéo lá triệu trải dài theo quan tài, lật mặt chữ lên, đọc xong rồi úp xuống - 3 lần như vậy, xong rồi lấy nước bôi vào để xóa chữ đi, và vo nhàu lá triệu bỏ xuống bên cạnh quan tài để lấp đất. Khi lấp đất những người chịu tang, bà con thân thiết đều bốc một nắm đất bỏ xuống hàm ý như muốn cùng nhau góp phần đắp cho mồ yên, mả đẹp. Trong lúc tất cả mọi người lo di quan - đưa tiễn quan tài ra nghĩa địa chôn chất cho người quá cố thì ở nhà có một nhóm người lo sắp đặt bàn thờ, vị trí phải được đặt ở gian nhà bên, không được đặt ở gian nhà giữa, nơi đã có bàn thờ gia tiên, sau khi mãn khó (mãn tang) thì mới thỉnh/đặt lên bàn thờ chung với gia tiên (những người đã quá cố từ trước), đồng thời có nhóm lo nấu cơm cúng. Khi đoàn đi tiễn đưa, chôn cất người chết về thì người con trai trưởng phải đặt ngay nồi hương, di ảnh họa/bài vị lên bàn thờ được chuẩn bị/sắp đặt trước, cơm cúng cũng được đặt lên và phải cúng việc lập bàn thờ cho người chết. Cúng xong hạ xuống, dọn mời những người đã giúp cho việc tang ma, chôn cất trở về để cùng hưởng (ăn).

            Sau 3 ngày phải có lễ cúng “mở cửa mả”, thường trong thời gian 3 ngày này (kể từ lúc chôn xong) những nhà có điều kiện (điều kiện ở đây là: các bậc bề trên của người chết đã được xây mộ, lập bia và gia đình có tiền) thì tiến hành xây mả, lập bia mộ cho người chết, công viẹc này phải hoàn tất trước khi cúng mở cửa mả. Còn những gia đình không có điều kiện thì phải đợi sau 3 năm, khi nào có đầy đủ điều kiện và phải coi thầy cho được năm, được tuổi. ở Hội An không có tục cải tang mà chỉ chôn một lần ổn định (ngoại trừ trường hợp do mộ nằm sát bờ sông, đất bị bồi lở hay những sự cố bất khả kháng nào đó...). Lễ cúng mở cửa mả tại mả xong, người ta thường hay có mâm cơm mời những người đại diện cho làng - xã, xóm - giáp, tộc họ, những người đã nhiệt tình lo giúp gia đình trong những ngày lo tang lễ. Đây cũng là dịp để gia đình cảm tạ- xin lỗi mọi việc đã qua đối với mọi người.

            Sau lễ mở cửa mả, gia đình còn phải lo cúng cơm vào các ngày làm lễ 7 ngày, 14 ngày, 21 ngày, 49 ngày và 100 ngày (quan trọng nhất là lễ 49 ngày và 100 ngày). Sau khi người chết được 1 năm tròn thì làm lễ cúng giỗ đầu (cúng tiểu tường); năm thứ hai tổ chức giỗ hết (lễ cúng đại tường), sau lễ này con cháu bỏ tang lên bàn thờ người đã chết, trừ con trai trưởng và dâu trưởng, cháu đích tôn; Đến sau ba năm, gia đình tổ chức lễ mãn tang hay còn gọi là mãn khó, trong lễ này các khăn tang, bức trướng, câu chữ để thờ, bàn thờ... được đem đốt. Lễ này những nhà có điều kiện kinh tế thường tổ chức cúng rất lớn, mời đông đủ bà con nội ngoại, thân hữu, láng giềng đến dự. Sau lễ này, bàn thờ người chết được chuyển nhập vào bàn thờ tổ tiên (đặt ở gian chính giữa nhà), đồng thời gia đình xem như từ đây hết tang, có thể làm mọi việc như làm nhà, dựng vợ, gả chồng cho con cái, thăm viếng hàng xóm láng giềng, bạn bè kể cả vào ngày lễ, tết,...

            Ở Hội An, ngoài những phong tục tập quán liên quan đến chu kỳ một đời người đã mô tả trên, còn một số lễ tục khác như lễ thành đinh, lên lão, mừng thọ, khao vọng... Tuy nhiên, các lễ tục này hầu như không phổ biến, chỉ diễn ra ở một số nhà có điều kiện về kinh tế, địa vị xã hội nhất định, xem như không phải là phong tục tập quán phổ biến của địa phương nên chúng tôi không trình bày.

 
(Trích sách Cư dân Faifo - Hội An trong lịch sử,  Xb: 2010, trang: 183 - 207, Tác giả: Ths. Nguyễn Chí Trung)

Tác giả: Ths. Nguyễn Chí Trung

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây