* Tập tục trong thời kỳ sinh đẻ - sơ sinh:
Ở Hội An nói riêng cũng như Việt Nam ta nói chung việc sinh đẻ là một tất yếu đối với người phụ nữ khi có chồng, và cũng là thiên chức của người phụ nữ. Nó là cơ sở nhằm nối dõi tông đường, bảo tồn huyết thống. Thời kỳ phong kiến, người phụ nữ không có con cũng là một trong bảy điều luật (thất xuất) cho phép người chồng ly hôn với vợ (1. Không con, 2. Dâm dật, 3. Không thờ cha mẹ chồng, 4. Nhiều lời, 5. Trộm cắp, 6. Ghen tuông, 7. Có ác tật). Bởi theo quan niệm: có tổ tiên rồi đến ông bà, ông bà sinh ra cha mẹ, cha mẹ sinh ra mình, đến lượt mình cũng phải sinh con để di truyền nòi giống. Do đó, những cặp vợ chồng hiếm con phải tìm đủ mọi cách để cho có thể có con. Họ đến các đình, chùa, miếu để cúng cấp, cầu xin (cầu tự - cầu thần thánh ban cho mình đứa con lập tự về sau); đi tìm ngải, trừ tà, chữa thuốc hoặc có khi người ta quan niệm xin con về nuôi, rồi mới sinh được con đẻ..., cũng có khi cho rằng số phận phải cưới vợ lẽ cho chồng rồi mới có thể sinh con được. Hoặc cuối cùng cũng phải chấp nhận cho chồng lấy vợ lẽ để sinh con thay cho mình... Đối với cộng đồng người Hoa, nhằm duy trì, phát triển giống nòi trên quê hương/ vùng đất mới, ngoài việc thờ tự riêng ở tại mỗi nhà người ta còn thiết lập nơi thờ tự Thiên hậu Thánh mẫu, 3 bà và 12 mụ như ở hội quán/ chùa Phước Kiến; Hội quán/ chùa Ngũ Bang; Miếu/ chùa Bà Mụ... Theo quan niệm dân gian, Thiên hậu Thánh mẫu thần thông, quảng đại, cứu nhân độ thế, còn 3 bà theo kinh sách Đạo giáo có danh hiệu là Quỳnh Tiêu Thiên đế bà, Bích Tiêu Thiên vương bà và Vân Tiêu Thiên Thai bà - vốn là các nữ thần bảo hộ hài nhi; Việc hoài thai của người mẹ còn có sự giúp đỡ của 12 bà mụ, gọi là Thập nhị Hoa bà đặt tên cho 12 con giáp mới nên hình, nên dạng đầy đủ, sinh được mẹ tròn con vuông. Người đi cầu tự phải sắm lễ vật gồm giấy vàng, đèn hương, hoa quả, trầu rượu, xôi gà, nếu đến chùa thì không cúng đồ mặn,... phải giữ cho mình thanh khiết, thành tâm, tắm nước ngũ vị để tẩy uế, kiêng ăn hành tỏi,...
Trong cộng đồng dân cư làng - xã, thôn - xóm - ấp ở Hội An, tùy vào quy mô, điều kiện lịch sử hình thành, phát triển và nghề nghiệp của mỗi địa phương mà có những thiết chế văn hóa thờ cúng khác nhau, quy mô lớn nhỏ, ít nhiều khác nhau.
Cũng như mọi gia đình người Việt Nam, ở Hội An, ý thức kính trọng ông bà tổ tiên luôn được đề cao, thờ phụng bên cạnh tín ngưỡng thờ thần, phật.. và bàn thờ trong nhà cũng được xem là một trong những chuẩn mực đánh giá gia phong, nền nếp của một gia đình, tộc họ.