Tín ngưỡng trong phạm vi gia đình và dòng họ

Thứ năm - 12/09/2013 03:57
Cũng như mọi gia đình người Việt Nam, ở Hội An, ý thức kính trọng ông bà tổ tiên luôn được đề cao, thờ phụng bên cạnh tín ngưỡng thờ thần, phật.. và bàn thờ trong nhà cũng được xem là một trong những chuẩn mực đánh giá gia phong, nền nếp của một gia đình, tộc họ.
          Chính vì thế mà trong ngôi nhà của mỗi gia đình đều có bàn thờ, khám thờ, trang thờ, am thờ. Dù do quá nghèo khó cũng phải cố kiếm một tấm ván gác trên phên/vách/tường nhà để thờ và chủ nhà luôn dành một vị trí trang trọng nhất để thờ gia tiên, thần, phật,... Thường bàn thờ được đặt ở gian chính giữa (đối với nhà tre - dừa, nhà rường, nhà - vườn, gọi chung là nhà thôn quê) hoặc ở nếp nhà trước/nếp nhà chính (đối với nhà buôn bán ở phố hay còn gọi là nhà phố). Về cơ bản, tín ngưỡng thờ phụng trong gia đình và dòng họ ở Hội An bao gồm:

          ● Bàn thờ gia tiên

          Tức là bàn thờ ông bà, tổ tiên, người thân trong gia đình. Hình thức đơn giản nhất cũng phải là cái bàn có một tấm ván làm mặt với 4 cái chân. Còn tùy vào điều kiện của mỗi gia đình, bàn có thể to nhỏ khác nhau, được đục, chạm, kẻ chỉ cầu kỳ hoặc đóng tủ thờ bằng gỗ tốt (gõ, hương, mít,...), cẩn xà cừ, gỗ để lâu ngày lên nước màu tự nhiên. Theo đúng quy cách bày biện, bàn thờ phải có 3 lớp: lớp trong cùng là nơi đặt di ảnh hoặc bài vị, bát hương của những người đã mất; lớp giữa là nơi bình thường thì đặt khay trà, ve rượu, đĩa trà, bình hoa / bông... Khi cúng tế cũng là nơi đặt lễ vật; lớp ngoài là nơi đặt bát hương chung (hội đồng), lư, đèn, nồi giác, ly/chén để đựng nước, rượu khi cúng... trước bàn thờ có bức màn, hai bên thường có câu đối, bên trên là bức hoành phi/đại tự hoặc bức nghi vải thêu chữ hay mành tre. Các câu chữ đều mang nội dung ca tụng công đức của ông bà tổ tiên. Hướng của bàn thờ ở nhà phố (không kể là người Việt hay người Hoa) đều quay vào trong nhà, không nhìn ra đường, trừ trường hợp chủ nhà đặt bàn thờ ở trên tầng gác thì phần lớn hướng bàn thờ vẫn theo hướng của nhà. Còn ở vùng thôn quê hay loại nhà rường, nhà - vườn ở phố thì hướng bàn thờ theo hướng nhà, nhìn ra sân. Tuy nhiên, phía trước sân thường có bình phong, hoặc trồng cây mai hay đặt chậu cảnh, cây cảnh... để chắn lối đi thẳng vào nhà, cũng có nghĩa là không cho đi thẳng/nhìn thẳng vào bàn thờ. Ngày giỗ/kỵ hay còn gọi là quẩy/quả cơm, người Hoa gọi là ngày Vía (ông/bà) của từng người thân trong gia đình được tính vào trước ngày người đó chết một ngày (tức là ngày người đó còn sống tính theo ngày tháng âm lịch). Ngoài ra, hàng năm vào các ngày Tết/tiết Đoan Ngọ (5/5 âm lịch), tết Nguyên Đán hay vào các ngày rằm (15 âm lịch), mùng 1 âm lịch hàng tháng đều có lễ hương, hoa, quả/trái cây dâng lên ông bà, tổ tiên. Đặc biệt đến ngày giỗ/kỵ của từng người thân trong gia đình, thì vào bữa cơm chiều ngày hôm trước gia đình cũng phải sửa soạn bàn thờ, trưng hoa, quả và sắm một mâm cơm đơn giản (lưu ý những món bình thường nhưng hợp khẩu vị của người quá cố) dâng lên cúng, gọi là cúng Tiên/Thiên thường để báo/mời ông/bà về giỗ/kỵ. Ngày giỗ chính, ngoài lễ vật, cơm cúng đặt trên bàn thờ, phải đặt một bàn ở ngoài hiên, đối diện với bàn thờ ông, bà, tư thế người cúng xoay lưng vào trong nhà, hướng mặt ra ngoài sân. Đây là bàn thờ dâng lên cúng các cô hồn: vong linh những người chết đường, người không có con cháu thờ tự, kể cả những người thân của gia đình chết không bình thường (bất đắc kỳ tử), đó là những người hồn siêu phách lạc bởi theo tín ngưỡng dân gian, linh hồn này khó trở về nhà nên phải dâng lễ cúng ở ngoài. Lễ cúng, ngoài những phẩm vật: cháo gạo trắng nấu loãng múc vào bát để nhiều muổng xung quanh, đĩa muối (muối hột/muối sống), gạo trắng, bột nổ (đỏ, xanh), giấy áo, tiền... Vì theo tín ngưỡng (ảnh hưởng của Phật giáo), các cô hồn phiêu bạt nhiều, với những vật phẩm này, nhờ uy lực của pháp sư sẽ biến hóa thành vô hạn để cấp phát cho cô hồn. Và phải cúng ở ngoài trước, xong rồi mới cúng ở bàn thờ trong nhà. Vì theo quan niệm cho rằng nếu không cúng ở ngoài trước thì cô hồn sẽ bu bám, níu kéo ông bà không thể vào được trong nhà để hưởng lễ vật của con cháu.

          Ngoài hình thức thờ gia tiên theo từng gia đình còn có hình thức thờ gia tiên theo dòng họ. Bởi theo quan niệm dân gian, tổ tiên là những tiền bối cùng huyết thống đã mất hoặc trực hệ sinh ra cháu, chắt, hoặc là bàng hệ, thuộc hàng tổ bác, chú, cô, dì... Tổ tiên lại có bên nội, bên ngoại (nội thân và ngoại thích)... mà trách nhiệm thờ trực tiếp là bên nội. Người chịu trách nhiệm thờ phụng chính là tự tôn (cháu nối dõi) thường là dòng đích (đích tôn). Tuy nhiên, tùy hoàn cảnh cụ thể cũng có thể là dòng thứ hay út. Việc thiết lập nhà thờ theo dòng họ nếu đầy đủ thì được phân thành các cấp như sau:

             ▪ Cấp thứ nhất là thờ phụng ông bà thủy tổ họ và anh em đồng hàng - gọi là nhà thờ tộc hay họ.

             ▪ Cấp thứ hai là thờ phụng ông bà thủy tổ phái và tổ tiên trong phạm vi phái - gọi là nhà thờ phái.

             ▪ Cấp thứ ba là thờ phụng ông bà thủy tổ chi và tổ tiên trong phạm vi chi - gọi là nhà thờ chi.

             ▪ Cấp thứ tư là nhà thờ tổ tiên của nhà mình, từ hàng ông bà cố đến ông bà nội và đồng hàng - gọi là gia từ.

          Hàng năm, đối với người Việt, tộc họ nào cũng tổ chức chạp mả/hội tộc, tập trung chủ yếu vào tháng 11, 12 âm lịch. Ngày này, tất cả con cháu nội, ngoại, dâu rể ở khắp nơi xa gần đều phải tập trung về nhà thờ để tham dự. Trước đó một ngày, con cháu (nhất là con cháu nội) phải đi dãy mả (làm sạch mộ, đồ bia, thắp hương) từng ngôi mộ trong thân tộc của mình. Vào dịp này, thường có những vị cao niên trong tộc hướng dẫn con cháu, chỉ rõ từng ngôi mộ, hành trạng tốt đẹp của từng người để con cháu biết noi theo. Ngày hôm sau (ngày chạp chính), làm cơm trước là cúng ông bà, tổ tiên sau là dọn cho con cháu tất cả cùng hưởng (ngày xưa các tộc họ phải giết trâu, bò hoặc heo để cúng). Ngày chạp mả là ngày con cháu trong tộc/họ gặp mặt tập trung đông đủ nhất, ngoài tưởng niệm ông bà, còn nhận biết lẫn nhau, giải quyết những công việc hệ trọng trong tộc/họ... Nhất là để con cháu - lớp trẻ sau này ra đường biết nhau, không gây lộn và tránh được những cuộc hôn nhân bất đắc dĩ.

           Riêng đối với người Hoa kể cả người Minh Hương ở trong phố buôn bán không có hình thức chạp mả/hội mả như trên, mà họ lấy ngày tiết Thanh Minh (vào tháng 3 âm lịch) hằng năm, con cháu chỉ tổ chức đi thăm mộ (tảo mộ), đồ bia, dọn cỏ, thắp hương rồi về nhà dâng hương bàn thờ ông bà là xong.

           ● Khám thờ thần thánh

           Các vị thần mà dân gian Việt Nam cũng như dân gian ở Hội An tín ngưỡng thờ phụng trong phạm vi gia đình, nhìn chung đều chịu ảnh hưởng từ điển lễ của Nho giáo Trung Hoa cổ đại. Do đó, khắp nơi từ nhà phố đến nhà ở vùng thôn quê, từ người Việt đến người Hoa hầu hết nhà nào cũng có khám thờ thần, cơ bản gồm hệ thống 5 vị thần cai quản nhà cửa, đất đai, gọi chung là Ngũ tự gia đường. Đối với gia đình người Hoa ở nhà phố, 5 vị thần này đều thống nhất chung theo sách Gia lễ đó là: Định phước Táo quân, thần Cửa, thần Ngõ, thần Giếng, thần Trung lưu (tức là: Môn, Hộ, Táo, Tỉnh, Trung lưu thi vị Ngũ tự). Còn đối với gia đình người Việt ở thôn quê, mặc dù đều có khái niệm chung là thờ Ngũ tự (5 vị thần cai quản về nhà cửa, đất đai) nhưng về 5 vị thần cụ thể thì có sự khác nhau, tùy thuộc vào gia chủ, đại thể có các vị thần sau: Tiên sư (hoặc Tiên sư thần vị - Lịch đại tiên sư tôn thần), Táo quân (gồm Đông trù Tư mệnh Táo phủ thần quân, Thổ địa Long mạch địa chủ tôn thần, Ngũ phương ngũ thổ phước đức chánh thần), thần cổng và thần cửa (Nhị vị môn thần), thần Giếng (Long mạch Tỉnh thần), Trung lưu (Đương cảnh thổ địa tôn thần, người Hoa gọi là Thần Thiên quan Tứ phước), Cửu thiên Huyền nữ, Bổn mệnh Chúa tiên, Bổn mạng tiên nương,... đối với nhà phố có thêm thần Không khí. Tuy nhiên, chủ thần Ngũ tự (5 vị thần) chính và phổ biến trong các gia đình vẫn là: Táo quân (thần quan trọng nhất trong ngũ tự), thần Cổng/Ngõ, thần Cửa, thần Giếng, thần Trung lưu, còn tùy theo quan niệm của từng chủ nhà có thể phối thờ các vị thần khác cho đủ 5 vị (gọi là thờ Ngũ tự). Ở vùng thôn quê, những người làm nghề thì Tiên sư thần vị đóng vai trò rất quan trọng đối với gia chủ. Vì theo tín ngưỡng đây là vị thần bảo hộ ngôi nhà và nghề nghiệp của người đàn ông chủ nhà.

           Đối với Táo quân, tuy đã có khám thờ chung nhưng nhà nào cũng lập thêm khám thờ ông Táo ở dưới nhà bếp. Đối với người Việt, khám đặt lơ lửng ở phía trên, cùng hướng với bếp nấu. Còn đối với người Hoa, tuy vẫn có khám thờ Táo quân (Định phước Táo quân) nhưng không phải ngay trên bếp mà chỉ ở trong nhà bếp, chỗ sạch sẽ, trang trọng cách xa bếp nấu. Vì họ cho rằng đặt ngay ở bếp thì khói, bụi tro sẽ làm dơ bẩn khám thờ vị thần quan trọng này. Ngoài ra, tuy không phổ biến ở Hội An, nhưng nhiều nhà trong phố, nhất là người Hoa còn đặt thêm khám thờ cho Thần Giếng (ở gần giếng nước trong khoảng sân trời của nhà); thần Không khí (cũng ở khoảng sân trời nhưng đặt cao hơn). Vị thần Cổng/Ngõ, thần Cửa tuy được thờ chung trong “Ngũ tự”, nhưng khi nhà nào cúng cũng phải thắp hương ở hai bên cánh cửa hay 2 bên cổng/ngõ.

Ngoài 2 hình thức cơ bản về thờ tự vừa nêu trên (thờ ông bà, tổ tiên và thờ thần Ngũ tự), tùy thuộc vào tín ngưỡng, nghề nghiệp, tâm nguyện, điều kiện, hoàn cảnh của mỗi nhà mà có thêm các hình thức thờ tự cũng khá phổ biến ở Hội An đó là:

            ▪ Thờ Thần Tài

           Theo ảnh hưởng của người Hoa, mọi gia đình làm nghề kinh doanh, buôn bán ở Hội An đều lập khám thờ thần Tài. Đó là vị thần có nhiệm vụ bảo hộ, phò trì cho người kinh doanh buôn bán được phát tài giàu có. Khám thờ được đặt tại cửa hàng hay tại gian/nếp nhà dành để giao dịch buôn bán và được đặt ở dưới đất, hướng quay theo hướng nhà. Bên trong khám thờ có đặt bài vị ghi danh hiệu các vị thần Tài, Thổ địa: Ngũ phương Ngũ thổ long thần, Tiền hậu địa chủ Tài thần với hai câu đối: Kim chi sơ phát diệp; Ngân thọ chính khai hoa (Cành vàng vừa hé nụ; Cây bạc đã khai hoa). Trong khám thờ thần Tài và ông Địa, sở dĩ thờ thần Tài mà thờ thêm thổ địa vì theo quan niệm dân gian: Đất đai có yên ổn thì tài lộc mới nảy sinh; đất vượng tài mới vượng. Ngoài hàng ngày, sáng tối đều phải thắp hương khấn cầu cho buôn may bán đắt thì đến ngày sóc, vọng hàng tháng, lễ tiết hàng năm, các gia đình thờ thần Tài đều có lễ vật dâng cúng.

            ▪ Thờ các vị vô danh

             Đó là những vị khi chết còn quá nhỏ hoặc những thai nhi bị sa sảy, những người chết đường chết sá (hay gọi là chết bất đắc kỳ tử)... đều được thờ riêng trong khám. Ở phố người ta đặt khám thờ treo cao trước hiên nhà, còn ở vùng thôn quê phổ biến làm khám thờ hay còn gọi là cái am nhỏ ở ngoài sân. Theo tín ngưỡng dân gian, sở dĩ các vị này phải thờ riêng (không thờ chung trong bàn thờ gia tiên) vì những người này vong hồn vất vưởng vô định, không thuộc phạm vi quản lý của Ngũ tự gia đường nhưng lại rất linh thiêng. Những vị này cũng không có ngày cúng kỵ nhất định nên đến ngày giỗ/kỵ ông bà hay ngày sóc, vọng... thì cũng có lễ vật cúng theo.

             ▪ Thờ Phật

           Vốn Phật giáo ảnh hưởng vào Hội An nói riêng, Đàng Trong - Việt Nam nói chung không phải bằng giáo lý thâm sâu, kinh luận của các tông phái Thiền tông, Hoa Nghiêm tông... mà chỉ bằng con đường an ủi, phủ dụ, nguyện cầu của Tịnh Độ tông với những nghi thức biến hóa cho phù hợp với tâm thức, tâm nguyện bản nguyên của cư dân ở đây, không theo con đường tu tập triệt để của Phật giáo Thiền tông. Chính vì thế, tín ngưỡng thờ Phật ở Hội An chủ yếu hưóng về Phật A Di Đà và Bồ Tát Quán Thế Âm. Hiếm có điện thờ Phật trong gia đình mà là hình thức bàn thờ Phật được đặt cách một khoảng về phía trước của bàn thờ gia tiên/ông bà. Tuy nhiên, phổ biến vẫn là hình thức khám thờ Phật đặt/treo ở trên cao (phía trên bàn thờ gia tiên), có nhà tượng Phật được thờ chung với Quan Thánh Đế Quân, ở vùng thôn quê nhiều nhà đặt tượng thờ Quan Thế Âm Bồ Tát cùng trong khám thờ Ngũ tự, hoặc Bà Chúa Tiên, Tài Bạch Tinh Quân... Trong những ngày lễ, vía của Phật giáo họ chú ý đến ngày rằm tháng bảy - ngày xá tội vong nhân và ngày Phật đản.

             ▪ Thờ Quan Thánh Đế Quân

            Có thể nói đây là vị thánh đứng hàng đầu trong tín ngưỡng dân gian ở Hội An, nhất là đối với cư dân trong khu phố buôn bán, làm nghề. Khám thờ Quan Thánh Đế Quân, cũng được gọi là “Trang Ông”, hầu hết được sơn son thiếp vàng, được đặt ở trên cao, gian giữa của nếp nhà chính. Bên trong khám, có một bức tranh hay tượng Quan Công, hai bên có bộ tướng Châu Thương và Quan thái tử Quan Bình, nếu không thì phải có bài vị “Hiệp Thiên Đại Đế Quan Thánh Đế Quân”. Theo quan niệm dân gian cho rằng: Ngài có tài trừ ma diệt quái nên khám thờ ngài phải quay ra hướng cửa để ngài giám sát không cho tà ma vào quấy phá gia đình.
 

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây