Từ xa xưa, dân gian xứ Quảng đã phản ánh sự phát triển sôi động của nghề gốm Thanh Hà qua câu ca:
“Lửa chi lửa rực sáng lòa
Nghề gốm, nghề gạch Thanh Hà là đây”
Và sách Đại Nam Nhất thống chí - Quốc sử quán triều Nguyễn xuất bản cũng đã ghi danh nghề gốm Thanh Hà trong phần thổ sản Quảng Nam(1). Do vậy, có thể nói Nam Diêu - Thanh Hà là trung tâm sản xuất gốm lớn của Quảng Nam và miền Trung.
Nghề gốm Thanh Hà sớm phát triển ở Hội An do vị trí địa lý hội đủ các yếu tố hỗ trợ cho hoạt động sản xuất gốm. Vào đầu thế kỷ XX trở về trước, Nam Diêu ở cận nơi có trữ lượng đất sét là ấp An Bang, Thanh Chiếm (Thanh Hà - Hội An), Thanh Chiêm (Điện Bàn). Mặt khác Nam Diêu là cồn - đảo, phía Bắc, Tây, Nam giáp sông Lai Nghi, Thu Bồn và nằm cận tỉnh lộ 607, cách không xa quốc lộ 1A nên rất thuận tiện cho việc tiếp nhận nguyên liệu, trao đổi hàng hóa bằng đường bộ, thủy. Nam Diêu - Thanh Hà lại gần phố Hội An, do vậy có rất nhiều sản phẩm gốm Thanh Hà được tiêu thụ tại phố cảng này. Hiện nay, ưu thế vị trí của Nam Diêu đang thu hút nhiều khách đến tham quan, nghiên cứu, mua bán sản phẩm.
Làng Thanh Hà hình thành vào khoảng thế kỷ XVI, XVII. Lúc bấy giờ các vị thủy tổ tộc Nguyễn Viết, Nguyễn Văn, Bùi, Ngụy, Võ, Nguyễn Kim, Lê, Nguyễn Đức từ Nghệ An, Thanh Hóa đến khai phá, lập nên làng Thanh Hà. Đến nay tộc Nguyễn Văn, Nguyễn Viết có 15, 16 thế hệ sinh sống ở Thanh Hà và hiện có nhiều hậu duệ của các tộc trên là thợ gốm (2). Thời nhà Nguyễn, Thanh Hà là đơn vị hành chính cấp xã, gồm ấp Hậu Xá, An Bang, Nam Diêu, Bộc Thuỷ, Thanh Chiếm, Đồng Nà, Bến Trễ, Trà Quế, Cồn Động, Bàu Ốc, Trảng Kèo, Cửa Suối, Bàu Súng. Tương truyền, ban đầu các vị tiền nhân chọn ấp Thanh Chiếm (khối VI - phường Thanh Hà) nơi gần sông, có nhiều đất sét để phát nghiệp làm gốm. Nhưng do bờ sông Thu Bồn dịch chuyển dần về phía Nam nên muộn nhất là đầu thế kỷ XIX các vị tiền nhân đã chuyển đến Nam Diêu (lò gốm ở phương Nam) hành nghề. Trong lịch sử, địa bàn làm gốm còn lan tỏa đến phường Xuân Mỹ (khối V - phường Thanh Hà), ấp An Bang (khối IV- phường Thanh Hà), nhưng hiện nay ở Thanh Hà chỉ có Nam Diêu đang làm gốm. Thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX là một trong những giai đoạn ghi dấu nghề gốm Thanh Hà hưng thịnh. Lúc bấy giờ, miếu Tổ nghề, thiết chế tín ngưỡng của nghề gốm được xây dựng(3). Cùng thời gian này, đội ngũ lái buôn gốm bằng ghe bầu ở Nam Diêu phát triển mạnh(4). Các thợ gốm cao tuổi cho biết: Vào nửa đầu thế kỷ XX, có ít nhất 30 - 40 bàn xoay chuốt gốm, 10 hộ buôn gốm có ghe bầu, hàng trăm người tham gia làm gốm, nhiều hộ làm gốm dựng được nhà ngói ba gian, năm gian. Đến nửa cuối thế kỷ XX, vì chiến tranh, vì sự hiện đại hóa, cạnh tranh mạnh mẽ của đồ gia dụng nhựa, kim loại khiến sức tiêu thụ sành, gốm yếu hẳn đi. Vào đầu thập kỷ 80, thế kỷ XX, sành không còn được chế tác, gốm vẫn được sản xuất nhưng tiêu thụ cầm chừng trong khi đó sản xuất gạch ngói rất phát triển, phục vụ cho nhu cầu xây dựng, giải quyết đông đảo lao động. Nhiều thợ gốm chuyển sang làm gạch, ngói, các tay chuốt, thợ lò cao tuổi nghỉ việc dần, thanh niên lại không mặn mà với nghiệp gốm. Thế nhưng nhiều thợ gốm tâm huyết với nghề đã cố công tìm giải pháp khôi phục sản xuất. Những năm 1997, 1998 một số thợ gốm đã chế tác loại sản phẩm hàng hóa mới là con thổi, tiếp thu kỹ thuật tạo hình gốm bằng khuôn đúc, tạo nên các loại gốm mỹ nghệ được thị trường chấp nhận. Đồng thời, chính quyền Thị xã Hội An đã đầu tư khôi phục nghề gốm Thanh Hà, lập tuyến tham quan làng gốm Thanh Hà vào năm 2001 đã thu hút đông đảo khách đến tham quan, mở ra hướng tiếp thị, tiêu thụ sản phẩm tại chỗ. Gốm Thanh Hà được các cơ sở kinh doanh, người dân biết đến, sử dụng nhiều hơn. Từ những bước chuyển đó, nghề gốm Thanh Hà bước đầu được khôi phục, số hộ làm gốm tăng lên 23 hộ(5), thu hút thêm 60 - 70 nhân công, sản phẩm được tiêu thụ rộng rãi trong nước, xuất khẩu qua Nhật.
Theo truyền thống, gốm, sành được làm trong tiết trời khô, nóng để đảm bảo đất, phôi không bị rửa trôi, nung gốm thuận tiện, do vậy thời vụ sản xuất chính từ tháng 1 - 7 âm lịch hằng năm. Hiện nay, vào mùa mưa con thổi vẫn được chế tác, sấy phơi, nung thành phẩm trong nhà. Nguyên liệu chính để làm gốm là đất sét vàng, dẻo có độ kết dính cao. Khoảng 60 năm trở về trước, đất được khai thác tại các nơi lân cận Nam Diêu, hiện nay thợ gốm mua đất được khai thác tại Thanh Quýt, Thi Lai(Điện Bàn), người bán đất vận chuyển bằng ghe đến Thanh Hà bán. Sản phẩm gốm truyền thống được làm theo các công đoạn sau: Làm đất: đất được dỡ, tỉa, chém, cắt rồi đạp, trộn 3 lần cho đất sạch, dẻo. Chuốt gốm (tạo hình phôi): Thợ đẩy đẩy bàn xoay và nặn con đất trên ghế nhồi đất, thợ chuốt ngồi cạnh bàn xoay, đặt con đất vào bàn xoay (làm bằng gỗ mít, đường kính 60 - 100cm, gắn với cột, đóng sâu vào lòng đất để giữ chặt, nó được đặt cạnh ghế nhồi đất), hai tay áp vào con đất nặn thành phôi. Sửa nguội: phôi được phơi nắng cho khô dần, sau đó thợ nhắm phơ (chỉnh sửa phôi) làm cho cân đối phôi rồi đem phơi cho cứng hẳn.
Chất lò nung cần 6,7 người, người gánh phơ (phôi), trao phơ (phôi) vào lò, 2 người đàn ông chất lò (1 chính, 1 phụ, họ cũng phụ trách nung gốm). Gốm, sành được nung trong lò bầu, lò nung sành gọi là lò xanh, lò đỏ dùng nung gốm. Mặt bằng lò xanh hình chữ nhật, thành lò bằng gạch, mái bầu bằng đất sét; cao khoảng 3m, rộng 5 - 6m, dài 4 - 5m, có 2 cửa đun củi ở đằng trước, 3 cửa độ/đạo (ô thông gió, lửa) ở đằng sau, 3 lù thông hơi ở mái (một lù chính, hai lù gạnh). Lò đỏ nhỏ hơn lò xanh, cao khoảng 2,3m, rộng 2m, dài 3m, gồm 3 hoặc 2 cửa độ, 1 lù ở mái. Trước đây, thợ lò dùng củi rừng khô là dền, dẻ, trường, trám để đốt lò gần đây do Chính phủ cấm khai thác rừng nên thợ lò dùng củi dương liễu (phi lao). Mỗi đợt nung lò sành cần 10m3 củi. Nung gốm cần 5 - 7m3 củi, nung theo qui trình: un(sưởi ấm lò), chụm thắt(tạo lửa nhiều để phôi thành phẩm).
Sản phẩm gốm, sành truyền thống Thanh Hà rất đa dạng (40 loại sản phẩm, xin xem bảng kê sản phẩm), gồm các loại hình gốm gia dụng (hũ, bình vôi, vại, nồi, trả, om...); dụng cụ sản xuất phục vụ cho nghề dệt, nghề làm đường ở Quảng Nam (vại ươm tơ, âu suốt đựng chỉ dệt, cái muống/mú lọc đường),gạch, ngói đất nung. Các loại hũ sành tuy nhiều kích cỡ nhưng đều có dáng miệng loe, cổ eo, vai, đáy thuôn, trôn bằng. Nồi, niêu, chảo, siêu gốm... cùng chung kiểu miệng loe, vành miệng được vê tròn, cổ eo, ngắn, bụng phình to, đáy tròn. Đồ gốm, sành không có men, xương mịn, đa số không có hoa văn, riêng một vài loại hũ sành được trang trí viền răng cưa nổi, văn lượn sóng ở cổ, vai.
Lái buôn gốm bằng ghe bầu có vai trò trung gian trao đổi giữa Thanh Hà với các nơi khác. Họ bán gốm tại nhiều nơi, mua hoặc đổi lấy thóc, hải sản... và cả các loại hũ sành ở Châu Ổ (Quảng Ngãi) (loại Nam Diêu - Thanh Hà không chế tác) để chính họ sử dụng hoặc bán hoặc trả nợ cho thợ làm gốm dùng trong những tháng mưa, lụt.
Gốm mỹ nghệ thì được chế tác công phu hơn, để có da gốm mịn, thợ gốm phải đánh, lắng, lọc đất thành dung dịch lỏng, sạch, mịn. Trước khi tạo hình phôi, khuôn được phơi khô nhằm tăng độ co rút rồi thợ mới đổ đất vào khuôn, 12 giờ sau đất kết tủa, mở khuôn, phơi phôi. Thợ gốm trang trí hoa văn trên phôi bằng cách: áp tấm nhựa mỏng có khắc sẵn đồ án vào phôi, dùng dao, ống múc để đục thủng, chạm, khắc theo mẫu. Đề tài trang trí phổ biến là các chữ Hán mang ý nghĩa cát tường, hoa văn hình học, tên đơn vị kinh doanh... Có sản phẩm được trang trí theo các mảng hoa văn hình học và làm biến dạng phôi hoặc đắp nổi các con giống. Gần đây có sản phẩm được tạo áo gốm nhẵn bóng bằng vỏ trứng kết hợp sơn màu tựa như được tráng men. Phôi gốm mỹ nghệ có thể được nung với phôi gốm truyền thống trong lò bầu hoặc nung riêng ở lò ngửa.
Nhóm gốm mỹ nghệ có ít nhất 33 loại sản phẩm thuộc các loại hình: Tượng đức Phật, Chúa..., đèn gốm áp tường, con tiện, chậu, lọ hoa, mô hình các di tích kiến trúc, hộp, gạt tàn thuốc... Các sản phẩm này thể hiện được nhiều đồ án văn hóa truyền thống về tôn giáo, văn hóa dân gian của phương Tây, phương Đông và những đề tài hiện đại như thiếu nữ Tây Nguyên... Ngoài ra còn có một số sản phẩm mang tính thời vụ cao, tiêu biểu là nhóm sản phẩm Trâu vàng Seagame (bán trong dịp Seagame 22), hộp đựng nữ trang hình trái tim, tượng ông Noel (phục vụ lễ Tình nhân 14/2, lễ Noel). Hiện nay, đồ gốm mỹ nghệ được bán tại chỗ cho du khách hoặc tiêu thụ theo hợp đồng đặt hàng, đóng gói, gởi hàng theo đường bưu điện, nhận tiền chuyển khoản. Tuy nhiên, gốm mỹ nghệ Thanh Hà vẫn đang trong giai đoạn sản xuất theo yêu cầu của khách, chưa thể chủ động sản xuất hàng loạt để bán.
Con thổi là loại hình gốm mới, được chế tạo đơn giản nhưng những sản phẩm vẫn thể hiện các đề tài văn hóa truyền thống như bộ 12 con giáp, con thổi hình trẻ chăn trâu... Do có ưu điểm gọn nhẹ, ngộ nghĩnh, tạo âm thanh vui tai, chuyển tải nhiều giá trị văn hóa truyền thống phương Đông nên con thổi được nhiều du khách mua làm lưu niệm. Chúng còn được đầu nậu ở Hội An đặt mua sỉ, phân phối tới người bán lẻ để bán cho du khách. Từ năm 2001, Trung tâm VHTT Hội An thu mua con thổi của các hộ sản xuất để làm quà tặng du khách tham quan làng gốm Thanh Hà, do vậy, thị trường tiêu thụ con thổi khá ổn định.
Về tiền công lao động, trước đây tỷ lệ thù lao của thợ đẩy, thợ chuốt là 4/6, các năm gần đây, thợ đẩy yêu cầu được trả lương bằng với thợ chuốt và được đáp ứng nên bây giờ tỷ lệ giữa hai nhóm thợ này là 5/5. Riêng thợ lò, các hộ sản xuất trả công cho thợ chính 50.000đ/1 ngày nung gốm.
Không gian ấp Nam Diêu hẹp nên chỉ một số ít nhà có đất dựng lều chuốt, cất lò, phơi gốm, các hộ khác thì thuê đất nhàn rỗi của các hộ lân cận (không làm gốm) để sản xuất. Theo truyền thống, trước khi nung, các hộ làm gốm phải liên hệ trước với chủ lò để sắp xếp thời gian nung, mỗi đợt nung gốm, chủ lò được hưởng vài sản phẩm đẹp nhất, bán để lấy tiền cúng Tổ nghề và tu sửa lò. Hiện nay, chủ lò cho các hộ làm gốm đến thuê nung.
Nghề gốm Thanh Hà không chỉ lưu giữ tri thức bản địa về chế tác gốm mà còn bảo lưu nhiều tập quán, sinh hoạt tín ngưỡng nghề nghiệp qui mô, đặc sắc. Từ xa xưa, thợ gốm, gạch, ngói Thanh Hà đã thờ chung vị Tổ nghề, họ cùng xây dựng miếu thờ Tổ tại ấp Nam Diêu. Hàng năm, cộng đồng thợ tổ chức trang trọng lễ tế Tổ vào ngày 10/1 âm lịch (tế xuân, khởi đầu một năm sản xuất), ngày 10/7 âm lịch (tế thu, lễ tạ kết thúc một năm sản xuất). Tổ nghề gốm được phối tế cùng Thành Hoàng ấp, do vậy trong lễ Tế, những ngư dân, nông dân ấp Nam Diêu cũng tham gia với tư cách là người cùng thờ vị Thành Hoàng ấp. Lễ tế diễn ra theo nghi thức truyền thống, nhưng trong Lễ tế xuân, thợ gốm có lệ coi giò (chân) gà đặt ở bàn thờ Tổ nghề, đoán chuyện làm gốm trong năm, coi giò (chân) gà ở bàn âm linh, bói chuyện may rủi của xóm làng. Những năm gần đây, tục này không còn được giữ nữa vì một số thợ gốm cho chuyện bói toán làm tâm lý thêm nặng nề. Đặc biệt, có tục rước Long Chu (thuyền rồng chở các vị thần đi gom góp tà ma, xú uế) đưa ra sông Thu Bồn thả, đốt cháy nhằm trừ điềm xấu, cầu an cho cộng đồng. Sau khi cúng Tổ ở miếu ấp, tại các lò, các gia đình làm gốm còn sắm lễ vật cúng Tổ, mở đầu một năm làm gốm mới tại nhà, lò của mình.
Ngoài Tổ nghề, thợ gốm còn phối thờ Thành Hoàng (thần quản đất đai), Ngũ hành Tiên nương, Âm linh, Sơn tinh Nhị vị (thần nước, núi tạo ra nguyên, phụ liệu làm gốm), Bạch Mã Thái Giám (thần ngựa trắng), các vị này được phối tế trong lễ tế Tổ nghề. Về tục thờ Bà (Ngũ Hành Tiên nương), đây là 5 vị nữ thần biểu trưng cho 5 yếu tố khởi nguồn của vạn vật và gắn bó chặt chẽ với đời sống sản xuất gốm là Kim (kim loại), Mộc (cây), Thủy (nước), Hỏa (lửa), Thổ (đất). Do vậy, không chỉ ở miếu của ấp có thờ Ngũ Hành mà tại phổ Trung Lương, Trung Hòa thuộc Nam Diêu cũng có miếu thờ, lễ cúng Bà được tổ chức vào giữa tháng Giêng âm lịch hằng năm.
Nhiều thợ gốm cao tuổi còn kể lại rằng, ngày xưa, chị em vừa học chuốt thành công phải làm lễ mắt Tổ nghề tại miếu Tổ hoặc tại nhà với lễ vật đơn giản để ra mắt và cầu mong Tổ nghề phù hộ cho họ hành nghề an toàn, song suốt. Nhưng hiện nay lễ này không còn được tổ chức. Ngoài ra còn có một số tập tục kiêng cữ khác tại lò gốm để cầu may, cầu an khi nung sản phẩm.
Có một điều khá đặc biệt là vào giữa thế kỷ XX, ở Nam Diêu có gánh hát Bội do ông Quỳnh chủ xướng. Gánh hát thường diễn các vở Quan Công Phò nhị tẩu, Hán Sở tranh hùng, Nguyễn Trãi biệt Phi Khanh... vào những ngày trước, sau lễ cúng Tổ nghề. Đến năm 1975, gánh hát ngừng hoạt động vì điều kiện kinh tế. Vào năm 2004, các thợ gốm đã phục hồi hoạt động của đội hát bội. Buổi diễn ra mắt được nhân dân địa phương tán thưởng. Qua diễn Tuồng, các thợ gốm đã tích cực phục hồi giá trị văn hóa truyền thống, góp phần giáo dục đạo đức, lịch sử cho nhân dân địa phương.
Tóm lại, nghề gốm Thanh Hà là một trong những truyền thống có bề lịch sử ở Hội An, Quảng Nam hiện còn đang hoạt động. Hiện nay các thợ gốm Thanh Hà vừa bảo lưu kỹ thuật sản xuất truyền thống(tạo hình bằng bàn xoay, nung gốm trong lò bầu) vừa tiếp thu kỹ thuật sản xuất mới(tạo hình bằng kỹ thuật đúc khuôn) để tạo ra nhiều sản phẩm gốm mỹ nghệ mang nhiều giá trị văn hóa và thể hiện sự nhạy bén nắm bắt thị hiếu văn hóa của người tiêu dùng. Qua đó không chỉ đáp ứng nhu cầu gia dụng, tín ngưỡng, hoạt động sản xuất của một số nghề truyền thống mà còn phục vụ công việc trang trí nội ngoại thất và lưu niệm cho du khách. Sự mở rộng loại hình sản phẩm gốm trong những năm gần đây đã giải thoát sự bế tắc về nguồn tiêu thụ sản phẩm, duy trì, chấn hưng hoạt động sản xuất gốm, giải quyết thêm nhiều việc làm và nâng cao đời sống thợ gốm.
Trải qua nhiều thời gian, các thợ gốm Thanh Hà còn tạo nên và lưu giữ khối lượng từ chuyên dùng của nghề gốm. Thợ gốm đã phân loại các loại hũ sành bằng số học: hũ 6 (làm từ 6 con đất), hũ 5, hũ 4... hoặc dựa vào đặc điểm sử dụng của sản phẩm mà gọi tên như âu suốt (âu đựng suốt chỉ dệt vải). Để phân biệt trạng thái sản phẩm, thợ gốm dựa vào màu sắc thể hiện trên da sành mà gọi tên, đơn cử là: chàm tố gạch (sản phẩm có màu xanh chàm, giữa trôn có vòng tròn màu đổ lợt)... Hệ thống từ chuyên dùng này cung cấp nhiều thông tin phong phú về ngôn ngữ học, dân tộc và cần được nghiên cứu, làm sáng tỏ giá trị của vấn đề văn hóa này.
Hiện nay, nghề gốm Thanh Hà có không quá 100 người làm gốm, trong đó 50% số người đã trên 50 tuổi, chỉ có 2 thợ chuốt ở tuổi từ 20 - 40, 1 thợ lò chuyên nghiệp ở tuổi dưới 50. Như vậy, nhân công nghề gốm Thanh Hà đang thiếu hụt trầm trọng trước yêu cầu duy trì cũng như mở rộng qui mô sản xuất trong tương lai. Vì vậy, chúng tôi thiết nghĩ cần đẩy mạnh chương trình dạy nghề, khuyến khích thế hệ trẻ Thanh Hà làm gốm để gìn giữ và phát huy di sản văn hóa của cha ông. Vấn đề mở rộng không gian sản xuất cũng là mong muốn thiết yếu của các thợ gốm để tạo điều kiện mở rộng qui sản xuất.
Thiết nghĩ các thợ gốm cần khôi phục sản xuất sành, chế tác những sản phẩm gọn nhẹ, kiểu dáng ấn tượng đáp ứng tốt nhu cầu thẫm mỹ của người tiêu dùng để tạo thêm hướng tiêu thụ sản phẩm và bảo tồn tốt tri thức dân gian chế tác sành.
* Chú thích:
1. Quốc sử Quán Triều Nguyễn(1997): Đại Nam nhất thống Chí, quyển 2, Huế: NXB Thuận Hóa, tr 367.
2. Tộc Nguyễn Viết có ông Nguyễn Viết Ban là lái buôn gốm, tộc Nguyễn Văn có ông Nguyễn Văn Tư, Nguyễn Văn Ngữ... là thợ lò, tộc Lê có ba chị em: Bà Lê Thị Chung, Lê Thị Chiến, ông Lê Trọng là thợ chuốt và thợ lò.
3. Miếu được xây dựng vào năm 1868.
4. Ông cố, ông nội ông Lê Bàn ở Nam Diêu hiện nay là một trong những lái buôn gốm giàu có.
5. Trong đó có 2 hộ chuyên làm gốm mỹ nghệ: ông Lê Văn Tuấn, ông Ngụy Trung; hộ làm đồ mỹ nghệ và gốm truyền thống: Ông Sơn, ông Nguyễn Lành, Nguyễn Văn Xê, hộ làm gốm truyền thống: Ông Tư, ông Ngữ, bà Bề, bà Chung, số còn lại là hộ làm con thổi.
Nguồn: Sách Nghề truyền thống Hội An, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di tích Hội An, 2008.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền