Nghề đóng ghe thuyền Kim Bồng

Thứ năm - 12/09/2013 22:06
Do là vùng cửa sông ven biển với hệ thống sông rạch chằng chịt lại thông với biển Đông bằng cửa Đại Chiêm ở phía Nam, cửa Hàn (Đà Nẵng) ở phía Bắc nên nhu cầu sử dụng ghe thuyền của cư dân Hội An rất cao.
            Trong quá khứ, chiếc ghe là vật dụng gắn bó mật thiết với đời sống hàng ngày của nhiều gia đình ở Hội An, là phương tiện không thể thiếu để đi lại, đánh bắt thủy hải sản trên biển và trên sông, để giao lưu buôn bán, để ứng phó những khi mưa gió bão lụt... Đánh bắt hải sản trên biển có các loại ghe giả, ghe mành mũi cao, thân vững chắc, đi lại buôn bán dọc các bến cảng ven biển có loại ghe bầu bụng to, buồm rộng. Hành nghề trên sông có các loại ghe nhỏ hơn như ghe rớ, ghe rỗi, ghe vợi, ghe lưới bén, ghe chài, các loại sõng, xuồng,... Buôn bán nội địa giữa vùng xuôi với các vùng trung du, miền núi có các loại ghe nguồn, đưa đón khách qua lại ở những bến sông là các loại ghe đò, để thi tài trong các dịp hội hè lại có các loại ghe đua mình dài, thân thon nhỏ. Trước đây, cư dân Hội An còn tham gia đóng các loại chiến thuyền để phục vụ các mục đích quân sự và gần đây đang đảm nhận đóng những kiểu tàu đánh bắt xa bờ cho Quảng Nam và một số tỉnh miền Trung. Việc đóng mới và tu bổ các loại ghe thuyền này là một nhu cầu tất yếu, không thể thiếu, từ đó dẫn đến sự ra đời khá sớm của một nghề thủ công truyền thống khá đặc biệt ở Hội An - nghề đóng ghe.
          Cũng giống như các nghề thủ công truyền thống khác, đan ghe thoạt đầu là một công việc mang tính tự cung tự cấp của các gia đình sinh sống bằng nghề sông nước. Sản phẩm của thời kỳ này là những chiếc ghe nan đan bằng tre, trét bằng dầu rái, chai phà, phân trâu khô. Đây là hình ảnh xa xưa của một loại ghe khá đặc trưng của địa phương. Từ đan ghe để dùng trong gia đình đến đan ghe thuê cho người khác, từ đan ghe nan đến đóng săn bằng gỗ là một quá trình phát triển đi từ tự cung tự cấp đến chuyên nghiệp, từ kỹ thuật đơn giản đến kỹ thuật cao, phức tạp.
          Lần tìm trong nguồn tư liệu dân gian chúng tôi bắt gặp một truyền thuyết liên quan đến bề dày lịch sử của nghề đóng ghe ở Hội An. Đó là truyền thuyết về Thầy Thiếm một đôi vợ chồng pháp sư người Chăm chuyên đóng ghe bầu cho người Việt. Tương truyền Thầy Thiếm quê ở Thi Lai (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), ban đầu đóng ghe bầu thuê tại quê, sau bỏ vào Phan Rang, Phan Thiết để hành nghề. Ghe bầu là một loại thuyền buôn đặc trưng của Quảng Nam và một số địa phương ven biển miền Trung Việt Nam. Nhiều người kể rằng chỉ cần đặt tiền tại dinh Thầy, cúng vái rồi hẹn ngày đến lấy ghe. Đúng ngày hẹn, đến nơi thì thấy chiếc ghe đã được đóng mới, cột tại bến. Thầy Thiếm đóng ghe ở trong rừng, đêm đêm từ biển nhìn vào có thể thấy ánh lửa sáng ngời, người cưa, kẻ xẻ gỗ đi lại đông đúc. Đó là Thầy Thiếm cùng thợ đang đóng ghe. Đến khi gà gáy báo sáng thì cảnh tượng trên biến mất. Những người thấy được cảnh Thầy Thiếm đóng ghe mà mở miệng nói năng không giữ lời thì sẽ bị tai nạn, ốm đau nhiều khi đến mất mạng. Vì thế ai cũng kiêng nể. Tại Hàm Tân (Bình Thuận) hiện còn dinh Thầy Thiếm được các lái ghe rất tín ngưỡng, khi đi ngang qua đều ghé vào để cúng bái. Nội dung của truyền thuyết trên phản ánh thực tế sự tiếp nối về kỹ thuật đóng ghe bầu nói riêng, ghe thuyền nói chung giữa người Chăm và người Việt tại địa phương. Truyền thuyết này cũng cho thấy rằng nghề đóng ghe ở Hội An có lai lịch khá lâu đời và có sự giao lưu - tiếp biến sâu sắc về kỹ thuật. Ngoài ra, hình tượng Thầy Thiếm trong truyền thuyết cũng gợi lên nhiều vấn đề lý thú. Trong các đền tháp Champa thường thờ một bộ sinh thực khí tượng trưng cho Vua - Thần mà thớt trên là Linga phổ biến có hình trụ tròn biểu tượng của Dương tính, thớt dưới là Yoni, hình vuông, biểu tượng của Âm tính. Giữa bệ thờ sinh thực khí bằng đá và hình tượng Thầy Thiếm trong truyền thuyết, một hình tượng không có tên cụ thể mà chỉ có sự kết hợp giữa Thầy - chồng - dương tính và Thiếm - vợ - nữ tính có những nét gần gũi với nhau thể hiện ở chỗ cả hai đều biểu tượng cho sự linh thiêng liên quan đến tín ngưỡng của người Chăm.
          Bổ sung cho nguồn tư liệu dân gian, nguồn tư liệu thư tịch cũng cung cấp một số thông tin giúp ta xác định rõ ràng hơn sự có mặt của nghề đóng ghe ở Hội An. Trong Bình Nam đồ, một bản đồ vẽ hoàn chỉnh vào thế kỷ XVII thời các chúa Nguyễn có ghi một địa danh là Chu Tượng. Chu là ghe thuyền, tượng là thợ, Chu Tượng có thể hiểu là xưởng đóng ghe, trại đóng ghe, nơi có các hiệp thợ chuyên về đóng ghe thuyền cư trú, hành nghề. Địa danh này có vị trí nằm giữa cửa Đại Chiêm (Hội An) và cửa An Hòa (Tam Kỳ). Phải phát triển đến một mức độ nào đó thì mới có tên trong bản đồ như vậy. Trong Phủ Biên tạp lục, học giả Lê Quí Đôn vào thế kỷ XVIII đã ghi tại huyện Duy Xuyên thuộc xứ Quảng Nam có 10 xã, 11 thôn, 10 phường, 1 tộc chuyên về đóng ghe [6: 86]. Ngoài ra, một số sổ đinh của làng Minh Hương ở Hội An có niên đại thế kỷ XVIII cũng cho biết rằng, họ đã cư trú tại nhiều địa phương chuyên về đóng ghe, tại Hội An có, tại một số làng xã lân cận có, chúng tôi cũng đã may mắn tìm thấy. Một số trát văn thời Quang Trung hiện đang được lưu giữ tại Hội An có nội dung liên quan đến việc điều các thợ đóng ghe của địa phương đi tu bổ, đóng mới các chiến thuyền cho quân đội. Điều này cho thấy rằng trong các thế kỷ trước, nghề đóng ghe đã rất phát triển và giữ một vị trí đáng kể ở Hội An, Đàng Trong.
          Lực lượng đóng ghe ở Hội An trong thời gian gần đây khá đông, tập trung chủ yếu ở bờ Nam nhánh sông Thu Bồn chảy qua Hội An. Phần lớn thợ và các trại đóng ghe nằm ở làng mộc Kim Bồng, nay thuộc xã Cẩm Kim, Hội An. Trước đây tại một số địa phương khác ở Hội An như Thanh Châu, Cẩm Phô cũng có những trại đóng ghe những không quy mô và tập trung như ở Kim Bồng. Làng mộc Kim Bồng từ rất sớm đã nổi tiếng về đóng đồ mộc dân dụng, làm nhà và đóng ghe. Những người thợ đóng ghe ở Hội An hiện nay hầu hết đều có gốc gác từ làng mộc Kim Bồng. Tại Kim Bồng thường xuyên có lực lượng thợ đóng ghe đông và thiện nghệ. Họ lập những trại đóng ghe ở các cồn bãi, bến nước ven sông và đóng đủ các loại ghe, từ ghe đua đến các loại ghe đi sông, đi biển. Ngoài việc đóng các loại ghe thuyền tại địa phương, thợ mộc Kim Bồng còn đi đóng ghe thuê ở Huế, Sông Cầu, Phan Thiết và các vùng trong miền Nam. Theo tư liệu hồi cố của các nhân chứng, vào những năm 1930 - 1940 tại Hội An có ba trại đóng ghe lớn, một ở làng Thanh Châu của ông Thủ Biền, hai ở làng Kim Bồng, một của ông Hương Chạy, một của ông Hương Phòng. Hiện ở Hội An có một xí nghiệp chuyên về đóng các loại tàu đánh bắt xa bờ (xí nghiệp đóng tàu Hoa Sen) và 4 xưởng đóng ghe thuyền của các hiệp thợ mộc Kim Bồng.
          Về phương thức hành nghề, những người thợ đóng ghe ở Hội An không tổ chức thành các phường, hội như một số nơi. Họ liên kết với nhau theo từng nhóm để lập thành các trại đóng ghe hoặc đi đóng ghe thuê. Mỗi nhóm thợ có một thợ cả, là người có tay nghề cao, tính toán giỏi đứng ra tập hợp và điều hành công việc của nhóm. Thợ cả chịu trách nhiệm hợp đồng với chủ ghe về giá cả, thời gian thực hiện, định thước tấc các bộ phận của ghe, chuẩn bị vật liệu, tổ chức phân công và phân phối tiền công cho các thành viên của nhóm. Dưới thợ cả, tùy theo tay nghề chia làm các loại thợ nhất, nhì, ba, tư. Tiền công thợ được trả theo cách phân loại này. Thu nhập chủ yếu của thợ đóng ghe là tiền công, ngoài ra trong những ngày rỗi họ còn tham gia sản xuất nông nghiệp cùng gia đình hoặc làm một số đồ gỗ dân dụng để thu nhập thêm. Đây là cách sử dụng thời gian lao động rảnh rỗi một cách phù hợp, hiệu quả.
Sự chuyên môn hóa trong quá trình phân công ở những nhóm thợ đóng ghe đã hình thành chứng tỏ sự phát triển nhất định về trình độ sản xuất. Trước đây khi đóng một chiếc ghe bầu số lượng thợ cần phải có gồm:
 
Thợ xẻ gỗ Thợ xảm Thợ làm bánh lái Thợ đóng chính Thợ phụ Thợ cả Cộng/ người
4 - 6 1 - 2 1 - 2 6 - 8 2 - 4 1 15 - 23
 
          Với  số lượng thợ như trên, một chiếc ghe bầu cỡ 80 - 100 tấn trọng tải, phải đóng ít nhất từ 4 - 5 tháng mới xong. Tất nhiên những loại ghe nhỏ, ghe đi sông thì số lượng thợ sẽ ít hơn và thời gian đóng sẽ ngắn hơn.
          Vật liệu đóng ghe chủ yếu gồm có: Gỗ, tre, dầu rái, chai phà, dây mây, đinh thuyền (kẽm hoặc sắt). Trong đó, nguồn vật liệu chính là các loại gỗ. Từ lâu đời các thợ đóng ghe đã hình thành kinh nghiệm chọn gỗ và sử dụng chúng vào những bộ phận phù hợp. Gỗ đóng ghe phần lớn thuộc loại danh mộc có đặc tính bền chắc, chịu được sự ăn mòn của nước biển, sự phát hoại của mọt gỗ và các tác nhân bên ngoài. Tùy theo tính chất của từng loại gỗ mà các thợ ghe sẽ dùng chúng vào những bộ phận phù hợp:
 
Loại gỗ Dùng vào bộ phận
Lim (Ervthrophlecum) Lô, giang, đà, neo, long cốt
Dỗi (Tabauma) Các phụ kiện bên trong ghe
Mù u (Cataphylum inophyllum) Cốt bánh bái, be
Sao (Hopéa) Be, giang, đà
Kiền kiền (Hopea pierrei Hance) Be, long cốt, bánh lái, trục buồm sào chống
Vênh vênh (Anisetéra) Các bộ phận bên trong ghe
Xoay (Dialium) Các bộ phận bên trong ghe
 
            Các loại gỗ này có rất nhiều ở những cánh rừng thượng nguồn xứ Quảng, được khai thác và chuyển về Hội An bằng đường sông (ghép thành bè). Thông thường thợ đóng ghe không trực tiếp khai thác gỗ, họ chỉ mua lại từ những người khai thác gỗ chuyên nghiệp tại địa phương.
             Về công cụ, thợ đóng ghe sử dụng cùng loại công cụ với thợ mộc nói chung, bao gồm: Cưa, đục, bào, rìu, búa, khoan, vồ gỗ, hộp mực (để kẻ đường cưa). Một số công cụ riêng gắn liền với nghề đóng ghe là vời, khoan triên, các công cụ của thợ xảm gồm trành kiệu, đục chặt, búa xảm, móc xảm, cây lăn hô. Về thước đo, thợ đóng ghe dùng cây thước dài gấp 5 lần cây thước mộc. Khi tính toán dùng đơn vị thước mộc, mỗi thước bằng 0,43cm.
Khi có yêu cầu đóng ghe, chủ ghe đến hợp đồng với thợ cả về kích thước, giá cả, thời hạn giao ghe. Sau khi thỏa thuận xong thợ cả về tập trung lực lượng thợ để đóng. Nếu chủ ghe khoán cho thợ lo vật liệu, chiếc ghe thường được đóng ở trại ghe, ngược lại, nếu không khoán, chủ ghe phải lo vật liệu, nhóm thợ sẽ đến nhà chủ ghe, chọn địa điểm đóng. Qui trình đóng phổ biến được tiến hành theo các bước: Hợp đồng giữa chủ và thợ (do thợ cả đại diện) ® chuẩn bị vật liệu ® định thước tấc (bằng kinh nghiệm của thợ cả, không có bản thiết kế) ® chuẩn bị bãi đóng (gần mép nước để việchạ thủy và vận chuyển được dễ dàng) ® xẻ gỗ theo kích thước định sẵn ® làm long cốt - lô lái - lô mũi ® làm dàn ráp long cốt với lô (những loại ghe thuyền không có long cốt thì làm giàn dựng lô) ® ráp be đã uốn sẵn với lô và giang đà ® làm vỏ ghe phần dưới ® đóng then ® làm vỏ ghe phần trên ® vời (làm sạch phần gỗ dư của các bộ phận) ® xảm (trét kín các khoảng hở giữa các be bằng sợi tre trộn với dầu rái, chai phà) ® hạ thủy - dựng cột buồm - ráp bánh lái.
            Vào những công đoạn quan trọng của quy trình này, chủ ghe thường tổ chức những lễ cúng trong đó có các lễ chính không thể thiếu: Phạt mộc, giáp ghim, hạ thủy, khai quang điểm nhãn, đưa dăm tống mộc. Lễ phạt mộc đánh dấu thời điểm khởi công với nghi thức cầm rìu phạt vào khúc gỗ dùng làm bộ phận quan trọng nhất của ghe (long cốt hoặc lô). Chỉ người thợ cả mới được tiến hành nghi thức này. Những miếng dăm phạt từ khúc gỗ ra được đem đặt ở bàn cúng, sau đó gói cất kỹ, để đến lễ đưa dăm tống mộc, lễ cuối cùng của quy trình đóng ghe sẽ đem đặt vào bè chuối thả trôi sông.
             Lễ giáp ghim đánh dấu giai đoạn nối long cốt với hai lô. Đây là những bộ phận quan trọng nhất, liên quan đến toàn bộ kết cấu bên trên của ghe và với ý nghĩa sâu xa hơn, nó liên quan đến sinh mạng của chủ ghe và những người đi ghe sau này, vì thế với ước muốn được bình an khi hành nghề, các lái ghe tổ chức lễ cúng. Lễ giáp ghim, về mặt tín ngưỡng có những nét giống lễ thượng lương khi làm nhà.
            Trước lúc đưa ghe xuống nước, chủ ghe làm lễ hạ thủy, lễ này gắn với quan niệm về những vị thần, những lực lượng siêu nhiên ngự trị ở môi trường sông nước với ước muốn những lực lượng này phù trợ cho chiếc ghe được an toàn trong quá trình hành nghề.
            Lễ khai quang điểm nhãn gắn với tục vẽ mắt trước mũi ghe. Trong buổi lễ có nghi thức tượng trưng: người thầy cúng cầm bút lông chấm vào đôi mắt ghe đã vẽ sẵn với ý nghĩa truyền cho chiếc ghe sự sống y như thật (linh hoạt, sống động). Khai quang điểm nhãn là lễ tục có hàm ý chuyển chiếc ghe vật thể sang chiếc ghe vật linh.Với quan niệm trong các loại cây gỗ có những lực lượng siêu nhiên ngự trị, có các hồn cây, vì thế, để chúng khỏi quấy phá con người trong quá trình hành nghề, chủ ghe làm lễ đưa dăm tống mộc với nghi thức tượng trưng: Đặt những miếng dăm khi phạt mộc vào một chiếc bè hoặc ghe làm bằng bẹ chuối, thả trôi sông. Những miếng dăm trôi đi cũng có nghĩa là lực lượng làm hại đã rời khỏi ghe, cái thụ động - cây gỗ đã mất đi, còn lại là chiếc ghe linh hoạt, sống động, có ích cho con người.
              Như trên đã nói, nghề đóng ghe là một nghề khá đặc biệt của Hội An. Ở nghề này có sự giao lưu mạnh mẽ về kỹ thuật giữa các truyền thống đóng ghe thuyền có nguồn gốc từ Champa, Trung, Hoa, Việt, Nhật và Phương Tây. Những dấu vết của quá trình giao lưu này vẫn còn được lưu giữ với mức độ đậm nhạt khác nhau ở kỹ thuật chế tác, ở hình dáng và cấu trúc các loại ghe, ở các tập tục liên quan đến nghề đóng ghe cũng như ở nguồn tư liệu thư tịch và tư liệu dân gian của địa phương. Kết quả của quá trình này đã được kế thừa, tiếp thu có hiệu quả nhằm phát triển nghề đóng ghe hiện nay, tạo điều kiện để Kim Bồng, Hội An trở thành là một địa chỉ đóng ghe thuyền nổi tiếng của Quảng Nam và miền Trung Việt Nam.

* Chú thích và tài liệu trích dẫn:
(1) Trước khi làm nhà, người ta có lễ Phạt mộc. Lễ này người ta đẽo vài mảnh gỗ nhỏ để đến khi làm nhà hoàn tất thì đưa dăm tống mộc. Thường người ta làm một bè nhỏ, trong bỏ các thứ xôi, chè, chuối, thịt,... và mấy mảnh dăm bào rồi đem thả  sông. Theo họ, phải làm như vậy thì nhà mới yên ổn, không bị mộc đè.
(2) Các kí hiệu trên, để cho dễ nhớ người ta chỉ lấy phần trên đầu của chữ tiền (giống hình chiếc sừng bò) và phần bên trái của chữ hậu (giống dấu chân của cò lội là) .
(3) Theo Trương Hoàng Vinh (2004) - Báo cáo kết quả khảo sát nghề mộc Kim Bồng - Tài liệu lưu trữ Trung tâm QLBT Di tích Hội An. 
(4) Tương truyền, Lỗ Ban sống vào thời xuân thu, ông được triều đình cử đi đốn gỗ cùng hàng trăm người khác để phục vụ cho việc xây dựng của nhà nước. Một hôm, trên đường đi chẳng may ông bị ngã và bàn tay bị cứa chảy máu. Tìm kiếm mãi, ông không phát hiện thấy vật gì sắc bén mà chỉ thấy bàn tay vớ phải mấy lá cỏ, sau khi xem kỹ ông thấy trên lá cỏ có nhiều răng cưa nhỏ. Chính vì vậy mà ông đã phát minh ra cưa rồi nhiều công cụ khác của nghề mộc, giúp cho công việc ngày càng dễ dàng và hiệu quả hơn. Ngoài ra, ông còn là nhà thiết kế tài ba thời cổ đại nên ông đã được nhân dân tôn làm Tổ nghề mộc.
(5) Theo truyền thuyết, Cửu Thiên Huyền Nữ là tổ của bách nghệ. Hơn thế nữa, vào thời thượng cổ khi người dân chưa biết xây nhà dựng cửa thì bà từ trên trời sa xuống rồi đứng xoạt dang hai chân ra và bảo dân cứ theo kiểu ấy mà làm nhà, vì vậy mà hình dáng của mái nhà cũng được làm theo kiểu xoè ra bên dưới, nhọn dần về phía nóc. Chính vì thế mà bà cũng được thờ làm Tổ nghề.
(6) Theo tập tục của người dân Hội An, trong một ngôi nhà bao giờ cũng phải có bàn thờ ngũ tự để thờ Ngũ tự Gia đường và một khám nhỏ để thờ Tiên sư thần vị, cũng có khi người ta thờ Tiên sư như một trong năm vị thần của Ngũ tự. Theo quan niệm dân gian thì Tiên sư là vị thần bảo hộ bổn mạng cho người đàn ông, Chúa tiên Thánh mẫu hộ mạng cho đàn bà, Tiên sư còn là vị thần chủ về nghề nghiệp, phò hộ cho việc phát triển tay nghề nên cũng được dân gian cúng như một vị Tổ nghề.
1. Phạm Hữu Đăng Đạt (2001): Chuyện làng nghề đất Quảng, Đà Nẵng: NXB Đà Nẵng.
2. Lê Qúi Đôn(1977). Phủ biên Tạp lục, Hà Nội: NXB Khoa học Xã hội.
Nguồn: Sách Nghề truyền thống Hội An, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di tích Hội An, 2008.

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây