Nghề mộc gia dụng Kim Bồng

Thứ năm - 12/09/2013 22:02
Một nhà nghiên cứu về làng nghề thủ công ở Quảng Nam đã từng nhận xét: Kim Bồng tuy không phải là đất trăm nghề nhưng cũng là vùng đất đa nghề [5:131]. Quả đúng như vậy. Những đặc điểm về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, xã hội đã tạo lập nên một Kim Bồng với sắc diện khác biệt so với nhiều làng quê ở Xứ Quảng nói chung và đất Hội An nói riêng.
          Câu thành ngữ mà người dân ở đây vẫn quen gọi “Đàn bà làm nông, đàn ông làm thợ” phần nào thể hiện sự khác biệt đó. Dường như điều kiện tự nhiên, lịch sử đã tạo nên làng Kim Bồng là nơi tụ hội, phát nghiệp của nhiều ngành nghề thủ công truyền thống trong đó nổi bật là nghề mộc mà sau đó đi vào ca dao tục ngữ như muốn diễn bày niềm tự hào của bao thế hệ người dân.
Phú Bông dệt lụa dệt saKim Bồng thợ mộc, Ô Gia thợ rừng
            Nghề mộc ở Kim Bồng được hình thành rất sớm, gắn liền với quá trình di dân khai hoang lập làng lập xóm của bao lớp cư dân từ lưu vực sông Mã, sông Cả xa xôi hồi thế kỷ XVI - XVII. Trải qua quá trình phát triển, nghề mộc Kim Bồng phân hóa thành bốn nhánh chính gồm mộc đóng ghe thuyền, mộc xây dựng, mộc sản xuất đồ gia dụng và mộc mỹ nghệ. Nghề mộc gia dụng sản xuất những vật dụng trong gia đình. Cùng với những biến thiên của lịch sử, nghề mộc sản xuất đồ gia dụng của làng Kim Bồng cũng có những biến đổi thăng trầm nhất định. Trong những năm gần đây, nó đã tìm lại được vị thế trên thị trường và đang có những bước phát triển mới, hứa hẹn một tương lai tốt đẹp. Cũng như nhiều ngành nghề thủ công khác, yếu tố địa - lịch sử, địa - xã hội tác động không nhỏ đến qui mô, địa vực, tính chuyên nghiệp trong sản xuất mộc gia dụng ở Kim Bồng. Nếu như vùng Trung Châu, Phước Thắng chuyên sản xuất đồ mộc mỹ nghệ hay ở Đông Hà, Ngọc Thành thiên về nghề mộc đóng ghe thuyền thì mảnh đất Trung Hà, Vĩnh Thành lại là nơi phát nghiệp của nghề mộc sản xuất đồ gia dụng. Tổ chức hoạt động sản xuất của nghề mộc gia dụng thường tiến hành theo hai phương thức gồm những thợ mộc hành nghề riêng lẻ và tổ chức trại sản xuất. Những thợ mộc hành nghề riêng lẻ thường chỉ thi công sửa chữa nhỏ, sản xuất đơn lẻ những sản phẩm loại thường. Qui mô hoạt động của những trại gỗ thường lớn hơn, hình thành một cơ sở sản xuất. Lực lượng lao động gồm những người trong gia đình hoặc liên kết giữa các người thợ theo kiểu làm thuê ăn công. Chủ trại thường là người thợ cả, quản lý vấn đề tài chính, giao dịch, nhận thầu và trả lương cho thợ. Trong trại sản xuất, chủ trại, thợ cả, thợ phụ phối hợp với nhau để sản xuất sản phẩm. Chủ trại nhận học trò để truyền thụ nghề. Thợ cả là người có khả năng thiết kế sản phẩm, tay nghề cao, kinh nghiệm nhiều, thực hiện thành thạo các công đoạn sản xuất, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, kỹ thuật tinh xảo. Chính vì vậy mà thợ cả thường được giao nhiệm vụ quản lý sản xuất, được trả lương cao nhất. Tay nghề của thợ phụ thấp hơn thợ cả, có thể hoàn tất các công đoạn sản xuất nhưng không hoàn thiện như thợ cả. Học trò là người phụ việc cho thợ trong các công đoạn sản xuất đồng thời được các thợ hướng dẫn các thao tác, cách thức, trình tự sản xuất như mài lưỡi cưa, lưỡi đục, tra lưỡi bào, ra cây, lấy mực, tạo mộng... Do những đặc điểm nghề nghiệp, tính chất công việc nặng nhọc như cưa, đục, bào nên lực lượng lao động chỉ có nam giới. Những người tham gia sản xuất thường ở độ tuổi mười tám, hai mươi đến sáu lăm, bảy mươi. Xưa kia những bé trai trong làng mới mười lăm, mười sáu tuổi đã được cha, mẹ gửi học nghề ở các trại mộc. Có nhiều người đã theo đuổi nghề từ khi còn là những thiếu niên tuổi mười sáu đôi mươi đến lúc nhắm mắt xuôi tay.
          Cũng như người thợ mộc hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, phạm vi hoạt động của những người thợ sản xuất đồ gia dụng không chỉ giới hạn trong xóm trong làng hay ở đất Hội An, mà có mặt khắp nơi ở Xứ Quảng nên ca dao mới có câu:
Dang tay hốt nhúm(nắm) dăm bào
Hỏi thăm chú thợ bữa nào hồi công
Không mai thì mốt hồi công
Đất Hàn em ở, chốn Kim Bồng anh lưu chân

Hay
Dang tay hốt nhúm(nắm) dăm bào
Hỏi thăm chú thợ bữa nào hồi công
Không mai thì mốt hồi công
Thanh Hà bạn ở, Kim Bồng chàng lui

Hoặc
Hôm nay là bữa hồi công
Chốn Tam Kỳ em ở, chốn Kim Bồng anh lui
 
          Tùy thuộc vào điều kiện tự nhiên, nhu cầu xã hội mà mùa vụ sản xuất của nghề mộc gia dụng có những thay đổi nhất định. Hoạt động sản xuất diễn ra quanh năm bắt đầu từ ngày 7 tháng Giêng âm lịch (sau ngày tế  Tổ nghề đầu xuân mồng 6 tháng Giêng) đến ngày 19 tháng Chạp âm lịch (trước ngày tế Tổ nghề vào cuối năm 20 tháng Chạp). Tuy vậy, công việc thường tập trung vào những tháng mùa nắng và tháng giáp Tết. Vào những tháng giáp tết nhu cầu sơn sửa, trang trí, đóng mới đồ dùng trong gia đình tăng lên đáng kể nên hoạt động sản xuất diễn ra sôi nổi.                Trong những ngày này, âm thanh của tiếng bào, tiếng đục, khoan cưa như bản nhạc hợp xướng hòa cùng mùi hương của gỗ phảng phất, lan toả khắp xóm cùng quê.
Nguyên liệu chính để sản xuất của nghề mộc gia dụng là gỗ. Gỗ có nhiều loại được phân thành nhiều nhóm. Tùy theo đặc điểm, tính chất của từng nhóm mà người thợ sử dụng để sản xuất các loại sản phẩm khác nhau. Làng Kim Bồng nằm trong vùng địa lý Quảng Nam, nơi có nhiều loại gỗ quí lim, kiền kiền. Theo khảo cứu của Lê Quí Đôn thì loại gỗ tốt nhất ở Xứ Thuận Quảng là gỗ Hoa Lê (trắc mật) dùng làm rương hòm, ghế bàn [6: 321]. Nếu như gỗ lim, kiền kiền, chò, quỷnh được sử dụng để đóng ghe, làm nhà thì thợ mộc sản xuất đồ gia dụng chọn gỗ gõ, mít, dổi, hương, cẩm lai, xoan đào, xà cừ, mun, trắc mật... làm nguyên liệu sản xuất đồ gia dụng. Ngoài gỗ, trong quá trình sản xuất, người thợ còn dùng một số phụ liệu khác như tre, sơn, dầu rái, mực xạ, nước... Tre dùng làm chốt đóng khóa mộng, các mối liên kết giữa các bộ phận. Dầu rái, sơn để sơn phết trang trí, chống mối mọt. Nước để thấm vào lưỡi cưa khi cưa, rọc... Nửa đầu thế kỷ XX trở về trước, người thợ còn sử dụng các nguyên liệu như rơm, cơm, sáp, lá chuối để đánh bóng sản phẩm.
Anh đi làm thợ nơi nao
Để em gánh đục gánh bào đi đưa
Trời nắng cho chí trời mưa
Để em gánh đục gánh cưa đi cùng
            Qui trình sản xuất của nghề mộc gia dụng trải qua nhiều công đoạn phức tạp do vậy công cụ chế tác truyền thống rất đa dạng, gồm nhiều loại khác nhau như cưa, đục, khoan, bào..., mỗi bộ lại chia thành nhiều kiểu, kích cỡ. (Xem bảng thống kê trong phần mộc xây dựng). Để hoàn thành một sản phẩm, người thợ tiến hành qua các khâu và mỗi khâu chỉ sử dụng một số dụng cụ nhất định. Những năm gần đây, trong sản xuất, thợ mộc còn sử dụng các công cụ cơ giới để thay thế các công cụ chế tác truyền thống theo phương pháp thủ công. Cách thức sản xuất của từng sản phẩm mộc gia dụng có những nét khác nhau, nhưng nhìn chung thường tiến hành theo trình tự chung của nghề mộc là vẽ mẫu - ra cây (cưa xẻ các cây gỗ nhỏ thành những cây gỗ tương ứng với từng bộ phận sẽ làm) - dọn cây (bào láng thân gỗ) - lấy mực (đo kích thước liên kết giữa các bộ phận) - tạo mộng (làm mộng liên kết) - nhập (đóng liên kết các bộ phận thành sản phẩn hoàn chỉnh) - trau (chà láng, đánh bóng hoặc sơn, thếp sản phẩm). Sản phẩm mộc gia dụng rất đa dạng, phong phú về loại hình, kiểu dáng. Nhìn chung nó được chia thành hai nhóm: gồm đồ mớp (mướp) và đồ kép. Đồ mớp là những vật dụng đóng bằng loại gỗ thường, không được trang trí cầu kỳ. Đồ kép cũng là đồ gia dụng nhưng có kiểu dáng, mẫu mã đa dạng, làm từ loại gỗ tốt, được trang trí, chạm trổ, cẩn khảm ở một vài bộ phận của sản phẩm. Nhiều sản phẩm mộc gia dụng không chỉ có giá trị sử dụng mà còn bao hàm giá trị văn hóa, nghệ thuật cao, chứa đựng nhiều lớp văn hóa, thể hiện tính giao lưu văn hóa nhiều chiều. Những giá trị đó biểu hiện qua các đường nét, đồ án trang trí mềm mại, tinh tế, linh hoạt. Một số sản phẩm được trang trí những đồ án truyền thống như Bát bửu, Tứ thời, Tam đa, Ngũ phúc, Tứ hữu... bằng nghệ thuật chạm khắc, cẩn khảm, tiện chuốt... Ngoài ra, người thợ còn tiếp thu, sản xuất những sản phẩm mới có nguồn gốc từ Hồng Kông, Đài Loan. Dưới đây là một số loại hình sản phẩm mộc gia dụng tiêu biểu từng được sản xuất bởi những thợ mộc Kim Bồng.
            Tủ có các loại gồm tủ thờ, tủ áo quần, tủ buýp - phê, tủ đựng thức ăn. Trong những năm gần đây, do nhu cầu của thị trường cũng như trí tưởng tượng phong phú của người thợ mà một số loại tủ có kiểu dáng mới lạ được ra đời như tủ mẹ bồng con... Dường như trong tất cả các gia đình ở Hội An, công việc đầu tiên được tiến hành sau khi hoàn tất ngôi nhà là phải sắm sửa bộ tủ thờ. Tủ thờ đặt ở chính giữa ngôi nhà, trong không gian thiêng nên thợ mộc chú trọng phô diễn các đồ án, đề tài trang trí truyền thống. Tủ thờ có các bộ phận gồm chân, diềm, mặt trước, mặt hậu, mặt hông, mặt trên, cổ. Mặt trước có kiểu mặt thẳng và mặt bo cong, được ốp tiện, chạy chỉ nổi - chìm. Kiểu tủ thờ mặt trước bo cong thoạt nhìn tưởng chừng như có ba cửa ba buồng, tuy nhiên thực tế thường không có cửa, thọa hoặc cửa bố trí ở hai bên hông. Thỉnh thoảng cửa được đóng ở hai bên của mặt trước, phần giữa là cửa giả. Mặt trước của kiểu tủ thờ này được trang trí từ cổ đến diềm tủ các đề tài: Chính giữa chạm hình ông thọ - con nai hoặc tứ linh; phía trên, ở cổ tủ trang trí chữ Hán “Phước - Lộc - Thọ”; bốn góc là những vật báu trong Bát bửu; hai bên chạm hai con Hạc, phía dưới ở diềm tủ trang trí hình con dơi. Đối với kiểu tủ mặt thẳng, hai cửa được bố trí ở mặt trước, phía dưới cửa có một thọa giữa hoặc hai thọa hai bên. Mặt trước của cửa, thọa trang trí các đồ án hình học, hồi văn... Chân tủ thờ có nhiều kiểu gồm chân thẳng, chân ảng, chân quỳ chạm. Chân thẳng có chân vuông, chân tiện. Cổ tủ thường được ốp nhiều lớp chỉ nổi để tạo vẽ duyên dáng,  tăng diện tích mặt trên của tủ. Tủ thờ ngày xưa thấp hơn bây giờ, có chiều cao khoảng 1m20, ngang 0m90 - 1m00, rộng 0m55 - 0m60. Tủ thờ ngày nay cao khoảng 1m40, chiều ngang 1m20, rộng 0m60 - 0m65. Ngoài ra còn có kiểu tủ thờ mà cư dân sống ở ghe thuyền thường sử dụng. Loại tủ thờ này có kích thước nhỏ, cao khoảng 0m55, rộng 0m60, bề ngang khoảng 0m70. Kiểu tủ này có một cửa ở giữa, hai bên soi những đường chỉ cong. Mặt trước của cửa chạm trang trí các đồ án hình học...  Tủ thờ do các thợ mộc Kim Bồng sản xuất có những nét khác biệt so với tủ thờ nhiều nơi khác ở miền Bắc và miền Nam. Theo Vũ Từ Trang thì “đại đa số tủ thờ Kim Bồng làm theo dáng ba buồng ba cánh. Mỗi cánh lại soi huỳnh từng khoang và đục chạm kỹ càng, có khi còn cẩn ốc, cẩn trai cho tăng phần lộng lẫy. Tủ thờ Kim Bồng thường làm bằng gỗ gụ, gỗ hương... Tủ thờ ở Long An khác với tủ thờ ở Huế, Kim Bồng là hầu như không chạm trổ cầu kỳ... Bệ tủ và nóc tủ thờ Long An có khi được thể hiện hàng chục đường chỉ soi đều tăm tắp... Mẫu tủ thờ Long An và Hội An không nệ mẫu cổ như tủ thờ miền Bắc hoặc ở Huế, nó được cải tiến có pha chút kiểu Tây với những con tiện được bổ ốp dọc tủ” [9: 333].
            Tủ áo quần còn gọi là tủ đứng. Kết cấu gồm mặt trước, mặt trên (nóc), mặt hông, mặt hậu, chân, diềm và kiền trên, kiền dưới. Tủ áo quần có kiểu tủ ba cửa ba buồng, kiểu hai cửa hai buồng. Mặt trước của các kiểu tủ này có ốp tiện, soi chỉ trang trí các đồ án hình học. Phía dưới cửa của kiểu tủ ba buồng có ba thọa trong khi đó kiểu tủ hai buồng chỉ có một thọa nằm phía dưới cánh cửa ốp gương bên trái của tủ. Kiền trên, dưới ốp chỉ hạt cườm hoặc đường gấp khúc. Chân tủ áo quần gồm kiểu chân thẳng, chân ảng, chân thuyền. Chân thẳng gồm chân thường hình vuông, chân tròn nhọn, chân tiện. Chân thuyền có dáng giống chiếc thuyền, hai đầu bo cong. Nếu tủ áo quần chân thẳng hay chân ảng, diềm tủ được gắn ở bên dưới của kiền dưới thì tủ chân thuyền diềm được gắn trên khung chân thuyền. Phần tiếp đất chạm hai chiếc đĩa hình tròn giống như hai bánh xe. Tủ hai buồng cao khoảng 1m90 - 2m00, ngang 1m10, rộng 0m50. Tủ ba buồng cao 1m90 - 2m00, ngang 1m40, rộng 0m60. Do nhiều nguyên nhân khách quan mà trong những năm gần đây nhu cầu sử dụng loại tủ áo quần giảm mạnh cho nên nó không được sản xuất nhiều như trước đây.  Tủ chè (buýp - phê) là loại tủ thấp, dài thường được đặt trang trí ở phòng khách. Kết cấu thân chia làm ba phần gồm phần giữa và hai bên. Mặt trước của phần giữa lắp cửa gương, hai bên đóng cửa gỗ, bên dưới cửa gỗ là thọa. Đối với loại tủ buýp - phê xưa thì mặt trên của ba phần bằng nhau, trong khi đó loại tủ đời mới phần giữa cao hơn. Ngày nay, loại tủ này có bố cục, kiểu dáng trang trí đa dạng. Loại này ở miền Bắc được đặt trên sạp, ván, phản gỗ (sạp gụ tủ chè) nên thường không có chân. Tủ buýp - phê do các thợ mộc Kim Bồng sản xuất có nhiều kiểu chân gồm chân thẳng, chân thuyền, chân hia, chân cầu vồng. Chân cầu vồng dáng giống vòng cung úp, chân hia là loại chân thuộc loại tủ buýp - phê đời mới, dáng giống chiếc hia, mặt trước trang trí hồi văn. Tủ đựng thức ăn (gác - măng - dê) có nhiều kiểu dáng khác nhau, chia làm hai phần gồm phần trên để thức ăn, phần dưới đặt dụng cụ chế biến thức ăn. Mặt trước phần trên có hai cánh cửa lắp lưới thép. Phần dưới đóng song gỗ. Loại hình này đóng bằng gỗ hạng thường, mang tính sử dụng thuần tuý. 
            Bàn là loại sản phẩm có mẫu mã và kiểu dáng khá đa dạng. Tùy thuộc vào mục đích sử dụng cũng như điều kiện kinh tế mà nó được trang trí hay không. Bàn có các bộ phận gồm chân, giăng, vai (thành), mặt... Về hình dáng thì bàn được chia thành hai kiểu gồm bàn hình tròn, bàn hình chữ nhật. Bàn hình chữ nhật có kiểu bàn thường, bàn chữ “U”, chữ “H”, chữ “V”, bàn chân tiện có hai hoặc ba giăng chồng lên nhau. Bàn chữ U, H, V được phân loại căn cứ vào hình dáng của chân. Kiểu bàn thường đóng từ gỗ hạng thường, không trang trí. Kiểu bàn chữ U, H, V hay chân tiện giăng chồng, hai bộ phận khuông mặt, khuông chân đóng rời nhau. Kiểu bàn thường, bàn chân tiện thường có thọa ở vai, mặt ngoài của vai soi chỉ trang trí đồ án, mô típ hình học. Trong những năm gần đây kiểu bàn có thọa ít được ưa chuộng nên không còn sản xuất nhiều. Bàn tròn có hai bộ phận gồm chân và mặt. Hai bộ phần này có thể đóng tách rời nhau hoặc dính liền nhau. Kiểu bàn tròn gồm bàn tròn bốn chân, bàn tròn một chân. Chân, mặt của kiểu bàn tròn bốn chân có thể xếp lại được. Phần chân của bàn tròn một chân có gắn đế để giữ thăng bằng. Mặt của bàn tròn một chân có thể nằm cố định hoặc xoay tròn. Bàn  cao khoảng 0m75, dài 1m20, rộng 0m60. Kiểu bàn tròn có đường kính 1m00. Tuy nhiên kiểu bàn tròn một chân đường kính chỉ có 0m80, kiểu bàn trong bộ trường kỷ có kích thước dài 0m90, rộng 0m50, cao 0m50.
            Ghế có các bộ phận gồm chân, giăng, tay vịn, lưng tựa, mặt, vai. Cũng như các loại hình đồ mộc gia dụng khác, ghế có nhiều kiểu như ghế dựa (tựa), ghế đẩu, trường kỷ, băng... Trong đó kiểu ghế dựa (tựa), trường kỷ thường được trang trí và có mẫu mã khá đa dạng. Ghế dựa (tựa) gồm kiểu không có tay vịn và có tay vịn. Chân ghế dựa (tựa) có kiểu chân tiện hoặc chân vuông. Chân trường kỷ đóng theo kiểu chân quì nai. Ghế đẩu mặt vuông có kích thước cạnh 0m30, mặt tròn có đường kính 0m20 - 0m23. Ghế dựa cao 0m95, trong đó mặt có diện tích 0m42 x 0m38, cao mặt 0m45. Trường kỷ dài 1m65, rộng mặt 0m50. Các kiểu ghế có mặt cao hơn so với nền đất 0m45.
Giường gồm có giường thường, giường chân tiện, giường hộp. Giường có các bộ phận như đầu giường, đuôi giường, vai, thanh, vạc, chân. Giường thường không được trang trí, chân hình vuông. Đầu giường chân tiện có vòm diềm trang trí hình hoa lá, đuôi đóng song tiện, hai vai chạm mô típ trang trí hình học. Đầu của giường hộp có hộp để đựng quần áo, một số vật dụng khác. Giường rộng khoảng 1m20 đến 1m40, dài: 2m00, cao đầu: 1m00 - 1m10, cao đuôi: 0m70 - 0m80, cao vai: 0m50. Ngoài ra, có kiểu giường thùng khá đặc biệt. Kiểu này đóng giống chiếc thùng dùng để đựng đồ, có thể đặt cố định hoặc di động. Nếu kiểu di động thì bốn chân được thay thế bằng bốn bánh xe gỗ. Mặt trên lát ván, mặt bên trang trí ô hộc. Kích thước khoảng: cao 0m90, rộng 1m00, dài 1m70.
             Một loại sản phẩm mộc gia dụng được các thợ mộc Kim Bồng trước đây thường sản xuất là phản. Đây là loại sản phẩm độc đáo, thể hiện tính linh hoạt trong văn hóa ứng xử của cộng đồng cư dân Hội An. Sản phẩm này được sản xuất từ gỗ hạng tốt như mun, lim, kiền kiền, hương... Chân đóng bằng gỗ lim, kiền kiền, phần chân đế được trang trí cách điệu. Mặt phản làm từ gỗ mun, hương, gõ nên càng nằm càng bóng. Tấm phản dùng để nằm ngủ, mùa mưa làm chổ kê hàng hóa đồ đạt trong nhà khi lụt lội hoặc làm nơi nấp ẩn tránh bão. Tấm phản thường cao khoảng 0m55, rộng 1m60, dài 2m05.
             Ngoài những sản phẩm kể trên, thợ mộc Kim Bồng còn sản xuất một số mặt hàng gia dụng khác như các loại giá, kệ để kê đồ đạt, các loại rương, hòm, thùng để dựng, lưu trữ, cất giữ quần áo, tài liệu, lương thực..., khay, mâm để đặt, bưng thức ăn.   
            Do sản phẩm có hai loại là đồ mớp và đồ kép cho nên thị trường tiêu thụ của mỗi loại cũng khác nhau. Đồ mớp được người bình dân ở trong làng, các xóm, làng ở Duy Xuyên, Hội An, Điện Bàn đặt hàng. Loại đồ kép có thị trường tiêu thụ rộng, ngày xưa thường được bán hoặc sản xuất theo đơn đặt hàng của những nhà giàu, thương nhân người Tàu ở Hội An, Đà Nẵng.
            Trong quá trình hành nghề, nhiều thợ mộc sản xuất đồ gia dụng đã tích lũy cho mình ít nhiều kinh nghiệm để tạo ra một sản phẩm mộc nhanh, chắc, bền, đẹp như khi cưa/ rọc gỗ thợ phải dùng nước thấm vào lưỡi cưa, gỗ và phải chọn thế đứng/ ngồi vững, giữ cho lưỡi cưa thẳng, tay đưa cưa đều để đường cưa đi nhẹ, nhanh. Để phơi ván không bị chành, người thợ đóng cọc, phơi đứng tấm ván theo chiều dọc của tấm ván...   Cũng như các phân nhánh của nghề mộc Kim Bồng, nghề mộc sản xuất đồ gia dụng có vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế, để lại dấu ấn sâu đậm trong sinh hoạt văn hóa của cộng đồng cư dân. Góp phần tạo dựng sắc thái độc đáo của văn hóa Hội An.
 
Nguồn: Sách Nghề truyền thống Hội An, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di tích Hội An, 2008.

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây