Từ thế kỷ XV, XVI, đã có những người Việt, cộng đồng cư dân Việt từ Bắc Trung bộ, Bắc bộ đến mở đất, khai nghiệp ở Hội An và đến thế kỷ XVII - XVIII, Hội An trở thành thương cảng quốc tế lớn nhất ở Đàng Trong. Yêu cầu đảm bảo nhu cầu trao đổi thương mại cho cảng thị đã thúc đẩy sự phân công lao động diễn ra khá mạnh mẽ, do vậy có nhiều nghề thủ công, dịch vụ được hình thành, nhiều sản phẩm được sản xuất, sơ chế phục vụ nhu cầu sinh hoạt, xuất khẩu tại cảng thị Hội An. Trong bối cảnh đó, nhiều nghề thủ công, dịch vụ ở Hội An như nghề mộc Kim Bồng, nghề gốm Thanh Hà, nghề yến Thanh Châu, các làng nghề buôn Minh Hương, Hội An, Cẩm Phô, nghề rèn đã lần lượt ra đời.
Tuy nhiên, tư liệu phản ánh hoạt động của nghề rèn Hội An trong thế kỷ XVII - XVIII còn tản mác. Đến thế kỷ XIX thì ở Hội An có xuất hiện một giai thoại về sự hình thành một nhánh nghề rèn mà đến nay đang trở thành lực lượng thợ rèn chủ yếu ở Hội An. Các thợ rèn cao tuổi kể rằng: Lúc bấy giờ, có một thợ rèn họ Lê từ Điện Bàn đến định cư tại vùng đất Cẩm Châu, Hội An, phát nghiệp rèn tại đây. Sau đó, hai người con gái của ông ta đã kết hôn với hai người họ Phạm, Lâm, các chàng rể này theo cha vợ học nghề rèn rồi sau đó truyền dạy cho con cháu, đến nay đã được 6 đời (khoảng 180 năm). Do vậy mà chủ 13 lò rèn ở Hội An hiện nay đều thuộc ba tộc Lê, Phạm, Lâm và tất cả họ đều có quan hệ thân tộc.
Nhiều thợ rèn cao tuổi cho biết: Vào đầu thế kỷ XX, Hội An có ít nhất là 30 lò rèn chuyên chế tác các nông cụ, dụng nghề mộc, may, nề, buôn, gốm... Các lò được phân bố ở những đầu mối giao thông của xóm, ấp. Hoạt động của nghề rèn ở Hội An rất sôi nổi, mỗi lò rèn đều có 5, 6 người tham gia chế tác, thường xuyên có học trò nối nghiệp. Ông Phạm Dui, một thợ rèn nổi tiếng ở Hội An kể rằng: Từ cách đây 50, 60 năm, đã có nhiều thợ đóng thuyền ở Phan Thiết, Vũng Tàu đến mua các me khoan do ông làm ra, vì họ thấy những me khoan này có độ chịu lực cao, sắc, bền. Ngoài ra, nhiều dụng cụ nghề mộc, nề như lưỡi bào, lưỡi đục, bay, lưỡi cưa, thước được các lò rèn ở Hội An chế tác đã gắn bó với nhiều thợ mộc, nề đi xây dựng nhiều công trình ở các tỉnh miền Trung và miền Nam.
Nhưng do quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa mạnh mẽ từ vài chục năm gần đây, hầu hết các công cụ sản xuất bằng kim loại được chế tác công nghiệp, kiểu dáng đẹp, nhẹ, giá thành phẩm không cao đã, đang chiếm dần thị trường của đồ rèn thủ công. Do vậy, hiện nay ở Hội An chỉ có 13 lò rèn hoạt động, các lò rèn không tập trung tại một điểm như làng nghề Đa Hội (Bắc Ninh, hay phường rào (rèn) Thắng (Bắc Cạn) [2: 35 - 43] mà phân bố rải rác ở các xã, phường Cẩm Châu, Sơn Phong, Cẩm Phô, Cẩm Nam, Cẩm Hà của Hội An.
Nguyên liệu chính của nghề rèn là sắt và thép. Vào đầu thế kỷ XX, thợ rèn thường mua phôi sắt được lái buôn Hội An mua từ Trung Quốc về, ngoài ra họ còn mua nhíp xe ôtô của Pháp để rèn bởi loại thép này dày, bén, cứng nhưng không dòn. Hiện nay, thợ rèn mua sắt, thép phế liệu do người bán phế liệu bán hoặc mua phôi sắt loại 2,3 của các nhà máy thép để rèn. Đồng thời thợ rèn còn phải dùng than vụn đốt lò nung phôi, mua tre, gỗ xoan đào, dương liễu, mít làm cán dao, mác, rựa, cuốc, xẻng...
Hầu hết các sản phẩm rèn đều phải trải qui trình chế tác chung là: Chặt sắt (phân sắt thành từng đoạn phôi tương ứng với sản phẩm sẽ làm) - nung (nung mềm phôi) - đập (đập sạch bụi sắt) - đờn (đập tạo dáng) - gọt (nạo sạch, lám bén) - trui (nung, làm nguội dần để phôi không bị cứng, dòn) - sửa thẳng (đập hoàn thiện hình dáng) - mài (mài láng, bén phôi) - làm khâu (khuy), tra cán, hoàn thiện sản phẩm (đối với các sản phẩm có cán như cuốc, dao, xẻng, gỗ dùng làm cán là mít, xoan đào, dổi).
Những công cụ chủ yếu được thợ rèn dùng chế tác là búa tạ (đập, đờn phôi), de (dụng cụ kẹp phôi), bàn gọt, lưỡi gọt (nạo sạch phôi), xì rô (chấn phôi), cưa, bào (làm cán) đồng thời cần sự hỗ trợ của một số phương tiện phục vụ sản xuất như đá mài, đá thí, bệ thổi (phương tiện làm gió thổi lửa nung phôi). Cách đây 30, 40 năm về trước, bệ thổi được làm bằng hai ống trắm (bằng gỗ mít) rỗng ruột, hai đầu trên của ống đặt hai cái dĩa (đĩa được làm từ sồi nhộng, rất trơn để có thể kéo lên, đẩy xuống) bơm tạo hơi, phần dưới của hai đầu ống giao nhau tạo thành miệng móng (làm bằng đất sét), có chức năng dẫn hơi. Ống bệ hoạt động theo nguyên tắc của cái bơm hơi, tạo hơi thổi lửa than, nung sắt. Phương tiện này không được sử dụng ở Hội An từ cách đây 20, 30 năm. Trong thời kỳ kinh tế bao cấp, bệ thổi gồm các bộ phận: quạt gió bằng kim loại kết nối với vành xe đạp có tay cầm để quay, tạo gió thổi lửa. Hiện nay, các thợ rèn ở Hội An đều dùng bệ thổi gắn mô tơ điện. Ngoài ra, tại lò rèn 89 (ở Cẩm Châu), lò rèn ông Nhì (ở Cẩm Phô)... các thợ rèn còn sử dụng các dụng cụ cơ khí hiện đại như mỏ hàn, máy mài sắt để hàn kết nối, mài sản phẩm.
Từ các công cụ và trải qua nhiều công đoạn chế tác phức tạp, nặng nhọc, các thợ rèn đã biến những cục/thanh sắt thành các sản phẩm rèn đa dạng về loại hình, công dụng, cân đối về hình dáng. Nhưng sẽ không có gì nổi bật nếu các nghệ nhân rèn Hội An không sử dụng những kinh nghiệm dân gian để chế tác một số sản phẩm có độ tin cậy cao hơn so với một số sản phẩm rèn do nơi khác làm ra. Các thợ rèn Hội An đã sử dụng kỹ thuật cháy (nung sắt, thép rồi ép, trộn thép vào các phôi sắt) tạo nên các công cụ đồ mộc bén, chịu lực mạnh trong cường độ làm việc cao. Đối với me khoang hai lá, ông Hai Dui - thợ chuyên làm đồ mộc, cháy mũi khoang theo công thức: trong thép ngoài sắt (ép thép ở phần sát tâm me khoan, rìa hai lá của me khoan là thành phần sắt hoàn toàn). Với lưỡi bào, các thợ rèn ép thép vào nguyên một mặt lưỡi bào, lượng thép chiếm 3/10 tổng hợp kim sắt - thép của lưỡi bào. Búa, rìu, đục tun (ngắn) được ép thép ở giữa, đục lá được cháy thép một mặt, theo kinh nghiệm của các thợ rèn, lưỡi bào, đục lá có thân mỏng, nếu cháy thép cả mặt sẽ làm cho các sản phẩm này dòn, dễ gãy. Thợ rèn gắn quai/ cán vào lưỡi cuốc, dao cũng bằng kỹ thuật cháy rất công phu. Thép dùng để cháy tốt nhất là thép bộ phận nhíp xe ô tô của Pháp. Ngoài kỹ thuật cháy, trong khi rèn, tùy theo sản phẩm mà thợ rèn phải có kỹ thuật điều tiết lửa nung phù hợp với từng loại sản phẩm. Với sản phẩm rựa, do sống rựa dày, vật dụng này được dùng lực mạnh nên yêu cầu phải vừa bén, vừa cứng, vì vậy thợ rèn phải nung ít nhất qua 5 - 10 lửa (lần). Nhưng từ xưa, các thợ rèn cũng thường bảo nhau: Tốn than thì tan lưỡi cày, không nên nung quá nhiều lửa làm cho sản phẩm dòn, dễ gãy, nhất là đối với những sản phẩm có mặt bằng tiếp xúc rộng, chịu nhiều phản lực, độ dày không cao như cày, cuốc, xẻng, dao, lưỡi bào.
Tùy theo mỗi loại sản phẩm mà tốc độ sản xuất có thể nhanh, chậm khác nhau. Tính trung bình, một ngày, một lò rèn có 2 thợ có thể làm từ 20 - 30 cái dao mỏng, nhưng làm dao dày thì chỉ 5 - 10 cái. Hàng cũng được phân làm hai loại, hàng đặt (làm theo yêu cầu) và hàng chợ (chỉ hàng làm để bán đại trà). Hàng đặt được gia công kỹ hơn, chất lượng, giá thành cũng cao hơn, loại này được những người chuyên dùng đặt về làm công cụ, phượng tiện sản xuất. Hàng chợ được làm nhanh hơn nhưng chất lượng không cao, được bán đại trà ở chợ phục vụ cho nhu cầu gia dụng. Theo thống kê ban đầu của chúng tôi, các lò rèn ở Hội An sản xuất ít nhất là 22 chủng loại sản phẩm rèn, gồm: Công cụ nông nghiệp có cuốc, lưỡi cày, liềm; bộ phận công cụ nghề mộc, nề là các loại lưỡi cưa, lưỡi đục, lưỡi bào, lưỡi nạo, chàn chạm, me (mũi) khoan, bay; nhóm sản phẩm phục vụ nghề buôn, kim hoàn có đòn cân, đĩa cân, hòn cân, cân vàng; công cụ nghề may có kéo; các lưỡi mai là bộ phận xén đất của nghề làm gốm; sản phẩm rèn gia dụng gồm dao, rựa, mác, xẻng rìu, mai, búa, dũa... Trong đó, nhóm sản phẩm đồ mộc, nề là thế mạnh của nghề rèn ở Hội An, sản phẩm này phục vụ cho một lượng thợ mộc, nề đông đảo, nổi tiếng của vùng Kim Bồng (xã Cẩm Kim, Hội An).
Các sản phẩm rèn Hội An đều có đặc điểm chung là bền, chịu lực cao, sắc bén. Về mặt mỹ thuật, các sản phẩm có hình dáng cân đối, các góc cạnh được gia công kỹ, bề mặt sản phẩm nhẵn bóng, lâu gỉ vì được các thợ rèn mài dũa, sau đó hơ lửa rồi thoa dầu phụng. Qua điều tra các nghề thủ công truyền thống ở Hội An, chúng tôi thấy đồ rèn được sử dụng rất nhiều trong các ngành nghề thủ công truyền thống ở Hội An. Vào giữa thế kỷ XX, ông Phạm Dui, Lâm Khoai... là thợ sản xuất me (mũi) khoan, lưỡi bào tốt... được thợ mộc Kim Bồng, cả các thợ mộc, lái buôn đồ rèn ở Phan Thiết, Vũng Tàu, Đà Nẵng đến Hội An đặt hàng. Các ông Tư Tỵ (một thợ rèn ở Cẩm Nam đã qua đời, không có quan hệ thân tộc với các tộc chuyên làm rèn là Phạm, Lê, Lâm) thường làm cân dĩa các loại bán cho các hiệu người Tàu ở Hội An, ông Phạm Đắc lại nổi tiếng với những sản phẩm kéo [1: 3], kim may, sửa cân sắt. Các thợ làm gốm Thanh Hà luôn tin tưởng vào các loại mai làm đất của các thợ rèn Thanh Hà chế tác vì những sản phẩm này có độ sắc bén, lâu bị gỉ mục trong môi trường ẩm ướt...
Hiện nay, đồ rèn gia dụng ở Hội An là dao, rựa, mác thường được lái buôn mua để phân phối ở chợ Hội An, Tam Kỳ, Đà Nẵng. Những sản phẩm là công cụ sản xuất nghề mộc, nề cũng được tiêu thụ ở các chợ nhưng các thợ mộc, nề Kim Bồng thường đến đặt hàng tại lò rèn ông Dui, Lâm Khoai. Theo ông chủ lò rèn 89 (ở Cẩm Châu), có một số thợ mộc, xây dựng, lái buôn còn mua sản phẩm rèn là công cụ đồ mộc ở Hội An mang sang Lào bán.
Về văn hóa tín ngưỡng, dựa vào văn tế Tổ nghề rèn ở Hội An, chúng tôi được biết, thợ rèn Hội An thờ Tổ nghề là ông Lư Cao Sơn - Tổ sư chung của nghề rèn Việt Nam (tên dân gian là Ông Đùng), tương truyền sống vào thời Vua Hùng có công dạy dân làm rèn [2: 40]. ở Hội An, thợ rèn cúng tổ vào ngày 12 tháng 2 âm lịch hằng năm, các chủ lò rèn, thợ, học trò cùng tham gia tổ chức cúng tổ, mỗi năm cúng luân phiên tại một lò. Lễ vật cúng Tổ là hương đèn, hoa quả, gà, heo... Chủ bái là chủ lò rèn đăng cai cúng Tổ. Trong lễ cúng, các thợ rèn cầu mong Tổ nghề phù hộ cho các thợ rèn hành nghề an toàn, may mắn.
Ngoài ra còn có một số tập tục, kiêng cữ trong nghề nhằm cầu an, cầu may. Có một điểm nổi bật nữa là các chủ lò rèn Hội An thường chọn chữ số để đặt tên cho lò rèn, chẳng hạn như lò rèn 76, 89, 91, những con số này thường là năm bắt đầu mở lò. Theo các chủ lò rèn này thì họ đặt tên như vậy cho dễ gọi, dễ nhớ. Tên lò rèn được thợ khắc sắc sảo vào các sản phẩm mình làm ra với mục đích vừa tiếp thị, vừa khẳng định thương hiệu rèn của mỗi lò.
Nhìn chung, nghề rèn ở Hội An là một nghề cổ truyền, hiện vẫn còn lưu giữ yếu tố thân tộc, gia truyền trong sản xuất, truyền nghề, góp phần tạo nên nét đặc sắc trong hoạt động sản xuất nghề truyền thống ở Hội An. Nhiều thợ rèn ở Hội An cũng đã nổi tiếng khắp vùng bởi những kinh nghiệm sản xuất, kỹ năng chế tác nhất là kỹ thuật cháy (ép) thép độc đáo như ông Phạm Dui, Lâm Khoai làm đồ mộc, ông Phạm Đắc làm kéo... ông Lê Nhì, Lê Điểu làm cơ khí, nông cụ... Qua đó, có thể thấy, nghề rèn đóng vai trò không thể thiếu trong việc hỗ trợ các nghề truyền thống nổi tiếng ở Hội An phát triển như nghề mộc, nề Kim Bồng, nghề gốm Thanh Hà, nghề may, nghề buôn... Hiện nay, do tác động của bối cảnh xã hội hiện đại mà hoạt động sản xuất nghề rèn đang bị thu hẹp nhưng cũng từ bối cảnh này mà nhiều thợ rèn, lò rèn đã nhanh nhạy kết hợp mô hình sản xuất: rèn và cơ khí để tạo nên những sản phẩm hỗ trợ cho cơ khí, máy móc qua đó gìn giữ lâu dài nghề nghiệp của cha ông.
* Tài liệu trích dẫn:
1. Đỗ Huấn, Huỳnh Quốc Hải (2005): Lược sử Nghề may Hội An, tài liệu tọa đàm về Nghề may ở Hội An năm 2006.
2. Vũ Từ Trang (2002), Nghề cổ nước Việt, Hà Nội: NXB, Tr. 40.
Nguồn: Sách Nghề truyền thống Hội An, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di tích Hội An, 2008.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền