Nghề làm tranh tre dừa

Thứ năm - 12/09/2013 22:17
Cũng như các vùng nông thôn khác của Việt Nam trong thời trung, cận đại, vật liệu xây dựng là gạch, ngói, vôi đang còn là một loại hàng hóa cao cấp chỉ được sử dụng để xây dựng các công trình kiến trúc của nhà nước hay của những dòng tộc, gia đình giàu có thì những nông dân nghèo ở Hội An khi làm nhà thường chọn vật liệu sẵn có ở đại phương là tranh tre dừa... để làm nhà.
           Và theo các nghệ nhân tương truyền thì nghề làm nhà tre ở Hội An đã có từ rất lâu đời. Hoạt động của nghề này phân bố rải rác ở vùng Cẩm Châu, Cẩm Kim... và nhất là khu vực Cẩm Thanh của thị xã Hội An. Những địa phận này nằm ở phía Nam, Đông Nam thị xã Hội An, thuộc hạ lưu sông Thu Bồn và gần biển Cửa Đại do vậy vùng nước này thường xuyên bị ngập mặn, địa bàn sinh trưởng cây dừa nước. Trong đó, tại xã Cẩm Thanh có vùng dừa nước khá rộng lớn, dân gian gọi là rừng dừa Bảy mẫu phân bố ở các thôn: 2,3,4,7. Đây là điều kiện địa hình thuận lợi nghề làm nhà tranh tre dừa phát triển.
           Theo hồi cố của các thợ làm nhà dừa, cách đây khoảng 60 năm ở Hội An có hàng chục hộ chuyên làm nghề sản xuất nhà dừa, ngoài ra còn có nhiều người có thể tự làm nhà dừa cho gia đình mình. Hiện nay, ở Hội An đang có 30 hộ chuyên sản xuất các tấm lợp dừa và xây dựng nhà dừa.
          Để làm được ngôi nhà dừa hoàn chỉnh, người thợ phải tiến hành nhiều công đoạn phức tạp từ khai thác các nguyên liệu cần thiết đến chế biến, chế tác các nguyên vật liệu đó thành những sản phẩm hoàn chỉnh. Nguyên liệu đầu tiên của nghề làm nhà tranh tre dừa phải kể đến đó chính là dừa nước. Vào tháng Giêng, tháng 6 âm lịch hằng năm, thợ làm nhà dừa thường đến các vùng dừa nước Cẩm Thanh, Cẩm Châu, Cẩm Kim để khai thác. Khi đốn dừa cần khoảng 2 người, một người đốn, một người kéo. Đốn dừa ở những vùng nước sâu, xa vị trí phơi dừa thợ phải dùng ghe săn (gỗ) để đốn và chuyên chở dừa. Dụng cụ đốn dừa là dao phay. Thợ  đốn tất cả các tàu dừa già, chừa lại các nhánh non để nuôi tàu dừa con phát triển cho mùa sau và đốn từ ngoài rồi chuyển dần vào trong đám dừa.
            Sau khi đốn dừa, người thợ tiến hành sơ chế dừa thành những vật liệu thô phục vụ sản xuất sau này theo các bước sau: Trước tiên, người thợ kéo các tàu dừa cùng cỡ chất thành từng đống, đặt tàu dừa cùng chiều rồi tiến hành xé dừa. Khi xé, người thợ đứng ở phần đuôi tàu dừa, hai tay nắm hai mép đuôi của tàu lá, xé tàu dừa thành 2 mảnh. Hai phần dừa này được gọi là hai kiến dừa, gồm kiến trái, kiến phải. Tiếp đến, người thợ thực hiện công đoạn róc lá (Công đoạn này thường được thực hiện đối với những tàu dừa lớn, có lá ngang lấy lá và cộng riêng để dùng vào các mục đích khác nhau): Người ta cầm dao phay ở tay thuận, tay kia cầm tàu dừa ở phần gốc, đưa dao róc phần lá con của tàu dừa  theo chiều từ gốc về ngọn để thu được cộng và lá dừa. Phần lá được người thợ sắp lại theo cùng chiều rồi bó lại thành từng bó đem về chằm lá tấm, phần cộng được phơi riêng để dùng làm phên vách sau này. Tiếp nữa là phơi dừa theo từng kiến cùng chiều ở những khoảnh đất bằng phẳng để dừa không bị gẫy, phơi khoảng 15 nắng là khô, các thợ bó khoảng 25 cộng dừa thành một bó cho tiện khuân vác, đếm dừa. Dừa đã được phơi khô ở giai đoan này có thể đem ra sản xuất các sản phẩm cần thiết, tuy nhiên, theo kinh nghiệm của những người thợ khi dừa đã được ngâm thì sẽ có độ bền tốt hơn và tránh được mối, mọt Ngâm dừa: Dừa được ngâm ở các mương nước tại những nơi thuỷ triều lên xuống thường xuyên để nước rửa được rác bẩn, khi ngâm thợ thường liên kết các bó dừa lại với nhau, đồng thòi phải  cắm sào giữ dừa cho khỏi trôi. Phơi lại: Dừa đã ngâm được phơi lại 7 ngày, sau đó xốc các tàu dừa theo một chiều, bó cột, xỏ dây dừa ở hai đầu, rịt lại rồi chất nhiều lớp chồng lên nhau tại nơi râm mát, giữ dừa khỏi bị mục nát hoặc  quắn đuôi.
           Một loại nguyên liệu quan trọng khác dùng để  làm nhà dừa là may (dùng cột), tre (dùng làm cột, kèo). Các thợ thường chọn cây tre không quá non, quá già mới đảm bảo chịu lực tốt. Thợ dừa mua tre theo từng đám ở Hội An và cả vùng thượng lưu sông Thu Bồn như Tiên Phước, Quế Sơn... Nếu như tre được khai thác từ vùng thượng lưu sông Thu Bồn, thợ sẽ kết tre thành bè, thả theo sông Thu Bồn xuôi về Hội An hoặc chở bằng xe tải, sau đó ngâm tre từ 6 - 12 tháng nhằm chống mối mọt. Thợ thường ngâm tre ở các hói nước, người ta lấy bùn lấp lại, phủ dừa lên trên, sau đó, đào tre lên, rửa bùn, làm giàn chất tre.
            May được những người đi núi ở phía Tây Quảng Nam và Cù Lao Chàm - Hội An mang về bán tại chợ Hội An. Thợ dừa  mua về vót để làm những công việc cần thiết. Vật liệu cần thiết xây dựng nhà dừa gồm có tấm lợp bằng tranh (lá dừa), phên, bức, phong, bức quả, các loại cửa, cột, đòn tay, đòn đông, vì kèo tre. Sau đây chúng tôi xin giới thiệu cách làm  các vật liệu đó.
           Xóc tranh làm tấm lợp: Tấm lợp (tranh lợp) có các loại tranh hai, tranh ba, tranh tư, tranh năm, tranh sáu..., các tấm lợp cửa sổ, bức phong, bức quả, mái nhà. Các tấm lợp được gia công bằng kỹ thuật xóc tranh qua các bước: sắp dừa - dụi cỡ - lụi dừa - nứt tranh (nứt đường giữa trước) - tề đầu - tề đuôi (nếu cần thiết) - nẹp tranh (nẹp giữ các tấm tranh bằng cách kẹp các thanh tre) - lụi tranh (luồng kết dây tre để giữ tấm tranh thẳng).
             Làm phên: Là bộ phận che vách nhà, chức năng của nó giống tường bao của những ngôi nhà xây tường vôi, gạch, bê - tông. Hiện tại, thợ dừa đã tạo ra một số kiểu phên như: phên lá, phên lá xen cộng, phên âm dương, phên cộng một lớp và nhiều lớp lá... Tùy theo các vị trí sử dụng mà phên có thể được làm theo các kiểu dáng khác nhau như phên liền, phên trổ của đi, cửa vòm, vòm giật cấp, trổ cửa sổ, ô gió. Tùy theo chiều cao, khoảng cách của các cột mà người ta sẽ ra cỡ để xóc phên. Kỹ thuật xóc phên giống kỹ thuật xóc tranh.
            Bức phong: Là tấm mành lá dừa được gấp thành hình máng chữ V vuông góc, dùng che mưa, nắng các đầu đòn tay. Kỹ thuật làm bức phong rất đơn giản, thợ dùng các nẹp tre kẹp hai mặt tấm lá, rồi dùng lạt tre buộc lại, sau đó gấp tấm bức phong theo hình máng là xong.
             Bức quả (gia thu, khu đĩ): Là bộ phận giống tường hồi của ngôi nhà xây. Bức quả hình tam giác cân, giống hình dáng bộ kèo bìa của ngôi nhà. Cách làm bức quả tương tự làm các loại cửa chống hay cửa sổ. Thợ làm phần sườn bức quả bằng tre với các kỹ thuật khoan, nứt, sau đó lợp lá vào sườn.
            Cửa chống trước, cửa sổ: Trong kiến trúc ngôi nhà tre dừa truyền thống, phần cửa chống trước được xem là một bộ phận quan trọng. Loại cửa này với công năng khi chống lên sẽ trở thành phần hiên nhà, khi sập xuống sẽ trở thành hệ thống cửa che gió, mưa, nắng. Cửa có thể được chống cao thấp tùy ý. Vào mùa mưa, người ta thường chống cửa thấp để nước mưa dễ thoát, không gây mục lá, giữ lâu tuổi thọ của cửa. Kỹ thuật làm cửa chống trước cũng khá công phu. Trước tiên là ra tre làm sườn, liên kết các thanh tre ngang, dọc theo kiểu ô vuông nhờ các chốt và các đường nứt bằng cước hoặc mây. Sau khi làm sườn xong, người ta tiến hành lợp lá. Lá dùng để lợp cửa là lá tấm. Kỹ thuật làm cửa sổ giống như làm cửa chống trước nhưng kích thước của cửa sổ nhỏ hơn.
             Làm sườn nhà: Sườn nhà gồm có hệ thống cột, hệ vì kèo bằng tre, trong đó các bộ phận rượng (trính), kèo, đòn tay (trừ đòn Đông) được lắp ghép trước, sau đó đặt sườn nhà trên nền nhà để lấy dấu vị trí các cột rồi tiến hành đào lỗ chôn cột. Tùy theo kiểu nhà (ba gian, năm gian, có chái hay không có chái) mà người thợ bố trí các lỗ cột hợp lý... Đối với những ngôi nhà tranh để đảm bảo tính chịu lực của các cột, vì kèo thì độ sâu của lổ cột được đào sâu tối thiểu 70cm. Sau đó, các thợ dừa lại đặt chồng sườn nhà lên các cột, liên kết lại bằng các dây mây, chốt tre. Khi đã dựng hoàn tất sườn nhà,  người ta tiến hành, tra bức quả, lợp bức phong rồi lợp tranh dừa cho toàn bộ mái nhà. Cuối cùng là dựng phên, người thợ áp phên vào các cột, dùng dây may hoặc cước  cột các đầu nệp phên với cột, rồi treo lên trên các đòn tay.
             Phân công lao động trong nghề làm nhà tranh dừa hết sức đặc biệt, tất cả thành viên trong các gia đình từ cụ già đến các em nhỏ đều có thể tham gia sản xuất. Trẻ em gái từ 10 - 15 tuổi có thể tước dây, chằm lá (lá tấm). Con trai từ 10 - 15 tuổi xóc tranh, làm phên. Phụ nữ thường làm công việc đốn, xé, phơi dừa. Đàn ông cưa, đục làm sườn nhà, gia thu, bức phong, bức quả. Các cụ già vót nẹp, lụi tranh, phên, chẻ lạt, chẻ chốt, vót mây.
              Nghề làm nhà dừa hoạt động theo đơn vị hộ gia đình là chính. Các gia đình trong quá trình sản xuất có thể mượn công của nhau để làm cho kịp thời gian theo đơn đặt hàng của khách. Do nhu cầu làm nhà tranh dừa đang được phát triển, nên ở Cẩm Thanh đã hình thành một số hộ gia đình làm nhà dừa với qui mô lớn. Các hộ này thường xuyên thuê thợ là những thanh niên trong xóm để gia công sản phẩm, dựng nhà.
            Ngôi nhà dừa tỏ ra ưu thế hơn các loại nhà được làm bằng các vật liệu đơn giản khác. Độ bền của loại nhà này có thể từ 15 đến 20 năm, giá thành sản xuất lại rẻ. Chính vì vậy mà người dân ở các huyện Thăng Bình, Tiên Phước, Quế Sơn, ở một tỉnh khác như Quảng Bình, Huế... đã đến Cẩm Thanh mua phên, mái dừa nước, đặt hàng xây dựng nhà dừa.
          Ở Hội An hiện nay, nghề làm nhà tre dừa ở xã Cẩm Thanh đang phát triển với số lượng người tham gia hoạt động nghề này rất cao. Sản phẩm của nghề ngày càng mới, đa dạng như nhà Rông, Gươi, nhà sàn lục giác, pôn - ga - lâu... để đáp ứng nhu cầu các cơ sở dịch vụ, du lịch trong, ngoài tỉnh.
           Nghề làm nhà tre, dừa đã có những đóng góp tương đối lớn trong hoạt động xây dựng, phục vụ nơi ăn chốn ở của nhiều cư dân trong và ngoài tỉnh Quảng Nam trong nhiều thế kỷ qua. Nghề làm nhà dừa có qui trình sản xuất phức tạp, công phu, đi đôi với qui trình sản xuất là những kinh nghiệm, tri thức dân gian phong phú do các thế hệ thợ làm nhà dừa đúc kết nên. Đây là những tư liệu dân tộc học, kỹ thuật xây dựng quí báu cần được tìm hiểu sâu hơn.  
Nguồn: Sách Nghề truyền thống Hội An, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di tích Hội An, 2008.

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây