Lời khuyên ở Hội An

Thứ tư - 03/02/2021 02:20
Trong Di cảo thơ Chế Lan Viên tập III, ngay trang đầu có bài “Hội An”, được nhà thơ viết trước ngày ông mổ phổi (9.9.1988). Bài thơ viết theo thể 5 chữ gồm 28 câu này, có một đoạn khiến nhiều người đã hoặc sắp đến Hội An phải chú ý. Nó vừa như một lời khuyên nhưng cũng là lời “tự thú” của chính người viết ra nó.
images1501375 rrr
Phố cổ Hội An. Ảnh: Phương Thảo

Mối tình thầy - trò

Đoạn thơ như sau: “Yêu ở đâu thì yêu/ Về Hội An xin chớ/ Hôn một lần ở đó/ Một đời vang thủy triều”. Bốn câu thơ ấy sẽ rất bình thường nếu như không gắn với một kỷ niệm đau đớn của tác giả, dù “lời phi lộ” cho bài thơ, được Chế Lan Viên viết: “Tôi chẳng yêu ai ở Hội An cả, nhưng tôi yêu đô thị ấy. Tuổi thơ tôi đã ở đấy (sáu, bảy tuổi). Nhân xem các tranh Lưu Công Nhân về cao lâu Hội An, tôi tặng riêng anh bài này. Cũng là tấm lòng tôi mến anh và tài năng anh”. Tranh của Lưu Công Nhân chả liên quan gì đến “lời khuyên” trên đây cả, ta hiểu, có thể đó chỉ là cái cớ để Chế Lan Viên nhắc lại một chuyện đã xảy ra từ 45 năm trước (1943).

 

images1501376 loi khuyen Hoi An1
Quách Tấn (trái) cùng Nguyễn Đình (giữa) và Chế Lan Viên năm 1941 tại Nha Trang. Ảnh do gia đình nhà thơ Quách Tấn cung cấp.
Mọi người đều biết, mới 17 tuổi (1937), Chế Lan Viên đã trình làng với thi đàn đất Việt bằng tập thơ “Điêu tàn”. Tập thơ ấy đã đưa tên tuổi chàng trai 17 tuổi xếp ngang hàng với những thi nhân vang danh thời ấy: Thế Lữ, Xuân Diệu,… Bấy giờ, Chế Lan Viên sống cùng gia đình ở Bình Định (thành Đồ Bàn). Ông là một trong 4 người bạn nổi tiếng thuộc nhóm “Bàn thành tứ hữu” (bốn người bạn ở thành Đồ Bàn) gồm Quách Tấn, Hàn Mặc Tử, Yến Lan và Chế Lan Viên. Trong 4 người bạn ấy thì Quách Tấn lớn tuổi nhất, sinh năm 1910; kém Quách Tấn 10 tuổi và cũng nhỏ nhất là Chế Lan Viên, sinh năm 1920. Quách Tấn lúc ấy đã có gia đình cùng việc làm ổn định, thu nhập khá nên ông là “chỗ dựa” tinh thần lẫn vật chất của cả nhóm còn đang rất lêu bêu.
images1501377 TCT 3247 01
Ông Quách Giao - con trai đầu nhà thơ Quách Tấn hiện sống ở Nha Trang. Ảnh: Trần Đăng

Nhưng “bám” mãi bạn mình như thế thì cũng ngại, Chế Lan Viên tự đi tìm việc “kiếm cơm” để có điều kiện “nuôi thơ”. Ông đã chọn nghề gõ đầu trẻ ở Đà Nẵng. Đó là vào khoảng năm 1942 - 1943, Chế Lan Viên dạy Việt văn tại Trường Trung học tư thục Chấn Thanh. Trong lớp ấy có nhiều thiếu nữ xinh xắn nhưng chỉ hai cô “yêu trộm” thầy mình. Một trong hai cô đó tên là Nguyễn Thị Giáo. Chế Lan Viên đã đáp lại tình yêu của cô này. Mối tình thầy yêu trò bị “bại lộ”, cha mẹ cô Giáo cấm cửa, Chế Lan Viên đã đưa người yêu vào Nha Trang “cầu viện” Quách Tấn. Đó là vào mùa hè năm 1943. Quách Tấn bấy giờ đã 34 tuổi, vợ con đề huề, lại làm phán sự tại tòa sứ Nha Trang nên có thừa sự từng trải để “cứu bạn” trong lúc nguy nan.

Ông Quách Giao - người con trai đầu Quách Tấn kể: “Chú Hoan (tên thật của Chế Lan Viên) quyết định bỏ việc ở Đà Nẵng để vào Nha Trang, có thể là “cầu viện” cha tôi. Thím Giáo cũng đi theo chú Hoan chuyến đó. Tôi nghe cha tôi thuật lại là, sau khi biết thím Giáo bỏ nhà đi theo chú Hoan, ba mẹ thím ấy (một gia đình giàu có ở Đà Nẵng), sai người đuổi theo bằng ô tô để bắt về. Họ đến trước và “đón” tại ga Nha Trang nhưng hai người kia, có lẽ đoán được ý đồ đó nên đã xuống tàu trước ga Nha Trang một ga. Tôi không rõ là ga nào nhưng nghe cha tôi kể vậy. Đón chú Hoan đợt đó có chú Nguyễn Đình, cũng là nhà thơ và chơi rất thân với chú Hoan. Chú Hoan ở lại nhà chú Đình còn cha tôi thì gửi thím Giáo ở trong Trường Đoàn Thị Điểm. Thấy hai người quyết tâm đến với nhau như vậy nên cha tôi quyết định chọn con đường thuyết phục bên nhà gái. Ông nhờ người nói hộ với cha mẹ thím Giáo rằng, chú Hoan tuy nhà nghèo vậy nhưng đang là nhà thơ rất nổi tiếng lúc bấy giờ. Có lẽ bên nhà gái không “xiêu lòng” vì cái “mác” nhà thơ nổi tiếng đâu, song họ cũng nhận ra rằng, giờ có muốn cấm cũng chả được nữa. Con mình đã theo người yêu vượt hơn nửa ngàn cây số thì giữ gìn gì được. Vả lại, chú Hoan là người được học hành tử tế và rất đẹp trai, ăn nói lại có duyên nên họ đồng ý. Thế là cưới nhau. Cha tôi đóng một vai rất quan trọng trong cuộc hôn nhân này”.

Lời khuyên hay tự thú?

Chế Lan Viên cùng “cô học trò” Nguyễn Thị Giáo có với nhau 3 mặt con. Thế nhưng, sau khi đi tập kết, đến năm 1958 thì xảy ra sự cố khi Chế Lan Viên sang Trung Quốc chữa bệnh. Cuộc hôn nhân tưởng chừng không gì có thể lay chuyển được ấy, đến đây đã đổ vỡ. Nói lời sau cùng tại tòa, thay vì phát biểu bằng… văn xuôi, Chế Lan Viên đọc bài thơ, khiến ai có mặt hôm đó cũng xúc động: “Đến chỗ đông người anh biệt em/ Quay đi thôi chớ để anh nhìn/ Mày em trăng mới in ngần thật/ Cắt đứt lòng anh trăng của em”. Đọc đoạn thơ trên mới thấu hiểu Chế Lan Viên đã yêu vợ biết nhường nào. Đúng hơn là ông luôn nâng niu mối tình đầu ấy như một báu vật nhưng trong hoàn cảnh chẳng đặng đừng, buộc ông phải buông tay.

Năm 1989, bệnh phổi năm nào đã đưa Chế Lan Viên sang Trung Quốc chữa bệnh rồi xảy ra sự cố dẫn đến tan vỡ gia đình, giờ tái phát. Đây là quãng thời gian Chế Lan Viên có dịp chiêm nghiệm lại cả một đời cầm bút của mình. Các tập thơ Di cảo của ông như những bản “kiểm điểm” toàn bộ sự nghiệp văn chương lẫn những hoạt động ngoài văn chương của ông. Bài thơ Hội An nói trên đã ra đời trong dịp này.

Có người thắc mắc, Hội An thì có bẫy chim bẫy tình gì ở đó mà để Chế Lan Viên khuyên là “chớ có hôn ở đó”? Thực ra đọc tiếp câu sau thì mới vỡ lẽ: “Hôn một lần ở đó/ Một đời vang thủy triều”. Đúng là ngọn triều yêu đương của chàng thi sĩ 23 tuổi Chế Lan Viên đã từng dâng trào ở Hội An 46 năm trước, nay vẫn còn “vang” như vậy đó. Sao không “khuyên” đừng hôn ở Hà Nội hay ở Huế hoặc ở Quy Nhơn - những nơi mà nhà thơ đã từng sống thời thanh niên mà lại khuyên đừng hôn ở Hội An? “Truy xuất” ngược lại trên đây để thấy rằng, lúc thầy giáo Phan Ngọc Hoan (tên thật của Chế Lan Viên) dạy học ở Đà Nẵng và yêu cô học trò Nguyễn Thị Giáo, hẳn là hai người đã có những chuyến “du hành” về Hội An. Và ở đó, họ đã có những kỷ niệm đẹp, đẹp đến mức mà gần nửa thế kỷ sau, mối tình đầu ấy ngỡ đã chôn vùi trong quên lãng thì lại bừng thức khi nhà thơ biết quỹ thời gian mà tạo hóa đã dành cho mình không còn nhiều nữa.

Vì sao ông lại không thú nhận là mình viết tặng cho mối tình đầu bị thất lỡ mà phải loanh quanh “nương” vào họa sĩ Lưu Công Nhân? Điều này chỉ có chính tác giả mới có thể trả lời được. Nhưng không sao cả, ông có “tự thú” hay lấy cớ thoái thác thì bài thơ Hội An vẫn luôn thức trong lòng bạn đọc. Nhưng chẳng có đôi trai gái nào khi đến Hội An mà “vâng lời” nhà thơ đâu. Họ vẫn hôn ầm ào như triều cuộn đó thôi.

07/02/2019 11:18 | QUẢNG NAM ONLINE

Tác giả: TRẦN ĐĂNG

Nguồn tin: baoquangnam.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây